Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

NHỮNG ĐỒNG MINH ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM TRONG NĂM THÁNG GIAN KHÓ



1- Chủ trương đối ngoại phá vây
Cuối năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai có những bước ngoặt mới, chuyển biến mau lẹ, phát xít Đức bại trận. Ở châu Á, quân phiệt Nhật cũng đầu hàng vô điều kiện. Thời cơ thuận lợi đã tới, “dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập[1]; trên tinh thần ấy, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương (14-15/8/1945) quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân đồng minh kéo vào.
"Thời cơ ngàn năm có một" đã đến, nhân dân Việt Nam nổi dậy, tiến hành thắng lợi Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945), giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đánh dấu một thời kỳ mới trong lịch sử Việt Nam. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam đã thành hiện thực.

Đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập"[2]. Dân tộc Việt Nam bước vào cuộc hồi sinh vĩ đại, xóa bỏ 80 năm nô lệ, xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, lịch sử lại đặt Việt Nam trước những nguy cơ, thách thức tồn vong – "Tổ quốc lâm nguy!". Độc lập là vô giá, quyền dân tộc là thiêng liêng! Lúc này, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, tự do; nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân là bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ chế độ. Các mặt đối nội và đối ngoại phải được gắn kết chặt chẽ, thống nhất, nhằm tạo lập thế và lực cho đất nước trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Trên tinh thần "Tổ quốc trên hết!", "Dân tộc trên hết!", Đảng Lao động Việt Nam chủ trương: "Củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, vũ khí cần thiết, đến dùng quân sự để giữ vững nền độc lập"[3]. Ngày 3-10-1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ra Thông cáo về chính sách ngoại giao, chỉ rõ mục tiêu bất di, bất dịch các chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam là "đưa nước nhà đến sự độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn"[4]. Nhằm làm rõ hơn nữa những nội dung đối ngoại quan trọng, mang tính nguyên tắc, Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (25-11-1945) nhấn mạnh hai vấn đề cơ bản: "Một là, thuật ngoại giao là làm cho  nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; hai là, muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực"[5]. Trong điều kiện chính quyền non trẻ vừa mới ra đời chưa được bất kỳ một nước nào trên thế giới công nhận, đất nước bị bao vây từ bốn phía, phá vây, mở rộng quan hệ, tranh thủ thêm bạn bè trở thành mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu được Đảng Lao động Việt Nam xác định đối với các mặt đấu tranh chính trị, ngoại giao. Kiên trì ngoại giao với các nước theo nguyên tắc "hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng và tương trợ, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương mở các mũi đột phá đối ngoại, kết nối Việt Nam với các bạn bè dân chủ thế giới. Trên quan điểm ngoại giao đa phương, Đảng xác định: 1- "Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á. Vận mệnh Việt Nam rất mật thiết quan hệ với vận mệnh các dân tộc Á châu"[6]; 2- "Việt Nam là một bộ phận trong nền hoà bình chung toàn thế giới"[7]. Chủ trương đó thể hiện nhận thức về sự gắn bó hữu cơ, mật thiết, không tách rời của Việt Nam với khu vực, thế giới; an ninh, hòa bình của Việt Nam gắn chặt với an ninh, hòa bình của khu vực, thế giới và ngược lại. Đặt đất nước vào mối liên hệ với khu vực và thế giới, Chính phủ Việt Nam tuyên bố: Thứ nhất, "đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực"[8]; thứ hai, "đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè"[9]; thứ ba, "thân thiện với tất cả các láng giềng Trung Hoa, Ấn Độ, Xiêm La, Cao Mên, Ai Lao, v.v., mà không thù gì với nước nào"[10]. Những phương hướng đối ngoại lớn được thực hiện trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc cụ thể với từng nhóm đối tác: 1- Với các nước Đồng minh, "hết sức thân thiện và thành thực hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái"11]; 2- Đối với Pháp, "xây dựng quan hệ hữu nghị dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau[12]; 3- Với các nước tiểu dân tộc trên toàn cầu, "sẵn sàng thân thiện, hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong sự xây đắp và giữ vững nền độc lập"[13]; 4- Với các nước láng giềng Trung Quốc, "thành thực hợp tác trên tinh thần bình đẳng (...), tương trợ mà cùng tiến hóa", còn với nhân dân Khơme, Lào, "lấy dân tộc tự quyết làm nền tảng (....),  giúp đỡ lẫn nhau và sánh vai ngang hàng mà tiến hóa"[14]. Như vậy, quan hệ của Việt Nam với bất kỳ nước nào trên thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, sang hèn, đều phải được xây dựng trên một trục cơ bản: Bình đẳng; mọi dân tộc sinh ra trên thế giới, dù sớm muộn, lớn nhỏ khác nhau, song đều có chung những quyền cơ bản, đều có quyền được sống, quyền tự do, quyền bình đẳng mưu cầu hạnh phúc.
