Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

QUAN HỆ TỘC NGƯỜI Ở VIỆT NAM


1. Dẫn luận
Những năm đầu thế kỉ XXI, nhân loại đang bước vào một kỉ nguyên văn minh mới, sự đối đầu và xung đột nhường chỗ cho hợp tác và hội nhập. Nhưng một hiện tượng lịch sử  khác đang diễn ra găy gắt - bên cạnh việc những cuộc chiến tranh cổ điển giữa các quốc gia giảm xuống, thì con số các cuộc nội chiến lại gia tăng và trở thành điểm nóng ở nhiều nơi, trên nhiều châu lục.
Quan hệ tộc người, dân tộc là lĩnh vực nhiều vấn đề phức tạp, sự cố kết, liên hiệp hay phân ly trong quan hệ dân tộc suy cho cùng vì vấn đề lợi ích. Vấn đề dân tộc là vấn đề phức tạp, đan xen nhiều chiều, biểu hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau: Dưới góc độ màu da, chủng tộc (như ở châu Phi) hay tôn giáo (Anh, Ấn Độ), ngôn ngữ (Canađa), có khi là những đòi hỏi bức thiết về quyền độc lập, bình đẳng dân tộc, dân chủ, công bằng xã hội...
Cũng có khi căng thẳng quan hệ giữa các tộc người, dân tộc nảy sinh ra ở đời sống hiện tại, nhưng lại có cội nguồn từ trong quá khứ.
 Vấn đề tộc người và quan hệ dân tộc đang nổi lên như một vấn đề cấp bách mà nhân loại phải đương đầu và giải quyết. Thực tế lịch sử đã nói lên rằng, tác động của mối quan hệ tộc người trong một quốc gia hoặc là thúc đẩy, hoặc là cản trở sự đi lên của các tộc người và của quốc gia. Nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa các tộc người và dân tộc, có cách giải quyết tối ưu mối quan hệ giữa các tộc người trong phạm vi một quốc gia đa tộc người, đa dân tộc, trong phạm vi các quốc gia trong một khu vực và trong phạm vi toàn thế giới là yêu cầu thực tiễn cấp bách của nhiều quốc gia trên thế giới. Liên Xô cũng không phải là quốc gia ngoại lệ.
2. Khái luận
 Để tìm hiểu vấn đề tộc người, quan hệ tộc ngưòi và xung đột tộc người và phân tích, lý giải vấn đề, trước hết cần thống nhất một số thuật ngữ.
Cộng đồng tộc người - hay tộc người tương ứng với thuật ngữ ethnos, ethnie, ethnicity. Thuật ngữ này được dùng trong giới khoa học từ cuối thế kỉ XIX do Vacher đờ Lapudpơ sử dụng đầu tiên và đến nay đã được sử dụng rộng rãi [6,15]. Tộc người chỉ một cộng đồng người có chung tiếng nói, một lãnh thổ (hay ở những lãnh thổ khác nhau, và trên cùng một lãnh thổ đan xen với cộng đồng tộc người khác), một lịch sử, một số tập quán, lối sống văn hoá và nhất là ý thức tự giác tộc người [7,12].
Tộc người là một phạm trù lịch sử, có phát sinh, phát triển và tiêu vong. Các tộc người không sống riêng lẻ, biệt lập, cô lập mà trong mối quan hệ nhiều chiều. Sự giao lưu văn hoá, kinh tế giữa các tộc người đã có từ thời cổ xưa. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới và toàn cầu hoá, thì mối giao lưu giữa các tộc người càng được đẩy mạnh, tính phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng.
Cùng với tiến trình lịch sử, các tộc người cũng có số phận rất khác nhau. Có những tộc người không tạo nên được một nhà nước, cam phận nô lệ hay lệ thuộc. Có tộc người là thành phần chủ yếu hay duy nhất của một quốc gia, rất phổ biến tình trạng một tộc người tản ra  sống ở nhiều quốc gia. Có khi một tộc người sống vắt ngang trên đường phân ranh giới giữa hai, ba nước tạo nên nguyên cớ thường xuyên cho sự bất ổn định giữa các nước -tình trạng này khá phổ biến ở Đông Nam Á và châu Phi.
