Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

QUAN HỆ GIỮA CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TỪ SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI ĐẾN CUỐI THẬP NIÊN 50 (XX)



1- Ngọn lửa Chiến tranh Lạnh và quan hệ hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa
Sau Chiến tranh thế giới thế giới thứ hai, bản đồ chính trị thế giới về căn bản có sự thay đổi. Trật tự thế giới mới - trật tự hai cực Ianta được hình thành trên cơ sở lợi ích của các cường quốc với hai hệ thống đối lập nhau do Liên Xô và Mỹ - hai siêu cường đứng đầu có những ảnh hưởng quyết định đến toàn bộ các mối quan hệ quốc tế, lôi cuốn các khu vực, các quốc gia vào một hình thức chiến tranh mới - Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Lạnh[1] là một hiện tượng quan hệ quốc tế phản ánh cuộc đối đầu toàn diện và toàn cầu[2], đầy những cuộc khủng hoảng và xung đột giữa hai cường quốc Liên Xô và Mỹ ở cả vũ đài trung tâm (châu Âu) lẫn ở vùng ngoại vi (châu Phi, châu Á và Trung Đông). Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nhìn nhận hoạt động củng cố vòng cung an ninh châu Âu của Liên Xô như sự thống trị mang tính thù địch với thế giới tư bản, đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ. Việc tiếp quản của Liên Xô đối với của các quốc gia Đông Âu, khiến Winston Churchill lo ngại, cảnh báo vào năm 1946 rằng, một "bức màn sắt" đã được buông dần xuống giữa châu Âu. 
Mỹ, vì thế, tìm kiếm mọi phương thức bao vây, ngăn chặn Liên Xô. Tuy gọi là Chiến tranh lạnh, nhưng trên thực tế, tình hình luôn trong trạng thái căng thẳng, mỗi bên đều tìm cách kiềm chế đối phương, lan tỏa, củng cố ảnh hưởng. Quan hệ Xô - Mỹ, về bản chất, như Brzezinski nhận xét, thể hiện "sự xung đột kinh điển mang tính lịch sử giữa hai cường quốc, song không đơn thuần là xung đột lợi ích quốc gia, mà là cuộc biểu dương sức mạnh giữa hai hệ tư tưởng với hai hệ thống chính trị - xã hội vì quyền thống trị thế giới”[3]. Liên Xô và Mỹ  tìm mọi cách để củng cố vị trí của mình trên trường quốc tế và để ngăn chặn sức mạnh của đối phương; chiến thắng của kẻ này là thất bại của kẻ khác; do vậy, quan hệ quốc tế trong Chiến tranh Lạnh được xem như một trò chơi có “tổng bằng không".
Về phía Mỹ, trục lợi từ Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành nước có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất, có thể nói bằng tất cả các nước tư bản cộng lại. Với ưu thế về vũ khí hạt nhân, Mỹ có những tham vọng to lớn. Ngày 6-4-1946, Tổng thống Mỹ Truman tuyên bố: “Ngày nay, Hoa Kỳ là quốc gia mạnh, nghĩa là với một sức mạnh như thế, chúng ta có nghĩa vụ nắm quyền lãnh đạo thế giới”[4]. Mỹ đưa ra và thực thi “Học thuyết Truman”, “Kế hoạch Marshall”, phát động và đẩy mạnh Chiến tranh Lạnh. Về quân sự, Mỹ  sử dụng tối đa các ưu thế quân sự và độc quyền vũ khí hạt nhân để thành lập các liên minh quân sự song phương và đa phương. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organisation- NATO) ra đời ngày 4-4-1949 có mục đích tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, là công cụ quan trọng nhất để Mỹ thực hiện kế hoạch toàn cầu. Sự ra đời của NATO đẩy châu Âu vào cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn và có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới mới. Ở Châu Á, Mỹ đã từng bước nỗ lực khôi phục khả năng quân sự của Nhật Bản, biến Nhật Bản thành chỗ đứng chân, căn cứ quân sự ở khu vực Đông Bắc Á, bàn đạp để chống lại và kiềm chế Liên Xô, Trung Quốc. Tháng 9-1951, ký với Nhật Hiệp ước hoà bình San FranciscoHiệp ước an ninh Mỹ - Nhật (8-9-1951), Mỹ đã tạo điều kiện cho Nhật tái vũ trang và được phép bố trí các lực lượng vũ trang trên đất Nhật, chính thức hoá việc thiết lập các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật, hy vọng kiềm tỏa Liên Xô từ hướng Châu Á- Thái Bình Dương.
Ngoài liên minh Mỹ - Nhật, Mỹ còn thành lập các liên minh quân sự song phương và đa phương khác: Mỹ - Philipin (30-8-1951); Mỹ-Úc- NiuDilân (Hiệp ước an ninh Thái Bình Dương, 1-9-1951); Mỹ - Hàn Quốc (1-10-1953); Mỹ- Pakistan (19-5-1954); Mỹ- Đài Loan (2-12-1954); thành lập khối SEATO (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Úc, NiuDilân, Philippin và Thái Lan, 8-9-1954). Chi những khoản tài chính khổng lồ cho ngân sách quân sự hàng năm, viện trợ quân sự cho các nước thành viên khối NATO, SEATO và các đồng minh, Mỹ hình thành, xây dựng thế trận liên hoàn với các cấp độ khác nhau từ châu Âu- Đại Tây Dương sang châu Á- Thái Bình Dương. Thực chất chiến lược toàn cầu “ngăn chặn” được nhiều lần điều chỉnh qua các đời Tổng thống Mỹ  không chỉ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, mà còn thực hiện các mục tiêu phát triển nước Mỹ hùng mạnh cả về kinh tế, quân sự và chính trị.
Trước sự vận động của bức tranh địa – chính trị thế giới và các tính toán của các nước tư bản, đứng đầu là Mỹ; đồng thời, nhằm củng cố vị trí quốc tế và vươn lên thành cường quốc, Liên Xô tìm mọi cách tăng cường sức mạnh chính trị-quân sự. Một mặt, Liên Xô tập trung các nguồn lực xây dựng quân đội hùng mạnh, nền quốc phòng hiện đại, nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân (năm 1949), phá thế độc quyền vũ khí nguyên tử của Mỹ. Mặt khác, Liên Xô tích cực triển khai kế hoạch xây dựng hệ thống an ninh tập thể, chú trọng châu Âu - nơi có vị trí địa-chính trị, địa-chiến lược quan trọng đối với hoà bình, ổn định thế giới, cũng là nơi tập trung các lợi ích sống còn của Liên Xô và của đối thủ số một của mình là Mỹ. Tháng 5-1955, Liên minh chính trị - quân sự của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu ra đời (khối Vacsava) . Sự tồn tại của khối NATO và khối Vacsava cuốn châu Âu vào cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai khối chính trị-quân sự hùng mạnh. Sự đối đầu căng thẳng, cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn (từ vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật đến vũ khí thông thường) giữa hai khối là biểu hiện đặc trưng, tập trung nhất của quan hệ Xô-Mỹ và của Chiến tranh Lạnh- đó cũng là cục diện đối đầu Đông – Tây kéo dài gần chục thập kỷ. Đỉnh cao của chạy đua vũ trang chính thức đạt tới vào những năm 70 của thế kỷ XX, khi hai bên cân bằng vũ khí hạt nhân. Vào thời điểm đó, Mỹ thiết lập hơn 2.000 căn cứ quân sự với khoảng 1,5 triệu quân đóng ở nước ngoài (trong tổng số 3.477.000 quân thường trực Mỹ); Liên Xô đưa hàng chục vạn quân đóng ở các nước khối Vacsava (tập trung ở Cộng hòa Dân chủ Đức), ở Mông Cổ và biên giới Xô-Trung[5].
