1. Đặt vấn đề
Ăn, kiếm ăn và đổi mới cách làm ăn
là những hoạt động sinh tồn thường xuyên ở mỗi người, mọi xã hội và mọi thời
đại. Song chúng được thay đổi tuỳ thuộc vào môi trường sống cụ thể, vào năng
lực, trình độ phát triển sức sản xuất và nhu cầu tự thân của chúng nữa.
Mỗi thời đại lịch sử được đánh dấu
bằng những thay đổi có tính chất cách mạng, trước tiên trong phương thức kiếm
sống.
Thời đại đá mới với sự mở đầu bằng
cuộc cách mạng đá mới, có nội dung cơ bản là xác lập một phương thức kiếm sống
hoàn toàn mới, trên cơ sở con người phải giải quyết mối mâu thuẫn giữa một bên
là nguồn lợi tự nhiên trước mắt bị cạn dần, kiệt quệ, bị tàn phá do bản chất
của nền kinh tế khai thác gây ra và mặt khác là mối lợi do sự kết quả của sự
cộng sinh lâu dài giữa con người và các cây cối mới mang lại. Khởi nguồn bước
đầu do chăm sóc vô thức, dần dần con người ý thức được sự cần thiết phải chuyển
từ khai thác đơn thuần sang chăm sóc thiên nhiên.
Sự ra đời của nền kinh tế sản xuất, ngoài
tác dụng năng động chủ quan của con người, còn phải phụ thuộc vào yếu tố môi
trường, thiên nhiên. Những vùng nào có những loại cây hoang dại, những con vật
hoang dại, có ích lợi thiết thực cho sự phát triển của loài người, thì chính
những nơi đó với trình độ phát triển của xã hội mới có khả năng đưa chúng
từ trạng thái hoang dại sang trạng trái thuần dưỡng, phục vụ loài người.
Qua hàng vạn năm hái lượm thực vật
và săn bắt các loài động vật, con người đã đúc kết được những kinh nghiệm từ
những hoạt động đó, kết hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tự nhiên trong từng
khu vực cư trú đã bắt đầu xuất hiện các khả năng hoạt động kinh tế mới, do
chính con người chủ động sáng tạo ra, khống chế từng bước các quá trình phát
triển sinh hoạt của động thực vật, để cho thu hoạch theo tính toán dự
kiến của con người.
Lịch sử nông nghiệp thế giới đã xác
định 4 trung tâm nông nghiệp đầu tiên của loài người: Đó là Trung Đông với lúa
mì, lúa mạch, đậu Hà Lan; Trung Mỹ với ngô, khoai lang; Đông Nam Á với ráy và
lúa nước; Bắc Trung Quốc với cao lương.
Trên thế giới, trong thời đại đá
mới, đã dần hình thành một số trung tâm nông nghiệp sớm. Đông Nam Á, trong đó
có Việt Nam, đã tự phân biệt và khẳng định mình như một trung tâm nông nghiệp
trồng lúa nước.
Như vậy, Việt Nam được coi như là
một trong những trung tâm nông nghiệp sớm ở Đông Nam Á. Trong khuôn khổ của một
tiểu luận không dài, tác giả tiểu luận thông qua những chứng cứ, tài liệu khảo
cổ học các giai đoạn từ văn hoá Hoà Bình giữa đến văn hoá Đa Đút, Phùng Nguyên
trên khía cạnh cây, con và đồ gốm để đi vào làm sáng tỏ những tiền đề,
thời gian cũng như sự xuất hiện của nền kinh tế sản xuất đầu tiên tại Việt Nam.
2. Sơ qua vài nét về tiền nông
nghiệp Hoà Bình hay là Việt Nam trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng đá mới
Văn hoá Hoà Bình là một nền văn hoá
hang động: con người chưa biết làm nhà ở, phải ở trong hang. Các công cụ được
làm từ đá cuội. Điển hình là các loại công cụ được gọi là đá Sumatra. Văn hoá
Hoà Bình xuất hiện trong thời kì đá giữa (giữa đá cũ và đá mới). Chủ nhân văn
hoá Hoà Bình đã có công lao to lớn: sáng tạo ra tiền nông nghiệp đầu tiên. Gọi
là tiền nông nghiệp vì nông nghiệp mới manh nha, nguồn sống chính của người Hoà
Bình vẫn là hái lượm, săn bắn, bắt ốc, kiếm cá...
