Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

TƯ TƯỞNG KẾT HỢP QUÂN SỰ VỚI QUỐC PHÒNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ



1. Đặt vấn đề
Việt Nam có vị trí địa lý- chiến lược cực kì quan trọng, cửa ngõ của nhiều đường giao thông thuỷ bộ, nằm trên con đường thiên di của nhiều tộc người, nơi giao lưu hoà đồng của nhiều nền văn minh nhân loại. Hơn nữa, Việt Nam lại có địa- kinh tế nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, vì thế,  việc thường xuyên bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó là không tránh khỏi. Bắt đầu từ cuộc xâm lược của đế chế nhà Tần tiến vào đất nước Âu lạc (năm 214 tr.CN) đến trước cách mạng tháng Tám- 1945, Việt Nam đã trải qua hơn hai nghìn năm chống giặc ngoại xâm. Vấn đề tồn tại để phát triển luôn là vấn đề quan trọng mà tổ tiên và cả dân tộc Việt Nam phải giải quyết. Trong quá trình đó, dân tộc Việt Nam đã có tư duy sáng tạo và thực tế về quốc phòng. Sức mạnh quốc phòng là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó trước hết là việc tổ chức, huy động sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn dân tộc.
Trong tiến trình lịch sử nhân loại, mỗi quốc gia đều quan tâm đến sức mạnh quốc phòng, nhưng mỗi quốc gia lại xác định nguồn sức mạnh đó khác nhau. Ở Việt Nam, trải qua nhiều thời kì, cũng như trong tiến trình lịch sử dân tộc, nguồn sức mạnh ấy đã được xác định là ở nơi dân, làm cho dân giầu thì nước mới mạnh. Nói cách khác, mối quan hệ giữa kinh tế và quốc phòng đã được dân tộc Việt Nam thấm nhuần rất sớm và giải quyết một cách hợp lý, có những chính sách thoả đáng và phù hợp để phát triển kinh tế, bởi kinh tế và quốc phòng gắn bó chặt chẽ với nhau và có tác động trực tiếp, bổ trợ cho nhau. Trong khuôn khổ của một chuyên luận nhỏ, tác giả cố gắng đi vào tìm hiểulàm rõ những chính sách kinh tế mà dân tộc Việt Nam đã đề ra trong lịch sử để củng cố đất nước và quốc phòngkế sách gắn kinh tế với quốc phòng như sự thể hiện của tư tưởng "lấy dân làm gốc" trong công cuộc bảo vệ đất nước. Bởi vì xét cho cùng, trên khía cạnh kinh tế, những chính sách ấy không ngoài mục đích nào khác nhằm làm "khoan thư sức dân", để phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng quốc phòng.
2. Tư tưởng "dân giầu, nước mạnh" và sự tác động tương hỗ giữa các chính sách kinh tế và củng cố quốc phòng
Tư tưởng "dân giầu, nước mạnh" là một tư tưởng giữ nước có giá trị lớn. Kinh tế được kết hợp với quốc phòng, phục vụ đắc lực cho việc dựng nước đi đôi với giữ nước. Đây là qui luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam.  Đây chính là công cuộc "kiến quốc" và "thủ quốc" mà dân tộc Việt Nam đã nỗ lực thực hiện từ ngàn đời nay.
"Dân giầu, nước mạnh" trong xã hội phong kiến, nhất là ở một nước nông nghiệp là chủ yếu, thể hiện trước hết ở mùa màng bội thu, lương thực sản xuất ra nhiều, đời sống nhân dân no đủ, của cải đất nước dồi dào. "Dân giầu" và "nước mạnh" có mối liên hệ khăng khít, nhân quả với nhau. Người Việt Nam đã thấu hiểu sâu sắc vấn đề này, đúc kết ra những quan điểm: "quốc phú, binh cường", "thái bình nên gắng sức, non nước vững ngàn thu", "thực túc, binh cường"... phù hợp với qui luật phổ biến, khẳng định vị trí của kinh tế, kinh tế là cơ sở của sức mạnh quốc phòng.