Trong Chiến tranh Lạnh, song bầu không khí thế giới thời kỳ này không hề  “lạnh”. Các cuộc chiến tranh nóng, các cuộc xung đột cục bộ giữa một bên là các đồng minh của Mỹ với bên kia là các đồng minh của Liên Xô xảy ở nhiều khu vực trên thế giới, mà  đằng sau đều có bàn tay, bóng dáng và những dự liệu, những kế hoạch ngầm định của các cường quốc (Đông Dương, bán đảo Triều Tiên, Trung Đông...) cho thấy sự nguy hiểm, sự bất ổn của thế giới, hàm chứa những ngọn lửa có thể bùng lên thành cuộc chiến tranh thế giới bất cứ lúc nào. Đặc biệt, chạy đua vũ trang khiến Liên Xô phải duy trì 1 số lượng lớn quân đội (5.500.000 lính so với 1.400.000 của Hoa Kỳ)[6], làm cho ngân sách quốc phòng tăng vọt. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược London, năm 1955, ngân sách quốc phòng của Liên Xô là 32 tỷ 400 triệu USD, năm 1970 tăng lên 53 tỷ 900 triệu USD, chiếm 16% GDP[7], trong khi đó, Mỹ chỉ phải chi 6%, Tây Đức 4%, Nhật 1%. Chạy đua vũ trang, ngân sách chi cho quốc phòng trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế của cả hai cường quốc; do vậy, Liên Xô và Mỹ bắt đầu các cuộc tiếp xúc, đàm phán về giải trừ quân bị, cấm thử, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, thiết lập hệ thống an ninh tập thể giữa các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau… Vì thế, chạy đua vũ trang và đàm phán, căng thẳng và hòa dịu, đối đầu và hòa hoãn…nóng lạnh thất thường là đặc điểm nổi bật của quan hệ Xô-Mỹ, của bầu không khí chính trị trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh không chỉ là sự đối đầu giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất của thế giới, mà còn sự cạnh tranh sức mạnh, tính hợp lý, sự ưu việt của hai hệ thống kinh tế - xã hội và chính trị khác nhau. Để tồn tại, phát triển và có thể trở thành lực lượng đối trọng với các nước tư bản chủ nghĩa, các nước xã hội chủ nghĩa thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, gắn với nhau trong một hệ thống trên những điểm chung cơ bản về đường lối, chính sách, bản chất chế độ và cơ chế vận hành chính trị, bộ máy quyền lực nhà nước…
Ngay sau khi thành lập Nhà nước Xô viết đầu tiên trên thế giới, V.I.Lênin đã tuyên bố: “Những người bônsevic tạo ra những quan hệ quốc tế mới, tạo điều kiện cho tất cả các dân tộc bị áp bức thoát khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa đế quốc. Mối quan hệ quốc tế này là hoàn toàn trái ngược với mối quan hệ quốc tế dưới chế độ tư bản chủ nghĩa mà thực chất là sự áp bức công khai kẻ yếu”[8]. C.Mác từng nói: “Để các dân tộc có thể thực sự đoàn kết được với nhau, họ phải có chung một lợi ích”[9]. Quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên sự thống nhất về thế giới quan, lấy chủ nghĩa Mác- Lênin làm cơ sở của đường lối, chính sách, thực hiện mục tiêu đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Các nước xã hội chủ nghĩa có sự thống nhất về chế độ kinh tế, chính trị, xã hội, có chung nhận thức về vai trò lãnh đạo đối với toàn xã hội của các Đảng Cộng sản cầm quyền. Trên cơ sở đó, các nước tự nguyện đứng chung trong một khối đồng minh, hợp tác, giúp đỡ nhau bình đẳng, cùng có lợi. Ngoài những mục tiêu và lợi ích nêu trên, quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa còn được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản: Tôn trọng độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; hợp tác và tương trợ lẫn nhau trên tình đồng chí; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.... Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, quan hệ giữa các Đảng Cộng sản đóng vai trò quyết định đối với quan hệ hợp tác toàn diện  giữa các nước. Từ khi hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa, chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa đã bàn bạc, trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất quan điểm về các vấn đề quan hệ quốc tế, về chính sách đối ngoại, mà trước hết là vấn đề củng cố hoà bình, an ninh ở châu Âu. Có thể nói rằng, sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa nằm ở các chính sách chung: Mạnh mẽ chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân, chống chiến tranh thế giới, bảo vệ hoà bình, ủng hộ phong trào giải phóng, ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân lao động các nước vì hoà bình, dân sinh, dân chủ.
Sau khi Quốc tế Cộng sản III giải tán (1943), vấn đề thống nhất lập trường, hành động và tăng cường đoàn kết phong trào cộng sản thế giới trong một sách lược chung, một chiến lược cách mạng thống nhất, cũng như trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hành động các Đảng Cộng sản và công nhân ở châu Âu được nêu lên. Tháng 9-1947, Hội nghị các Đảng Cộng sản được tổ chức tại Vacsava, quyết định thành lập Cục Thông tin quốc tế (KOMINFORM). Tuy nhiên, KOMINFORM có sự khác biệt căn bản so với Quốc tế Cộng sản III: Nếu như Quốc tế Cộng sản III là tổ chức chỉ đạo phong trào cộng sản thế giới, thì KOMINFORM chỉ gồm các Đảng Cộng sản châu Âu và không quyết định đường lối chung của các Đảng, chỉ phối hợp chủ yếu trên định hướng đường lối, chính sách và mang tính chất thông tin, nhằm trao đổi kinh nghiệm và nó không thể thông qua các quyết định mang tính bắt buộc đối với các Đảng Cộng sản tham gia”[10].

Cục Thông tin quốc tế (9-1947)
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vấn đề phối hợp hành động giữa các Đảng Cộng sản trên thế giới, vấn đề trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau giữa các Đảng Cộng sản trở nên đặc biệt cần thiết trong tình hình cao trào cách mạng và tinh hình thế giới diễn biến phức tạp, quan hệ giữa các đảng có biểu hiện giảm sút, những cuộc tiếp xúc trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Lúc này, để đoàn kết những người cộng sản trên thế giới trong một sách lược, chiến lược cách mạng thống nhất, phong trào cộng sản quốc tế cần có những hình thức liên hệ mới trong điều kiện đã thay đổi.
Tháng 9-1947, theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Liên Xô, tại Vacxava Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản Liên Xô, Bungari, Hunggari, Ba Lan, Rumani, Tiệp Khắc, Nam Tư, Pháp và Italia được tổ chức. Tại Hội nghị, Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô A. Jdanov trình bày bản báo cáo nhan đề “Thế giới sau chiến tranh”, phân tích tình hình thế giới, đánh giá so sánh lực lượng trên thế giới và xác định những nhiệm vụ cơ bản của các Đảng Cộng sản. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố, trong đó, xác định nhiệm vụ đoàn kết tất cả các lực lượng dân chủ và yêu nước để chống lại chủ nghĩa đế quốc trên cơ sở một cương lĩnh chung. Hội nghị quyết định thành lập cơ quan thông tin của các Đảng Cộng sản và công nhân (Cục Thông tin quốc tế -KOMINFORM) với nhiệm vụ tổ chức việc trao đổi kinh nghiệm và phối hợp hành động giữa các đảng một cách tự nguyện. Để trao đổi thông tin và liên lạc, Hội nghị quyết định xuất bản tạp chí Vì một nền hòa bình thực sự, vì một nền dân chủ nhân dân, quyết định sẽ tiến hành những cuộc họp thường kì của các đảng tham gia Cục Thông tin quốc tế.
Trên những mức độ nhất định, việc thành lập Cục Thông tin quốc tế và quá trình hoạt động của nó đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào cộng sản quốc tế, góp phần tác động đến chính trị – tư tưởng và tổ chức của các Đảng Cộng sản, xúc tiến phối hợp hành động, nhất là trong đường lối chiến lược, sách lược. Tuy nhiên, Hội nghị Vacxava cũng chưa đánh giá đầy đủ vai trò, tác dụng của cao trào giải phóng dân tộc ở Á – Phi – Mĩ Latinh và cũng từ Hội nghị này, những bất đồng về quan điểm giữa các Đảng Cộng sản đã xuất hiện.
Đến nửa sau những năm 50 của thế kỷ XX, tình hình quốc tế có nhiều biến đổi, nhiệm vụ mới đang đặt ra trước các Đảng Cộng sản, nhưng hình thức liên lạc dưới dạng Cục Thông tin quốc tế đã không đảm bảo được việc giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất của phong trào cộng sản quốc tế. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần phải có hình thức liên hệ quốc tế rộng lớn hơn. Do vậy, tháng 4-1956, Cục Thông tin của các Đảng Cộng sản và công nhân đã thông qua nghị quyết về việc ngừng hoạt động của tổ chức này.
Nguồn: Tổng hợp theo Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
Trên lĩnh vực kinh tế, nhằm chống lại sự bao vây kinh tế của các nước đế quốc, phát triển quan hệ hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa với một chất lượng mới và quy mô rộng trãi hơn, tháng 1-1949, tại Hội nghị kinh tế ở Moscow, đại diện của bảy nước: Liên Xô, Anbani, Bungari, Ba Lan, Hunggari, Rumani và Tiệp Khắc quyết định thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV). Năm 1950, Cộng hòa Dân chủ Đức gia nhập SEV. SEV ra đời đã thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế xã hội chủ nghĩa, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Trên lĩnh vực quân sự, trước việc năm 1949 các nước phương Tây đã thành lập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), tiếp đó phục hồi và tái vũ trang Tây Đức, cuối cùng kết nạp Tây Đức vào NATO, gây nên những đe doạ an ninh nghiêm trọng, tháng 4-1955, tại Vacsava, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu họp khẩn cấp, ký kết Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau (Hiệp ước Vacsava), thành lập một khối quân sự làm đối trọng. Cùng nhau chiến đấu chống phát-xít và trong quá trình tồn tại của mình tạo tình thế thuận lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân lao động trên thế giới, các nước xã hội chủ nghĩa có cơ sở vững chắc để thành lập nên liên minh quân sự-chính trị mang tính chất phòng thủ. Với Liên Xô đóng vai trò trụ cột, khối Vacsava có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của các nước xã hội chủ nghĩa  trước áp lực của chủ nghĩa đế quốc, củng cố những thành quả chính trị thu được trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Như vậy, tổ chức Hiệp ước Vacsava là một trong những nhân tố quan trọng duy trì sự ổn định của trật tự thế giới hai cực Xô-Mỹ.
Sự hình thành các tổ chức về kinh tế và chính trị, quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa là đặc trưng nổi bật của giai đoạn hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Với sức mạnh ban đầu về kinh tế, chính trị và quốc phòng, hệ thống xã hội chủ nghĩa trở thành nhân tố có ảnh hưởng lớn đến chiều hướng phát triển của xã hội loài người.