Nhìn chung, trên thế giới, thời kì
đá mới (với công cụ là đá mài) là thời kì xuất hiện nông nghiệp- nền kinh tế
sản xuất đầu tiên, cách ngày nay trên dưới 6.000 năm. Công cụ đá mài đánh dấu
sự xuất hiện của nông nghiệp. Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng nông nghiệp là đặc
trưng tuyệt đối của thời kì đá mới. Nhưng ở Đông Nam Á, nông nghiệp xuất hiện
sớm hơn, ngay từ thời kì đá giữa. Bước đi đầu tiên tạo tiền đề cho sự ra đời
của nền nông nghiệp của người Hoà Bình là họ đã có chú ý nhận xét, theo dõi
những cây dại hái lượm theo chu kì, rồi tò mò chăm sóc sơ qua vài trồng thử:
Tiền nông nghiệp ra đời. Tiền nông nghiệp Hoà Bình ở Việt Nam có lẽ không muộn
hơn 8.000 -9.000 năm
Từ các khối vỏ nhuyễn thể xếp thành
lớp, các vỏ quả mảnh hạt hiếm hoi còn giữ lại được, hay những bao tử phấn
hoa cùng các xương răng động vật hoang dã tìm thấy trong lớp đất của văn
hoá Hoà Bình sớm, cho thấy phương thức kiếm sống chủ yếu của người Hoà Bình lúc
này vẫn là hái lượm và săn bắt. Tuy nhiên sự có mặt của các loài rau ăn được
thuộc họ rau muối (chenopodiaceace), họ đậu (leguminosae), họ bầu bí
(cucurbitaceae), họ thanh mai (mairiaceae)...có nhiều khẩ năng nằm trong thành
phần thức ăn của người Hoà Bình, đã cho phép ta suy nghĩ về khả năng tồn tại của
một giai đoạn chăm sóc cây con lúc đó.
Phân tích bộ công cụ đá Hoà Bình
cũng giúp ta có cùng một hướng suy nghĩ như vậy. Qua phân tích nhóm công cụ
chặt và đào đất, ta thấy công cụ chặt đã được chế tác bởi các thủ pháp hoàn
chỉnh cao của kĩ thuật ghè. Người Hoà Bình đã tạo ra được những công cụ chặt có
rìa lưỡi khá mỏng, sắc. Những vết ghè sửa lưỡi, tạo lưỡi đã tinh tế, khiến rìa
lưỡi phẳng, không gồ ghề. Tính năng cao, số lượng nhiều của nhóm công cụ này
phản ánh nhu cầu chặt ngày một gia tăng. Phải chăng đó là nhằm đáp ứng nhu cầu
chặt cây, phá rừng, mở rộng diện tích đất trồng trọt. Liên quan đến loại
công việc này là nhu cầu đào cuốc xới đất. Chính sự định hình của nhóm công cụ
này cho thấy nhiều khả năng đây là những tín hiệu bắt đầu xuất hiện một phương
thức kiếm sống mới: chăm sóc để dần chuyển sang gieo trồng các loài cây nuôi
sống người.
Tóm lại, những chứng cứ khảo cổ học
đã dẫn ở trên cho phép giả định rằng, cư dân Hoà Bình sớm đã biết tới chăm sóc
cây cối và có thể biết tới việc trồng trọt bước đầu. Tuy nhiên, khi ấy mô thức
sống chủ yếu của người Hoà Bình sớm vẫn là hái lượm và săn bắt theo phổ rộng.
3. Những tiền đề cho sự
xuất hiện nền kinh tế sản xuất đầu tiên
·
Yếu tố ngoại sinh
Mực nước đại dương của đợt biển tiến
Flandrian làm cho môi trường sinh sống của người Hoà Bình muộn bị thu
hẹp. Mật độ dân số cao tạo ra khó khăn buộc con người phải vượt - một yếu tố
kích thích lao động, cải tiến lao động và sáng tạo. Đó là một trong những con
đường dẫn người Hoà Bình đến chăm sóc cây cối rồi phát sinh nghề nông. Thời kì
Hoà Bình, dân số tăng trưởng, môi trường hoạt động và sinh sống lại giảm. Điều
đó tạo nên một bức xúc tâm lý xã hội khiến có thể tạo quá trình sáng tạo mới.
