MỞ
ĐẦU
Phương pháp là cái chỉ có ở con người,
nó mang tính mục đích, là cách mà chủ thể hoạt động tác động vào đối tượng hoạt
động để dẫn đến kết quả hoạt động. Phương pháp luận sử học là những lý giải về
phương pháp trong khoa học lịch sử, nhằm lựa chọn ra những phương pháp đạt hiệu
quả cao trong hoạt động bao trùm- hoạt động nhận thức. Phương pháp sử học có
quá trình phát triển, tồn tại gắn liền với khoa học lịch sử. Nó là bộ môn không
thể thiếu được, là cơ sở để khoa học lịch sử hoàn thiện và phát triển. K.Mars
đã nói rằng, không chỉ kết quả nghiên cứu cần phải đúng, mà cả con đường dẫn
tới kết quả cũng phải đúng. Có phương pháp mới đạt được nôị dung khoa học.
Lịch sử phát triển của phương pháp luận
sử học qua các thời kì là lịch sử của những cuộc đấu tranh quan điểm, học
thuật, tư tưởng về nhiều vấn đề của phương pháp luận. Phạm vi nghiên cứu của
phương pháp luận sử học rất rộng.
Trong khuôn khổ hạn hẹp của chuyên luận, tác
giả chọn vấn đề nhận thức về lịch sử và sử học, từ đó tìm hiểu quá
trình lịch sử trở thành sử học, đi sâu vào nghiên cứu nhận thức lịch sử như một
hoạt động quan trọng, phức tạp, chỉ có ở con người. Với chức năng nhận thức,
khoa học lịch sử đem lại những hiểu biết về quá trình lịch sử trong quá khứ,
giải thích tính phong phú, đa dạng của quá trình đó, lấy đó làm cơ sở để phát
hiện những qui luật của lịch sử xã hội loài người. Sự nhận thức các qui luật
lịch sử có ý nghĩa thiết thực đối với sự tiến bộ của xã hội. Đi tìm hiểu quá
trình nhận thức lịch sử, các đặc thù của nó, tính phong phú, đa dạng của nó góp
phần hiểu biết hơn về khoa học lịch sử. Đây cũng là lý do vì sao tác giả lựa
chọn vấn đề này.
Mục tiêu của chuyên luận là thông qua
các nhận thức về lịch sử và sử học, để thấy được quá trình lịch sử trở thành
khoa học là một quá trình lâu dài, đầy mâu thuẫn, là kết quả của cuộc đấu
tranh giữa các trường phái, quan điểm nhằm tìm ra chân lý. Sau đó, chỉ ra thế
nào là quá trình nhận thức lịch sử, vì để lịch sử trở thành khoa học thì nhận
thức có một vai trò rất quan trọng. Nhận thức lịch sử là cả một quá trình, nó
có những cấp độ tương ứng với mục đích nghiên cứu của từng giai đoạn. Do vậy,
tiểu luận còn làm sáng tỏ những cấp độ nhận thức trong khoa học lịch sử như là
phương tiện phục vụ trực tiếp cho sử gia đi đến những tri thức lịch sử khoa
học.
NỘI
DUNG
1. Lịch sử và sử học
Trước đây, (thời cổ, trung đại) lịch sử
rời xa hiện thực. Sau đó, con người bắt đầu nhận ra rằng quá khứ gắn liền với
hiện tại, cũng như trong xã hội tự nhiên, mọi sự vật, hiện tượng gắn bó chặt
chẽ với nhau, không có gì qua đi không để lại dấu vết. Quá khứ luôn để lại di
sản cho nhân loại (ví dụ như: ngôn ngữ, tri thức, văn hoá …là kết quả của một
quá trình hình thành, phát triển lâu dài). Nhiều yếu tố của hiện tại được sinh
ra, phát triển, thừa hưởng, có cội nguồn trong quá khứ. Do vậy, lịch sử nghiên
cứu quá khứ, vẽ lại bức tranh hiện thực khách quan đã xuất hiện như một con
đường đặc biệt để đi vào cuộc sống.
Thuật ngữ “lịch sử” mang nhiều ý nghĩa
khác nhau.
Ở phương Tây, thuật ngữ này có gốc Hi
lạp, “historie” là kể lại những điều đã chứng kiến, đã nghe thấy.
Ở phương Đông, tiêu biểu làTrung quốc,
vào thời nhà Chu, “sử” chỉ sự việc đã xảy ra, được ghi lại. Còn theo
“thuyết văn giải tự”, “sử”- là người cầm bút viết lên thẻ tre (sách) một cách
trung thực, công bằng, ngay thẳng.
Trong tiếng La-tinh cổ điển, từ “lịch
sử” ngữ nghĩa cũng giống như trong tiếng Hi Lạp, đều chỉ sự quan sát trực tiếp,
nghiên cứu và tin tức.
Ngoài ra, thuật ngữ này còn có những
nghĩa khác nhau, phát triển theo thời gian như: quá khứ, câu chuyện, khoa học
lịch sử, sử học…Tuy nhiên, có thể tổng kết và thấy rằng thuật ngữ này có hai
nghĩa chủ yếu:
1.Trên phương diện bản thể luận, lịch
sử là bản thân sự việc đã xảy ra trong quá khứ một cách khách quan, độc lập với
ý thức của con người và tuân theo những qui luật tất yếu.
2.Trên phương diện nhận thức luận, lịch
sử là những hiểu biết về cái đã xảy ra, là sự ghi nhớ, ghi chép những gì đã
biết về quá khứ.
Nhận thức luận- nhận thức lịch sử có từ
khi con người xuất hiện, biểu hiện qua những câu truyện thần thoại, truyền
thuyết, cổ tích…về quá khứ một dân tộc, nguồn gốc dân tộc đó…Nhưng từ tri
thức lịch sử đến khoa học lịch sử là cả một chặng đường dài. Xã hội
loài người có từ 3-5 triệu năm, thì tri thức lịch sử cũng có ngần ấy năm. Nhưng
khoa học lịch sử thì còn non trẻ, khoảng 2000-3000 năm (theo Phan Ngọc
Lân- Trần Vĩnh Tường, Giáo trình lịch sử thế giới). Lịch sử thực sự trở thành
khoa học khi nó hình thành hệ thống tri thức về mọi qui luật của vật chất và sự
vận động của vật chất, những qui luật của tự nhiên, xã hội, tư duy. Cụ thể hơn,
lịch sử trở thành khoa học khi nó tổng kết những hoạt động của con người trong
cuộc đấu tranh với tự nhiên, thiên nhiên và trong xã hội. Những hiểu biết này
được khái quát hóa, đi sâu vào bản chất sự việc, hiện tượng, phát hiện những
qui luật vận động và qui luật tác động, chi phối nó. Khoa học lịch sử chân
chính phục vụ con người và mang tính xác thực khách quan.
Khoa học lịch sử ra đời dựa trên cơ sở
hiểu biết của con người về quá khứ, trở thành khoa học thực sự từ thời cận đại.