Các nước xã hội chủ nghĩa có cùng điểm chung nổi bật là đều bắt đầu đi lên chủ nghĩa xã hội từ điểm xuất phát thấp về kinh tế-xã hội, chủ yếu là từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Ở châu Âu, tuy kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phát triển ở trình độ nhất định, nhưng giai cấp tư sản trước đó cũng chưa tạo được một nền công nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Ở châu Á, Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ đều là những nước có nền sản xuất nhỏ, lạc hậu, một số nước phải trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài, đất nước bị tàn phá nặng nề. Bức tranh đó cho thấy những khó khăn to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa khi bắt tay vào thực hiện những nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Bất chấp mọi thách thức, trừ Việt Nam và Triều Tiên đang phải đối mặt với chiến tranh, các nước xã hội chủ nghĩa đều tập trung vào nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước. Thành tựu mọi mặt mà các nước xã hội chủ nghĩa đạt được trong thời gian ngắn quả thực là đáng ngạc nhiên và ngưỡng mộ, các nước đều đạt  tốc độ tăng trưởng kinh kinh tế khá cao, bình quân 7,8%/năm. Tính riêng các nước tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế, khi mới thành lập (1949) chỉ chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp thế giới, đến năm 1960, tăng lên 34%, đến năm 1964, đạt gần 38% tổng sản lượng công nghiệp thế giới.Quá trình công nghiệp hoá ở các nước xã hội chủ nghĩa được thúc đẩy nhanh chóng. Sau Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hunggari, Bungari, Rumani… đều có mức phát triển khá, đẩy nhanh công nghiệp hoá, đạt những kết quả ấn tượng. Riêng Liên Xô, sau Cách mạng Tháng Mười, qua ba năm chiến tranh và nội chiến, Liên Xô có bước bứt phá ngoạn mục: Đến năm 1938, sản lượng công nghiệp của Liên Xô tăng hơn 9 lần so với 1913, trong khi đó Mỹ, Anh và Đức chỉ tăng khoảng 1,3 lần. Tốc độ tăng trung bình hàng năm về sản xuất công nghiệp của Liên Xô là 9,3%. Liên Xô đã vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, chinh phục vũ trụ, trở thành nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo, đưa con người lên vũ trụ, gây ra cuộc khủng hoảng Sputnik mà Mỹ phải một thời gian khá lâu mới đuổi kịp. Năm 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, khiến ưu thế độc quyền bom nguyên tử của Mỹ bị phá vỡ.
Tuy còn nhiều khuyết tật do cơ chế kinh tế phi thị trường, tập trung quan liêu, bao cấp, nhưng nhìn chung các nước xã hội chủ nghĩa đạt được những thành tựu rực rỡ về văn hoá - khoa học kỹ thuật, không ngừng nâng cao trình độ học vấn cho người lao động, đem lại cho người dân một số phúc lợi, bảo đảm  an toàn về y tế, công ăn, việc làm, hạn chế thất nghiệp... Mặc dù mức phúc lợi chưa thật cao - do trình độ chung của nền kinh tế - nhưng những thành tựu dân sinh này cũng đã tác động đến xu hướng, mục tiêu đấu tranh của các tầng lớp lao động các nước phương Tây. Đặc biệt, thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu, chinh phục khoảng không, trong khoa học hạt nhân… có những bước phát triển quan trọng, tăng cường khả năng quân sự và quốc phòng đáng kể, giúp các nước xã hội chủ nghĩa tự bảo vệ mình và phát triển sức mạnh của cả hệ thống. Nhân dân thế giới nhìn nhận hệ thống xã hội chủ nghĩa trải dài trên ba châu lục, với gần một tỷ người dân, nắm trong tay một lực lượng kinh tế và quân sự, vũ khí tên lửa, hạt nhân hùng hậu và một lực lượng đồng minh tự nhiên là phong trào dân tộc...như một đối trọng và cân bằng lực lượng, góp phần ngăn chặn, răn đe các thế lực hiếu chiến, chống chiến tranh thế giới. Đây là thời kỳ chủ nghĩa xã hội hiện thực có ảnh hưởng rộng lớn và mạnh mẽ nhất trong lịch sử, đặc biệt là với chiến thắng của Liên Xô trước nước Đức phát xít.
2- Những vết nứt đầu tiên
Bên cạnh hàng loạt những bước phát triển trong quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa, trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện những rạn nứt, bắt đầu từ bất đồng giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Nam Tư.
Trong cuộc chiến tranh chống phát xít, Đảng Cộng sản Nam Tư ít nhiều đã nhận được sự trợ giúp của Liên Xô, bản thân Josip Broz Tito, lãnh tụ Đảng Cộng sản Nam Tư, cũng được đào tạo ở Liên Xô, được xem là một nhà lãnh đạo cộng sản trung kiên, chỉ đứng thứ hai sau I.V.Stalin. Tuy nhiên, việc Đảng Cộng sản Nam Tư đứng đầu là J.B.Tito giành được quyền lãnh đạo đất nước mà không cần sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô đã gây nên những dè chừng đối với lãnh tụ I.V. Stalin - người luôn ảm ảnh bởi quyền lực tuyệt đối, có tính cách đầy mâu thuẫn, đa nghi. Cũng giống như đối với các nước dân chủ nhân dân khác ở Đông Âu, Liên Xô gửi đến Nam Tư nhiều phái đoàn cố vấn, một số đơn vị Hồng quân đã thiết lập các căn cứ đồn trú tại đất nước này. khác. Trong lĩnh vực kinh tế, núp dưới vỏ bọc tăng cường sự hợp tác giữa Liên Xô và Nam Tư, một số xí nghiệp hỗn hợp Nam Tư - Liên Xô được thành lập, song cách thức hoạt động của các xí nghiệp này không khỏi khiến người ta nghĩ rằng, Liên Xô đang theo đuổi mục tiêu khai thác nguồn tài nguyên của Nam Tư hơn là hợp tác cùng có lợi. Về chính trị, Liên Xô tham gia sâu vào trong lĩnh vực đối nội của Nam Tư, khiến J.B.Tito và những cộng sự phải tìm cách hạn chế bớt sự can thiệp của Liên Xô. Trong khi đó, khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh mô phỏng theo mô hình Xô viết của đất nước Nam Tư phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề bởi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai khiến chẳng những các kết quả đạt được không khả quan, mà còn phải đối diện với những khó khăn không dễ gì tháo gỡ. J.B.Tito muốn đưa Nam Tư thoát ra khỏi tình hình đó bằng hai con đường: 1- Mở rộng quyền lực trên bán đảo Bancăng, tiến đến thành lập Liên bang các nhà nước xã hội chủ nghĩa tại đây và sau đó là nhà nước Đại Slavơ ở phương Nam; 2- Tiến hành cải cách, tự do hóa, phân tán quyền lực của hệ thống chính trị.
Thực hiện các bước đi nêu trên, tháng 8-1947, Nam Tư và Bungari ký kết Hiệp định hữu nghị mà không tham khảo ý kiến của Liên Xô, thỏa thuận trong một thời gian ngắn sẽ thống nhất về mặt chính trị trong một liên bang. J.B.Tito tìm mọi cách thao túng Anbani, gây nên phản ứng “tiêu cực” từ phía các nhà lãnh đạo Anbani[11]. Những năm 1947-1948, về xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Nam Tư không thừa nhận đường lối tập thể hóa nông nghiệp, thành lập một hệ thống kinh tế mới, độc nhất, chọn cho mình con đường riêng – “con đường Nam Tư” .
Những động thái nói trên diễn ra ở Nam Tư, nhất là tham vọng của J.B.Tito ở Bancăng đã khiến cho I.V. Stalin lo lắng. Kế hoạch J.B.Tito đồng nghĩa với khả năng hình thành một trung tâm mới trong hệ thống xã hội chủ nghĩa - đe dọa trực tiếp đến vị thế của Liên Xô, làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa, thách thức sự kiểm soát của Liên Xô đối với các quốc gia vệ tinh. Tất yếu, Liên Xô lập tức hành động. Đáp lời kêu cứu của lãnh tụ Anbani Enver Hodja, Liên Xô quyết định gửi các chuyên gia sang Anbani. Tháng 6-1948, Liên Xô triệu tập Cục Thông tin quốc tế, trù định khai trừ Đảng Cộng sản Nam Tư.
Dù là một trong những quốc gia có sáng kiến thành lập Cục Thông tin quốc tế, song tham gia Hội nghị Vacxava tháng 6-1948, Đoàn đại biểu Nam Tư không nhất trí với nhận định “thế giới hai phe” của Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô A. Jdanov trong bản Báo cáo “Thế giới sau chiến tranh”, kiên định quan điểm: Nhận định cứng nhắc đó sẽ làm cho tình hình thế giới căng thẳng, làm tăng khả năng và dẫn đến xung đột giữa hai khối Đông - Tây. Cuối cùng, Cục Thông tin quốc tế đưa ra nghị quyết khai trừ Đảng Cộng sản Nam Tư ra khỏi Cục Thông tin quốc tế. Nghị quyết này (ở Nam Tư gọi là Nghị quyết của Informbiro) phân tích các yếu tố dân tộc chủ nghĩa đang len lỏi trong hàng ngũ lãnh đạo Nam Tư, coi đó là một trong những yếu tố đưa Nam Tư đi ngược trên con đường quay trở lại chủ nghĩa tư bản, cáo buộc Nam Tư theo chủ nghĩa xét lại. Như vậy, tuy không phải là cơ quan lãnh đạo, nhưng Cục Thông tin quốc tế đã phạm sai lầm khi áp đặt tư tưởng và đường lối của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với các đảng khác, sử dụng biểu quyết đa số để thi hành kỷ luật đối với một đảng có bất đồng chính kiến. Điều đó đã làm phương hại đến sự thống nhất trong phong trào cộng sản quốc tế.