Trong môi trường sinh thái mới- hệ sinh thái thung lũng, các cộng đồng Hoà Bình
muộn muốn thich nghi với điều kiện mới, phải điều chỉnh, thay đổi lối sống. Bên
cạnh săn bắt hái lượm, nhiều cộng đồng người Hoà Bình- Bắc Sơn đã bắt đầu và
bước đầu chuyển sang trồng trọt và chăn nuôi.
·
Sự khủng hoảng của kinh tế săn bắn hái lượm
Đây cũng là một trong những điều
kiện để nảy sinh nông nghiệp. Phân tích số lượng, thành phần giống loài động
vật có xương sống (đối tượng của hoạt động săn bắn và động vật thân mềm (đối
tượng của hoạt động hái lượm), ở các giai đoạn phát triển khác nhau của văn hoá
Hoà Bình trong khu vực Cúc Phương cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế khai thác
trở nên trầm trọng ở giai đoạn Hoà Bình muộn. Dân số tăng vọt, lại định cư trên
một địa bàn hẹp lâu dài, săn bắn, hái lượm ngày một kém phát triển. Thành phần
giống loài động thực vật khai thác ngày một cạn dần, thế cân bằng giữa xã hội
và môi trường bị phá vỡ, tạo tiền đề và yêu cầu mới cho kĩ thuật phát
triển.
·
Những tiền đề văn hoá- lịch sử
Cũng cần phải nhấn mạnh đến tiền đề
này. Đó là những cuộc chuyển cư của con người tới một môi trường mới không
thích nghi. Họ tự phá vỡ những quan hệ cũ tạo ra những biến đổi về kinh tế.
Những phân tích trên cho thấy khả
năng nảy sinh nông nghiệp trong văn hoá Hoà Bình muộn.
4. Hoà Bình muộn (Bắc Sơn) - Thời kì
mở đầu cho sự xuất hiện nền kinh tế sản xuất đầu tiên ở Việt Nam
Ở Việt Nam có nhiều cây họ ráy, ráy
mọc dễ dàng trên mọi loại địa hình, có loại chịu nước ngập (loài khoai nước),
có loại trồng trên đất khô. Ráy có chu kì phát triển hàng năm và là đối tượng
hái lượm. Sau một chu kì sinh trưởng, chỉ cần một củ con, ráy lại mọc thành cây
mới. Người nguyên thuỷ ngẫu nhiên nhận thấy hiện tượng này, chú ý và tiến dần
tới việc trồng củ. Những cây hiện nay cư dân Việt Nam đang gieo trồng và
những vết tích của chúng tìm được trong các di chỉ khảo cổ học là : cây ăn quả,
hay hạt như: bàu lọ (lagenaria), dưa chuột (cucumis), đậu nành (glycine), đậu
Hoà Lan (pisum), củ ấu (trapa), lúa (orza sativa)...và một số loài cây sinh sản
vô tính có củ như khoai nước, khoai môn, khoai sọ, củ cái, củ từ.... Mặc dù
hiện nay không có chứng cứ nào về mặt khảo cổ học, nhiều nhà nghiên cứu vẫn xem
những cây củ này là những cây trồng đầu tiên ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam
nói riêng. Thực ra, cả logíc với chứng cứ dân tộc học đều xác minh người Hoà
Bình đã biết đến hai nhóm thức ăn từ củ quả và hạt là những cây mọc phong phú
quanh nơi ở của họ và được họ chăm sóc.
Địa bàn sinh sống lại cũng có nhiều
loại lúa dại, cũng là đối tượng hái lượm theo chu kì. Mỗi năm vào mùa khô, khi
lúa chín, hạt năm trước rụng xuống ruộng, sang năm mọc thành lúa mới, hay từ
gốc lúa lại nảy ra nhánh mới...Nhận thấy hiện tượng này lặp đi, lặp lại, người
Hoà Bình đi đến việc trồng lúa. Tuy chưa thực rõ ràng, nhưng dữ kiện khảo cổ
học ngày càng ủng hộ giả thuyết cho rằng ở người Hoà Bình, Bắc Sơn trồng trọt,
đặc biệt là trồng cây có củ đã xuất hiện.
