Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

RUỘNG ĐẤT THỜI LÝ- TRẦN


I. Đặt vấn đề
Vấn đề ruộng đất trong lịch sử xã hội Việt Nam nói chung và dưới thời Lý-Trần nói riêng luôn được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu. Dưới thời Lý-Trần, Việt Nam  có nhiều loại ruộng đất. Mặc dù có những loại ruộng đất mà thời Lý và thời Trần có sự khác nhau (thời Trần có những hiện tượng mà thời Lý không có như bán quan điền cho dân làm ruộng tư, hay chính thức ra đời loại hình điền trang), nhưng về tổng thể, tuyệt đại đa số các thứ ruộng đều tồn tại ở hai thời Lý- Trần. Vì vậy, nhìn chung, toàn bộ ruộng đất hai thời kì này có thể được xem xét trong cùng một thời kì lớn, gồm nhiều thế kỉ liên tục, từ thế kỉ thứ X- XIV. Tuy vậy, cũng cần phải chú ý thích đáng đến tính lịch sử của mỗi loại ruộng đất.

Việc tìm hiểu kết cấu các loại ruộng đất dưới thời Lý- Trần tương đối phức tạp, nhưng qua đó có thể xác định tính chất và mức độ phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam giai đoạn này.
II. Phân loại sở hữu ruộng đất dưới thời Lý- Trần
1. Sở hữu nhà nước
a. Bộ phận ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lý
Tịch điền  là loại ruộng nghi lễ mà hoa lợi chủ yếu dùng vào việc cúng tế lớn của Nhà nước trung ương. Nghi lễ nhà Vua đi "cày tịch điền" phổ biến dưới triều Lý, có tác dụng khuyến khích lao động nông nghiệp trong buổi đầu xây dựng chế độ phong kiến dân tộc. Diện tích ruộng tịch điền nói chung không rộng và không nhất thiết phải cố định ở một nơi - đó là đặc điểm của thời Lý. Sang đến triều đại nhà Trần, nghi lễ " Vua cày tịch điền" biến thành cúng tế đơn giản, thường thì Vua không đi cày mà chỉ một lần sai tế thần và tôn thất đi gặt lúa tịch điền (công việc này mang tính chất như đi cày tịch điền) thì diện tích ruộng tịch điền càng thu nhỏ hơn. Cũng có ý kiến cho rằng:  do cày tịch điền dưới thời Lý- Trần là một nghi lễ tượng trưng và nghi lễ đó có thể tổ chức trên bất kì loại ruộng đất nào của nhà nước, nên tịch điền không phải là loại ruộng hiện thực hoặc nếu có thì diện tích cũng quá nhỏ.
Sơn lăng so với tịch điền thì diện tích ruộng sơn lăng còn nhỏ hơn, vì đây chỉ là ruộng đất lăng tẩm của các vua, chuyên lấy hoa lợi vào việc bảo vệ và sửa chữa các lăng. Thời Lý, nhà nước có một ít ruộng sơn lăng ở Đình Bảng (Hà Bắc), thời Trần có ở  Thái Đường (Thái Bình)...Khác với tịch điền, ruộng sơn lăng không mất đi mà được bảo lưu dưới hình thức ruộng tế hay ruộng công, do làng xã quản lý. Ruộng sơn lăng thường được chọn đặt ở quê hương nhà vua.
Nhìn chung, ruộng đất tịch điền và sơn lăng không có ý nghĩa nhiều lắm trong vấn đề ruộng đất.
Dưới thời Lý -Trần, việc tổ chức khai hoang, lập đồn điền đã được tiến hành. Theo sử sách ghi chép lại, những tù binh bị bắt trong các trận đánh nhau với nhà Tống, nhà Nguyên hay Chămpa đều được đưa đi khai hoang, lập làng. Ở thời Lý, chính sách đồn điền có lẽ chưa được đặt ra cụ thể, nhưng sang thời Trần, ngoài việc cho tù binh khai hoang lập làng, Nhà nước còn lập đồn điền. Việc đặt các chức quan chánh phó đồn điền sứ chứng tỏ điều đó.