Vốn được coi là “kẻ cứng đầu bẩm sinh”, sau “cơn tai bay vạ gió”, J.B.Tito và ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Nam Tư chẳng những không trở nên “biết điều” hơn, mà còn có hàng loạt động thái mới, bởi thái độ, hành động cứng rắn, độc đoán và thị uy nước lớn của Liên Xô khiến Nam Tư hết sức bất mãn. Tuy phải từ bỏ ý tưởng thành lập một nhà nước liên bang, song Nam Tư kiên quyết thi hành nhiều biện pháp nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của Liên Xô. Đầu năm 1948, Đảng Cộng sản Nam Tư quyết định ngừng quá trình tập thể hóa nông nghiệp dù cho đến khi đó đã thành lập được 7.000 tổ sản xuất tập thể. Về đối ngoại, Nam Tư thực hiện chính sách ngoại giao không liên kết, với lập trường trung lập trong Chiến tranh Lạnh và trở thành một trong những thành viên sáng lập Phong trào Không liên kết, thúc đẩy một chính sách không đối đầu với Mỹ[12]. Tháng 11-1949, tại Hội nghị của Cục Thông tin tổ chức tại Hunggari, Đoàn đại biểu Nam Tư tiếp tục không tán thành nhận định “phe xã hội chủ nghĩa mạnh hơn phe đế quốc chủ nghĩa”, cho đó là nhận định quá tả, vì rằng lúc ấy chủ nghĩa đế quốc còn rất mạnh.
Để “răn đe”, I.V.Stalin lên kế hoạch lật đổ Tito do những người chống đối Tito và trung thành với Mátxcơva tiến hành, hy vọng việc xóa bỏ quyền lãnh đạo của Tito sẽ buộc Đảng Cộng sản Nam Tư sẽ tuân thủ theo sự định hướng và chỉ đạo. Tuy nhiên, kế hoạch không đưa lại kết quả như mong đợi; ngược lại, nó như một chất xúc tác kích thích tinh thần dân tộc Nam Tư. Năm 1949, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Nam Tư bị khai trừ khỏi phe xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là dấu mốc của sự phân liệt ngày càng mạnh mẽ trong phong trào cộng sản quốc tế.
Sau khi cắt đứt quan hệ với Liên Xô, bị cô lập về kinh tế và chính trị, trước sự chống đối của phái “thân Stalin”, J.B.Tito bắt đầu đưa ra các lời đề nghị móc nối quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây. Hoan nghênh rạn nứt Nam Tư-Liên Xô, năm 1949, phương Tây bắt đầu viện trợ kinh tế, vận chuyển vũ khí đến Nam Tư. Tuy nhiên, J.B.Tito đủ khôn ngoan và tỉnh táo để không quá phụ thuộc vào phương Tây, các thảo thuận an ninh quân sự kết thúc vào năm 1953, Nam Tư từ chối gia nhập NATO[13], bắt đầu phát triển công nghiệp quân sự của chính mình. Năm 1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Liên Xô tập trung sự chú ý vào sự kiện này, vấn đề Nam Tư tạm được giãn ra và đã không xảy ra một cuộc chiến tranh trừng phạt như Liên Xô đã lên kế hoạch.
Nhìn một cách khách quan, mâu thuẫn trong quan hệ Nam Tư - Liên Xô phản ánh sự đụng độ giữa chủ nghĩa dân tộc và tham vọng bá chủ của Nam Tư trên bán đảo Ban căng với tư tưởng nước lớn của Liên Xô muốn kiểm soát các quốc gia vệ tinh; vì thế, bất chấp nền tảng ý thức hệ, liên minh Liên Xô – Nam Tư không tránh khỏi thảm kịch tan nát, đổ vỡ. Đây là trường hợp đầu tiên, song chưa phải là trường hợp cuối cùng phản ánh “mặt trái của tấm huy chương” trong quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Trong suốt chiều dài tồn tại của hệ thống xã hội chủ nghĩa sau này, tiếp tục âm ỉ tồn tại và nảy sinh một số mâu thuẫn, bất đồng giữa các nước xã hội chủ nghĩa – cơ sở cho thấy và khẳng định về tính hai mặt tất yếu của các mối quan hệ quốc tế dưới dưới bất kỳ vỏ bọc nào.
Bắt đầu từ rất sớm, âm ỉ, dai dẳng, ngày càng sâu sắc và cuối cùng bùng nổ là mâu thuẫn Xô – Trung – mâu thuẫn giữa hai nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất hệ thống; đồng thời, cũng là hai cường quốc thế giới, nằm trong bộ ba của tam giác quyền lực mang tính chi phối toàn cầu suốt những năm Chiến tranh Lạnh.
Dù cho đến những năm 50 của thế kỷ XX, mâu thuẫn Xô – Trung mới bộc lộ rõ, song nếu nói đến những nguyên do đích thực của nó, buộc phải trở về với quá khứ lịch sử, kể từ khi Đế chế Nga buộc Trung Quốc phải ký một loạt các hiệp ước nhượng lại nhiều phần lãnh thổ rộng lớn của mình. Những phần lãnh thổ bị mất là rất lớn - một vùng rộng hơn cả phần phía Đông sông Mississipi của nước Mỹ đã trở thành lãnh thổ của Nga, hoặc, như trong trường hợp Ngoại Mông, đặt dưới sự bảo hộ của Nga. Tiếp đó là mốc thời gian năm 1927- thời điểm Đảng Cộng sản Liên Xô nghiêng về phía Chính phủ Quốc Dân Đảng trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng. Tuy có chung nền tảng tư tưởng mácxit, song từ trước khi nước Trung Hoa mới ra đời, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô đã có dấu hiệu “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Những năm 30 của thế kỷ XX, Mao Trạch Đông phải đối diện với áp lực từ Liên Xô và Quốc tế Cộng sản III về cách thức tiến hành chiến tranh cách mạng ở Trung Quốc[14]. Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, I.V.Stalin luôn hối thúc Mao Trạch Đông liên minh với Tưởng Giới Thạch chống Nhật Bản và sự chối từ đề nghị đó (1940-1941) đã khiến Mao Trạch Đông chịu sự chỉ trích nặng nề[15]. Cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng Cộng sản Trung Quốc những năm 40 của thế kỷ XX(có mục tiêu củng có vị trí thống soái của Mao Trạch Đông trong Đảng) bị Liên Xô nghi ngờ là hành động thanh trừng các phần tử thân Liên Xô[16]. Tại Hội nghị Ianta (1945), I.V.Stalin hứa với Tưởng Giới Thạch sẽ không ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Quốc Dân Đảng để đổi lấy việc công nhận độc lập của vùng Ngoại Mông và một số nhượng bộ khác[17]Trong suốt cuộc nội chiến 1946-1949, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Đảng Cộng sản Liên Xô không mấy thuận hòa. Nghi ngờ khả năng giành thắng lợi cuối cùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Liên Xô chọn vị trí trung lập giữa những người cộng sản Trung Quốc và Quốc Dân Đảng. Tháng 12-1948, Mao Trạch Đông bày tỏ mong muốn đến Liên Xô gặp I.V.Stalin, song đề nghị này đã không nhận được sự phê chuẩn[18]. Năm 1949, I.V.Stalin khuyên Mao Trạch Đông không nên đưa quân vượt qua sông Dương Tử[19] (thực chất là không đi tiếp trong cuộc chiến tranh giải phóng Trung Quốc) để tránh một cuộc đối đầu Xô- Mỹ, song Mao Trạch Đông kiên quyết khước từ[20].

A.Mikoyan  đến Xibaipo, Trung Quốc (1-1949)
Tháng 1-1949, A.Mikoyan, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô bí mật đến thăm Xibaipo, trụ sở chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai Đảng. Ngay trong cuộc hội đàm đầu tiên, A.Mikoyan khéo léo giải thích về sự từ chối này, lấy lý do I.V.Stalin không muốn Mao Trạch Đông rời vị trí của mình trong giai đoạn quan trọng của cuộc chiến, quan ngại vì an toàn và sức khỏe của Mao Trạch Đông. Do vậy, thay vì mời Mao Trạch Đông sang Liên Xô, I.V.Stalin đã gửi A.Mikoyan đến đó. Mikoyan nhấn mạnh: "Đồng chí Stalin yêu cầu chúng tôi đến đây để lắng nghe ý kiến của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đồng chí Mao Trạch Đông và báo cáo lại khi quay trở về Moscow. Chúng tôi đến đây chỉ với đôi tai. Chúng tôi sẽ không tham gia vào các cuộc thảo luận về bất kỳ vấn đề gì”.
Cũng tại cuộc gặp gỡ này, về yêu cầu không đưa quân vượt qua sông Dương Tử của I.V.Stalin Mao Trạch Đông giải thích: Vượt qua sông Dương Tử là hoàn toàn cần thiết. Đó là cơ hội để Đảng Cộng sản Trung Quốc thủ tiêu mọi tàn dư Quốc Dân Đảng và tiến hành cuộc cách mạng triệt để.