Một chứng cứ nữa cho phép nghĩ đến
khả năng tồn tại của nền kinh tế sản xuất ở giai đoạn Hoà Bình muộn là kĩ thuật
đồ đá Hoà Bình muộn (Bắc Sơn). Đây là kĩ thuật đá lớn, nguyên liệu chủ yếu để
chế tác công cụ là cuội ở sông suối, có nhiều ở địa phận này, là phác vật lý
tưởng cho cái cuốc nguyên thuỷ. Giai đoạn Hoà Bình muộn - Bắc Sơn thực sự
là bước tiến của kinh tế- xã hội nói chung, cũng như của kĩ thuật đồ đá nói
riêng. Đồ gốm và rìu mài lưỡi của văn hoá Bắc Sơn là những tín hiệu có thể của
sự xuất hiện nông nghiệp nguyên thuỷ. Ở văn hoá Hoà Bình muộn- Bắc Sơn,
cái cuốc xuất hiện và dần dần ổn định tương đối về hình dạng và chúng chiếm tỉ
lệ không nhỏ trong số công cụ sản xuất đã được biết. Đặc biệt, với công cụ làm
đất thì cuốc trở thành công cụ chính thời kì này. Tất nhiên, không nên quá vội
chắc chắn rằng với chiếc cuốc, nông nghiệp đã ra đời. Tuy nhiên không loại trừ
khả năng những chiếc cuốc đá hay cuốc xương gỗ đã được dùng vào công việc trồng
trọt hơn là hái lượm.
Trong giai đoạn phát triển này cũng
như trước đó, người Hoà Bình muộn sống chủ yếu ở các thung lũng miền núi. Các
di tích khảo cổ cho thấy trung bình cứ 2 km lại có một điểm tụ cư. Mật độ cư trú
như vậy là khá dày đặc so với thời kì bấy giờ. Trong các thung lũng , người Hoà
Bình muộn đã khai thác, trồng trọt cả ba nhóm cây quả củ ở cả ba thế đất. Những
khu đất cao tương đối bằng phẳng ở trước cửa hang dùng để trồng các cây ăn quả
như trám, bầu bí, mướp, mận, rau đậu hay các cây có củ như củ từ, khoai vạc...Ở
những vạt đất thấp, ven sông suối có thể trồng khoai sọ, khoai môn, thậm chí cả
lúa. Còn ở những đám đất lầy thụt có thể trồng khoai nước, trồng lúa...
Ở những di chỉ Hoà Bình muộn, thường
gặp di cốt những động vật nhỏ. Một số răng nanh của động vật lớn được chôn theo
người chết cho thấy với cư dân Hoà Bình muộn, động vật lớn đã trở thành biểu
tượng tín ngưỡng về sức mạnh của tự nhiên. Tư liệu này gợi cho ta thấy chiều
hướng suy thoái trong hoạt động săn bắn của cư dân Hoà Bình.
Cùng với sự nảy sinh của kĩ
thuật mài đá là sự xuất hiện của gốm trong di tích Hoà Bình muộn. Gốm tuy có
lượng ít nhưng có đặc điểm gần gũi về chất liệu, hoa văn và kiểu dáng. Gốm
thường được gắn với các bộ lạc định cư nông nghiệp. Có lẽ ở đây có những thay
đổi nào đó trong việc chế biến thức ăn và những đòi hỏi mới cần sử dụng gốm mà
các giai đoạn trước không có.
Một nhóm công cụ hết sức quan trọng
khác liên quan đến việc gia công thực phẩm của cư dân Hoà Bình là bàn nghiền. Ở
giai đoạn Hoà Bình muộn trong các di chỉ Cúc Phương chúng chiếm số lượng
tuyệt đối: ở Hang Đắng có 26 chiếc trong số 93 công cụ đá. Việc tăng vọt số
lượng chày và bàn nghiền liên quan những đòi hỏi mới khác trước về gia công
những loại thực phẩm hạt quả. Không loại trừ khả năng những thực phẩm được gia
công bằng chày và bàn nghiền và được nấu chín đựng bằng gốm có liên quan đến
sản phẩm từ trồng trọt.