Thực hiện chủ trương đối ngoại phá vây, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành các hoạt động ngoại giao trên hai hướng chính: Thứ nhất, đề nghị các nước lớn (Liên Xô, Hoa Kỳ, Trung Quốc (Quốc Dân Đảng)...) công nhận nền độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; thứ hai, phá thế bao vây, cô lập, thiết lập trên phạm vi rộng nhất có thể các mối liên hệ với các nước. Một trong những mũi nhọn đột phá, nhằm nối Việt Nam với thế giới bên ngoài, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với chính quyền cách mạng trứng nước được Nhà nước Việt Nam xác định Liên Xô.
2- Liên lạc, tìm kiếm, thiết lập quan hệ với Liên Xô
Liên Xô vốn không phải là đất nước xa lạ đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tuy cách xa về mặt địa lý, nhưng Liên Xô đã trở nên gần gũi, có sức cuốn hút to lớn đối với hàng triệu người dân Việt Nam bị áp bức bằng lý tưởng về một xã hội công bằng, tiến bộ của cuộc cách mạng mười ngày rung chuyển thế giới. Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, lãnh tụ của cách mạng Việt Nam đã có những ngày tháng hoạt động sôi nổi trên đất nước Liên Xô. Năm 1923, Trung ương Đảng Cộng sản Pháp cử Nguyễn Ái Quốc đến Moscow dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của người thanh niên trẻ là được đến trung tâm phong trào cách mạng thế giới. Khoảng thời gian 16 tháng lưu lại Liên Xô tuy ngắn ngủi, song đủ để Nguyễn Ái Quốc có mặt trên những diễn đàn quốc tế lớn, nói lên tiếng nói của người dân thuộc địa, thiết lập đường dây liên lạc Moscow - Paris - Việt Nam, phá vỡ thế đơn độc của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là nơi Nguyễn Ái Quốc trải qua “những năm tháng gian khó” – những năm tháng đã rèn đúc thêm bản lĩnh, sự kiên nhẫn, ý chí chiến đấu bước tiếp qua thác ghềnh. Ngay từ rất sớm, Liên Xô đã luôn quan tâm, giúp đỡ đào tạo những nhà cách mạng Việt Nam như Nguyễn Thế Rục, Trần Phú, Bùi Công Trừng, Trần Phú, Nguyễn Khánh Toàn[15], Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Văn Giàu... Từ năm 1925 đến cuối những năm 30 của thế kỷ XX, tại Liên Xô có khoảng 60 người Việt Nam theo học[16]. Chỉ riêng tại Đại học Phương Đông, đến năm 1935 có 47 người Việt Nam tốt nghiệp, trong số đó có 40 người đến qua ngả Pháp, 7 người đến qua ngả Trung Quốc[17]. Ngoài 47 người này, năm 1936 có 5 người nữa tiếp tục học tập[18]. Các học viên Việt Nam được Chính phủ Liên Xô tài trợ toàn bộ sinh hoạt phí, được làm việc với những cán bộ, giảng viên tốt nhất, học tập các môn học phong phú, bổ ích và được tiếp xúc với những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng. Cũng vì thế, ngoài nhận thức về Liên Xô với tư cách là trụ cột phong trào cách mạng thế giới, chính những mối liên hệ gắn bó, giăng mắc đầu tiên ấy đã thôi thúc những nhà lãnh đạo Việt Nam trong những thời khắc khó khăn nhất của cách mạng đã tìm kiếm, mong muốn mở một cánh cửa thông với Liên Xô.
Ngày 22-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mật điện cho I.V. Stalin (qua Đại sứ Liên Xô A.E.Bogomolov tại Pháp), thông báo về sự ra đời của Chính phủ cách mạng ở Việt Nam, đề nghị Liên Xô giúp đỡ vượt qua những thách thức, khó khăn do thiên tai gây nên: “Do hệ thống đê điều bị phá vỡ, một nửa Bắc Bộ bị  ngập lụt, gây thiệt hại to lớn, dân bắt đầu chết đói. Chúng tôi xin Ngài giúp đỡ  ở mức độ có thể”[19]. Tuy nhiên, bức công điện được tiếp nhận một cách dè dặt. Ngày 21-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Chính phủ Liên Xô bức công hàm chính thức. Bức công hàm lần này cụ thể hơn, chi tiết hơn, trình bày về tình hình Việt Nam sau khi Cách mạng tháng Tám thành công: “Ngày 19-8-1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Sau khi Nhật đầu hàng, Chính phủ Lâm thời Việt Nam, với tư cách một Chính phủ độc lập, thể theo Hiến chương Đại Tây Dương và Nghị quyết San-Phranxiscô bắt đầu thực hiện tái thiết đất nước, nhưng người Pháp cố tình xem thường mọi hiệp định hòa bình do Liên Hợp Quốc ký kết cuối Đại chiến Thứ hai, đã tấn công vào Sài Gòn ngày 23-9-1945 và âm mưu thực hiện một cuộc chiến tranh xâm lược chống lại An Nam”[20]. Trong bức công hàm, Hồ Chí Minh nêu quyết tâm bảo vệ độc lập tự do đến cùng của nhân dân Việt Nam: “Nhân dân An Nam nhất quyết không để cho người Pháp quay trở lại Đông Dương. Nếu quân đội Pháp từ Trung Quốc, nơi họ rút chạy trong thời kỳ Nhật chiếm Đông Dương, hoặc từ những nơi khác tấn công vào bất kỳ nơi nào ở Đông Dương, hoặc trên lãnh thổ An Nam, nhân dân An Nam quyết chiến đấu chống lại họ trong mọi hoàn cảnh”[21]. Đáng tiếc là bức điện hỏa tốc mang tính nhà nước của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không nhận được hồi âm và bị đưa vào kho lưu trữ [22]. Không nản lòng, từ tháng 9 đến tháng 10-1945, những bức điện khẩn của Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục được chuyển tới Moscow qua ngả Paris, song “Moscow tiếp nhận những bức điện khẩn của lãnh đạo Việt Nam với thái độ khá dè dặt”[23], có lẽ bởi Việt Nam, Đông Dương chưa phải là mối quan tâm thực sự của Liên Xô bởi vị trí địa lý xa xôi của nó [24]; đồng thời, tin tức về Việt Nam và về Hồ Chí Minh đến Moscow chậm chạp, không đầy đủ. Việt Nam và Đông Dương lúc này chưa thuộc vùng lan tỏa ảnh hưởng của Liên Xô; Liên Xô đang tập trung sức lực và toàn bộ sự chú ý cho vòng cung an ninh Đông Âu – nơi chứa đựng những lợi ích sống còn của Liên Xô với tư cách là cường quốc thế giới.
Tuy không có những trả lời chính thức từ phía Chính phủ Liên Xô, nhưng thông qua báo chí, dư luận xã hội Xôviết, Liên Xô có những động thái ủng hộ Việt Nam mang tính gián tiếp, vận động, tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân, lên án chính sách thực dân ở Đông Dương, lên án chính sách xâm lược thuộc địa. Khi thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh tái chiếm Đông Dương, xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Chính phủ Liên Xô lên tiếng phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam, kêu gọi đi đến giải pháp cho cuộc xung đột, nêu rõ cần có một hành động cấp tốc giải quyết vấn đề thuộc địa, tổ chức chế độ kiểm soát quốc tế... Những hoạt động không chính thức kể trên có tác dụng nhất định trong tiến trình các sự kiện ở Đông Dương.
Trong lúc vòng vây của kẻ thù ngày càng xiết chặt, còn cánh cửa với Liên Xô vẫn chưa được mở ra, Chính phủ Việt Nam càng nỗ lực hơn mở ra các hướng khác nhau, tăng cường tiếp xúc với các tổ chức, các đại sứ quán của Liên Xô tại các nước, tuyên truyền và làm rõ ý nghĩa, vị trí của cách mạng Việt Nam; hy vọng thông qua đó, không chỉ tranh thủ được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, mà còn có điều kiện móc nối liên hệ với Liên Xô. Kết quả là trong một khoảng thời gian ngắn ngủi (từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947), Việt Nam đã lập được cơ quan đại diện ở một số nước châu Á (Thailand, Myanma); có quan hệ chính thức với Thailand, Myanma, Ấn Độ, Indonesia...; lập 11 cơ quan thông tin ở nhiều nước khác nhau trên thế giới; cử đặc phái viên đến hơn 10 nước và khu vực ở châu Á, châu Âu, tham dự các Hội nghị quốc tế... Không dừng lại đó, xác định hướng đối ngoại với Liên Xô vẫn là một trong những hướng đối ngoại quan trọng, qua Thailand và Paris, từ năm 1947 đến năm 1948, Việt Nam tiếp tục tiến hành những tiếp xúc bí mật với Liên Xô; tuy nhiên, qua các cuộc gặp gỡ, hai bên mới chỉ dừng lại ở mức độ thăm dò lẫn nhau. Về phía Liên Xô, mục tiêu đặt ra là xác minh tiến trình, sự kiện và tính chất cách mạng ở Việt Nam, chưa tiến tới những cuộc đàm phán thực chất.
Một trong những tiếp xúc quan trọng của phía Việt Nam với Liên Xô là cuộc gặp giữa Phạm Ngọc Thạch và Đại sứ Liên Xô Kolazenkov tại Thụy Sĩ (9-1947). Theo Christopher E. Goscha[25], trong cuộc gặp, Phạm Ngọc Thạch đã khôn khéo giải thích với Kolazenkov hai vấn đề vốn gây những nghi ngại, hiểu lầm cho lãnh đạo Liên Xô về tình hình Việt Nam: Việc giải tán Đảng (11-1945) và sự tiếp xúc của lãnh đạo Việt Nam với người Mỹ qua tổ chức OSS.