Khoa học lịch sử mang tính xã hội
vì nó nghiên cứu xã hội, tham gia vào cuộc sống xã hội. Nội dung của lịch sử –
những vấn đề được nghiên cứu ảnh hưởng đến xã hội và những khoa học khác. Khoa
học lịch sử tích cực tham gia vào sự hình thành ý thức xã hội. Trái với luận
điểm này, các trường phái lịch sử tư sản cho rằng: lịch sử là môn khoa học chỉ
phục vụ khoa học mà thôi, không phụ thuộc vào quyền lợi của giai cấp, đảng
phái. Nhà sử học người Anh Ellton kêu gọi nghiên cứu lịch sử không đếm xỉa đến
mối quan hệ quá khứ –hiện tại, hay nghiên cứu lịch sử chỉ vì lịch sử mà
thôi [37,12]. Trên thực tế, điều này là ảo tưởng. Khoa học lịch sử không thể
tách rời xã hội. Dù muốn hay không, nó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của
con người, vì ảnh hưởng của giai cấp, thời đại, môi trường thể hiện trong từng
bước nghiên cứu của nhà sử học. Từ việc chọn đề tài nghiên cứu, chọn lựa tư
liệu đến cách phân tích, giải thích chúng. Khi xem xét bất kì công trình lịch
sử của bất kì thời đại nào, thậm chí là đã rất xa vời, đều thấy có những vấn đề
chung, mà xã hội, con người thời kì bấy giờ quan tâm và quan điểm giai cấp,
những đánh giá, cảm tình của tác giả.
Khoa học lịch sử có chức năng nhận
thức. Chức năng nhận thức lịch sử thể hiện ở việc miêu tả một cánh khoa học
hiện thực lịch sử, quá khứ khách quan, để từ đó nêu lên những qui luật chung
của sự phát triển xã hội, hình thái kinh tế xã hội và những qui luật cá biệt
đặc thù, nhằm nhận thức qui luật chung một cách sâu sắc hơn, từ nhận thức đó
hiểu biết sự phát triển của toàn bộ xã hội loài người.
Khoa học lịch sử còn có chức năng
giáo dục, nêu gương. Nó thể hiện sự tham gia tích cực của khoa học lịch sử
vào đời sống xã hội. Nó không tách rời nguyên tắc “ôn cố nhi tri tân”( biết
điều đã qua để hiểu cái mới).
Hiểu biết quá khứ để hiểu sâu sắc hiện
tại, hoạt động tích cực trong hiện tại, tiên đoán sự phát triển của tương lai,
đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp hơn, đó chính là nhiệm vụ của sử
học.
Quan niệm về đối tượng sử học có
tính giai cấp. Nếu các sử gia phong kiến cho rằng lịch sử là lịch sử của vua
chúa, do vậy đối tượng của sử học là vua chúa, quí tộc, các triều đại phong
kiến, thì các nhà sử học hiện đại quan niệm lịch sử là lịch sử của loài người,
đối tượng của sử học là con người và toàn bộ sự vật, hiện tượng có liên quan
đến con người. Có nghĩa là lịch sử được coi như một quá trình thống nhất, bị
chi phối bởi những qui luật. Quá trình lịch sử là một quá trình phức tạp và đầy
mâu thuẫn. Do vậy, đối tượng của khoa học lịch sử là cả quá trình phát triển
thực tế của xã hội loài người nói chung, của từng nước, từng dân tộc nói riêng,
trong toàn bộ tính thống nhất, phức tạp của nó.
2. Lịch sử trở thành
khoa học
Lịch sử trước khi trở thành khoa học có
nhiều nhược điểm, mà nhược điểm chính là tất cả những nghiên cứu lịch sử không
nhằm rút ra bài học kinh nghiệm từ quá khứ, phục vụ cho hiện tại, có ý nghĩa
thực tiễn, mà chỉ khai thác những sự kiện lịch sử để hướng tới mặt đạo đức,
ý nghĩa đạo đức là chính. Nhà sử học thời kì trung đại Beđa Đostopochennưi
(673-735) đã tuyên bố “ Sử học là nhằm thu thập những tấm gương lịch sử để làm
thức dậy trong con người những hành động thiện, hạn chế bớt cái ác” [21,8].
Ngoài ra, có thể thấy lịch sử trước khi trở thành khoa học trong các bước
nghiên cứu chỉ đi tìm sự tương tự giữa quá khứ và hiện tại. Lịch sử được
coi là “cái kho” lớn, trong đó mỗi sử gia đều có thể tìm thấy những tiền lệ cho
bất kì sự kiện, hiện tượng nào của hiện tại. Trên thực tế, lịch sử không lặp
lại y hệt, nếu có một vài điểm nào đó tương đồng trong một quan hệ nào đó thì
trong các mối quan hệ khác, nó lại hoàn toàn khác biệt. Các sử gia trước đây đã
quên đặt sự kiện lịch sử vào trong các mối quan hệ, để nhìn ra bản chất của sự
kiện, hiện tượng trong tổng các mối quan hệ. Cách nhìn nhận và đánh giá lịch sử
như vậy không mang lại lợi ích thiết thực, nếu không nói là có hại.
Vào thế kỉ XV, bắt đầu
nhận thấy những cố gắng đầu tiên nhìn nhận nhiệm vụ của lịch sử một cách sâu
hơn, nhìn thấy quan hệ của lịch sử với những khoa học khác. Nhà sử
học Đức Kekerman (1571-1609) trong cuốn “Về tự nhiên và thuộc tính của lịch sử”
cho rằng: “lịch sử là sự giải thích, tìm hiểu cả những sự vật, hiện tượng nhỏ
nhất, thậm trí mang tính cá nhân, để từ đó chúng ta nhận thức, hiểu thấu sự
việc” [22,8]. Các sử gia khác cũng dần nhận thấy rằng, lịch sử có mối quan hệ
mật thiết với các khoa học khác. Đây là môn khoa học bao gồm trong mình nhiều
bộ môn khoa học. Trong quá trình phát triển của tri thức khoa học, các sử gia
đã nhận thấy sự ảnh hưởng của yếu tố địa lý, điều kiện tự nhiên đến tiến
trình lịch sử . Nhà sử học-triết học Arixtot đã tập trung sự chú ý vào yếu tố
khí hậu và vai trò của nó. Trong tác phẩm “Chế độ chính trị Aten” ông đã nói về
sự ảnh hưởng tới con người của yếu tố khí hậu, (ví dụ như biển, sa mạc…). Quan
niệm tương tự cũng nhận thấy ở Hipocrat, Platon và được nhà sử học người Ả rập
Ubh Khaldun (1332-1406) phát triển sâu hơn trong bộ sách 7 tập của mình về lịch
sử các dân tộc vùng Ả rập, Ba tư và các dân tộc sống cận kề. Trong đó ông khẳng
định rằng: "yếu tố quyết định ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội là
môi trường xung quanh. Bởi vì, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, cách tổ chức
xã hội của họ chịu ảnh hưởng trong một chừng mực nhất định bởi cách thức kiếm
kế sinh nhai" [23,8].
Các nhà sử học đi tới quan niệm vai
trò của lịch sử như là phương thức nhận thức thế giới. Lịch sử không chỉ là
kể lại những gì đã diễn ra, mà phải đánh giá, giải thích ý nghĩa của nó, tìm
hiểu những yếu tố, sự kiện khách quan, những qui luật ảnh hưởng đến sự
phát triển của lịch sử, xã hội.
Thế kỉ thứ XVI-XVIII, là
thời kì lực lượng sản xuất đạt được những thành tựu to lớn. Khoa học và tư duy
con người có bước tiến đáng kể. Đây là cơ sở cho những bước chuyển mới trong
lịch sử và lịch sử bắt đầu có những thay đổi lớn lao, dần dần trở thành khoa
học. Trước tiên, có thể nhận thấy sự giải phóng tư duy là nguyên nhân quan
trọng thúc đẩy lịch sử phát triển. Các nhà khoa học nhận thấy những tri thức
khoa học không thể song hành với giáo điều, với tín ngưỡng tôn giáo, khi mọi
câu trả lời đều gắn vào với thượng đế và kinh thánh. Khoa học bắt đầu cuộc tấn
công vào thành kiến tôn giáo, mê tín dị đoan. Quyền lực của nhà thờ có ảnh
hưởng tiêu cực đến sự phát triển của khoa học. Khoa học bắt đầu cuộc đấu tranh
với nhà thờ, để tri thức khoa học thoát khỏi ảnh của giáo lý nhà thờ- một cuộc
đấu tranh lâu dài, khó khăn và các nhà sử học tham gia tích cực vào cuộc đấu
tranh này. Đại diện tiêu biểu là Ph.Bêcơn (1561-1626) cho rằng, phải kiểm tra
mọi giả thuyết một cách kĩ lưỡng bằng con đường thực nghiệm. Nhà bác học Ý
Marchenlo Malpigi (1628-1694), người có nhiều thành công trong lĩnh vực giải
phẫu học quan niệm: “mọi cuộc chiến tranh đều mang lại ít thiệt hại hơn cho
khoa học hơn là phương pháp nghiên cứu dựa trên giáo lý và uy tín của nhà thờ,
chứ không dựa trên những quan sát trực tiếp” [16,8].
Trong cuộc đấu tranh này, phải kể đến vai
trò tích cực của các nhà sử học thuộc trường phái Nhân văn Ý. Họ mơ ước đưa sử
học từ địa vị đầy tớ của nhà thờ, phục vụ nhà thờ trở thành tri thức khoa học,
loại bỏ mọi sự tin tưởng ở những thế lực thần bí, tham gia vào hoạt động của
con người trong quá trình lịch sử. Các nhà sử học-nhân văn đã tiến hành cuộc
tìm kiếm, nghiên cứu những tác phẩm của các nhà sử học cổ đại, sử dụng phương
pháp phân tích, so sánh để chỉ ra độ tin cậy của văn bản. Họ bước đầu đặt cơ
sở, nền móng cho việc ra đời kĩ thuật khôi phục lại trạng thái ban đầu của văn
bản và tư liệu gốc. Họ có công lao lớn trong việc hình thành phương pháp phê
phán sử liệu, mặc dù trong các công trình của mình, phương pháp này chưa được
sử dụng thực sự triệt để. Do đề cao tính cổ đại của tư liệu, nên họ đã tin
tưởng một cách mù quáng vào bất kì một tư liệu nào, nếu nó có nguồn gốc, xuất
xứ từ thế giới cổ đại.
Thời kì này cũng xuất hiện một trào lưu
mới- phong trào Cải cách tôn giáo. Những đại diện của phong trào này như nhà sử
học Anh Robert Barnx(1495-1540), nhà sử học Matiax Phlasiux (1520-1575)…bằng
các tác phẩm của mình đã vạch ra hàng loạt mặt độc tài trong chính sách của nhà
thờ Rô-ma, chống lại giáo lý nhà thờ, vạch ra bản chất của nhà thờ, đề cao khoa
học nói chung và khoa học lịch sử nói riêng.
Để chống lại trào lưu này, bảo vệ
nhà thờ, nhà thờ Rô-ma tổ chức một trào lưu đối địch, đứng đầu là Hồng y Giáo
chủ Xeda Baronia(1538-1607), xuất bản hàng loạt ấn phẩm trong đó đề cao quyền
lực của nhà thờ Rô-ma, chống lại những thành viên của phong trào Cải cách tôn
giáo.
Cuộc đấu tranh về mặt tư tường của thời
kì này có những ý nghĩa nhất định. Trước hết, nó làm giảm ảnh hưởng của nhà
thờ, tiêu diệt sự ảnh hưởng tuyệt đối của nhà thờ đối với khoa học. Sau nữa,
nhờ nó mà hàng loạt các tư liệu gốc, các tác phẩm lịch sử được xuất bản, để dựa
trên đó, hai phái bảo vệ lập trường của mình. Người cùng thời gọi đây là “cuộc
chiến tranh tư liệu”.
Sự giải phóng tri thức khỏi ảnh hưởng
của nhà thờ, thái độ có tính phê phán đối với các giáo lý tôn giáo, đã tạo cách
nhìn nhận mới của khoa học đối với thế giới xung quanh và sự phát triển của thế
giới ấy.
Ở giai đoạn lịch sử chưa trở thành khoa
học, xu hướng tiêu biểu trong quan niệm về thế giới là đề cao tính ổn định,
không thay đổi của nó, coi thế giới, xã hội chỉ vận động trong một vòng
tròn khép kín, hạn hẹp. Trong thế giới cũng như trong cuộc sống của mỗi con
người, mọi sự vật hiện tượng đều lặp đi, lặp lại. Quan niệm này thịnh hành cho
tới thời kì đầu cận đại. Nhà khoa học, chính trị học thời kì Phục hưng Nicôlo Makiavelli
(1469-1527) khẳng định rằng: “có thể tiên đoán trước được tương lai, vì tất cả
mọi dân tộc đều có chung một mong muốn và hi vọng, và mọi dân tộc đều đi qua
những giai đoạn như nhau: từ chế độ quân chủ- nền bạo chính- thống trị tập
đoàn- dân chủ-vô chính phủ- chế độ quân chủ” [19,8]. Có nghĩa là sự phát triển
tuân theo một trật tự nhất định, lặp lại theo một vòng khép kín. Phần lớn các
sử gia thời kì này đều quan niệm: quá khứ soi sáng hiện tại, vì thế giới chỉ là
một và chỉ một mà thôi. Những gì đang có, sẽ có thì đã từng có, chỉ có điều có
ở thời gian khác mà thôi. Những gì thuộc về quá khứ sẽ trở lại, nhưng dưới một
cái tên khác, một diện mạo khác mà không phải ai cũng nhận ra. Nhận ra nó chỉ
có người thông thái, biết quan sát.
Một quan niệm khác, không khoa học
tương tự, đó là quan niệm về sự thoái hoá, thụt lùi, cho rằng “thời kì
vàng son” của nhân loại đã qua rồi. Trong quá khứ con người không biết đến bệnh
tật, từng sống sung sướng. Tất cả lịch sử nhân loại chỉ là sự thoái biến mà
thôi. Mặc dù khoa học đã từ lâu chứng minh tính phản khoa học của tư tưởng này,
nhưng nó vẫn có những ảnh hưởng nhất định đến tư duy của một số những người
chưa thoát khỏi sự chi phối của giáo điều tôn giáo.