Liên quan tới cây trồng, đất trồng
và phương thức trồng là những công cụ sản xuất tương ứng. Nếu như ở giai đoạn
Hoà Bình sớm - giai đoạn chăm sóc và trồng trọt sơ khai, từ nhu cầu chặt cây
cuốc đất đã hoàn chỉnh bộ công cụ chặt và làm nảy sinh bộ công cụ đào đất, thì
đến giai đoạn này, ưu việt của kĩ thuật mài đá được tập trung ưu tiên cho việc hoàn
chỉnh rìa lưỡi công cụ chặt và công cụ đào đất bằng đá. Tỉ lệ rìu mài lưỡi
trong số các công cụ chặt ngày một lớn và từ các công cụ mài lưỡi này, tỉ lệ
cuốc đá ngày một tăng (ở giai đoạn Hoà Bình muộn trong các di chỉ khảo
cổ, tỉ lệ cuốc mài lưỡi trong các công cụ mài lưỡi chỉ chiếm khoảng 11,1
%, thì ở giai đoạn Bắc Sơn tỉ lệ đó đã tăng lên 20,3 %).
Ở Việt Nam vào thời kì Hoà
Bình muộn (văn hoá Bắc Sơn), người ta đã phát hiện ra cầy Bắc Sơn , một loại
cày có lưỡi đá, có nhiều loại rìu đá và một số cuốc đá, thể hiện bước đi của
tiền nông nghiệp với công cụ tạm gọi là "chuyên dùng". Rồi đến các
loại bàn nghiền hạt, các di tích của lọ hay hũ để đựng sản phẩm nông nghiệp
dạng hạt... Người ta cũng phát hiện ra phấn hoa cây lúa ở hang Bắc Sơn, thóc ở
Xóm Trại. Tất cả điều đó cho phép khẳng định rằng, vào thời đá giữa, tiền nông
nghiệp đã xuất hiện, để rồi sau đó tiến triển đi đến cách mạng đá mới, với nông
nghiệp rõ ràng.
Tài liệu khảo cổ học gián tiếp về
cây lúa là những hình khắc có bóng dáng cây cỏ, trên các hòn cuội ở Làng Bon
(Thanh Hoá), Kim Bảng, trên những mũi nhọn ở Lam Gan (Hà Sơn Bình). Đó là những
hình tượng thể hiện một cách chọn lọc, phản ánh mối quan hệ giữa người Hoà Bình
với các thực vật gắn bó với cuộc sống của họ lúc đó. Tài liệu khảo cổ học gần
đây nhất về các hạt lúa hoá than có dạng thon dài, nhỏ ở hang Xóm Trại (Hà Sơn
Bình), cho phép ta nghĩ về một khả năng trồng lúa sơ khai của người Hoà Bình
muộn (của người Bắc Sơn).
Tóm lại, thông qua những số liệu về
đổi thay kĩ thuật (hoàn chỉnh kĩ thuật ghè, xuất hiện kĩ thuật mài đá) và sự
thay đổi những tương quan trong tập hợp các công cụ đá, chủ yếu của người Hoà
Bình muộn- Bắc Sơn và những chứng tích của động thực vật cộng với những tài
liệu dân tộc học- nông nghiệp, các di tích thủ công nghiệp (gốm) đều ủng
hộ giả thuyết sề sự tồn tại thực sự về bước khởi đầu nông nghiệp ở Việt
Nam và nền kinh tế sản xuất đầu tiên tại đây.
4. Thời kì văn hoá Đa Bút- bước phát triển tiếp theo của nền kinh tế sản xuất ở
Việt Nam
Mặc dù các mẫu động vật và thực
vật thu thập tại đây còn nghèo nàn, nhưng dựa vào phân tích các bào tử phấn hoa
tập hợp bước đầu ở di chỉ Cồn Cỏ Ngựa, bao gồm các cây thuộc họ đậu, họ dừa,
cau ... các nhà nghiên cứu đã đi tới kết luận: con người xưa ở di chỉ trên có
thể đã biết sử dụng, hoặc trồng những cây ăn quả và cây lương thực.
Sống trong môi trường cảnh quan đã
khác hơn trước, lại nhờ kĩ thuật sản xuất phát triển, con người có thể đẩy mạnh
hơn nữa việc khai thác tiềm năng của các cây lương thực ưa nước như khoai sọ và
lúa. Ngoài ra, nhóm công cụ hình rìu được chế tác bằng kĩ thuật ghè - mài,
trong đó có những lưỡi cuốc, số lượng tăng lên rõ rệt. Ở di chỉ Đa Bút có 17
cuốc trên 54 công cụ hình rìu ghè, còn ở Cồn Cổ Ngựa là 23/87 chiếc.