Phạm Ngọc Thạch và Đại sứ Liên Xô Kolazenkov tại Thụy Sĩ
(9-1947)
Tại cuộc gặp với Đại sứ Liên Xô Kolaichenkov ở Thuỵ Sĩ vào tháng 9-1947, Phạm Ngọc Thạch đã trình bày với phía Liên Xô nhận định về cuộc chiến tranh Pháp-Việt, tình hình cuộc cách mạng ở Đông Nam Á và tóm tắt các vấn đề của cách mạng Việt Nam.
….Quyết định giải tán Đảng được đưa ra là, theo giải thích của ông, để tránh gây nghi ngờ cho phía Mỹ.
….Chuyển sang các vấn đề khu vực và quốc tế, Phạm Ngọc Thạch giải thích rằng, trong thời điểm hiện tại, người Mỹ tỏ ra khá trung lập, thậm chí đôi khi nghiêng về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Ông ta thông báo cho đồng nhiệm phía Liên Xô về những lần đã gặp gỡ trực tiếp với phái đoàn Mỹ tại Băng Cốc. Chiến lược của Mỹ, theo ông, là muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn khu vực Đông Nam Á bằng cách đưa hàng hoá vào tràn ngập khu vực, đồng thời tạo ấn tượng là họ ủng hộ phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Có lẽ, trong khi đang cố gây ấn tượng với Kolaichenkov về nhu cầu có sự hỗ trợ của Liên Xô, Phạm Ngọc Thạch đã giải thích rằng người Mỹ đang sẵn lòng “ủng hộ phong trào kháng chiến (của Việt Nam) tuy nhiên, không phải bằng biện pháp gây sức ép lên phía Pháp”. Thông điệp mà ông đưa ra rất rõ ràng: Chính sách của Mỹ là nhằm mở rộng ảnh hưởng ở châu Á đồng thời làm suy yếu phong trào cộng sản quốc tế.
Phạm Ngọc Thạch cũng thông báo vắn tắt về tình hình cách mạng ở Đông Nam Á và vai trò tiên phong của Việt Nam trên mặt trận đó.
Nguồn: Christopher E. Goscha: “Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Journal of Vietnamese StudiesVol I, N0 1-2, (February, August), 2006, pp, 59-103.
Câu chuyện giữa Phạm Ngọc Thạch và Kolazenkov chỉ dừng lại ở đó, không tiến xa hơn và đề nghị muốn được đi thăm Liên Xô để trao đổi về tình hình Đông Nam Á của Phạm Ngọc Thạch đã không nhận được sự hứa hẹn nào từ Kolazenkov. Trong nỗ lực giành sự quan tâm và hỗ trợ của Liên Xô cho cách mạng Việt Nam đang ở thời khắc hết sức khó khăn, tháng 12-1947, Phạm Ngọc Thạch gửi đến Liên Xô Báo cáo về tình hình Đảng Cộng sản ở Việt Nam, yêu cầu Liên Xô quan tâm hơn đến Việt Nam.  Phạm Ngọc Thạch trình bày: “Từ trước đến nay, Việt Nam hoàn toàn đơn độc trong cuộc kháng chiến. Báo cáo của đồng chí Zdanov có đề cập đến Việt Nam – điều đó cho phép chúng tôi hy vọng các đồng chí Liên Xô đã hiểu được tầm quan trọng của cuộc kháng chiến chống đế quốc ở Việt Nam, cửa ngõ của Đông Nam Á (…) Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á có Đảng Cộng sản nắm thực quyền”[26]. Nhấn mạnh rằng Việt Nam đang cần sự hỗ trợ cụ thể và tức thì, Phạm Ngọc Thạch gửi kèm với bản Báo cáo một loạt các yêu cầu viện trợ quân sự và kinh tế, trong đó có cả yêu cầu viện trợ ngoại tệ mạnh (tốt hơn hết là đô-la Mỹ), yêu cầu về chuyên gia quân sự, giúp đỡ Việt Nam  gia nhập Liên Hiệp Quốc khi xuất hiện thời điểm thích hợp[27]. Christopher E. Goscha bình luận: “Trong điều kiện bị bao vây, cô lập, hiển nhiên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mong mỏi sự trợ giúp của Liên Xô như trời hạn mong mưa”[28]. Dù chưa có những quyết định dứt khoát bộc lộ rõ quan điểm đối với vấn đề đang diễn ra ở Việt Nam, song Liên Xô vẫn trợ giúp tài chính cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Bangkok, in ấn một số ấn phẩm về Đông Dương và Việt Nam, tuyên truyền về lịch sử, đất nước, con người và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Cuối năm 1948 đánh dấu một bước tiến mới trong sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam: Liên Xô đề nghị Hội đồng kinh tế  châu Á-Viễn Đông kết nạp Việt Nam làm hội viên, nhưng đề nghị của Liên Xô bị một số nước bác bỏ. Từ năm 1948 cho đến khi hai nước đặt quan hệ ngoại giao chính thức (1950), nhờ có sự hỗ trợ của Liên Xô, các phái đoàn của Việt Nam mở rộng khả năng ra nước ngoài tham dự các hội nghị quốc tế và nhận được sự ủng hộ của một số nước dân chủ nhân dân khác. Buộc phải chiến đấu trong vòng vây của các nước đế quốc, sự ủng hộ về mặt tinh thần của Liên Xô trở thành nguồn động viên to lớn đối với nhân dân Việt Nam.