Trong các thế kỉ X-XV, các triều đại phong kiến đang lên đều quan tâm đến việc đẩy mạnh sản xuất, đưa nền kinh tế phát triển, mà sự thể hiện cụ thể là ở chính sách khuyến nông  chính sách mở mang giao thông,  khuyến khích tiểu thủ công nghiệp phát triển. Sử sách cũ đã ghi chép lại từ đời Lý đến đời Lê sơ đều ban chiếu khuyến nông. Trong thời kì hoà bình, các triều đại phong kiến đã coi việc làm ruộng là gốc rễ trong nước (thời Lê sơ), chủ trương dồn sức vào việc làm ruộng, khuyến khích và tổ chức công cuộc khai khẩn đất hoang, mở mang diện tích đất trồng trọt. Việc sửa sang đê điều, nạo vét sông ngòi đề phòng lụt lội, hạn hán, tăng cường thuỷ lợi, xây dựng nông trang, điền ấp... được các triều vua trên hết sức quan tâm. Nhờ chính sách khuyến nông của các triều đại phong kiến mà sản xuất nông nghiệp của nước ta lúc bấygiờ tương đối phát triển, đời sống nhân dân ổn định, thóc gạo dự trữ cho chiến tranh của triều đình và các địa phương dồi dào. Thóc lúa dư thừa chẳng những nhân dân no đủ mà triều đình còn có lương thực dự trữ nhiều năm, sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu quốc phòng của đất nước.
3. Chính sách khai khẩn, di dân lập ấp và sự hình thành các vùng kinh tế- quốc phòng
Các chính quyền phong kiến tiến bộ, đặc biệt là thời Lý, Trần, Lê đều đề ra những chính sách tiến bộ nhằm phát triển kinh tế, phục vụ mục đích "dân giầu nước mạnh", tăng nguồn thu nhập của nhà nước, ổn định đời sống nhân dân, củng cố thế mạnh của đất nước.
Trong các thế kỉ X- XV, các triều đại phong kiến đương lên: Đinh, tiền Lê, Trần, Lê sơ... rất quan tâm đến việc đẩy mạnh sản xuất thể hiện qua chính sách  khai khẩn đất hoang, mở mang diện tích trồng trọt nhất là ở những vùng biên thuỳ xa xôi. Dân số đất Việt hồi đó còn ít, ruộng đất không đến nỗi thiếu để canh tác, nhưng các triều đại phong kiến vẫn vì nhu cầu của quốc phòng mà khuyến khích việc khai hoang và di dân, vừa  làm giầu cho đất nước, vừa phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ giữ nước, trấn ải biên thuỳ. Đây còn là một hình thức qui tụ dân cư bên cạnh hình thức qui tụ dân cư bằng làng xã. Về mục đích kinh tế- xã hội, điền, ấp gần giống như làng xã, nhưng về mặt quân sự nó hơn hẳn làng xã.
Các triều Lý, Trần, Lê đều đẩy mạnh khai hoang dưới hình thức đồn điền của nhà nước, điền trang của quí tộc và khai hoang lập làng xóm của nhân dân. Thời Lý, bắt đầu lập đồn ấp và cho đưa dân lên các vùng núi phía Tây và Nam. Đến nhà Trần việc khai phá đất hoang, lập đồn điền được quan tâm hơn. Nhà nước cho lập ở mỗi lộ chức quan coi việc khẩn hoang và quản lý các đồn điền. Nhờ đó, ở vùng ven biển hạ du sông Hồng đã tồn tại các điền trang mầu mỡ, có dân cư đông đúc. Đến thời Lê sơ, công cuộc điều chỉnh dân cư và khẩn hoang, phục hoá, lập đồn điền được phát triển mạnh mẽ. Chính sách lập điền trang của nhà Lê xác định rõ: "khai thác hết sức nông nghiệp, mở rộng nguồn tích trữ cho nhà nước". Kết quả là đồng ruộng, làng xóm được mở mang thêm, nhất là vùng ven biển và biên cương phía nam. Cho đến năm 1481, nhà Lê đã mở được đến 43 đồn điền [1;379].
Không sai khi nói rằng nhờ những chính sách khẩn hoang và di dân của các triều đại phong kiến thời đó mà đã hình thành những vùng kinh tế - quốc phòng. Đặc điểm chung của các vùng kinh tế- quốc phòng này ở chỗ nó vừa là cơ sở kinh tế, vừa là nguồn dự trữ sức người, sức của tiềm tàng cho đất nước khi có chiến tranh.