Thay thế những tư tưởng lỗi thời đó là
những quan niệm tiến bộ hơn về sự phát triển phù hợp với thời gian, tính
thay đổi liên tục của thế giới, như là qui luật tồn tại của thế giới
xung quanh, như một trong những điều kiện của sự tồn tại. Sở dĩ quan niệm này
đứng vững được là do thời kì này lực lượng sản xuất phát triển một cách
rõ rệt, mức sống được nâng cao. Đây là thời kì của sản xuất vật chất, kĩ thuật
và khoa học, cùng với sự phát triển của quan hệ mới- quan hệ tư sản. Tư tưởng
về sự tiến hoá được thể hiện khá rõ nét ở các nhà khoa học-nhân văn và Khai
sáng, tiêu biểu là Gian Bôden(1530-1596), Bernar de Phontenel(1657-1757),
Dzambattista Viko(1668-1744)…Quan niệm này đặc biệt phát triển vào thời kì Khai
sáng, vì những nhà tư tưởng thời đại này thể hiện quyền lợi của giai cấp tư sản
đang hình thành, phát triển, phê phán tư tưởng phong kiến một cách mạnh mẽ qua
việc nhấn mạnh tính qui luật của quá trình lịch sử. Tuy vậy, ở đây có thể thấy
rõ sự thoả hiệp giữa niềm tin tôn giáo và tính qui luật của sự phát triển,
khi họ cho rằng “cú hích” đầu tiên là do một sức mạnh thần bí, siêu đẳng, nhưng
sau đó thế lực này không còn tác động vào quá trình lịch sử nữa, thế giới phát
triển theo một hướng nhất định.Tuy có những bước tiến , nhưng tư tưởng
về sự tiến hoá này có những mặt yếu không thể không nhận ra. Đó tính sơ sài. Sự
tiến hoá được hình dung đơn giản theo đường thẳng, đi từ nấc thang này sang nấc
thang khác. Do ảnh hưởng của chủ nghĩa duy tâm, các nhà Khai sáng không nhìn ra
nguyên nhân thực sự của sự tiến hoá, coi trí tuệ của con người là nguyên nhân
cơ bản, hàng đầu của quá trình tiến hoá ấy.Thời kì này, ảnh hưởng của yếu tố địa
lý, điều kiện tự nhiên đến tiến trình lịch sử cũng được đào sâu hơn. Tư tưởng
này được thể hiện một cách hoàn thiện hơn bởi Monteskio(1689-1775), khi
ông cho rằng các hình thức cai trị xã hội và đời sống văn hoá của các dân
tộc phụ thuộc vào khí hậu, thảm thực vật và hàng loạt các yếu tố địa lý khác.
Thế kỉ XVIII, các nhà sử học bị lôi kéo bởi
những yếu tố khác trong sự phát triển của xã hội, trong đó yếu tố cơ bản
chi phối sự phát triển của lịch sử, được coi là các quá trình kinh tế.
Dĩ nhiên là quan điểm này được các nhà sử học Anh quan tâm đầu tiên, vì đây là
nơi đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp với những thay đổi sâu sắc trong
đời sống xã hội. Các nhà sử học nêu lên vai trò của sở hữu và sự phân bố không
đồng đều của nó, tác động của nó đối với sự phát triển của xã hội. Họ cho rằng
động lực phát triển của xã hội nằm trong tổng hoà các điều kiện kinh tế. Nhà sử
học Xcôtlen Adam Phergisxon (1723-1816) đã nhìn thấy vai trò của các mâu
thuẫn, xung đột trong sự phát triển của xã hội và thừa nhận tính qui
luật của các biến động cách mạng.
Thế kỉ XIX, các nhà khoa học đã chỉ ra thêm nhiều
yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của xã hội. Nhưng để lịch sử
thực sự trở thành khoa học đòi hỏi phải xây dựng hệ thống phương pháp nghiên
cứu. Lịch sử là khoa học khi nó dựa trên những hiểu biết tin câỵ. Những
hiểu biết này có được, khi nhà sử học có thể xác định được độ tin cậy, tính
chân thực của tư liệu lịch sử và kiểm tra nó một cách kĩ càng. Chính từ yêu cầu
này mà phương pháp phê phán sử liệu đã ra đời. Những người đặt nền móng
chính là các nhà sử học-nhân văn, sau đó là nhà thờ công giáo (như đã nêu ở
trên, trong cuộc “chiến tranh tư liệu”). Phương pháp này (đặc biệt là phương
pháp phê phán sử liệu bên trong) được hình thành trong khoảng từ thế kỉ
XVII-XVIII, với công sức, sự cố gắng, nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu.
Như vậy, đã hình thành dần những điều
kiện cơ bản để lịch sử trở thành khoa học, đó là:
- Sự nhận thức
sâu sắc hơn nhiệm vụ của khoa học lịch sử.
- Hình thành
chặt chẽ hơn hệ thống các phương pháp nghiên cứu sử liệu.
Sự hoà quyện của hai yếu tố cơ bản này
làm cho lịch sử thực sự trở thành khoa học. Vậy thì sự hoà quyện ấy xẩy ra khi
nào? Khi nào lịch sử trở thành sử học? Trả lời câu hỏi này không hề đơn giản.
Bởi vì, bản thân khái niệm “khoa học”cũng luôn thay đổi, nó phụ thuộc vào thời
đại. Cùng với sự phát triển của xã hội, khoa học cũng thay đổi cách nhìn nhận
nhiệm vụ của mình và giải quyết chúng bằng những phương pháp khác nhau. Trong
bối cảnh như vậy, thay đổi cả quan niệm về “tính khoa học”. Đối với khoa học
lịch sử cũng vậy. Nên cuộc tranh luận về thời gian lịch sử trở thành sử học là
không tránh khỏi. Nếu xem những tri thức lịch sử đã đạt được ở mức độ tương đối
chính xác, dựa trên cơ sở những nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ của mình và dựa
trên những phương pháp nghiên cứu chặt chẽ, thì khoa học lịch sử xuất hiện chưa
lâu, không sớm hơn cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX [27,8]
Lịch sử trở thành khoa học không có
nghĩa nó là hình thức duy nhất nhận thức quá khứ. Ngoài sử học, vẫn tồn tại các
hình thức nhận thức lịch sử khác nhau, như ngoài khoa học hoặc trước khoa học.
Khoa học lịch sử như là một khoa học xã hội trong điều kiện đấu tranh giai cấp
không thể đứng ngoài cuộc, nó tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng và làm phát
sinh nhiều trường phái sử học với nhiều cách tiếp cận khi nghiên cứu quá khứ,
làm cho khoa học lịch sử trở nên phong phú và đa dạng hơn.
3. Quá trình nhận thức lịch sử
Khách thể mà sử học nghiên cứu có hàng
loạt các đặc điểm riêng biệt, do vậy quá trình nhận thức nó cũng có hàng loạt
nét đặc thù. Về tính chất và bản chất của quá trình nhận thức, vào những thời
gian khác nhau, có những quan niệm khác nhau.