Ở di chỉ Đa Bút đã tìm thấy nhiều đồ
gốm có đáy tròn, miệng rộng khoảng 15-20 cm, và nhiều công cụ đá
giống với rìu mài lưỡi Bắc Sơn, nhưng đã mài rộng lên cả hai mặt. Khi phân tích
vết mòn trên những công cụ đá này, ngưòi ta đã không loại trừ khả năng đây là
những chiếc cuốc. Có thể cho rằng nông nghiệp dùng cuốc đã bắt đầu trong
văn hoá Đa Bút. Ở Cồn Cổ Ngựa, các nhà động vật học đã nhận ra xương cốt của
trâu nuôi và lợn nuôi và cả xương bò nuôi. Như vậy là trong văn hoá Đa Bút, bên
cạnh trồng trọt đã có chăn nuôi.
Sự phát triển kĩ thuật và loại hình
của bộ công cụ làm đất đã gián tiếp nói lên khả năng phát triển của cả cây có
củ lẫn cây lúa bên cạnh cây ăn quả. Điều đó nói lên tính chất tạp canh của nền
nông nghiệp sớm ở Việt Nam.
5. Văn hoá Phùng Nguyên- sự phát
triển của cây lúa nước
Còn về cây lúa, nhiều nhà khảo cổ
học cho rằng cư dân hậu kì đá mới ở Việt Nam đã biết trồng lúa. Nhưng đến nay
vẫn chưa tìm thấy dấu tích lúa trong các di chỉ thời kì này. Dấu vết đích thực
của thóc lúa chỉ tìm thấy trong các di chỉ của thời đại kim khí (ở nhiều di chỉ
của văn hoá Phùng Nguyên-- văn hoá sơ kì thời đại đồng thau). Đặc biệt là thóc
gạo cháy tìm được rất nhiều trong các bếp nằm ở lớp sâu nhất trong di chỉ Đồng
Đậu (tỉnh Vĩnh phú). Các bếp này thuộc tầng văn hoá giai đoạn muộn của văn hoá
Phùng Nguyên. Là loài cây dại ưa nước, thoạt đầu lúa mọc ở những vùng đầm lầy
và chân núi. Cùng với quá trình con người chiếm lĩnh làm chủ đồng bằng, cây lúa
nước đã được con người chọn lọc, lai tạo.
Tuổi của cây lúa trồng xưa nhất hiện
biết là khoảng 6.000 năm nay, có mặt ở những bình tuyến văn hoá khác nhau và
trên cả ba miền. Các di chỉ khảo cổ học tìm thấy chủ yếu ở miền lưu vực các
sông, vùng đồng bằng . Điều này chứng tỏ rằng, cư dân lúc này đã đổi mới cách
kiếm sống, từ bám rừng chuyển sang bám ruộng, bám đất. Từ trong lòng hàng loạt
di tích (đặc biệt các di tích tương đối gần với văn hoá Phùng Nguyên), có
thể chắt lọc ra hàng loạt các vết tích, di vật, phản ánh một nền văn hoá nông
nghiệp trồng lúa nước đã bước đầu phát triển. Đã phát hiện ra rất nhiều hạt
thóc gạo hoá than và vết các hạt thóc in trên một di vật đặc sắc của hệ
thống văn hoá Phùng Nguyên- Đông Sơn là những chiếc "chạc
gốm", ở các địa điểm Đồng Đậu, Đồng Vông, Xuân Kiều, Từ Sơn....
Một hoạt động khác của nền kinh tế
sản xuất lấy nghề nông là chủ yếu, được phản ánh trong bộ công cụ đá còn để lại
trong các di tích khảo cổ học Phùng Nguyên và tương đương- đó là những chiếc
rìu bôn tứ giác lưỡi vát cỡ lớn với chức năng chủ yếu để cuốc đất. Ngoài ra,
phải kể đến một số lượng lớn những chiếc cuốc, mai đá tìm được rải rác ở trong
nhiều địa điểm của khắp các miền đất nước. Ở nhóm nông cụ làm đất, số lượng và
tỉ lệ những lưỡi cuốc đá trong các công cụ hình rìu có sự gia tăng đáng kể, đa
dạng về mặt kiểu dáng, tầm cỡ. Ngoài ra, dần dần xuất hiện những loại
hình công cụ mới mai, thuổng và có khả năng cả lưỡi cày nữa. Cũng ghi nhận thêm
sự hiện diện của các công cụ thu hoạch: những lưỡi dao gặt đa dạng.