Sau khi thiết lập quan hệ với Trung Quốc, ngày 23-1-1950, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi công hàm cho Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, đề nghị hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao chính thức và trao đổi Đại sứ. Về phía Liên Xô, sự đối đầu giữa hai cực Xô - Mỹ càng quyết liệt, yêu cầu mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô ở các khu vực khác nhau trên thế giới trong đó có châu Á, Đông Nam Á càng cấp bách. Tại thời điểm đó, Việt Nam là nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực, sự chuyển biến về chất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là những nhân tố mới, vừa tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại của Liên Xô, vừa tạo điều kiện cho chính sách đối ngoại của Liên Xô triển khai thuận lợi ở khu vực châu Á. Vì vậy, vấn đề công nhận và thiết lập quan hệ với Việt Nam được đưa ra và phê duyệt ngày 10-12-1949 trong cuộc họp Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô[29]. Ngày 30-1-1950, Liên Xô đáp lại công hàm của Chính phủ Việt Nam, nói rõ: "Chính phủ Liên Xô nhận thấy Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ đại diện hợp pháp cho đại đa số nhân dân Việt Nam, quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên bang Xôviết với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"[30] (đề nghị trao đổi Công sứ/Tiết sứ)[31].  
3- Tranh thủ sự giúp đỡ và thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc
Nêu cao nguyên tắc "làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai"[32], thực hiện chính sách ngoại giao láng giềng thân thiện, bên cạnh các nỗ lực hướng đến Liên Xô, Việt Nam đặt trọng tâm tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc – quốc gia láng giềng, “núi liền núi, sông liền sông”, vốn có mối quan hệ chính trị - kinh tế, có mối quan hệ văn hóa gần gũi.
Trong so sánh với Liên Xô, buổi ban đầu, việc Đảng, Nhà nước Việt Nam vận động, tranh thủ  sự ủng hộ của Trung Quốc cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có phần thuận chiều hơn, có những điều kiện thuận lợi cho hợp tác và phối hợp hành động. Trong bước đường hoạt động cách mạng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc có quan hệ mật thiết và tốt đẹp với rất nhiều nhà cách mạng, nhiều lãnh tụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau này như Lý Đại Chiêu, Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Đặng Tiểu Bình, Triệu Thế Viêm, Tiêu Tam, Thái Hòa Sâm[33]… Trong chuyến thăm Việt Nam (1956), Thủ tướng Chu Ân Lai nhắc lại kỷ niệm với Hồ Chí Minh trong những ngày hoạt động cách mạng: "Ba mươi tư năm trước, tại Paris, tôi đã quen thân Hồ Chủ tịch. Anh là người dẫn đường của tôi. Khi ấy, anh đã là một người mácxít thành thục, mà tôi khi ấy mới vừa tham gia Đảng Cộng sản. Anh ấy là lão đại ca của tôi!”[34]. Với Thủ tướng Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh có mối thâm tình sâu nặng: "Chu Ân Lai là anh em với tôi, chúng tôi đã từng đồng cam cộng khổ, cùng làm công tác cách mạng. Ông là chiến hữu thân mật của tôi từ hơn 20 năm nay"[35]. Những mối quan hệ thân thiết, gắn bó tự nhiên của những người đồng chí hướng đã tạo lập cơ sở đầu tiên cho những mối quan hệ cao hơn ở thời kỳ cách mạng tiếp sau, kể cả quan hệ về mặt Nhà nước.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập (1921), các tổ chức cách mạng của Việt Nam hoạt động ở Trung Quốc được Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc ủng hộ, giúp đỡ; lãnh thổ Trung Quốc trở thành địa bàn hoạt động của các tổ chức cách mạng Việt Nam, trong đó có Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Trung Quốc là mảnh đất Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thường xuyên dừng chân và dừng chân lâu dài. Trong suốt thời gian 30 năm ở hải ngoại, Hồ Chí Minh có tới 12 năm sống tại Trung Quốc, uống nước Trung Quốc, hít thở khí trời Trung Quốc, thấm đẫm tinh hoa văn hóa Trung Quốc. Từ đó, Hồ Chí Minh thu nhận, thâu lọc và hình thành nên sự hiểu biết sâu sắc về đất nước và con người Trung Hoa, nhận thức, đánh giá đúng đắn về tầm vóc của đất nước này với sự khâm phục nhiệt thành: “Trung Quốc là một nước vĩ đại, hùng cường và đẹp đẽ. Nền văn hoá lâu đời và ưu tú của Trung Quốc đã có ảnh hưởng sâu xa ở châu Á và trên thế giới [36]. Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam tích cực tham gia phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc, tham gia Quảng Châu công xã, gia nhập Hồng quân công nông, tham gia Vạn lý trường chinh, xây dựng cơ sở cách mạng và phát động chiến tranh du kích ở một số vùng nông thôn Trung Quốc. Tháng 5-1940, Hồ Chí Minh cho rải truyền đơn dọc tuyến đường sắt từ Côn Minh đến biên giới Việt – Trung, vạch trần tội ác của Nhật, Pháp và kêu gọi quần chúng ủng hộ nhân dân Trung Quốc chống Nhật[37].