Những vùng kinh tế - quốc phòng này tuy với những tên gọi khác nhau ở các thời khác nhau, nhưng đều cùng chung mục đích: làm cho quân lương được đầy đủ, quốc dụng được dồi dào, lính tráng đều là thổ dân, có công ăn việc làm thì không đảo ngũ, đóng đồn để cày bừa, trồng trọt đảm bảo được chỗ trọng yếu, lại dần làm cho làng xã phát triển theo. Nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì đây chính là sự phân bố lại lao động  (nhân lực, vật lực), xóa giảm bớt sự chênh lệch giữa các vùng miền, tạo thuận tiện cho việc cung ứng sức người, sức của khi có chiến tranh xảy ra. Thực tiễn ba cuộc kháng chiến chống giặc Mông-Nguyên (nửa cuối thế kỉ XIII) đã chứng minh điều đó. Nói chung, đây là một chính sách tích cực vì nếu nhân dân tự khai khẩn đất đai thì con đường đó lâu dài, vì cần vốn liếng, nông cụ, trâu bò... Do vậy, bằng chính sách này, nhà nước phong kiến đã đẩy nhanh tiến độ khai khẩn đất và ổn định dân cư. Ưu điểm của chính sách là có thể huy động đủ mọi loại người, dù không có một tấc sắt trong tay, đều có thể lập nghiệp được với sự trợ giúp của nhà nước, như thế, những người không có đất sẽ trở thành có đất. Ruộng đất trong nước sẽ tăng lên và khoản thuế thu về cho triều đình được nâng cao không ngừng. Trên phương diện chính trị - quân sự, đây là một hàng rào biên phòng chắc chắn, không lãng phí sản xuất và ăn bám, mà còn mang lợi cho nhà nước phong kiến. Đó là nơi sản xuất lương thực lúc thời bình, nơi cung cấp lương thảo, sức người trong chiến tranh.
4. Mạng lưới giao thông và chính sách phát triển thủ công nghiệp - sự kết hợp giữa mục đích kinh tế và quốc phòng
Một vấn đề xương sống để nền kinh tế phát triển chính là hệ thống giao thông. Các triều đại phong kiến thời xưa nhận thức sâu sắc rằng, ngoài ý nghĩa quan trọng về mặt giao lưu  kinh tế, những tuyến đường thuỷ bộ còn phục vụ đắc lực cho nhu cầu quân sự như: cơ động lực lượng, vận tải, tiếp tế, thông tin liên lạc... Do vậy, việc tu bổ, sửa sang, mở  mang giao thông được hết sức chú ý. Từ thời Lý, đê điều, các công trình thuỷ lợi được xây dựng với qui mô lớn. Vào thời Trần, đê sông ở vùng đồng bằng đã được xây đắp thành hệ thống và hàng năm được bồi trúc và bảo vệ tương đối tốt. Trong bộ máy chính quyền lúc đó có một cơ quan chuyên trách về đê điều gọi là "Hà đê sứ". Đời Lê, từ năm 1492, ở cấp xã đã có một xã trưởng chuyên trách về đê điều (đơn vị hành chính cấp cơ sở có ba xã trưỏng), trông coi  nông nghiệp.
Hệ thống giao thông thuỷ bộ từ kinh thành Thăng Long đến các địa phương cũng được mở mang thêm. Nhiều kênh ngòi được khơi thông, đào bới nối liền với các dòng sông tự nhiên, nhằm tạo thành một mạng lưới giao thông đường thuỷ vừa để tưới và tiêu nước cho đồng ruộng. Hệ thống giao thông thuỷ bộ phát triển còn có tác dụng thúc đẩy công thương nghiệp thông thương, lưu thông hàng hoá được dễ dàng, thuận lợi. Từ Thăng Long, có thể theo sông Nhị và sông Đáy qua cửa Thần Phù rồi các kênh và sông ven biển vào tới miền cực nam của đất nước lúc đó.
Thời Tiền Lê, Nhà nước đã cho mở rộng những tuyến đường sông từ Bắc vào Nam Thanh Hoá- Nghệ An. Những tuyến đường giao thông bộ cũng được xây đắp thêm. Đến thời Lý, các tuyến đường giao thông thuỷ bộ với những trạm dịch được tiếp tục mở mang. Từ Kinh đô Thăng Long có một hệ thống mạng lưới đường thuỷ, đường bộ toả đi các lộ phía Bắc đến giáp Trung Quốc, phía Nam giáp Chiêm Thành. Mạng lưới giao thông thuỷ, bộ này góp phần quan trọng trong công cuộc giữ nước, chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ở thế kỉ XI. Nhờ vậy, những cuộc hành quân cơ động của hàng chục vạn người trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông và trong những lần đánh dẹp lực lượng phong kiến phía Nam, phía Tây xâm nhập bờ cõi ( nửa cuối thế kỉ XV) được tiến hành một cách mau lẹ. Đó chính là nhờ hệ thống giao thông đã được chuẩn bị sẵn từ thời bình.