Nguồn: Chen Jian: “The Sino-Soviet Alliance and China’s Entry into the Korean War”, Cold War International History Project, Woodrow Wilson International Center, June 1992.
 Đặc biệt, I.V.Stalin chưa bao giờ tin tưởng ở Mao Trạch Đông – một người, như I.V.Stalin quan niệm, có quá nhiều tính toán và tham vọng[21] mà I.V.Stalin là người biết rõ hơn ai hết trong thời gian lãnh đạo Quốc tế Cộng sản III  khi Đảng Cộng sản Trung Quốc còn là một bộ phận trực thuộc[22]. Những hành động kể trên của Liên Xô đã đánh mạnh vào niềm tin của Mao Trạch Đông và những người Cộng sản Trung Quốc.  Cũng vì thế, khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, tuy nói lời chào mừng, khẳng định “thắng lợi của cách mạng Trung Quốc sẽ làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thế giới”[23], vui mừng vì sự lớn mạnh của “đại gia đình các nước dân chủ” có thêm Trung Hoa nhập vào, song thực tế, I.V.Stalin đã hình dung đầy đủ và lo lắng về một cuộc cạnh tranh không mấy dễ chịu từ người láng giềng anh em. Khả năng hình thành một trung tâm cách mạng mới trên nền liên minh Trung Quốc - Bắc Triều Tiên trở thành nỗi ám ảnh đặc biệt “nhạy cảm” đối với I.V.Stalin, nhất là khi câu chuyện Nam Tư với kế hoạch thành lập nhà nước liên bang và cố gắng cưỡng lại, thoát ra khỏi vòng cương tỏa của Liên Xô còn đang nóng hổi. Như vậy, tuy những mâu thuẫn trầm tích, chưa bùng phát, song cho thấy trên nền ý thức hệ, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc nhiều nghi ngại hơn là tin cậy.
Về phía Trung Quốc, tuy có một số điểm bất đồng với Liên Xô, song trong tình hình chiến tranh Lạnh, Trung Quốc nhận thức những khúc mắc giữa hai Đảng là  nhỏ hơn so với mục tiêu chung; do vậy, giữ quan hệ thường xuyên và tương đối chặt chẽ với Liên Xô. Hầu như suốt những năm 1946-1949, Trung Quốc duy trì hàng ngày điện báo, thông tin liên lạc với Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Liên Xô. Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo cho Moscow hầu như tất cả các quyết định quan trọng của mình. Ngay cả khi có một số bất đồng với I.V.Stalin, thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn cố gắng tránh sa vào mâu thuẫn với Liên Xô. Có lẽ, những nhà lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng rằng: “Trong giai đoạn chuyển từ cách mạng dân chủ nhân dân sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, Liên Xô sẽ giúp chúng ta, trước hết, sẽ giúp chúng ta phát triển kinh tế”[24] (phát biểu của Mao Trạch Đông tại Hội nghị Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 9-1948).  Ngày 1-10-1949,  nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Ngay ngày hôm sau, Chính phủ Liên Xô thông báo với Chu Ân Lai rằng, quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc và chấm dứt mọi quan hệ với Chính phủ Tưởng Giới Thạch[25]. Ngày 16-12-1949, Mao Trạch Đông tới Liên Xô với hy vọng về một liên minh Trung –Xô mới. Sau gần hai tháng đàm phán, ngày 14-2-1950, Hiệp ước hợp tác hữu nghị Trung – Xô được ký kết, kèm theo là một khoản Liên Xô cho Trung Quốc với vay lãi suất thấp (1%) giá trị 300 triệu rúp và liên minh quân sự 30 năm chống hành động xâm lược của Nhật Bản. Đổi lại, Mao Trạch Đông đã phải thừa nhận sự có mặt của Liên Xô ở Dalien (Darien) và Lushun (Port Arthur)  đến năm 1952 (nhưng trên thực tế thời gian kéo dài hơn); đồng thời, thừa nhận ảnh hưởng của Liên Xô ở Ngoại Mông. Đây là những viên thuốc đắng cho người Trung Quốc, nhưng vì cần viện trợ kinh tế của Liên Xô, nên đành chấp nhận. Dù phải “nuốt viên thuốc đắng”, về ý nghĩa của Hiệp ước, Mao Trạch Đông vẫn hy vọng: “Hiệp ước này không chỉ ảnh hưởng đến sự thịch vượng của Liên Xô và Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng tới tương lai nhân loại, đến chiến thắng của hòa bình và công lý trên toàn thế giới”[26]. Tuy nhiên, câu chuyện đã không dừng lại đơn giản như vậy. Sự kiện chiến tranh Triều Tiên trở thành khúc quanh trong quan hệ Xô – Trung.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, theo thỏa thuận của các nước lớn, tháng 8-1948, Nam Triều Tiên tuyên bố thành lập Đại hàn Dân quốc, tháng 9-1948, Bắc Triều Tiên tuyên bố thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, chính thức hình thành cục diện chia cắt bán đảo Triều Tiên. Cũng từ thời điểm đó, cả hai miền Bắc, Nam Triều Tiên đều khẩn trương chuẩn bị cho công cuộc thống nhất đất nước.
Từ tháng 1-1950, Kim Nhật Thành đã lên kế hoạch xóa đi vết cắt ngang bán đảo Triều Tiên mang tên vĩ tuyến 38 bằng “đòn tấn công bất ngờ, với hai cánh quân bộ binh bao gồm 9 sư đoàn, trên hai hướng Seoul và Hunchhon, kết hợp với các cuộc tấn công của lực lượng du kích và các cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân"[27]. Trong điều kiện kinh tế, quân sự khó khăn và trong cục diện hai cực Đông – Tây, Kim Nhật Thành tích cực vận động, thuyết phục I.V. Stalin ủng hộ. Suốt từ tháng 1-1950 đến tháng 5-1950, Kim Nhật Thành liên tục hối thúc và chờ đợi tín hiệu từ Liên Xô. Đầu tiên, I.V. Stalin tiếp nhận yêu cầu của Kim Nhật Thành với thái độ dè dặt. Tháng 5-1950, Báo cáo của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) cho biết “quá trình quân sự hóa Nhật Bản dưới sự bảo trợ của Mỹ nhằm chống Liên Xô đang được đẩy mạnh”[28]. Tình hình không cho phép I.V.Stalin chậm chễ; hơn nữa, trong điều kiện Chiến tranh Lạnh đang nóng dần, nếu từ chối ủng hộ mong muốn thống nhất đất nước của nhân dân Triều Tiên, Liên Xô có thể sẽ bị giảm uy tín trong phong trào giải phóng dân tộc. ngày 14-5-1950, I.V.Stalin gửi điện tín cho Đại sứ Liên Xô tại Bình Nhưỡng T.F.Shtyucov nói rõ quan điểm: "Vấn đề giải phóng Triều Tiên phải được bàn bạc kỹ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc chưa đồng ý, kế hoạch được lùi lại, chờ thảo luận tiếp"[29]. Ngày 15-4-1950, Đại sứ T.F.Shtyucov thông báo về Moscow: Kế hoạch của Kim Nhật Thành đã được Mao Trạch Đông chấp thuận và hứa sẵn sàng can thiệp quân sự trong trường hợp cần thiết. Khi đã chắc chắn với cam kết tham dự chiến tranh của Trung Quốc, cuối tháng 5-1950, I.V.Stalin quyết định bật đèn xanh cho Kim Nhật Thành thực hiện kế hoạch thống nhất đất nước. Như vậy, ý định phát động chiến tranh xuất phát từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, song nó chỉ thành hiện thực sau cái gật đầu của I.V.Stalin - lãnh tụ "trung tâm cách mạng thế giới", còn sự đồng ý của I.V.Stalin chỉ có khi và chỉ khi Mao Trạch Đông lãnh trách nhiệm tham gia và chi viện cho những người anh em Bắc Triều Tiên.
Về vấn đề Mỹ sẽ tham chiến, I.V.Stalin và Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chưa bao giờ hoài nghi. Tại cuộc họp Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 24-9-1949, khi bàn về vấn đề Triều Tiên, 100 % thành viên nhất trí rằng, khi chiến tranh bùng nổ, Mỹ sẽ thông qua Liên Hiệp Quốc gửi quân đội hỗ trợ Chính quyền Lý Thừa Văn[30]. Từ tháng 4 đến tháng 6-1950, diễn ra một số sự kiện liên quan đến chiến lược của Mỹ và vấn đề Triều Tiên củng cố vững chắc thêm nhận thức của I.V.Stalin. Ngày 19-6-1950, phát biểu tại Quốc hội Hàn Quốc, Giám đốc Office of Strategic Services (OSS) Allen Dulles tuyên bố: “Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Hàn Quốc cả về tinh thần và vật chất trong cuộc chiến chống Bắc Triều Tiên”[31]. Trước khi rời Hàn Quốc, Allen Dulles viết cho Lý Thừa Văn: “Chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào vai trò quan trọng của các bạn trong vở kịch lớn sắp diễn ra”[32]. Ngày 14-4-1950, Ủy ban An ninh quốc gia Hoa Kỳ cho ra đời Văn kiện NSC-68 cho phép “thực hiện những hoạt động ngăn chặn Kreml đẩy mạnh mở rộng ảnh hưởng”[33]. Có thể khẳng định rằng, việc Mỹ can dự vào cuộc chiến là chắc chắn, vấn đề còn lại chỉ là thời điểm. Nhà chính trị dày dặn kinh nghiệm I.V.Stalin hiểu rằng cần thêm một động tác kích đẩy.