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc có thêm điều kiện gắn bó, phát triển. Mùa Xuân năm 1947, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương kết nối liên lạc thông qua vô tuyến điện và mối liên lạc này do Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh phụ trách. Thời kỳ này, biên giới miền Bắc Việt Nam trở thành căn cứ địa của các tổ chức cơ sở đảng và lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 2-1946, Ủy ban công tác biên giới lâm thời Quế - Việt của Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập ở Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, tháng 12- 1946, Ủy ban lâm thời triệu tập hội nghị nghiên cứu về vấn đề đấu tranh vũ trang ở Cao Bằng và quyết định đổi tên thành Ủy ban công tác Tả Giang. Tại đây, tháng 3- 1947, Ủy ban công tác Tả Giang họp bàn về bạo động vũ trang. Tháng 7-1947, Ủy ban công tác Tả Giang lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang ở một số địa phương dọc biên giới Việt – Trung như Ái Điếm (Ninh Minh), Hạ Đống (Long Châu), Bình Nạnh (Na Pha). Tổ chức đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc dọc biên giới Quảng Tây còn mở các lớp huấn luyện bồi dưỡng cán bộ cách mạng và quần chúng ở Việt Nam. Đầu năm 1946, Việt Nam bố trí nơi ăn chốn ở cho hơn 600 người thuộc đội du kích kháng Nhật do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo bị Quốc dân đảng truy kích, bất chấp sức ép từ phía Quốc dân đảng[38]. Việt Nam hết sức tạo điều kiện cho việc huấn luyện của đại đội huyện Long Châu (6-1947). Những năm 1947-1949, ở Thất Khê và một số nơi khác, Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức 6 khóa học lớp đào tạo thanh niên, lớp huấn luyện cán bộ nông hội, lớp huấn luyện quân sự với gần 1.000 người tham gia. Đảng, Nhà nước Việt Nam và nhân dân địa phương giúp đỡ ăn ở, vật dụng hàng ngày, kinh phí cho các lớp học trên.
Đầu năm 1948, quân đội Tưởng Giới Thạch hợp tác với quân Pháp tổ chức đánh phá khu căn cứ cách mạng Trung Quốc ở Tĩnh Tây. Khi Trung Quốc đề nghị Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ Việt Nam giúp đỡ phối hợp chiến đấu, Việt Nam lập tức đồng ý, đáp ứng mọi yêu cầu, mặc dù lúc đó Việt Nam còn rất nghèo và thiếu thốn. Theo yêu cầu khẩn thiết của các bạn Trung Quốc, với tinh thần "cứu Trung Quốc là tự cứu mình", quân dân Việt Nam giúp Trung Quốc về mọi phương diện, nhất là gạo, muối, vũ khí và tài chính[39].
Tháng 1-1949, trước sức tiến công như vũ bão của Quân giải phóng Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch cố dồn lực lượng giữ lấy miền Hoa Nam; do vậy, các khu căn cứ của Đảng Cộng sản Trung Quốc sát biên giới Việt - Trung gặp khó khăn. Tháng 3-1949, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương giúp đỡ xây dựng, củng cố Biên khu Điền Quế, Việt Quế, dù còn bận kháng chiến chống thực dân Pháp, song Việt Nam lập tức đáp ứng nhiệt tình[15][40].
Nhìn chung, trước năm 1950, quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc chưa có điều kiện thuận lợi để phát triển, bởi khi đó cách mạng Trung Quốc chưa thành công, song Đảng, Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc. Những năm tháng này, thắng lợi của Quân giải phóng Trung Quốc trên chiến trường đã cổ vũ, khích lệ tinh thần của nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược hết sức cam go.
Ngày 01-10-1949, cách mạng Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng nhân dân Trung Quốc nhân sự kiện này. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Chủ tịch Mao Trạch Đông, khẳng định: “Hai dân tộc Việt – Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy ngàn năm lịch sử. Từ đây mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết”[41]. Có quan hệ gắn bó, gần gũi với nhiều lãnh tụ Trung Quốc, với sự hiểu biết sâu sắc về đất nước Trung Quốc, con người Trung Quốc, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của cách mạng Trung Quốc, với sự đóng góp nhiệt thành cho cách mạng Trung Quốc cùng với tình cảm thủy chung trước sau như một với đất nước Trung Quốc anh em, Hồ Chí Minh là người bắc nhịp cầu qua sự khác biệt, nối những điểm tương đồng, khởi đầu một thời kỳ mới trong quan hệ Việt – Trung: Quan hệ giữa nước Việt Nam mới và nước Trung Hoa mới.