Sự sinh tồn hay diệt vong của một tộc người rất đa dạng. Sự diệt vong thường thấy nhất của các tộc người là do hậu quả của những cuộc chinh phạt đẫm máu, không thương tiếc, làm xoá sổ hoàn toàn những tộc người thất trận. Một trường hợp phổ biến là sự cam chịu đồng hóa tộc người, ví dụ như các tộc ngưòi bị Hán hoá hay La Mã hoá. Có tộc người hưng thịnh thành những tộc người chủ thể một khu vực, do hoàn cảnh lịch sử, môi trường tự nhiên, không gian- xã hội thuận lợi. Những tộc người này thu hút vào mình những tộc người khác, các văn hoá khác, có một vị trí chủ chốt trong một quốc gia, một khu vực. Bên cạnh đó, có tộc ngưòi chịu suy thoái, chịu phân ly, rời bỏ lãnh thổ, tách ra thành những bộ phận nhỏ để hoà vào các tộc người khác, hoặc tạo nên một tộc người mới. Thường những tộc người này có số dân không nhiều, chịu thân phận lệ thuộc vào chính quyền trung ương hay địa phương.
Trong các thời kì phát triển của lịch sử nói chung và đặc biệt thời kì cận đại nói riêng, quá trình tộc người trên thế giới và ở Việt Nam đều có xu hướng phân chia hoặc hợp nhất; trong đó, xu hướng phân chia phổ biến ở giai đoạn đầu của lịch sử loài người, khi vì những yếu tố kinh tế, chiến tranh tác động tạo nên những cuộc di dân. Xu hướng hợp nhất được coi như đặc trưng cho sự phát triển đi lên của các tộc người, xu hướng này có những quá trình chủ yếu như: quá trình cố kết (hợp nhất các nhóm, tộc người có quan hệ gần về tiếng nói, văn hoá , nguồn gốc...) thành một cộng đồng người lớn hơn, quá trình hoà hợp (sự xích lại của các tộc người khác nguồn gốc, văn hoá, ngôn ngữ những gần gũi về mặt lãnh thổ, địa lý), quá trình đồng hoá (có đồng hoá tự nhiên và đồng hoá cưỡng bức, thường diễn ra trong thời gian dài)
Như vậy, ethnos dùng để chỉ cộng đồng mà các thành viên quan hệ với nhau bởi tính tộc người, là một tổng hợp các con người được hình thành về mặt lịch sử trên một lãnh thổ nhất định, có những đặc điểm chung tương đối bền vững về văn hoá- những yếu tố văn hoá thống nhất  (trong đó có ngôn ngữ) và tâm lý, có ý thức về sự thống nhất cũng như về sự khác biệt đối với các tộc người khác (ý thức tự giác tộc người) được biểu hiện dưới cái tên tự gọi (tộc danh). Như vậy, chừng nào mà cộng đồng người mang đầy đủ những tiêu chuẩn trên đây, thì đó là một tộc người riêng biệt. Khi những tiêu chuẩn đó mất đi, tộc người đó không còn tồn tại như một cộng đồng người riêng biệt nữa.
Thuật ngữ dân tộc dành để gọi các dân tộc theo nghĩa chung- nation, từ chiếm hữu nô lệ, phong kiến, TBCN hay XHCN, hoặc dùng để chỉ một quốc gia dân tộc [7,18]. Theo Lênin, dân tộc dùng để chỉ một cộng đồng xuất hiện cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản) [5,10] (quá trình  này thể hiện rõ nét ở các dân tộc Tây Âu)- dân tộc là sản vật và hình thức tất nhiên của thời đại tư sản trong quá trình phát triển của xã hội.