Thế kỉ XIX, những nhà sử học theo chủ nghĩa
thực chứng phủ nhận tính đặc thù của quá trình nhận thức lịch sử và đồng
nhất nó với quá trình nhận thức nói chung. Sở dĩ có quan niệm này là do các nhà
sử học bị chi phối bởi ý kiến: khoa học lịch sử không có sự khác biệt rõ ràng
với các khoa học khác về mặt mục đích, phương pháp nghiên cứu. Khoa học lịch sử
cũng đi con đường mà các khoa học khác đã đi, sử dụng các phương pháp nghiên
cứu của những khoa học đó, có nghĩa là cuối cùng không có khác biệt gì đặc biệt
với khoa học khác. Các nhà sử học ủng hộ quan điểm này thậm chí còn sử dụng cả
trích dẫn của K.Mars khi viết về hình thái kinh tế xã hội : “Tôi coi các hình
thái kinh tế xã hội như một quá trình lịch sử tự nhiên” và diễn giải: khi Mars
nhìn thấy trong lịch sử “quá trình lịch sử tự nhiên”, Mars đã không nhìn thấy
sự khác biệt cơ bản giữa các khoa học với nhau [75,8]. Thực ra, Mars sử dụng từ
“tự nhiên” trong trường hợp này, chỉ để chống lại cách hiểu qui luật như là sản
phẩm của trí óc con người. Qui luật lịch sử cũng như qui luật tự nhiên không
được sinh ra theo ý muốn chủ quan của con người, mà nó phản ánh hiện thực khách
quan. Quá trình “lịch sử tự nhiên” cũng phải phục tùng, tuân theo và chịu sự
điều khiển của những qui luật khách quan, giống như qui luật tự nhiên.
Vào nửa sau thế kỉ XIX, xuất hiện quan
điểm mới hơn, coi lịch sử là “khoa học về tinh thần”, công nhận sự khác biệt
căn bản với “khoa học về tự nhiên” và phương pháp của chúng hoàn toàn
không có gì chung. Lịch sử khác với khoa học tự nhiên, không nghiên cứu
thế giới khách quan. Do vậy, trong khi khoa học tự nhiên có nhiệm vụ “miêu tả”,
“ giải thích” thì khoa học lịch sử chỉ hướng tới sự “hiểu biết” mà thôi. Đại
diện cho trường phái này là G.Pikert, M. Sheler. Quan điểm này cũng chưa mang
tính khoa học triệt để.
Thực tế, nhận thức các quá trình, hiện
tượng xã hội là một dạng của nhận thức khoa học nói chung và chỉ tuân theo
những qui luật chung nhất của nó mà thôi. Nên không thể đồng nhất khoa học
lịch sử và khoa học nói chung với nhau
Nhận thức là một vấn đề khó nhất trong
trong hệ thống lý luận của triết học. Triết học tư sản không giải quyết được
trọn vẹn vấn đề này. Lênin đã mở cánh cửa để đi đến chỗ giải quyết triệt để nó
bằng chìa khoá là lý luận phản ánh. Lênin chỉ ra rằng, nhận thức của chúng ta
không phải là tấm gương phản chiếu khô cứng, thụ động thế giới bên ngoài. Nhận
thức mang tính tích cực, sáng tạo, biện chứng. Nhận thức là một quá trình.
Lênin viết: “sự phản ánh của thế giới tự nhiên vào tư duy con người không được
hiểu một cách “khô cứng”, “trừu tượng”, không vận động, không mâu thuẫn, mà
phải hiểu trong một quá trình vận động vĩnh viễn với sự xuất hiện của các mâu
thuẫn và cách giải quyết chúng” [Lê-nin toàn tập. t 29. tr177. tiếng Nga].
Bản chất của quá trình nhận thức là ở
chỗ: giữa khách thể và chủ thể nhận thức- con người có những quan hệ xác định.
Khi nghiên cứu thế giới khách quan, các hiện tượng trong đó, con người không
nhận thức chúng một cách thụ động, mà đặt vào đó hàng loạt các hình dung, tưởng
tượng đã hình thành, có sẵn trong mỗi con người, được con người tích luỹ, thu
lượm từ trước. Bộ óc con người không phải là tờ giấy trắng, trên đó các cảm
nhận được trải ra. Mà đó là một bộ máy luôn phân tích, đánh giá, phân
loại mọi thông tin nhận được theo những kênh nhất định. Điều đó giải thích
tại sao cùng một sự kiện, hiện tượng, những con người khác nhau lại nhìn
thấy những nội dung khác nhau.
Trong sự nhận thức của con người nói
chung và của sử gia nói riêng, luôn bị chi phối bởi những nhân tố:
-Vị trí xã hội của người
nhận thức ( môi trường, quyền lợi giai cấp, chính trị, kinh tế).
-Thái độ đối với hệ thống giá
tr,( mỗi người có hệ thống giá trị, qui định cách nhìn nhận, dẫn đến sự
đánh giá khác nhau. Có giá trị phổ biến, được cả nhân loại thừa nhận. Có giá
trị nhóm, nhóm giai cấp, nhóm nghề nghiệp và giá trị cá nhân).
-Tri thức và học
vấn (tri thức càng được mở rộng, lịch sử càng được nhận thức đầy đủ hơn,
kết quả nhận thức càng cao).
-Tâm lý cá
nhân( tô hồng, bôi đen, yêu ghét, con người khác nhau, có tâm lý khác nhau,
nhưng cũng có những chuẩn mực để đo).
Sống trong xã hội mà thoát ly khỏi xã
hội là không thể. Chính những yếu tố kể trên ảnh hưởng đến từng giai đoạn trong
quá trình nghiên cứu và nhận thức của sử gia.Trong quá trình nhận thức
lịch sử, nhà sử học bị ảnh hưởng bởi quan điểm thời đại, môi trường xã hội,
những quyền lợi khác nhau.Trong quá trình nghiên cứu, nhận thức
luôn có bước kết luận, đánh giá. Quá khứ mà nhà sử học nghiên cứu trong
một chừng mực nhất định, có liên quan đến họ và không hoàn toàn xa lạ với sử
gia. Quá khứ đó gắn bó chặt chẽ với quyền lợi của giai cấp, thời đại và của
chính bản thân sử gia. Lịch sử luôn gắn liền với con người. Mà ở đâu có con
người, ở đó có tình trạng yêu, ghét chủ quan, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả
đánh giá. Trong đánh giá, nhà sử học bao giờ cũng thể hiện những quan điểm
riêng của mình.
Từ những đặc điểm như vậy, các nhà sử
học và triết học tư sản quan niệm, sử gia cần phải hoàn toàn thoát khỏi quyền
lợi cá nhân, giai cấp và yêu, ghét cảm tính, từ bỏ mối dây liên hệ với thời đại,
để có thể tái tạo bức tranh lịch sử một cách vô tư, công bằng. Nhà sử học Đức
L.Panke( 1795-1886) đã viết : “Viết lại lịch sử như trên thực tế” [78,8]. Nhưng
trong các tác phẩm lịch sử của mình, ông lại đồng nhất nó với việc kể lại, ghi
lại các văn kiện.
Các nhà sử học tư sản tuyên bố: nhận
thức lịch sử một cách khách quan không bao giờ đạt tới. Bởi vì trong lịch sử
luôn tồn tại tính chủ quan của tác giả (tính chủ quan ở đây được hiểu như sự võ
đoán cá nhân). Do vậy, lịch sử không bao giờ có thể trở thành khoa học. Tóm
lại, các nhà sử học tư sản đi từ hết từ sai lầm này đến sai lầm khác. Từ chỗ
khẳng định nhà sử học không được đứng trên lập trường nào, đến chỗ phủ nhận
tính khoa học của các nghiên cứu lịch sử. Sở dĩ có sai lầm trên, vì các nhà sử
học tư sản đã nhầm lẫn một vài yếu tố chủ quan thường có trong các nghiên cứu
lịch sử với chủ nghĩa chủ quan( những võ đoán cá nhân). Đây là những vấn đề
khác nhau cơ bản. Trên thực tế, các nhà sử học trong công tác nghiên cứu bị chi
phối không đơn thuần bởi các sở thích cá nhân, mà đầu tiên là các lợi ích khách
quan của giai cấp và thế giới quan của thời đại. Nó thể hiện rõ ràng trong cách
chọn đề tài nghiên cứu, cách đánh giá, nhìn nhận, thu thập , phân tích sử liệu.