Năm 1950, cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam có những thay đổi căn bản theo chiều hướng tích cực. Thế và lực của cách mạng Việt Nam dần vững mạnh. Đến thời điểm này, đã hội tụ đầy đủ những điều kiện khách quan, chủ quan cần thiết cho việc đề nghị các nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 14-1-1950, Chính phủ Việt Nam tuyên bố “sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”[42]. Trên tinh thần đó, ngày 15-1-1950, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hoàng Minh Giám gửi Thông điệp đến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai, tuyên bố công nhận và quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ba ngày sau, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi công hàm phúc đáp, nêu rõ mong muốn “kiến lập mối quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam và trao đổi Đại sứ để củng cố bang giao giữa hai nước, tăng cường sự hợp tác hữu hảo của hai nước”[43]. Ngày 18-1-1950, Trung Quốc ra tuyên bố công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - điều mà Việt Nam chờ đợi rất lâu từ Liên Xô, song chậm đến, thì Trung Quốc nhanh chóng đáp ứng.
Việc Trung Quốc công nhận Việt Nam không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, mà còn là sự kiện mang tính mở đường trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Trung Quốc trở thành một trong số những nước đầu tiên thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền cách mạng tại Việt Nam. Việc hai nước lớn Trung Quốc, Liên Xô thiết lập quan hệ về mặt nhà nước với Việt Nam có ý đặc biệt quan trọng : Việt Nam có vị thế mới trên trường quốc tế, được thừa nhận là quốc gia có chủ quyền, là thành viên phe xã hội chủ nghĩa. Đánh giá về tầm vóc của thắng lợi chính trị này, Hồ Chí Minh viết: “Mấy năm kháng chiến đã đưa cho nước ta một cuộc thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam. Tức là hai nước lớn nhất thế giới - Liên Xô và Trung Quốc dân chủ và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước ngang hàng trong phe dân chủ và nhập vào khối 800 triệu nhân dân chống đế quốc. Chắc rằng cuộc thắng lợi chính trị cũng sẽ là cái đà cho những thắng lợi sau này”[44]. Thiết lập quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô có điều kiện cho hỗ trợ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược một cách mạnh mẽ hơn.
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 22-2-1950, Chính phủ Việt Nam cử ông Hoàng Văn Hoan[45] giữ chức Đại biểu hàm Đại sứ của Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc. Tháng 4-1951, Đoàn đại biểu được nâng lên thành Đại sứ quán. Ngoài Đại sứ quán ở Bắc Kinh, từ cuối năm 1953 đến năm 1954, Việt Nam còn mở ba Biện sự xứ (sau này đổi thành Tổng lãnh sự) tại Côn Minh, Nam Ninh và Quảng Châu. Về phía Trung Quốc, ngày 26-2-1949, La Quý Ba được Chính phủ Trung Quốc cử làm đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Việt Nam. Do Việt Nam còn đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nên Trung Quốc chưa thể mở Đại sứ quán tại Việt Nam. Đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ngày 11-8-1954, Trung Quốc chính thức cử ông La Quý Ba làm Đại sứ tại Việt Nam.


[1] Dẫn theo Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 196.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr. 12.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.  Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8,  tr. 6.
[4]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Báo Cứu quốc, ngày 3-10-1945, tr.1.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 27.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 22.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 22.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 470.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 136.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 169.
[11]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sđd, tr.1.
[12]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sđd, tr.1.
[13]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sđd, tr.1.
[14]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sđd, tr.1.
[15] Nguyễn Khánh Toàn viết luận án về đề tài: “Cuộc chiến tranh nông dân ở Đông Dương vào thế kỷ XVIIICuộc khởi nghĩa Tây Sơn”. Còn Lê Hồng Phong, khi vừa bắt đầu viết luận án, thì được yêu cầu trở về nướcvì vậy, đã không hoàn thành luận án dự định với đề tài :“Tình hình kinh tế và chính trị ở Đông Dương”. Ở Lưu trữ Liên bang Nga vẫn còn lưu bản viết tay luận án của Lê Hồng Phong viết năm 1931. Giữa năm 1931, Trần Văn Giàu (1911-2010) được cử qua học tại Trường Đại học Đông PhươngNăm 1933, ông bảo vệ thành công đề tài tốt nghiệp “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương”.
[16]А.А.СоколовКоминтерн и Вьетнам (Подготовка Вьетнамских Политических Кадров в Коммунистических Вузах СССР: 20-30-е), Институт Востоковедения РАН, Москва, 1998, C.77.
[17] A.АСоколовКоминтерн и Вьетнам, Указ. СочC.77.
[18]А.АСоколовКоминтерн и Вьетнам, Указ. СочC.77.