Ruộng quốc khố  hay quan điền  là một trong hai loại ruộng công (ruộng thuộc sở hữu của Nhà nước, đã khai khẩn hoặc còn bỏ hoang) trực tiếp do Nhà nước quản lý, canh tác bằng trâu cày, nông cụ của Nhà nước, với các lực lượng sản xuất nô tì thuộc nhà nước. Vì vậy, tô thuế ruộng quốc khố thường vào loại cao nhất. Ở đây, tô và thuế nhập làm một. Điều đó cho thấy tính chất sở hữu của nhà nước và  quan hệ bóc lột trong loại ruộng này.
Tóm lại, dưới thời Lý- Trần, Nhà nước Trung ương nắm trực tiếp trong tay một số ruộng đất, chủ yếu nhằm phục vụ các nghi lễ và làm nơi tù đầy những người bị tội. Đây là bộ phận ruộng công được duy trì lâu dài.
b. Bộ phận ruộng đất do làng xã quản lý hay ruộng công làng xã
Ruộng đất công trong làng xã vốn thuộc sở hữu của công xã thời nguyên thủy và mỗi làng xã có một bộ phận ruộng đất công riêng. Đây là bộ phận quan trọng nhất trong trong số ruộng sở hữu của nhà nước. Thời phong kiến độc lập, ruộng đất công của làng xã thuộc quyền sở hữu của Nhà nước trung ương. Diện tích của nó khá  lớn ở thời Trần. Chế độ sở hữu này có tính chất gián tiếp (qua chế độ tô thuế) và tối cao (địa bạ làng xã kê khai và báo lên), song đây không phải là một trạng thái ổn định, bất biến. Trên bước đường phát triển của mình, Nhà nước Trung ương đã tìm cách can thiệp sâu vào nội bộ làng xã. Bằng chính sách phong cấp thực ấp, thái ấp, thang mộc cho các quí tộc, công thần, các quan cao cấp, cung phi, công chúa, phò mã, Nhà nước Lý-Trần đã khiến nhiều làng xã rơi vào quyền chiếm hữu trực tiếp của một quí tộc hay quan lại cao cấp. Dưới thời Lý- Trần, chế độ phong cấp ruộng đất đã được nhà nước quân chủ thực hiện với các tên như: thực ấp, thực phong, thang mộc ấp, thác thao điền, thái ấp.
Đối tượng được phong cấp là một số người trong hàng ngũ quan lại, quí tộc, quan chức và người có công. Một trong những loại ruộng được phong cấp là thái ấp. Có nhiều ý kiến khác nhau về thái ấp. Có ý kiến cho rằng thái ấp là thác thao điền và cũng là thực phong, là phong cả đất lẫn nông dân. Nông dân trong thái ấp không có tên trong trương tích nhà nước mà lệ thuộc vào chủ thái ấp. Ý kiến thứ hai cho rằng thái ấp cũng chính là thực ấp, là khu vực mà người được ban có quyền thu thuế để hưởng lợi và ý kiến thứ hai này có vẻ hợp lý hơn.
Thác thao điền cũng là đất thuộc ruộng phong, là ruộng ném dao, xuất phát từ điển tích cấp ruộng của vua LýThái Tông cho đô thống thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu. Đây là một loại ruộng phong cấp thuộc sở hữu của nhà nước, bởi vì vua chỉ lấy đất công ban cho. Đất này được truyền đời kế tiếp nhưng cũng chỉ trong một triều đại mà thôi. Dĩ nhiên, thác thao điền không được phép nhượng bán cho người khác, nó là ruộng đất thế nghiệp chứ không phải là ruộng đất tư hữu. Có ý  kiến cho rằng: so với thuế của ruộng quốc khố, thì thuế ruộng thao điền nhẹ hơn từ 6 đến 12 lần, nhưng theo Đại Việt sử kí thì tất cả các loại ruộng phong đều được miễn tô thuế cả. Thác thao điền có tác dụng phát triển mối quan hệ sản xuất có bóc lột địa tô trong khuôn khổ về quyền sở hữu nhà nước về ruộng đất
Chế độ ban thực ấp, thực phong chỉ có ở thời nhà Lý. Sang thời Trần không thấy xuất hiện. Có lẽ bởi vì từ năm 1254, Nhà nước bán ruộng công và sau đó, năm 1266 Nhà nước cho phép vương hầu lập điền trang, cho nên chế độ thực ấp, thực phong không còn vai trò gì nữa. Trong thời Lý, chế độ này đã phát triển và tạo điều kiện để xây dựng một chế độ quân chủ tập trung bước đầu phong kiến hoá, nhưng từ thời Trần trở đi, chế độ đó đã nhường vai trò của mình cho chế độ điền trang.