Trong một quốc gia có thể có một hoặc nhiều dân tộc. Dân tộc là một phạm trù lịch sử, một phạm trù xã hội. Dân tộc là hình thức chín muồi cao nhất của sự phát triển các cộng đồng dân tộc. Dân tộc là kết quả của sự vận động lịch sử xã hội của các cộng đồng người, tiếp theo là quá trình liên kết quốc tế theo một trật tự xã hội cao hơn. Dân tộc là cộng đồng người hình thành trong lịch sử, nảy sinh trên cơ sở cộng đồng về kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, phong tục và tâm lý, thể hiện ở cộng đồng văn hoá. Dân tộc được xem như cộng đồng xã hội - tộc người. Dân tộc là sự thống nhất biện chứng của các nhân tố kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng và tộc ngưòi. Nhân tố tộc người in đậm dấu ấn trong các nhân tố tạo thành dân tộc. Nhân tố tộc người trong dân tộc chủ yếu được biểu hiện trong các lĩnh vực ngôn ngữ, văn hoá, truyền thống, lịch sử, phong tục tập quán, thói quen, ý thức tâm lý, tình cảm, vv...của dân tộc. Dù nhân tố tộc người có bị nhân tố kinh tế, xã hội qui định, nhưng  nó vẫn có tính độc lập tương đối và khả năng bền vững đặc biệt.
Do những đặc điểm, hoàn cảnh lịch sử cụ thể khác nhau, nên mỗi dân tộc có những đặc điểm hình thành khác nhau, thể hiện một cách da dạng, sinh động qui luật phát triển của lịch sử.
3. Quan hệ tộc người ở Việt Nam hiện nay
Do vị trí địa lý nằm ở ngã ba đường của sự giao lưu Đông-Tây, Nam- Bắc nên Việt Nam có vị trí như cầu nối về nhiều mặt đối với các nước láng giềng và lãnh thổ Việt Nam từ hàng ngàn đời nay đã là điểm hội tụ của nhiều nhóm người nói các ngôn ngữ khác nhau với các đặc trưng văn hoá đa dạng và phong phú.
Sự đa dạng về tộc người, sự đan xen về địa bàn cư trú có căn nguyên lịch sử của nó. Từ rất lâu đời, Việt Nam nằm trong khu vực hình thành con người hiện đại homo sapiens, lại vừa là địa bàn đón nhận nhiều luồng di dân từ núi xuống, từ biển vào, từ Nam lên, từ Tây và Bắc xuống. Những đợt di cư để tìm không gian sinh tồn ấy kéo dài mãi cho đến trước Cách mạng tháng 8/1945, thậm chí có bộ phận cư dân còn di cư vào Việt Nam  ngay cả sau năm 1945. Ngoài ra, sự bùng nổ dân số ở Tây Nam Trung Quốc, các luồng di dân lớn  cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự đa dạng về dân số ở Việt Nam. Cùng với sự xâm lược của các thế  lực phong kiến phương Bắc, các đợt di dân lúc ồ ạt, lúc lẻ tẻ cũng theo vào Việt Nam, kết quả là Việt Nam và vùng Đông Nam Á là nơi tiếp nhận thường xuyên các luồng di dân, làm cho sự phân bố dân cư vùng này thêm phức tạp, làm cho các tộc người bị xé lẻ. Đó là nguyên nhân tại sao Việt Nam có một diện tích không lớn nhưng lại có 54 tộc người với 4 ngữ hệ khác nhau.
Một đặc điểm của quan hệ dân tộc ở Việt Nam  là sự cư trú xen kẽ của các tộc người trên địa bàn cả nước. Hầu như không có một nơi nào trên đất nước ta lại cư trú chỉ thuần có một tộc người, mà ít nhất cũng từ hai tộc người trở lên. Tính chất cư trú xen kẽ này thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết ở địa bàn cấp huyện, cấp xã, thậm chí ở cấp độ làng bản.