Ngày 25-6-1950, quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tấn công Hàn Quốc. Ngày 25-6 và ngày 27-6-1950, diễn ra hai cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề Triều Tiên. Nắm giữ quyền phủ quyết (vecto), Đại diện Liên Xô Y.A. Malik được lệnh tẩy chay cuộc họp[34], tự tước bỏ tấm bùa hộ mệnh đối với Bắc Triều Tiên trước sự trừng phạt của Liên quân Liên Hợp Quốc. Nhiều năm nay, giới nghiên cứu thường cho rằng đó là sai lầm đau đớn của nền ngoại giao Xô viết. Tuy nhiên, bức điện của I.V.Stalin gửi lãnh đạo Tiệp Khắc K.Gottwald (được giải mật năm 2000) lý giải việc Y.A. Malik rời khỏi Hội đồng Bảo an không chỉ bác bỏ hoàn toàn nhận định trên, mà còn làm rõ những tính toán sâu xa của Liên Xô đặt trong quan hệ "sinh tử" với Mỹ và Trung Quốc: "Tham gia vào chiến tranh Triều Tiên, Mỹ sẽ chôn vùi sức mạnh quân sự và uy tín quốc tế tại đó. Mỹ buộc phải chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang Đông Á, đối đầu trực tiếp với Trung Quốc (...) Trong một thời gian nhất định, Mỹ không thể gây chiến tranh thế giới thứ ba và điều đó hết sức có lợi cho việc củng cố hệ thống chủ nghĩa xã hội ở châu Âu"[35].
Trong khung cảnh đối đầu, xung đột của Chiến tranh Lạnh, kế hoạch thống nhất đất nước của Kim Nhật Thành, việc đá quả bóng sang chân Trung Quốc, tẩy chay có ý thức Hội đồng Bảo an, từ bỏ quyền phủ quyết vào thời điểm quyết định... chiến tranh Triều Tiên là một tính toán của Liên Xô kéo Bắc Kinh vào cuộc đối đầu với Washington, triệt tiêu khả năng Trung Quốc “nói chuyện” với Hoa Kỳ - điều nếu thành hiện thực sẽ là một thách thức không dễ vượt qua, nhất là đối với những kế hoạch củng cố vị thế và tăng cường sức mạnh toàn cầu mà Liên Xô đang ấp ủ. Quả thật, "Sói xám" I.V. Stalin già dặn trên đấu trường quốc tế đã bắn một mũi tên trúng hai đích.
Sau một thời gian diễn biến chiến trường nhìn chung có lợi cho Cộng hòa Dân chủ nhân dânTriều Tiên, vào tháng 10-1950, quân đội Hàn Quốc và Liên quân Liên Hợp Quốc lật ngược thế cờ, phản công mạnh mẽ, vượt vĩ tuyến 38, tràn lên miền Bắc, tiến dần về phía biên giới Trung Quốc. Lúc này, nếu không có những quyết sách kịp thời, việc Bắc Triều Tiên thất thủ chỉ còn trong gang tấc, nhưng tham gia vào cuộc xung đột không nằm trong tính toán của I.V. Stalin. Quan điểm của I.V. Stalin là "cần phải hối thúc Trung Quốc vào trận, còn Liên Xô chỉ can dự có mức độ trong trường hợp thật khẩn cấp, bất khả kháng"[36].
Nhận thức về lợi ích an ninh quốc gia trong bối cảnh xung đột Đông – Tây, khi "các vấn đề trung tâm trong thế giới sau Thế chiến thứ hai cách mạng vô sản trên phạm vi toàn cầu, phản ánh qua sự đối đầu giữa Hoa Kỳ - Liên Xô, còn ở Trung Quốc là cuộc đấu tranh giữa Tưởng Giới Thạch với Đảng Cộng sản Trung Quốc"[37], lãnh đạo Trung Quốc tin chắc rằng cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ là không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ là khi nào và ở đâu[38]. Vào tháng 3-1950, trong cuộc hội đàm với Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Bắc Kinh, Mao Trạch Đông nhận định: “Nếu cuộc chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra, Bắc Triều Tiên sẽ không tránh khỏi bị lôi kéo vào, vì thế, nên chuẩn bị sẵn sàng lực lượng vũ trang”[39]. Cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ càng khiến cho Mao Trạch Đông tin vào luận chứng của mình, nhìn nhận cuộc chiến như một biểu hiện tập trung nhất của mâu thuẫn giữa hai phe xã hội chủ nghĩa - tư bản chủ nghĩa và là điểm khởi phát  cuộc chiến tranh của Phương Tây chống lại các nước xã hội chủ nghĩa do Mỹ lãnh đạo. Tại Hội nghị Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc (8-1950), Mao Trạch Đông khẳng định nếu đế quốc Mỹ đạt được thế thượng phong tại Hàn Quốc, đó sẽ là mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc và cách mạng châu Á[40]. nhận thức của Trung Quốc về xung đột Triều Tiên và vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột đã vượt qua lợi ích quốc gia hạn hẹp, vượt qua mục tiêu bảo vệ an ninh biên giới thông thường, vượt mong muốn ghi dấu vai trò đầu tàu với các nước vệ tinh xung quanh. Sự tham gia của Trung Quốc vào chiến tranh Triều Tiên gắn chặt mục tiêu tái khẳng định vị trí trong trật tự quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ hai, gắn với quan điểm về tính tất yếu của cuộc cách mạng vô sản ở châu Á và trên phạm vi toàn thế giới, ở đó, vai trò của Trung Quốc là rất quan trọng. Như vậy, dù đủ tỉnh táo để nhìn ra những toan tính của Liên Xô khi đòi cầm chắc cam kết tham chiến của Trung Quốc mới đồng ý để Bắc Triều Tiên triển khai kế hoạch thống nhất đất nước, thì việc tham dự vào chiến tranh Triều Tiên đối với Mao Trạch Đông dường như là một trách nhiệm không có gì phải bàn cãi, dù trách nhiệm đó không nhận được sự ủng hộ của đa số các thành viên Bộ Chính trị và có thể mang lại những khó khăn, tổn thất, mất mát to lớn.
Ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc lập tức quyết định hoãn kế hoạch giải phóng Đài Loan để tập trung cho vấn đề Triều Tiên. Ngày 30-6-1950, Trung Quốc gửi một nhóm các nhà ngoại giao đến Bắc Triều Tiên (trong số họ đa phần là các nhân viên tình báo quân sự) thiết lập kênh thông tin liên lạc trực tiếp[41]. Từ tháng 6-1950, Trung Quốc khẩn trương cử tới Bắc Triều Tiên những binh lính, sĩ quan gốc Hàn Quốc với số lượng ngày càng tăng, lên đến 111.000 người vào tháng 12-1950[42] và lực lượng này ngay lập tức tham gia vào chiến tranh, phục vụ ở các vị trí bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên cùng các vị trí quan trọng khác[43]. Ngày 5-7-1950, I.V. Stalin hối thúc Mao Trạch Đông chuẩn bị 9 tiểu đoàn trong tư thế sẵn sàng tập trung sát biên giới Trung – Hàn và hứa sẽ bảo vệ lực lượng này từ trên không[44]. Tin tưởng ở sự hợp tác và ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc tích cực viện trợ cho Bắc Triều Tiên súng ống, đạn dược, thuốc men…, đồng ý để Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Triều Tiên xây dựng trên đất Trung Quốc các kho chứa hàng hóa viện trợ, các thiết bị, máy móc tháo dỡ từ Bắc Triều Tiên nhằm tránh thiệt hại bởi bom đạn Mỹ[45].
Ngày  2-10-1950, Mao Trạch Đông thông báo cho I.V. Stalin sẽ đưa quân giúp đỡ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, dự định quân đội Trung Quốc sẽ có mặt ở Triều Tiên vào trung tuần tháng 11-1950; đồng thời, đề nghị: "Lúc đầu, khoảng 5-7 sư đoàn quân tình nguyện sẽ được đưa tới Triều Tiên, song những sư đoàn này chỉ có thể tham gia chiến đấu sau khi nhận được trang bị vũ khí từ Liên Xô"[46]. Mao Trạch Đông yêu cầu Liên Xô viện trợ thêm hàng hóa, bảo vệ biên giới, các khu công nghiệp và quân đội Trung Quốc từ trên không. Thực không hổ là nhà chính trị lão luyện – quyết định chiến đấu vì mục tiêu "cách mạng thế giới đại đồng", Mao Trạch Đông cân nhắc để tham gia cuộc chiến tranh với những điều kiện có lợi nhất, đặc biệt là tranh thủ viện trợ vũ khí hiện đại từ Liên Xô, xây dựng nền quốc phòng vốn lạc hậu[47]. Về viện trợ vũ khí, I.V. Stalin lập tức đồng ý, "sẵn sàng trang bị vũ khí cho khoảng 20 sư đoàn Quân chí nguyện Trung Quốc"[48]. Về đề nghị hỗ trợ không quân, I.V. Stalin trả lời: "Liên Xô không thể có ngay lực lượng không quân đủ để bảo vệ những nơi mà Trung Quốc yêu cầu. Liên Xô có thể bảo vệ một số cụm công nghiệp của Trung Quốc và bảo vệ vùng biên giới Trung Quốc giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, nhưng cần có thời gian chuẩn bị"[49]. Câu trả lời của I.V. Stalin khiến Trung Quốc phải đối diện với một sự thật tàn nhẫn: Quân đội Trung Quốc sẽ phải chiến đấu mà không có sự đảm bảo từ trên không, phải thu hẹp phạm vi hoạt động, hạn chế hiệu quả chiến đấu, có khả năng thương vong lớn. Tại thời điểm Trung Quốc cần hơn bao giờ hết mọi sự giúp đỡ, việc Liên Xô từ chối yểm trợ không quân đã giáng một đòn chí tử vào liên minh Trung - Xô. Mao Trạch Đông “không còn sự lựa chọn nào khác ngoài cố gắng nuốt trôi trái đắng của sự phản bội”[50] và không bao giờ có thể tha thứ cho điều đó.