Tóm lại: các loại thái ấp, thực ấp, thực phong, thang mộc ấp đều không phải là các hình thức sở hữu hay chiếm hữu ruộng đất - đó là loại chiếm hữu địa tô của chế độ quân chủ tập trung. Sự chiếm hữu địa tô này không biểu thị quyền sở hữu ruộng đất vì nó không gắn liền trực tiếp với ruộng đất cụ thể được xác định. Không thể coi các loại ruộng đất này là ruộng đất cụ thể, cuối cùng nó vẫn thuộc sở hữu của nhà nước. Có thể xếp nó vào ruộng công  làng xã, dưới sự quản lý của nhà nước. 
Loại ruộng phong cấp này có thể chia làm hai loại: loại phong cấp vĩnh viễn (ý nghĩa triều đại) và loại phong cấp một đời hay theo chức vụ. Thời Lý, thác thao điền là loại phong cấp vĩnh viễn, hay loại ruộng nhà Trần ban cho chùa Quỳnh Lâm và sư Pháp Loa. Nhà nước cũng lấy ruộng công của mình để ban làm ruộng tế cho các đền thần. Về nguyên tắc, cách phong cấp này làm mất đi quyền sở hữu của nhà nước đối với số ruộng đã phong cấp và cách phong cấp này làm cho tổng diện tích đất công của nhà nước giảm xuống một cách đáng kể và đó là một hướng phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất.
 Phần chủ yếu của bộ phận ruộng đất công được giao cho làng xã chia nhau cày cấy, nộp tô trực tiếp cho nhà nước. Đối với số ruộng đất này, nhà nước đã cử những chức giám đương nằm ở các địa phương trông coi việc thu tô, các vua Lý - Trần thường đi xem cày gặt ở các ruộng công của mình. Phương thức thu tô ở những ruộng đất công đó được qui định một cách khá chặt chẽ và biến nhà nước thành một địa chủ thực sự. Các điều qui định về phép quân điền cũng phân biệt rất rõ hai loại ruộng công trong làng xã và cấm ngặt việc lấy ruộng công của nhà nước để quan cấp cho nông dân.Tóm lại, bộ phận ruộng công của làng xã thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Nhà nước trung ương.
2. Ruộng đất tư nhân
Ruộng đất thuộc sở hữu của Nhà vua trong thực tế giao cho các công xã nông thôn quản lý, các thành viên chia nhau cày cấy và làm nghĩa vụ tô thuế không còn phù hợp nữa, do nhu cầu phải nâng cao hiệu suất nông nghiệp, do phương thức tổ chức quản lý canh tác, do phân hoá xã hội...dẫn đến sự giải thể của các công xã nông thôn và đi liền với nó là sự xuất hiện của sở hữu tư nhân, ghi dấu một bước phát triển của xã hội. Có thể nhận thấy rằng, chính nhà nước quân chủ đã tạo điều kiện và khẳng định quyền tư hữu ruộng đất. Năm 1135, Lý Thần Tông đã xuống chiếu: "Những người bán ruộng ao không được bội tiền lên mà chuộc lại, làm trái thì phải tội". Quyền tư hữu ruộng đất qua lệ này được khẳng định, thừa nhận.