Phát triển kinh tế nông nghiệp và giao thông không thể tách rời với việc phát triển thủ công nghiệp, nhất là các ngành nghề liên quan đến quân sự, quốc phòng của đất nước. Từ thế kỉ X trở đi, ở Đại Việt đã bắt đầu xuất hiện những xưởng thủ công của nhà nước đặt ở kinh đô Thăng Long. Những xưởng thủ công này ngoài tính chất kinh tế đơn thuần như sản xuất các sản phẩm dùng trong Hoàng gia, cung đình, còn trực tiếp cung ứng cho những nhu cầu quân sự. Đó là những công xưởng đóng thuyền chiến, sản xuất vũ khí. Cùng với các xưởng thủ công của nhà nước, những xưởng thủ công gia đình cũng rất phát triển. Thời bình thì đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân địa phương, thời chiến thì mau chóng chuyển sang phục vụ các nhu cầu quân sự khác, cung cấp chủ yếu các loại vũ khí cho các lực lượng Hương binh, thổ binh, thậm chí sửa chữa và cung cấp vũ khí cho cả quân Triều đình.
Từ những chính sách tích cực như vậy, công thương nghiệp Đại Việt phát triển khá mạnh mẽ. Thăng Long đã có dáng vẻ, qui hoạch của một thành phố phồn vinh. Các thương cảng quanh năm tấp nập đón thuyền các nước phương xa.
5. Chính sách "ngụ binh ư nông" trong kế sách gắn kinh tế với quốc phòng
Thời hoà bình, các triều đại Lý, Trần, Lê đều thực hiện chính sách "ngụ binh ư nông"- quân đội luân phiên nhau tham gia tăng gia sản xuất, nhằm giảm bớt chi phí nuôi quân, đảm bảo lao động nông nghiệp, tăng dự trữ quân lương.
Đây là cơ chế hoàn thiện trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng tiềm lực quốc phòng mạnh trên cơ sở phát triển kinh tế gắn với lực lượng quân sự. Có thể coi đây là quốc sách. Chính quốc sách này đã tạo ra cho dân tộc Đại Việt có binh mạnh, lương nhiều trong thời bình, thực hiện "toàn dân là lính", "cả nước đánh giặc". Theo số liệu mà sử sách để lại thì thời nhà Lý, số quân thường trực có 7 vạn người. Thời Trần, tạm ước số quân có độ chục vạn, thời Lê sơ số quân chừng 20 vạn.  Nhưng nhờ chính sách "ngụ binh ư nông" mà không phải toàn bộ số quân này thoát ly sản xuất, thường xuyên tại ngũ. Thực tế chỉ có vài nghìn quân cấm vệ là túc trực thường xuyên, số còn lại đều được chia phiên: một bộ phận tại ngũ canh phòng, luyện tập, còn các bộ phận khác được về nhà cấy, cầy hoặc làm công nghiệp, thực hiện tự cấp, tự túc. Đặc biệt thời Lê sơ, chính sách "ngụ binh ư nông" được áp dụng một cách thường xuyên và có qui củ. Nhìn chung, nhờ ban hành và thực hiện rộng rãi chính sách này mà các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ vừa duy trì được quân đội thường trực mạnh, ít mà tinh, có lực lượng dự bị thường xuyên. Cho nên binh vẫn đủ mà không phải tiêu phí nhiều, giúp giảm chi phí ngân khố cho quân sự, đất nước hưng thịnh hơn, nhân dân  và quân đội càng thêm hăng hái chống thù.