[19] Архив внешней политики Российской Федерации (АВП РФ), ф. 0136, оп. 29, п.197, д. 31, л.187.
[20] АВП РФф. 0136, оп. 29, п.197, д. 31, л.188-189.
[41][21] АВП РФф. 0136, оп. 29, п.197, д. 31, л.188-189.
[22]И.В. Бухаркин: “Кремль и Хо Ши Мин 1945-1969”, Жур. Новая и новейшая история, № 3, 1998, C. 126.
[23]Бухаркин И.В: “Кремль и Хо Ши Мин 1945-1969”, Указ. СочC. 128.
[24]И.А.Конорева: “Геополитические интересы СССР и США в Юго-Восточной Азии в контексте Первой индокитайской войны (середина 40-х – начало 50-х годов ХХ в)”, Жур. Ученые записки Курского государственного университета, №1, 2008, C. 99.
[25] Là Phó Giáo sư (Assistant Professor), Khoa Sử, Đại học Québec, Montréal.

[26]Доклад о положении Компартии в Вьетнаме, от 15 декабря 1947, Российский Центр хранения и изучения документов новейшей истории, ф. 5, оп. 10, п. 404, д. 4, л.619.
[27] Christopher E. Goscha: “Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Journal of Vietnamese Studies, Vol I, N0 1-2, (February, August), 2006p.68.
[28] Christopher E. Goscha: “Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Ibid, p.68.
[29] Это незабываемое слово "Льен Со", М, 2006. С. 367
[30] Газета Правда, 30 января 1950.
[31]Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao chia những người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao thành ba cấp (Đại sứ, Công sứ (Tiết sứ), Đại biện), nhưng chế độ ưu đãi, miễn trừ ngoại giao giữa Đại sứvà Công sứ áp dụng như nhau.
[32] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 534.
[33] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.1, tr. 129.
[34] Lý Gia Trung (Vũ Phong Tạo dịch): “Tình bạn giữa Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh”, Báo Quân đội nhân dân, ngày 13-5-2011.
[35] Đồng Ứng Long, “Diễn biến bất thường trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thập niên 70”, Tài liệu tham khảo đặc biệt “Các vấn đề quốc tế”, tháng 8-2007, tr. 14.
[36] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 2.
[37] Vũ Anh: “Từ Côn Minh về Pác Bó” (in trong cuốn Bác Hồ), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 143.
[38]Sau một thời gian nghỉ ngơi, chỉnh đốn, lực lượng này đã trở về Trung Quốc đúng vào thời khắc quan trọng của cuộc chiến tranh giải phóng, trở thành đội quân vũ trang chủ chốt hoạt động ở biên khu Điền – Quế - Kiềm (Vân Nam – Quảng Tây – Quý Châu).
[39] Từ tháng 1-1948 đến cuối năm 1948, mỗi tháng Việt Nam gửi giúp riêng quân, dân Biên khu Điền Quế 50 tấn muối, hàng chục tấn gạo và một số lượng đáng kể đạn cối 81 ly, đạn AT... là những thứ mà Quân giải phóng Trung Quốc lúc đó rất cần. Trong những năm 1948-1949, căn cứ địa Việt Bắc trở thành nơi ém quân của Quân giải phóng Trung Quốc. Họ được cung cấp lương thực, thực phẩm và muối.  Ngành tài chính Việt Nam giúp bạn in tiền Trung Quốc mới để sử dụng trong vùng giải phóng.
[15][40]Việt Nam đưa những lực lượng quân đội sau giúp Trung Quốc hướng Biên khu Điền Quế: Tiểu đoàn 73 thuộc Trung đoàn 74, Liên khu I, Tiểu đoàn 35 thuộc Trung đoàn 308 chủ lực Bộ Tổng Tư lệnh, Đại đội 506 sơn pháo, một đại đội trợ chiến, bộ phận thông tin và quân y, 2 đại đội địa phương huyện Văn Uyên và Thoát Lãng. Trên hướng Biên khu Việt Quế là các lực lượng: Tiểu đoàn 426 thuộc Trung đoàn 59, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn độc lập Hải Ninh, Đại đội độc lập 1448. Sau khi giải phóng vùng đất này, bộ đội Việt Nam đã chuyển giao cho Trung Quốc toàn bộ vũ khí thu được gồm hơn 500 khẩu súng các loại.
[41] Hồ Chí Minh:  Toàn tập, Sđd, t.6, tr.717.
[42] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.8.
[43] Trần Minh Trưởng: Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1954 đến năm 1969, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.32.
[44] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.81-82
[45] Hoàng Văn Hoan (1905–1991) nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam (đến năm 1979), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Từ năm 1950 đến năm 1957, là Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc kiêm Đại sứ tại Triều Tiên và Mông Cổ. Năm 1979, do bất đồng quan điểm, trong một chuyến đi sang Đông Đức chữa bệnh, đến sân bay Karachi (Pakistan), ông bỏ sang Trung Quốc.

























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!