Nhà nước Lý- Trần tạo điều kiện để sở hữu tư nhân về ruộng đất phát triển bằng nhiều cách: cho phép mua bán, chuộc theo luật lệ, bán ruộng công cho dân, cho phép vương hầu, quí tộc, phò mã lập điền trang...Rõ ràng, trên lý thuyết, ruộng đất là của nhà vua, nhưng trên, thực tế người dân có quyền sở hữu bao gồm: sử dụng, hưởng hoa lợi, mua bán, cầm nhượng, thừa kế, được nhà nước thừa nhận và bảo vệ - đây là điều đặc biệt trong chính sách ruộng đất của nhà nước Lý- Trần. Với chính sách  này, người nông dân là chủ nhân phần ruộng đất của mình (ruộng tư). Nhưng nó cũng dẫn đến những phân hoá xã hội làm một bộ phận nông dân biến thành nô tì và sự thu hẹp của ruộng đất công do làng xã quản lý- chỗ dựa của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Trên đại thể thì chính sách này mang nội dung tích cực, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích canh tác, năng xuất cao hơn, do đó sản lượng nông nghiệp toàn xã hội tăng.
Một điều nữa cần lưu ý: tuy ruộng đất tư hữu là ruộng đất trong tay tư nhân, có quyền đem nhượng bán và xét về mặt chiếm hữu địa tô thì kẻ sở hữu ruộng đất cũng là kẻ chiếm hữu toàn bộ địa tô, nhưng trong điều kiện nhà nước quân chủ chuyên chế tập trung, thì nhà nước đóng vai trò quan trọng trong sở hữu ruộng đất và địa tô, mỗi cá nhân đều phải tuân phục nó. Do vậy, mọi thứ ruộng đất (trừ các biệt lệ) đều phải nộp thuế cho nhà nước, nên chắc chắn nhà nước chiếm hữu một phần địa tô. Vì lẽ đó, quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất trong khuôn khổ nhà nước quân chủ có sự giới hạn vê mặt thuế lệ. Đây là sự chiếm hữu không phải toàn bộ địa tô mà chỉ đại bộ phận địa tô mà thôi.
Nói chung, vấn đề ruộng đất tư dưới thời Lý-Trần bao hàm những điều kiện về mua bán, về chiếm hữu đại bộ phận địa tô, để khẳng định quyền tư hữu về mặt thuế lệ, về giới hạn trong khuôn khổ của sở hữu nhà nước về mặt ruộng đất.
Một trong những hình thức sở hữu trong ruộng đất tư nhân là điền trang. Người được phép lập điền trang là vương hầu hoặc tôn thất, tiến hành khai hoang bằng lực lượng nô tì, khẩn hoang ở cả miền biển lẫn miền sông. Đây là ruộng đất thực sự của các vương hầu, quí tộc, tôn thất được nhà nước cho phép thành lập lần đâu tiên vào năm 1226. Khu vực lập điền trang không hạn chế diện tích, lực lượng sản xuất trong điền trang là tư nô của các chủ điền trang. Thời Trần, cùng với quyền hạn về tính độc lập của các vương hầu ở từng địa phương, sự hình thành điền trang tư nhân của quí tộc Trần cho thấy rõ khuynh hướng muốn vươn tới sở hữu phong kiến trong khuôn khổ một nhà nước tập quyền.
3. Ruộng đất nhà Chùa  (ruộng tam bảo)
Sở dĩ phải đặt ruộng chùa thành một mục riêng vì ruộng đất của nhà chùa thuộc cả hai loại hình sở hữu trên.
Phật giáo là tôn giáo phát triển thịnh hành nhất ở thời Lý- Trần. Để sống và tiến hành các nghi thức tôn giáo, nhà Chùa thường có trong tay ruộng đất để sử dụng hoa lợi, ruộng đất có thể lên tới hàng mấy trăm mẫu, hàng nghìn mẫu, không nhất thiết phải tập trung quanh chùa. Ruộng đất nhà chùa do nhiều nguồn đưa lại: do tư nhân cúng, vua ban cấp hay do làng xã góp vào, trích từ ruộng công của làng, hoặc có thể do bản thân nhà chùa mang tiền bạc quyên góp được, tậu ruộng cho mình. Ruộng chùa có thể thuộc những loại sở hữu khác nhau: từ ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lý được vua ban tặng (nhà chùa chỉ là người chiếm hữu), ruộng chùa thuộc đất công làng xã và ruộng chùa thuộc sở hữu tư của chùa (cá nhân cúng, chùa tự mua). Ruộng nhà chùa là một loại ruộng rất đa dạng, thực tiễn có bao nhiêu hình thái sở hữu, bao nhiêu quan hệ sản xuất thì ruộng chùa cũng có bấy nhiêu hình thức và quan hệ sản xuất. Ruộng đất nhà chùa biểu hiện chằng chéo nhiều hình thức sở hữu và quan hệ sản xuất trong thiết chế kinh tế xã hội thời Lý- Ttrần. Nó cũng đánh dấu sự hưng thịnh của Phật giáo gắn liền với chính quyền quân chủ tập trung và cuối cùng nó bao hàm những nét đổi mới trong quan hệ sản xuất. Tính chất đa dạng và nhiều chiều đó của ruộng nhà Chùa có tác dụng lâu dài duy trì các chùa ở các làng xã, trải qua bao thay đổi về chính trị, tôn giáo.