Ở một quốc gia có nhiều tộc người như Việt Nam, quan hệ tộc người là loại hình quan hệ xã hội tổng hợp. Quan hệ xã hội là môi trường tồn tại của các tộc người khác nhau, là tổng hoà những mối quan hệ giữa các tộc người, bảo đảm cho đời sống của các tộc người tồn tại và phát triển bình thường. Quan hệ tộc người ở Việt Nam là sự phát triển mọi mặt của từng tộc người đi liền với sự củng cố, phát triển của cộng đồng các dân tộc trên một quốc gia.
Các tộc người thuộc những vùng khác nhau ở Việt Nam, tuy ở những địa hình khác nhau, ở những thang bậc phát triển khác nhau, nhưng có quan hệ chặt chẽ trong quá trình lao động sản xuất và đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước. Các tộc người Việt Nam không có lãnh thổ riêng, không có chế độ chính trị riêng, cho nên quan hệ tộc người ở Việt Nam đồng thời mang tính chất quan hệ xã hội rộng lớn. Các tộc người cùng nhau chung sống lâu đời, có chung một vận mệnh lịch sử, cùng chung sự nghiệp nên đã nảy sinh một cách khách quan những ràng buộc bền chặt.
Mặc dù các tộc người có dân số nhiều, ít khác nhau, trình độ phát triển xã hội không đồng đều, nhưng có chung một tổ chức chính trị xã hội và chịu sự chi phối của tổ chức đó. Cho dù trong nội bộ tộc người có thể có tổ chức riêng nhưng chịu sự chi phối và điều hành của bộ máy chính quyền trung ương.
Do điều kiện địa hình và sự đa dạng của thiên nhiên, nên các tộc người nước ta cư trú trên một lãnh thổ dài và hẹp, có nhiều tiểu vùng với những điều kiện thiên nhiên, khí hậu khác nhau. Các tộc người cư trú ở mỗi vùng khác nhau như vậy lại có nhưng cách ứng xử với thiên nhiên khác nhau và hình thành nên những phong tục, tập quán khác nhau về canh tác, về kinh nghiệm sản xuất, về đời sống, quan hệ xã hội, tâm lý, về văn hoá, lối sống...Hơn nữa, một lãnh thổ dài và hẹp, có diện tích không rộng lắm, đa dạng về điều kiện tự nhiên, lại có hơn 50 dân tộc và các nhóm địa phương khác nhau cư trú cho nên tính phong phú, đa dạng phức tạp, tính đặc thù của mỗi dân tộc là tất yếu.
Do tính chất đa dạng về tộc người, đa dạng về thiên nhiên, khí hậu, đất đai nên các bộ phận dân cư sống ở những vùng khác nhau bị chi phối mạnh mẽ, trực tiếp bởi những điều kiện khó khăn, thuận lợi khác nhau, nên có trình độ phát triển các mặt khác nhau.
Hiện nay, chênh lệch về nhiều mặt giữa các tộc người nước ta là một thực tế không thể phủ nhận được. Chắc chắn thực tế này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến quan hệ giữa các tộc người. Khắc phục sự chênh lệch nhiều mặt này là không phải dễ dàng.     Đó là một mục tiêu nặng nề, lâu dài.
Nghiên cứu quan hệ tộc người ở Việt Nam, có thể nhận thấy trong các tộc người nửa thế kỉ qua vừa có quá trình cố kết giữa các nhóm trong nội bộ tộc ngưòi, vừa có quá trình đồng hoá tự nhiên của một bộ phận tộc người này với tộc người khác và những quá trình trên diễn ra đồng thời. Quan trọng hơn cả là quá trình cố kết và quá trình hoà hợp, mà trong đó quá trình hoà hợp là bao trùm (hoà hợp giữa các tộc người thiểu số với nhau, giữa các tộc người thiểu số với tộc người đa số), các tộc người Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh quá trình này. Về phương diện nhân chủng học, đại bộ phận các tộc người Việt Nam thuộc loại hình nam Mônggôlôit. Về phương diện ngôn ngữ, trừ một số ít nói tiếng Tạng Mianma, còn đại bộ phận các tộc người thuộc ngữ hệ lớn: Nam phương (bao gồm hai ngữ hệ nhỏ Nam Á và Nam Đảo ). Về mặt cư trú, chính sự cư trú xen kẽ rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hoá và trao đổi hôn nhân. Về mặt phát triển xã hội tuy ở các mức độ khác nhau, nhưng sự khác biệt không lớn.