Một văn hoá sơ kì thời đại đồng thau
khác, phân bố vùng ven biển tỉnh Thanh hoá là văn hoá Hoa Lộc. Văn hoá Hoa Lộc
được coi là có niên đại tương đương với văn hoá Phùng Nguyên trong lưu vực sông
Hồng. Ở Bái Cù (Thanh hoá) - một di chỉ thuộc văn hoá Hoa Lộc, các nhà khảo cổ
đã tìm thấy số lượng nhiều cuốc đá nhất và trở thành đặc trưng của văn hoá này.
Trong bộ sưu tập ở Hoa Lộc có hơn 60 lưỡi cuốc đá, số lượng đứng thứ hai sau
rìu trong số các công cụ đá tìm thấy. Ngoài ra còn tìm thấy vỏ trấu vụn trong
đất làm gốm
Nghề trồng lúa cũng đã phổ biến ở
trong cư dân tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Mã. Ở di chỉ Bái Nan (tỉnh Thanh hoá)
cũng đã tìm được vỏ trấu trong đất làm gốm. Ngoài ra, ở lưu vực sông Lam, dấu
vết hạt lúa cũng được tìm thấy trong đất gốm ở di chỉ Rú Trưng (Nghệ Tĩnh) -
một di chỉ tiền Đông Sơn ở khu vực này.
Các hạt lúa được phát hiện trong tất
cả các di chỉ nói trên được các nhà nông học xác định là thuộc loại lúa trồng
(Orza sativa).
Ở các di chỉ sơ kì thời đại đồng
thau lưu vực sông Đồng Nai cũng đã tìm thấy nhiều lưỡi cuốc hay lưỡi mai bằng
đá rất lớn. Tuy chưa tìm thấy dấu vết thóc lúa, nhưng người ta vẫn cho rằng
nghề trồng lúa đã hiện diện trong đời sống cư dân tiền sử tại đây. Đặc biệt tại
đây đã tìm thấy những dao đá hình bán nguyệt có tác dụng như dao hái, được coi
là công cụ gặt lúa.
Sự có mặt cả bộ công cụ đá như một
tấm gương phản chiếu quá trình vận động của nghề nông trồng lúa, phản ánh các
không gian khác nhau được chinh phục. Đồng thời phản ánh điểm hội tụ định hướng
cây lúa là cây lương thực chính, phản ánh sự thành công cơ bản trong cải tạo cây
lúa hoang thành cây lúa trồng với những đặc điểm sinh thái đáp ứng được nhu cầu
con người.
Như vậy, chắc chắn là khi bắt đầu
thời đại kim khí, hầu hết các cư dân Việt Nam đã biết đến nông nghiệp trồng
lúa. Tuy vậy, theo Hà Văn Tấn và một số nhà khảo cổ học thì nông nghiệp trồng
lúa ở Việt Nam đã xuất hiện trước thời đại kim khí, từ hậu kì thời đá mới, nếu
không thì cũng từ văn hoá Đa bút hoặc văn hoá Bắc Sơn.
Bước sang thời kì đá mới và sơ kì
đồng, các di tích khảo cổ học đã có thể chứng minh thời kì hình thành khá vững
chắc trồng trọt cây lúa, cây lương thực giữ vị trí hàng đầu và chi phối
toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của con người.
Trong các di chỉ khảo cổ ở thời kì
hậu đồ đá mới ( Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Hoa Lộc) đã tìm thấy khá nhiều xương cốt
của các con vật nuôi như: chó nhà, lợn nhà, trâu bò nuôi, gà vịt thuần dưỡng.
Nhưng tỉ lệ các con vật nuôi còn quá ít so vớ số lượng động vật cung cấp thức
ăn cho con người, được giữ lại trong các di chỉ đó. Những đáng chú ý lợn là
giống được thuần dưỡng khá sớm và có số lượng xương khá nhiều.