Với điều kiện đa dạng của tư liệu, sử gia sẽ chọn lọc những gì mà họ cho là phù
hợp, tiêu biểu, quan trọng. Trong quá trình này và các bước nghiên cứu khác,
những yếu tố chủ quan là không tránh khỏi. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với
chủ nghĩa chủ quan và những võ đoán cá nhân.
Vậy tính khách quan của nhà sử học ở
đâu? Nó ở mức độ nào trong khoa học lịch sử ? Câu hỏi này trở thành câu hỏi
trung tâm, mà xoay quanh nó người ta tranh cãi nhiều nhất. Đối với các nhà sử
học tư sản, vấn đề khách quan trong khoa học lịch sử trở thành chướng ngại vật
không thể vượt qua.
Nếu như tính khách quan được hiểu như
sự hướng tới nhận thức đầy đủ, tương ứng, thấu đáo hiện thực trong công việc
nghiên cứu, thì tính khách quan đó hoàn toàn là có thể đối với nhà sử học, ở
mức độ như đối với các nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học khác. Còn nếu
tính khách quan được hiểu như sự vô tư, không thiên vị thì tính khách quan đó
là hoàn toàn không thể, vì con người không thể đứng sang phía ngược lại với
giai cấp mình. Con người bị chi phối bởi quyền lợi giai cấp. Quan hệ tự giác đó
đối với quyền lợi giai cấp mình được gọi là tính đảng. Khoa học lịch sử là khoa
học có tính đảng. Như vậy, nhận thức lịch sử có tính khách quan nhưng
không tuyệt đối. Sử học là khoa học tiếp cận được chân lý, nhưng cái mà nhà
sử học đưa ra nghèo nàn, giản đơn hơn so với thực tế.
4.
Các cấp độ trong quá trình nhận thức lịch sử
Nhận thức lịch sử có hai cấp độ
khác nhau: nhận thức kinh nghiệm (nhận thức trực tiếp) và nhận thức lý luận
(nhận thức gián tiếp). Khoa học lịch sử nghiên cứu quá khứ, hiện tại của xã hội
và các hoạt động của con người, để giải thích những hiện tượng, sự kiện
riêng biệt của thực tại khách quan (bằng nhận thức kinh nghiệm), chỉ ra mối
liên hệ, những qui luật chi phối chúng( bằng nhận thức lý luận). Đó cũng là mục
đích, nhiệm vụ của khoa học lịch sử được hoàn thành bởi hai cấp độ nói trên.
Chỉ có kết hợp cả hai cấp độ đó trong quá trình nhận thức lịch sử, nhà sử học
mới có thể phục hồi một cách chân thực, khoa học các sự kiện, hiện tượng và
toàn cảnh hiện thực lịch sử.
Nhận thức kinh nghiệm trong khoa học lịch sử được sử dụng
nhằm mục đích nhận được những tri thức trực tiếp, mang tính kinh nghiệm. Chủ
thể( người nghiên cứu ) trực tiếp tác động vào đối tượng nhận thức (sử liệu),
kết quả là nhận được những sự kiện lịch sử mang tính khoa học.[314.10]
Nhận thức lý luận là quá trình mà qua đó chủ thể gián
tiếp nhận được những tri thức mới, về sự liên hệ bản chất, các quan hệ giữa các
mặt khác nhau của đối tượng nghiên cứu, thông qua phương pháp logic sau khi
nghiên cứu sử liệu. Từ đó hình thành những qui luật cơ bản.[315.10]
Giữa hai cấp độ này có sự thống
nhất, mối liên hệ chặt chẽ và khác biệt.
Thống nhất vì chúng đều có nguồn gốc từ
thực tiễn. Bản thân nhà sử học và công việc nghiên cứu bị qui định bởi thực
tiễn, quyền lợi giai cấp, thế giới quan của xã hội đương thời mà trong đó nhà
sử học đang sống. Những yếu tố đó ảnh hưởng trực tiếp đến cách chọn đề tài,
cách giải quyết vấn đề, sự lựa chọn tư liệu, sự kiện lịch sử, cách diễn giải,
đánh giá, khái quát qui luật. Sự thống nhất còn ở chỗ, các tri thức thu nhận
được ở hai cấp độ đều được biểu đạt bằng ngôn ngữ, để tái tạo lại khách thể.
Giữa hai cấp độ nhận thức kinh nghiệm
và nhận thức lý luận có mối liên hệ chặt chẽ. Nó thể hiện ở cách đánh
giá, giải thích sự kiện lịch sử. Sự kiện lịch sử có được, không chỉ thông qua
sự quan sát, theo dõi. Cần có tri thức về những vấn đề mà bản thân sự kiện đó
liên quan. Sự kiện không được phát hiện một cách ngẫu nhiên, mà là kết quả sử
dụng các nhận thức lý luận trong lĩnh vực nhận thức kinh nghiệm. Ở giai đoạn
này, sử gia phải dựa trên những tri thức kinh nghiệm nhất định về đối tượng
nghiên cứu, ví dụ như: CNDVBC như là phương pháp luận nhận thức quá trình lịch
sử, phương pháp luận sử học, phương pháp nhận thức các hiện tượng xã hội….Ở mức
độ nhận thức trực tiếp, xuất hiện những sự kiện riêng biệt cần phân nhóm, hệ
thống hoá theo những tiêu chí nhất định. Điều này thực hiện được dựa trên cơ sở
phân tích sử liệu. Phân tích sử liệu đòi hỏi những tri thức cần thiết. Ngoài
ra, sự kiện lịch sử như là cơ sở đầu tiên của tri thức, thể hiện cái chung,
tính qui luật thông qua cái riêng biệt. Sự kiện lịch sử không được hình thành
bằng sự miêu tả lại đơn giản. Nó có được do kết quả của nhận thức lý luận về
những mối liên hệ, phụ thuộc trong nền tảng của quá trình lịch sử. Ở đây, hai
cấp độ nhận thức có mối liên quan chặt chẽ. Nhận thức kinh nghiệm và
nhận thức lý luận đan xen nhau.
Giữa hai cấp độ nhận thức không chỉ có
sự thống nhất, mà còn có sự khác biệt.
1. Chúng khác nhau ở khả năng xâm
nhập vào bản chất của đối tượng nghiên cứu.
Nhận thức kinh nghiệm có nhiệm vụ nhận
thức những hiện tượng, quan hệ riêng biệt, như:
- Những mặt riêng biệt của xã hội.
- Các sự kiện lịch sử theo quan hệ niên
đại.
- Những sự kiện lịch sử riêng biệt…
Mặc dù ở cấp độ nhận thức kinh nghiệm
có ghi nhận tính đều đặn, thường xuyên của sự vật, hiện tượng, nhưng vẫn chưa
đủ để chỉ ra cơ chế hoạt động của các qui luật ở mức độ nhận thức kinh nghiệm.