Ở Việt Nam, do những yếu tố đặc thù, dân tộc Việt Nam có quá trình  hình thành không theo thông lệ như các dân tộc Tây Âu. Dân tộc Việt Nam đã hình thành rất sớm và đã trở thành một quốc gia dân tộc thống nhất ngay dưới chế độ phong kiến. Cho đến trước thế kỉ thứ XIX, quốc gia và dân tộc Việt Nam đã được hình thành. Quốc gia - dân tộc đó gồm nhiều tộc người thiểu số tập hợp xung quanh tộc người đa số là ngưòi Kinh (Việt). Dân tộc Việt Nam đã trải qua quá trình hình thành với nhiều thử thách và ngày nay đang từng bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc. Dân tộc Việt Nam  hình thành trên cơ sở kế thừa và phát huy những tinh hoa của các tộc người đã chung đúc từ mấy ngàn năm lịch sử, trên cơ sở gắn bó về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá.
Ở Việt Nam có 54 tộc người khác nhau. Tính phong phú về tộc người, đa dạng về sắc thái văn hoá là sản phẩm tất yếu của lịch sử, nhưng là một sản phẩm tích cực. Đây là điều kiện để tất cả các thành phần cư dân ở Việt Nam sớm tạo thành một cộng đồng thống nhất- cộng đồng các tộc người- dân tộc Việt Nam. Mặc dù chưa có sự chín muồi của các nhân tố kinh tế, nhưng do những điều kiện đặc thù, nhân tố tộc người đã phát triển nhanh và hội nhập với các nhân tố kinh tế, xã hội, dẫn đến sự xuất hiện dân tộc trước khi có chủ nghĩa tư bản. Sự phát triển của ý thức dân tộc, tình cảm dân tộc, sự cố kết của các thành viên trong cộng đồng để tồn tại và phát triển đã tạo nên những động lực to lớn cho sự phát triển của xã hội, cho sự hình thành dân tộc, củng cố thêm ý thức dân tộc.
Sự cố kết các thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam là yêu cầu khách quan để họ đủ sức mạnh đấu tranh thắng lợi trong quá trình dựng nước và giữ nước, trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên đầy thử thách và nạn ngoại xâm luôn luôn đe doạ tới sự sống còn của các thành phần cư dân sống trên lãnh thổ Việt Nam. Cho nên, bất kì tộc người nào trên lãnh thổ Việt Nam, ngoài ý thức về tộc người  mình, họ còn ý thức sâu sắc về một cộng đồng các dân tộc  Việt Nam thống nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Tiếng Việt
1. Quan hệ dân tộc ở miền Bắc Việt Nam (Nghiên cứu quan hệ dân tộc trong tình hình mới),  Lê Sĩ Giáo, T/C "Dân tộc học", 2/1996.
2. Lãnh thổ tộc người và mối quan hệ dân tộcLê Sĩ Giáo, T/C "Thông tin lýluận", 4/1992.
3. Quan hệ giữa các tộc người trong quốc gia dân tộc, Đặng Nghiêm Vạn. NXB CTQG. 1983.
4. Chechnia- nhìn lại, Phan Thanh Thuỷ, T/C  " Nghiên cứu quốc tế", Số 15
II. Tiếng Nga
5. Xung đột dân tộc trong không gian hậu Xô- viết,  Zdravomưslov A.G. M.1999.
6. Yếu tố ngôn ngữ trong quá trình hoà đồng tộc người, Miliukov P.H. M. 1995.
7. Vai trò của ngôn ngữ như là cơ sở văn hoá ban đầu trong đồng hoá dân tộc,  Skvorsov H. G. M.1999.
9. Tâm lý xã hội và lịch sử, Porsnev B.F. M.1979.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!