Với những bằng chứng nêu trên cho
phép ta phán đoán và khẳng định phần nào về sự xuất hiện của nghề trồng trọt và
chăn nuôi nguyên thuỷ. Nhưng tỉ trọng sản phẩm do nền sản xuất trồng trọt và
chăn nuôi nguyên thuỷ cung cấp còn quá ít ỏi so với kinh tế khai thác
truyền thống thu được.
6. Kết luận
Bức tranh toàn cảnh của sự phát
triển nền kinh tế sản xuất như sau:
- Biển tiến Flandrian đã hất con
người Sơn Vi lên vùng miền núi với hệ sinh thái phổ tạp, nhiều loại cây- con.
Tiếp đến, tốc độ khai thác mạnh mẽ có nguy cơ làm kiệt quệ nguồn thức ăn trong
thiên nhiên. Đồng thời với vốn hiểu biết tốt về các loại cây ăn được, người Hoà
Bình nhận thấy sự cần thiết phải chăm sóc thiên nhiên và có thể dẫn tới trồng
trọt sơ khai.
- Người Bắc Sơn đã mở đầu thời kì
trồng trọt bằng cách đẩy mạnh việc trồng nhiều thứ cây mà tổ tiên đã
biết, đã ăn, theo hướng biến chúng thành nguồn cung cấp lương thực chính.
- Người Đa Bút dần dần mở rộng diện
cư trú ra miền chân núi, trong môi trường mới của vùng mé nước sình lầy. Họ đã
dần phát triển cây thế mạnh của vùng đất mới này là cây ưa nước. Đó là các cây
có củ và có hạt, khoai sọ và lúa. Thời kì này chăn nuôi nguyên thuỷ cũng
đã bắt đầu có mặt và phát triển. Cũng đã thấy những tín hiệu của ngành thủ công
sản xuất đồ gốm- một đặc trưng của cư dân nông nghiệp định cư.
- Người Phùng Nguyên chiếm lĩnh vùng
trung du và đồng bằng cao, đưa cây lúa phủ xanh đồng bằng với lưỡi cuốc đá.
Chăn nuôi tiếp tục phát triển.
- Còn người Đông Sơn đã tiếp
thu được những di sản quí báu là cây lúa và nghề trồng lúa. Với lưỡi cầy đồng
họ đã phát triển nghề trồng lúa đến trình độ cao, rực rỡ.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. Tình hình diễn biến các loại
động, thực vật ở di chỉ Đồng Đậu (Vĩnh Phú).
Trần Văn Bảo (trong sách Hùng
Vương dựng nước- Tập II. NXB. KHXH. 1972)
2. Sự phát sinh và phát triển nghề
trồng lúa nước ở người Việt cổ
Diệp Đình Hoa. T/c Khảo cổ học. Số
3/1980
3. Kinh tế thời nguyên thuỷ ở Việt
Nam
Đặng Phong, NXB KHXH,1970
4. Vấn đề nôngnghiệp sớm ở Việt Nam
và Đông Nam Á
Chử Văn Tần, T/C Khảo cổ học.
Số 3/1988.
5. Về mô hình của Trextơ
Goocman và niên đại xuất hiện trồng lúa ở Đông Nam Á.
Hà Văn Tấn, T/C Khảo cổ học
số 3/1982.
6. Các hệ sinh thái nhiệt đới với
tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á
Hà Văn Tấn, T/C Khảo cổ học.
Số 2/1980.
7. Nông nghiệp thời Hùng Vương
Lưu Trần Tiêu (trong Hùng Vương
dựng nước- Tập IV. NXB. KHXH. 1974)
8. Thành tựu vĩ đại của tổ tiên
ta 1 vạn năm trước đây .
Phạm Huy Thông. T/C Khảo cổ học số
3/1977.
9. Các hệ sinh thái Đông Sơn
Trần Quốc Vượng và Mai Đình Yên. T/C
Khảo cổ học số 2/1994.
10. Văn minh lúa nước và nghề trồng lúa ở Việt Nam
Bùi Huy Đáp. NXB. N N. 1985
11. Những đặc trưng cơ bản của văn
minh Việt Nam thời sơ khai.
Chử Văn Tần. T/C Khảo cổ học
số 2/1994
12. Lưỡi cày đồng Cổ Loa
Hoàng Văn Khoán. T/C Khảo cổ
học số 1/1981.
Có thể Dowloat ở địa chỉ sau:https://sites.google.com/site/trithucvanhoa/chuyen-l/chuyen-luan-3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!