III. Kết luận
Sau khi xem xét các hình thái sở hữu các loại ruộng đất nói trên, có thể sơ bộ hình dung kết cấu sở hữu ruộng đất thời Lý- Trần với hai loại chính như sau: sở hữu nhà nước (sở hữu trực tiếp của nhà nước và sở hữu nhà nước do làng xã quản lý), sở hữu tư nhân. Ngoài ra, các hình thức cấp, phân đất như: thái ấp, thực ấp, thực phong không phảỉ là cấp phát ruộng đất thực sự, mà chỉ là hình thức ăn tô thuế. Các hình thức này nếu có quan hệ với ruộng đất thì ruộng đất ấy vẫn nằm trong số sở hữu nhà nước.
Hai loại sở hữu trên đã tồn tại cùng nhau không riêng thời Lý- Trần mà suốt trong lịch sử Việt Nam. Chỗ khác biệt của chế độ ruộng đất giữa các thời đại chủ yếu là khác biệt về cơ chế vận hành của hai loại sở hữu đó. Về thứ tự xuất hiện của chúng, hiện nay chưa có những kết luận chính xác, nhưng có điều chắc chắn, không bao giờ hai hình thức sở hữu đó hoàn toàn độc lập với nhau; trái lại, chúng tác động đến nhau và cùng tồn tại, có thể biến đổi, hoán vị cho nhau- ruộng nhà nước có thể biến thành ruộng tư, ruộng làng xã cũng vậy; ruộng tư cũng có thể sung công và biến thành ruộng làng xã, song hiếm thấy ruộng nhà nước biến thành ruộng làng xã, trong khi những trường hợp ngược lại vẫn xảy ra. Điều này cho thấy ở thời Lý-Trần, chiếm địa vị thống trị là sở hữu nhà nước bắt đầu phong kiến hoá, trong đó bộ phận ruộng đất do làng xã quản lý chiếm đa số. Chiếm địa vị mở đường là sở hữu tư nhân. Sở hữu nhà nước đóng vai trò trung tâm, khẳng định, còn sở hữu tư nhân đóng vai trò phủ định, làm tiền đề cho sự phát triển. Đây là một trong những căn cứ để có thể khẳng định: dưới thời Lý-Trần, từ thế kỉ X-XIV là giai đoạn hình thành và xác lập của chế độ phong kiến Việt Nam.
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tìm về cội nguồn,  T1,  Phan Huy Lê. Nxb. Thế giới. 1998.
4. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, T2, Phan Huy Lê. Nxb. Giáo dục. HN 1960.
5. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, T3, Phan Huy Lê. Nxb. Giáo dục. H. 1961.
6. Tìm hiểu kế sách giữ nước thời Lý- Trần, Nxb. CTQG. H.1994.
8. Lịch sử chế độ phong kiến, T1,  Trần Quốc Vượng. Nxb. Giáo dục. HN 1960.
9. Tìm hiểu lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam, Minh Tranh, Nxb. Sự thật. HN 1957.
10. Chế độ phong kiến ngăn cản bước tiến của xã hội Việt Nam, Nam Mộc, Nxb. Sự thật. H. 1955.
11. Một số tài liệu thực tế về lịch sử xã hội Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1981.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!