Nuốt trái đắng, Mao Trạch Đông trì hoãn gửi quân đội đến Bắc Triều Tiên trong khi quân đội Hàn Quốc và Liên quân Liên Hợp Quốc đang trên đà tấn công uy hiếp. Trong tình thế không cho phép chần chừ hơn nữa, giữ nguyên kế hoạch đưa quân vào Bắc Triều Tiên, Chu Ân Lai (lúc này đang ở Liên Xô) được lệnh tiếp tục thuyết phục I.V. Stalin. Cuối cùng, ngày 18-10-1950, sau rất nhiều nỗ lực, Chu Ân Lai mang về lời hứa cung cấp viện trợ quân sự cần thiết và hỗ trợ không quân của Liên Xô[51]. Ngày 19-10-1950, Chí nguyện quân Trung Quốc vượt biên giới, trực tiếp tham chiến đấu trên chiến trường Triều Tiên. Thực hiện thỏa thuận, ngày 1-11-1950, máy bay Không quân Liên Xô tham gia trận chiến đấu đầu tiên[52]. Cuối tháng 11-1950, trên địa phận Trung Quốc, Quân đoàn phòng không Liên Xô số 64 được thành lập, có nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở kinh tế, chính trị quan trọng, các vị trí chiến lược quân sự trọng yếu của vùng Đông Bắc Trung Quốc và hậu phương của quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Triều Tiên.
Sau khi Chí nguyện quân Trung Quốc và lực lượng phòng không - không quân Liên Xô nhập cuộc, cán cân quân sự trên chiến trường bắt đầu cân bằng, cuộc chiến diễn ra trong thế giằng co, rơi vào tình trạng bế tắc, việc kết thúc chiến tranh bằng giải pháp chính trị trở nên cấp thiết. Ngày 10-7-1951, tại Kaesong, đại diện của các bên bước vào đàm phán, tuy nhiên, diễn tiến đàm phán hết sức chậm chạp. Vào tháng 5-1952, các bên đã đạt được thỏa thuận trên hầu hết các điều kiện, ngoại trừ số phận của tù nhân chiến tranh, song phải mất hơn một năm, đến tháng 6-1953, mới thống nhất được quan điểm để ngày 27-7-1953 ký kết thỏa thuận ngừng bắn.
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến có khoảng thời gian đàm phán tương đối kéo dài (hai năm) đặt trong so sánh với  toàn bộ chiều dài cuộc chiến (ba năm, hai tháng), bởi "cuộc chiến tranh giằng co sẽ hạn chế tiềm lực quân sự của Mỹ ở châu Âu, tiêu hao các nguồn lực kinh tế và tạo ra những khó khăn chính trị cho Chính quyền H.S.Truman”[53]. Cuộc chiến kéo dài “làm chảy máu nước Mỹ (…) Sau chiến tranh Triều Tiên, người Mỹ sẽ không còn khả năng tiến hành những cuộc chiến tranh lớn”[54], “làm tăng lên sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng nghĩa với sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Moscow[55], làm giảm đáng kể sự nhòm ngó của Mỹ và các nước phương Tây đối với châu Âu - nơi được mệnh danh là "trái táo bất hòa" giữa hai cường quốc thế giới Xô - Mỹ, tạo điều kiện để Liên Xô củng cố vững chắc vùng đệm Đông Âu.
Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, chiến tranh Triều Tiên mang đi sinh mạng của 390.000 binh sĩ Trung Quốc; trong đó: 110.400 thiệt mạng trong chiến đấu, 21.600 chết vì thương vong, 13.000 chết vì bệnh tật, 25.600 mất tích. Ngoài ra, 260.000 người Trung Quốc mang thương tật vĩnh viễn, 14.000 tù binh Trung Quốc thay vào quyết định trở về đã dời đến Đài Loan[56]. Tuy nhiên, theo số liệu của các nhà nghiên cứu Phương Tây, con số thiệt hại của quân đội Trung Quốc lớn hơn nhiều, vào khoảng từ 500.000 đến 1 triệu người.
Chiến tranh Triều Tiên là phép thử đối với quan hệ Trung – Xô, làm cho quan hệ Xô –Trung vốn tiềm ẩn những bất ổn, chuyển hẳn sang trạng thái căng thẳng, mâu thuẫn, xấu đi nhanh chóng. Trung Quốc ra khỏi chiến tranh với nhận thức Liên Xô là một đồng minh không đáng tin cậy. Mặc dù Trung Quốc tham chiến chủ yếu bởi các tính toán chiến lược riêng, song các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không thể gạt đi cảm giác bất mãn do hành động và thái độ của Liên Xô: 1- Trung Quốc ngờ vực Liên Xô biến mình thành “tấm lá chắn an ninh” ở khu vực Đông Á; 2- Trái với mong đợi của Trung Quốc, Liên Xô không cung cấp viện trợ quân sự không hoàn lại, sau chiến tranh, Trung Quốc nợ Liên Xô 650 triệu đô la[57]- đó thực sự là gánh nặng đối với nền kinh tế Trung Quốc vốn lạc hậu, đang cần nguồn lực phát triển; 3- Cuộc chiến tranh mang tiếng chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, song phần lớn chi phí chiến tranh đè nặng trên vai người Trung Quốc, Liên Xô hỗ trợ ít ỏi và không kịp thời. Chiến tranh Triều Tiên còn buộc Trung Quốc phải hoãn lại kế hoạch giải phóng Đài Loan - thành lũy cuối cùng của Quốc Dân Đảng. Sau xung đột Triều Tiên, Hoa Kỳ xem xét lại chiến lược trong khu vực, tuyên bố sẵn sàng và kiên quyết bảo vệ Đài Loan nếu bị tấn công. Từ đó đến nay, Trung Quốc chưa có cơ hội thống nhất đất nước trọn vẹn như ý nguyện của Mao Trạch Đông. Liên Xô thành công trong việc biến Mỹ trở thành kẻ thù số 1 của Trung Quốc. Hai nước duy trì quan hệ thù địch trong gần 30 năm, đánh mất cơ hội đối thoại và ngoại giao. Như vậy, có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng, bên cạnh những vấn đề nổi cộm trong quá khứ lịch sử Xô – Trung, “những mầm mống mâu thuẫn Trung - Xô trong tương lai đã được gieo từ những ngày đầu tiên hợp tác hai nước trong chiến tranh Triều Tiên”[58]. Cũng từ thời điểm này, Mao Trạch Đông ngày càng tích cực hơn trong những kế hoạch tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô. Các chết của I.V. Stalin năm 1953 đã tạo ra một khoảng trống về vị trí lãnh tụ đứng đầu và Mao Trạch Đông cảm thấy rằng ông là một lãnh đạo kỳ cựu, hoàn toàn xứng đáng thế vào vị trí đó; vì thế, không thể rũ bỏ cảm giác bực tức khi các nhà lãnh đạo mới của Liên Xô không thừa nhận ở ông tư cách ấy. Và thế là những bất đồng, nghi ngại, mâu thuẫn giữa Liên Xô – Trung Quốc lại tiếp tục tích tụ, dầy dần lên, khó tránh khỏi không bùng phát.

Có thể Dowload tại địa chỉ: Mục Chuyên luận, Trang Web TRI THỨC


[1] Toàn diện – bởi nó diễn ra trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế xã hội, chính trị, quân sự, tư tưởng, tâm lý… Toàn cầu - bởi nó bao gồm tất cả các khu vực trên thế giới, để lại dấu ấn hầu như trên tất cả các sự kiện quốc tế, bằng cách này, hay cách khác ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia.
[2]Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng, ngọn lửa đầu tiên của Chiến tranh Lạnh có thể nhìn thấy từ những mâu thuẫn trong liên minh chống Hitler vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Những mâu thuẫn đó chuyển sang Chiến tranh Lạnh toàn diện xảy ra vào năm 1947. Khái niệm “Chiến tranh Lạnh” trở nên phổ biến vào năm 1947,  khi nhà báo nổi tiếng người Mỹ Walter Lippmann cho ra đời tuyển tập các bài báo có tên gọi “Chiến tranh Lạnh”.
[3]Dẫn theo Наринский М.М: История международных отношений. 1945-1975, Изд.Российская политическая энциклопедия" (РОССПЭН), M, 2004, C.15.
[4]Đào Huy Ngọc: Lịch sử quan hệ quốc tế (1870 -1964), Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, 1996, tr.119.
[5] Nguyễn Anh Thái (Chủ biên): Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 243.