Các quan sát chỉ ấn định được sự luân phiên, xen kẽ của các hoạt động mà thôi.
Nhận thức lý luận xâm nhập vào bản chất
của đối tượng nghiên cứu bằng cách sắp xếp lại các tri thức có được trong quá
trình nhận thức kinh nghiệm, dựa trên phương pháp như: phân tích, tổng
hợp, so sánh, kết luận…Từ đó, sử gia (chủ thể của nhận thức) có được những tri
thức mới so với tri thức ở mức độ kinh nghiệm. Cái mốc phân biệt hai cấp độ này
là sự khám phá, phát hiện, mổ xẻ bản chất của đối tượng nghiên cứu.
Nhận thức lý luận phát hiện được bản chất
sự vật hiện tượng, nên nó được coi là cơ sở, phương tiện cho hoạt động của chủ
thể, nhất là trong hoạt động cải tạo xã hội. Nhận thức lý luận là hệ thống tri
thức liên hoàn, đầy đủ về quá trình lịch sử, xây dựng một bức tranh tổng quát
về thế giới bên ngoài.
2. Nhận thức kinh nghiệm và nhận thức
lý luận còn khác nhau ở các phương pháp được sử dụng trong quá trình
nhận thức lịch sử, trong khi có cùng một đối tượng nhận thức
Phương pháp của nhận thức kinh nghiệm
trong quá trình nghiên cứu thường được sử dụng là: miêu tả, phân tích, quan
sát, so sánh, qui nạp, nhằm mục đích thu nhận những thông tin đầu tiên, cụ thể
trong các bước như:
- Chọn lựa sử liệu phù hợp với đề tài
nghiên cứu.
- Xác định phạm vi nguồn sử
liệu.
- Nghiên cứu tính xác thực của sử liệu
(tác giả, thời gian, địa điểm hình thành…)
- Xác định độ tin cậy các thông
tin trong sử liệu.
- Mức độ phù hợp các thông tin
trong sử liệu với hiện thực lịch sử.
Đây là những bước trong quá trình xử lý
sử liệu. Sau khi nghiên cứu, kết quả thu nhận được là các sự kiện lịch sử (kết
quả của nhận thức kinh nghiệm), là cơ sở cho nhận thức lý luận. Trong nhận thức
lý luận các phương pháp tổng hợp, khái quát, hệ thống hoá, logic…được sử dụng
để xây dựng nên những giả thuyết, lý luận, bức tranh toàn cảnh về sự phát triển
của quá trình lịch sử, khám phá những qui luật của quá trình ấy. Phương pháp
thu nhận tri thức ở cấp độ nhận thức kinh nghiệm là các phương pháp lịch
sử dựa trên miêu tả, còn ở nhận thức lý luận là phương pháp lịch sử logic, trừu
tượng, đi từ trừu tượng đến cụ thể.
Sở dĩ có sự khác nhau trong phương pháp
nghiên cứu, bởi vì mục đích nghiên cứu trong mỗi cấp độ nhận thức khác nhau.
Quá trình nghiên cứu có thể chia ra làm những giai đoạn như:
- Thu thập đầy đủ những thông tin
cần thiết ban đầu từ sử liệu và xây dựng sự kiện lịch sử.
- Xử lý những thông tin đầu tiên và
khái quát hoá chúng.
Tương ứng với giai đoạn đầu là nhận
thức kinh nghiệm với các phương pháp phê phán sử liệu( phê phán bên trong, bên
ngoài). Còn tương ứng với giai đoạn sau là nhận thức lý luận với các phương
pháp sử lý sự kiện lịch sử trên phương diện lý luận, nhằm làm sáng tỏ các
nguyên nhân liên hệ, phụ thuộc giữa các sự kiện lịch sử, các quan hệ có tính
qui luật giữa các hiện tượng của quá khứ, xây dựng giả thuyết lịch sử, để cuối
cùng tìm kiếm mối liên quan hệ thống giữa các sự kiện nghiên cứu.
3. Hai cấp độ nhận thức này còn khác
nhau ở tính chất tri thức nhận được trong quá trình nghiên cứu.
Nhận thức kinh nghiệm mang tính chất
nhận định, xét đoán, phán đoán. Còn nhận thức lý luận mang tính khoa học. Nhận
thức lý luận đưa ra những đoán định về những mối liên hệ cơ bản, quan trọng
giữa các sự kiện lịch sử, giải thích đối tượng nhận thức bằng những khái niệm
đã được trừu tượng hoá. Nhận thức lý luận không chỉ đơn thuần tổng kết những
tri thức đã có được ở nhận thức kinh nghiệm mà còn nhằm mục đích nhận được
những tri thức mới, có tác dụng to lớn trong các hoạt động thực tiễn của con
người, xã hội .
4. Nhận thức kinh nghiệm và nhận thức
lý luận còn khác nhau ở hệ thống các khái niệm được sử dụng trong quá
trình nghiên cứu.
Nhận thức kinh nghiệm nhằm thu nhận
thông tin về các sự kiện lịch sử trong giới hạn không gian và thời gian. Nên
những khái niệm thường được sử dụng là: “ không gian”, “thời gian”, “ chung”,
“riêng”. Đặc biệt khái niệm “thời gian” là khái niệm cơ bản, xuyên suốt trong
quá trình nghiên cứu lịch sử. Bởi vì, lịch sử là quá trình các hoạt động của
con người trải theo thời gian. “Không gian” cũng là khái niệm đặc trưng trong
nghiên cứu lịch sử. Lịch sử tồn tại trong không gian, là nơi diễn ra các hoạt
động giữa con người và tự nhiên. Không gian lịch sử không tĩnh mà luôn luôn
thay đổi.
Nhận thức lý luận nhằm đạt đến sự thấu
hiểu sự vật, hiện tượng, các quan hệ có tính qui luật giữa chúng, cho nên khái
niệm thường gặp trong cấp độ nhận thức này là: “bản chất”, “mối liên hệ”, “quan
hệ qua lại”, “mâu thuẫn”, “sự phát triển”. Cùng với chúng là phương pháp tư duy
từ trừu tượng đến cụ thể, để đi đến những hiểu biết toàn diện hơn, sâu sắc hơn.
5.Sự khác nhau giữa hai cấp độ nhận
thức còn thể hiện qua cách thức kiểm tra tri thức đã có, một bước không thể
thiếu được trong quá trình nghiên cứu khoa học nói chung và quá trình nghiên
cứu lịch sử nói riêng.
Trong khoa học lịch sử, những tri thức
có được từ quá trình nhận thức kinh nghiệm được kiểm tra bằng những số liệu của
sử liệu. Sự kiện lịch sử có được nhờ phân tích sử liệu. Do vậy, sự kiểm tra độ
tin cậy của các thông tin trong sử liệu là cần thiết. Nó được kiểm tra bằng
cách thiết lập mối tương quan trực tiếp giữa phỏng đoán và quan sát đối
tượng( sử liệu chữ viết, sử liệu vật thể, sử liệu ngôn ngữ…). Nếu như thông tin
nhận được trong quá trình phân tích sử liệu trùng hợp với bản thân sử liệu thì
có nghĩa là tri thức xác thực, chính xác.