Tóm lại, "ngụ binh ư nông" nhằm kết hợp giữa chính sách coi binh là việc lớn với chính sách trọng nông. Chính sách ấy xuất phát từ một nền văn minh nông nghiệp của một dân tộc nông nghiệp, bảo đảm thế bình quân giữa kinh tế và quốc phòng, giữa lực lượng sản xuất và lực lượng chiến đấu, bảo đảm mối quan hệ tương hỗ giữa tiền phương và hậu phương trong chiến tranh giữ nước. Có thể nói, "ngụ binh ư nông" là một quan điểm lớn, kết hợp giải quyết quốc phòng và kinh tế, phát huy tính tích cực trong hàng nghìn năm chống ngoại xâm, để bảo tồn nền độc lập và sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
6. Kết luận
Dựa vào dân, lấy dân làm gốc là nét đặc trưng trong truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sự suy vong của các triều đại đều bắt nguồn từ chỗ để mất lòng dân, không được nhân dân ủng hộ. Lòng dân ly tán, đời sống sa sút thì hoạ mất nước khó tránh khỏi. Ngay từ thế kỉ thứ XIII, Trần Quốc Tuấn đã nêu ra những luận điểm quân sự nổi tiếng như "chúng chí thành thành", "quốc gia tinh lực". Nguyễn Trãi đúc kết: "úp thuyền mới biết rõ dân như nước, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân".  Những tư tưởng trên đây đều biểu thị niềm tin tưởng vô bờ vào sức mạnh của nhân dân trong chiến tranh giữ nước - người sáng tạo ra lịch sử, là lực lượng quyết định thành bại của chiến tranh. Có thể nói, suốt thời Lý, Trần, Lê cũng như trong toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc, cha ông ta đã xác định nguồn sức mạnh cứu nước là ở nơi dân, nhân dân là nguồn sức mạnh vô tận trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chính vì vậy, nhà Lý chủ trương lấy lòng nhân ái với dân, nhà Trần coi khoan thư sức dân là thượng sách giữ nước. Những chính sách kinh tế trên đây không ngoài mục đích "khoan thư sức dân". Cùng với thái độ chăm lo đến đời sống của nhân dân bằng chế độ tô thuế vừa phải, bảo đảm cho đời sống của nhân dân được ổn định, nhà nước phong kiến mong muốn giảm bớt hoặc hoà hoãn những mâu thuẫn giai cấp, duy trì đất nước thịnh vượng, để củng cố quốc phòng và cũng là để bảo vệ chế độ phong kiến. Nguồn sức mạnh ấy là ở nơi dân. Muốn có sức mạnh ấy thì phải "khoan thư sức dân". Để "khoan thư sức dân" điều cốt yếu là phải có những chính sách tiến bộ, nhằm giúp nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. "Dân dĩ thực vi tiên", đời sống nhân dân có no ấm, ổn định thì lòng dân mới yên, mới ủng hộ triêù đình. Ăngghen từng chỉ ra rằng: trong chiến tranh có hai yêú tố quyết định: một là con người, hai là vũ khí. Hai nhân tố đều quan trọng, nhưng cuối cùng nhân tố con người là quyết định. Điều đó càng khẳng định một chân lý rằng: chỉ có dựa vào lòng dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc, tận dụng mọi tiềm lực của đất nước, của nhân dân thì mới có thể tạo nên sức mạnh chống lại và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Xét cho cùng, tư tưởng " lấy dân làm gốc" và "khoan thư sức dân" có thực hiện được chính là nhờ những chính sách kinh tế đúng đắn, làm cho "dân giầu, nước mạnh". Những tư tưởng nằm trong mối quan hệ hữu cơ, chi phối lẫn nhau, vừa là tiền đề, vừa là điều kiện, lại vừa là kết quả, để cuối cùng trở thành một phần quan trọng trong di sản quân sự của dân tộc Việt Nam mà tính thời sự của nó vẫn còn nóng hổi cho đến tận bây giờ.
Cũng cần hiểu rằng, chế độ phong kiến mặc dù có ý thức trong việc gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, nhưng vẫn là một chế độ bóc lột nông dân hà khắc. Với bản chất của chế độ phong kiến, không phải bao giờ những chính sách này cũng đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng và bảo vệ được quyền lợi của người dân, nhưng  trong chừng mực nào đó, nó tăng thêm thế mạnh của đất nước, củng cố đất nước, góp phần to lớn và việc giữ gìn và bảo vệ  Tổ quốc. Cho nên trong phạm vi bài viết, tác giả tiểu luận chỉ đi sâu khai thác những mặt tiến bộ của việc phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, như là một kế sách giữ nước bền lâu, mà mục đích cuối cùng của nó là đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tìm về cội nguồn, T1, Phan Huy Lê, NXB Thế giới. 1998.
2. Tìm về cội nguồn. T2, Phan Huy Lê, NXB Thế giới. HN 1999.
4. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. T2,Phan Huy Lê, NXB Giáo dục. HN 1960.
5. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. T3,Phan Huy Lê., NXB Giáo dục. HN 1961.
6. Tìm hiểu kế sách giữ nước thời Lý Trần, NXB CTQG. HN1994
7. Chính sách "ngụ binh ư nông"các thời Lý- Trần-Lê sơ, Nguyễn Anh Dũng, NXB KHXH. HN.1981
8. Lịch sử chế độ phong kiến, T1, Trần Quốc Vượng, NXB giáo dục. HN 1960
9. Thế kỉ X- Những vấn đề lịch sử, NXB KHXH. HN 1963.
10. Tổ tiên ta đánh giặc, Phạm Ngọc Phụng, NXB Quân giải phóng. SG 1975.


Có thể  Dowloat ở địa chỉ sau:Mục Chuyên luận, Trang Web TRI THỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!