[6] Lịch sử thế giới thời hiện đại (1945-2000), Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2002, tr. 578.
[7] Lịch sử thế giới thời hiện đại (1945-2000), Sđd, tr. 350.
[8] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t. 20, tr. 402.
[9] C.Mác, Ph.Ănghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.371.
[10] Dẫn theo Đào Tuấn Thành: “Vài nét về quan hệ giữa Liên Xô và Nam Tư trong những năm 1945-1948”, Tạp chí  Nghiên cứu Châu Âu, số 6 (105)-2009, tr.36.
[11] Tháng 5 và tháng 6 -1947, phái đoàn cấp cao Anbani đã có cuộc viếng thăm Mátxcơva nhằm tìm kiếm sự trợ giúp của Liên Xô trong những nỗ lực đối phó với sức ép từ phía Nam Tư.
[12]“ Not dead yet A ghostly relic marks its birth in a vanished country”, The Economist, Sep 10th 2011.
[13] Military Assistance Agreement Between the United States and Yugoslavia, November 14, 1951, American Foreign Policy 1950-1955, Basic Documents, Volumes I and II, Department of State Publication 6446, General Foreign Policy Series 117, Washington, DC : U.S. Governemnt Printing Office, 1957.
[14] Theo lý thuyết về chiến tranh cách mạng mà I.V. Stalin và Quốc tế Cộng sản III theo đuổi, ủng hộ, thì đấu tranh cách mạng phải lấy giai cấp lao động thành thị (công nhân) làm nòng cốt. Tuy nhiên, giai cấp này ở Trung Quốc hầu như không tồn tại; do vậy, Mao Trạch Đông xác định lực lượng cách mạng nòng cốt là nông dân.
[15]Liao Ganlong: "The Relations between the Soviet Union and the Chinese Revolution during the Last Stage of the Anti-Japanese War and the War of Liberation", Zhonggong dangshi yanjiu (Study of the CCP History), 1990, p.2.
[16] Liao Ganlong: "The Relations between the Soviet Union and the Chinese Revolution during the Last Stage of the Anti-Japanese War and the War of Liberation", Ibd, 1990, p.4.
[17] Wang Tingke: "The Impact of the Yalta System upon the Relationship between Stalin and the Soviet Union and the Chinese Revolution", Zhonggong dangshi yanjiu (Study ofthe CCP History), 1990, p.15.
[18] Shi Zhe: "I Accompanied Chairman Mao to the Soviet  Union", 6; Jin Chongji et al., Zhou Enlai zhuan (The Biography of Zhou Enlai), Beijing: The Press of Party Historical Materials, 1987,  pp.4-5.
[19] Còn gọi là sông Trường Giang (Đại Vân Hà)
[20] Xiang Qing: "My Opinion on the Question Whether Stalin Had Advised Our Party Not to Cross the Yangzi River," Dangde wenxian, No. 6, 1989, pp. 64-66.
[21] Những năm 30 của thế kỷ XX, Mao Trạch Đông mâu thuẫn với Vương Minh  (Wang Ming, Chen Shaoyu) –người được Quốc tế Cộng sản III và I.V.Stalin ủng hộ. Do vậy, cạnh tranh quyền lực của Mao Trạch Đông với Vương Minh chẳng những không được Quốc tế Cộng sản III đồng tình, mà còn bị nhìn nhận với con mắt ghẻ lạnh.
[22] Liao Ganlong: "The Relations between the Soviet Union and the Chinese Revolution during the Last Stage of the Anti-Japanese War and the War of Liberation", Ibid, p.5.
[23] Shi Zhe: "I Accompanied Chairman Mao to the Soviet Union”, Renwu (Biographical Journal) No. 2, 1988, p.13.
[24] Chen Jian: “The Sino-Soviet Alliance and China’s Entry into the Korean War”, Cold War International History Project, Woodrow Wilson International Center, June 1992.
[25] Zhonghua renmin gongheguo duiwai guanxi wenjianji, 1949-1950 (Documents of Foreign Relations of the People's Republic of China), Beijing: The Press of World Affairs, 1957,  pp.5-6.
[26] Renmin ribao, 20 February 1950.
[27] А.В. Окороков: Секретные войны Советского Союза, Первая полная энциклопедия (fb2), издано 2008, C.169.
[28] Комитет национальной безопасности: Доклад о восстановления военной потенциала Японии, от 24-5-1950, Российский г осударственный архив социально-политической истории, Ф. 17, Оп. 37, Д. 415, Л. 1-112.
[29]“Телеграммa от И.В. Сталинa Т.Ф. Штыковy, 14 мая 1950 г”, Pоссийский государственный архив социально-политической истории, Ф. 558, Оп. 11, Д. 334, Л. 55.
[30] Протокол заседания Политбюро ЦК Коммунистической партии Советского Союза (б) от 24-9-1949, Pоссийский государственный архив социально-политической истории, Ф. 17, Оп. 162, Д. 1078, Л. 133-141.
[31] Министерства обороны СССР: Корейская война, 1950-1953, второе издание, Москва, 2000, C.57.
[32] Корейской войны,  Газета Красная Звезда, от 14-8-1992.
[33] Foreign relations of the United States, 1950, State United States Department of State Office of the Historian, vol. 1, p.237-238.
[34] Với lý do chiếc ghế tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) phải được chuyển sang cho Trung Quốc, nhưng Hội đồng Bảo an đã liên tục chối từ.
[35] “Телеграммa  от И.В. Сталинa  К. Готвальду, 27 августа 1950 г”, Pоссийский государственный архив социально-политической истории, Ф. 558, Оп. 11, Д. 62, Л. 71 – 72.
[36] А.В. Окороков: Секретные войны Советского Союза, Указ. Соч, C.159.
[37] "Directive of the Strategy of Struggle Against the U.S. and Jiang, 28 November 1945", United Front Department and the Central Archives of the CCP, ed., Zhonggong zhongyang jiefang zhanzheng shiqi tongyi zhanxian wenjian xuanbian, Beijing: Dang'an chubanshe, 1988, p. 32.
[38] Chen Jian: "The Sino-Soviet alliance and China's entry into the Korean War”, Ibid, p.16.
[39] Телеграммa от A. Игнатьевa Вышинскому, 10 апреля 1950г”, Архив Президента Российской Федерации, Ф. 059a, Оп. 5a, Д. 3, П. 11, Л. 98-99.
[40] Bo Yibo: Ruogan zhongda juece yu shi jian de huigu (Recollections on Several Important Policy Makings and Events), Beijing: Zhongyang dangxiao chubanshe, 1991, p. 43.
[41] Chai Chenwen and Zhao Yongtian (1989), Banmendian tanpan (The Panmunjom Negotiation), Beijing: The Press of the People's Liberation Army, pp. 35-36.
[42] “Report from Zhou Enlai to Mao Zedong, 12 December 1950”, Jianguo yilai Zhou Enlai wengao (CPC Central Historical Documents Research Office), Beijing: Zhongyang wenxian chubanshe, vol. 3/2008, pp.625-628.
[43]Telegram from Zhou Enlai to Gao Gang, etc., 4 October 1950”, Jianguo yilai Zhou Enlai wengao (Central Archive, eds), Beijing: Zhongyang wenxian chubanshe, 2008, vol. 3, p.381.
[44] “Телеграммa от И.В. Сталинa Мао Цзэдунy, 5 июля 1950 г”, Pоссийский государственный архив социально-политической истории, Ф. 558, Оп. 11, Д. 334, Л. 79.
[45] “Telegram from Zhou Enlai to Ni Zhiliang, 29 September 1950”, Jianguo yilai Zhou Enlai wengao (Central Archive, eds), Beijing: Zhongyang wenxian chubanshe, 2008, vol. 3, p.345.
[46] А.В. Окороков: Секретные войны Советского Союза, Указ. Соч, C.164.
[47] and Jon Halliday: Mao: The Untold Story, London, Jonathan Cape, 2005,  p.469.
[48] А.В. Окороков: Секретные войны Советского Союза, Указ. Соч, C.169.
[49] А.В. Окороков: Секретные войны Советского Союза, Указ. Соч, C.169.
[50] Chen Jian:"The Sino-Soviet alliance and China's entry into the Korean War”, Ibid, p.18.
[51] Xu Yan: "The Tortuous Process of Making the Final Decision to Enter the Korean War”, Dangshi yanjiu ziliao (Materials Concerning the Study of the Party History), No. 4/1991, pp. 11-12.
[52] Телеграммa от С.Е. Захаровa Сталин, 2 ноября 1950”, Архив Президента Российской Федерации, Ф. 059a, Оп. 5a, Д. 4, П. 11, Л. 187-188.
[53] А.В. Сморчков: Корейской войны 1950-1953 гг, Chekist.ru, от 29-11-2009.
[54] А.В.Панцов: Сталин преднамеренно затягивал войну на Корейском полуострове, Независимое военное обозрение, от 18-7-2008, C.5.
[55] А.В. Сморчков: Корейской войны 1950-1953 гг, Указ. Соч.
[56] Корейская война 1950 – 1953, http://www.world-history.ru/

[57] Zhang Xiaoming: “China, the Soviet Union, and the Korean War: From an Abortive Air War Plan to a Wartime Relationship”,  Journal of Conflict Studies, vol 22, N01/2002, p.81.


[58] Chen Jian: "The Sino-Soviet alliance and China's entry into the Korean War”, Ibid, p.18.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!