Nhận thức lý luận được kiểm tra gián
tiếp thông qua các sự kiện lịch sử. Sự kiện lịch sử như mắt xích nối hiện
thực lịch sử với các câu trúc logic của lý luận. Sự kiện lịch sử là một bộ phận
của hiện thực lịch sử. Nhận thức lý luận có mối quan hệ tương hỗ với thực
tiễn thông qua sự kiện lịch sử. Ở đây có quan hệ phụ thuộc hai chiều giữa
sự kiện và lý luận. Một mặt, sự kiện điều chỉnh lý luận, lý luận được xây dựng
trên cơ sở khái quát các sự kiện. Mặt khác, bản thân sự kiện được sinh ra từ
quá trình khái quát hoá, lý luận đã “sinh ra” sự kiện.
Bước phát triển có tính qui luật trong
khoa học lịch sử chính là quá trình chuyển hoá từ nhận
thức kinh nghiệm sang nhận thức lý luận. Quá trình này được thực hiện nhờ các mâu
thuẫn có tính logic xuất hiện trong quá trình nhận thức, nó có vai
trò thúc đẩy sự phát triển của nhận thức lịch sử. Quá trình chuyển hoá này được
thực hiện theo sơ đồ sau:
-Phân tích sử liệu, thu nhận được sự
kiện lịch sử .Về mặt nhận thức luận, sự kiện lịch sử là một bộ phận
của tri thức về những mặt cụ thể của hiện thực lịch sử.
-Mổ xẻ sự kiện lịch sử , lựa chọn, phân
loại sự kiện lịch sử và tìm những mối liện hệ nguyên nhân, cơ bản giữa chúng,
xác định sự kiện quân trọng loại một, cần thiết, phân biệt chúng với sự
kiện loại hai, ít quan trọng hơn.
-Sau khi xem xét các sự kiện, đưa ra
những đoán định về đối tượng nghiên cứu .
Ba bước đầu này thuộc nhận thức kinh
nghiệm. Tiếp theo là những bước của quá trình nhận thức lý luận.
- Phát hiện qui luật dựa trên
những tri thức của nhận thức kinh nghiệm bằng phương pháp khái quat , tổng hợp.
- Diễn dịch qui luật, như là một
bước cao hơn trong quá trình nhận thức lý luận.
- Giải thích các sự vật, hiện tượng trên
cơ sở lý luận (giải thích chúng đi đôi với khám phá bản chất các mặt cơ bản,
các qui luật hoạt động của sự vật, hiện tượng, chỉ ra nguyên nhân xuất hiện).
Đây cũng là bước để thu nhận những tri thức mới.
- Nhận được những sự kiện mới nhờ
áp dụng lý luận. Đây là bước cuối cùng trong quá trình nhận thức, bước đi từ
trừu tượng đến cụ thể, mức độ cao nhất của quá trình nhận thức .
KẾT
LUẬN
Sau khi nghiên cứu đặc điểm của lịch
sử, sử học và tính chất, cấp độ của quá trình nhận thức lịch sử, chúng tôi rút
ra một số kết luận như sau:
1. Lịch sử ra đời và gắn liền với xã hội
loài người. Nó có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Cùng với sự
tiến bộ của xã hội, khoa học, tư duy con người, lịch sử hoàn thiện theo và phục
vụ đắc lực cho các hoạt động cải tạo thế giới của con người .
2. Mặc dù lịch sử đã có từ rất xa
xưa, nhưng nó không lập tức là khoa học ngay từ lúc ra đời. Để trở thành khoa
học, đòi hỏi một quá trình phát triển lâu dài và khó khăn với nỗ lực của bao
thế hệ các nhà nghiên cứu, sử gia và nhà khoa học.
3.Lịch sử chỉ thực sự trở thành sử học vào
cuối thế kỉ XVIII- đầu thế kỉ XIX, khi nó có hệ thống phương pháp luận chặt chẽ
và sử dụng hệ thống phương pháp ấy để tổng kết những tri thức chung nhất
thành những qui luật cơ bản chi phối, tác động đến quá trình lịch sử.
4. Như bất cứ ngành khoa học nào,
sử học có đối tượng, chức năng, nhiệm vụ và phương pháp luận.
5. Một trong những hoạt động bao trùm
trong khoa học nói chung và trong khoa học lịch sử nói riêng là hoạt động nhận
thức. Nhận thức lịch sử có tính đặc thù, nó khác biệt căn bản với quá trình
nhận thức trong các khoa học khác.
6.Trong quá trình nhận thức lịch sử,
chủ thể nhận thức (sử gia) bị nhiều yếu tố chủ quan ảnh hưởng như: môi trường,
vị trí xã hội, quan niệm về hệ thống giá trị…Ngoài ra, họ còn bị chi phối bởi
lợi ích giai cấp và quan điểm thời đại. Do vậy, khoa học lịch sử mang tính
đảng.
7. Sử học là khoa học, nó tiếp cận được
chân lý. Nhận thức lịch sử có tính khách quan nhưng không tuyệt đối.
8. Nhận thức lịch sử có hai cấp độ khác
nhau, đó là nhận thức trực tiếp và gián tiếp. Hai cấp độ này có những điểm
thống nhất và khác nhau cơ bản, được qui định bởi mục đích, phương pháp nghiên
cứu, cách thức, khả năng thu nhận tri thức trong mỗi giai đoạn của một quá
trình nhận thức thống nhất. Chỉ có kết hợp cả hai hình thức nhận thức này, nhà
sử học mới có thể hoàn thành tốt công việc nghiên cứu của mình.
Tóm
lại, khoa học lịch sử có
sứ mệnh làm quá khứ sống lại trong hiện tại và tăng thêm sức mạnh cho hiện tại.
Khoa học lịch sử tham gia tích cực vào đời sống xã hội, nó được sinh ra từ xã
hội loài người và quay trở lại phục vụ cho chính con người. Đây là một ngành
khoa học không thể thiếu được trong bất kì một xã hội nào, nhất là trong một xã
hội phát triển.
DANH
MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Tiếng Việt
1. Phương pháp luận sử
học, Topolski.
2. Phương pháp luận
sử học, Phan Ngọc Liên chủ
biên. NXB Đại học Quốc gia. HN1999.
3. Mấy vấn đề phương pháp luận sử
học. NXB Khoa học xã hội. HN1979.
4. Sử gia và thời đại, Viện thông tin khoa học xã hội.
HN1999.
5. Các trường pháí lịch sử, NXB
Khoa học xã hội.HN1985.
6. Phương pháp sử học
và phương pháp logic,
Văn Tạo. NXB Giáo dục. HN1999.
II. Tiếng Nga
7. Lê-nin và khoa học
lịch sử , NXB. Khoa học.
M.1989.
8. Lịch sử là gì?N.A.Êropheep. NXB. Khoa học. M.1976.
9. Những vấn đề sử
liệu học, NXB. Phương Đông.
M.1990.
10 .Thực tiễn và khoa
học lịch sử, U.B.
Petrôp.Tômsk.1981.
11. Những khoa học
lịch sử bổ trợ, NXB. Văn hoá- chính
trị.1992.
12. Phương pháp luận
trong lịch sử, quá khứ và hiện tại, NXB.
Văn hoá- chính trị.1994.
Có thể Dowloat ở địa chỉ sau:https://sites.google.com/site/trithucvanhoa/chuyen-l/chuyen-luan-5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!