Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

KHÁI LƯỢC VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU QUAN HỆ VIỆT NAM- TRUNG QUỐC TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY


Trong lịch sử quan hệ ngoại giao của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là một trong những trục quan hệ hết sức cơ bản, có một vị trí quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp, tác động đa chiều, lâu dài đối với sự phát triển của Việt Nam. Điều này không chỉ do sự chi phối về yếu tố địa lý, mà còn do nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau, vì vậy, các thể chế Nhà nước của Việt Nam từ xưa đến nay đều đặt vấn đề ứng xử với Trung Quốc là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Thực tế lịch sử cũng cho thấy, thời kỳ nào Việt Nam có nhận thức và xử lý quan hệ với Trung Quốc một cách hợp lý, xử lý tốt quan hệ với Trung Quốc trong mối liên hệ với các quan hệ song phương và đa phương khác, thì Việt Nam tạo lập được môi trường quốc tế thuận lợi, đảm bảo an ninh, hoà bình cho sự phát triển của đất nước.

Từ sau năm 1975, quan hệ Việt – Trung bước vào thời kỳ nhiều thăng thầm. Đây cũng là khoảng thời gian quan hệ bang giao Việt - Trung cực kỳ phức tạp, không ít khúc mắc, bất hoà, xung đột, tan vỡ rồi lập bang giao... Chính vì tính phức tạp ấy mà quan hệ Việt - Trung từ sau năm 1975 đến nay thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều cuốn sách, bài báo, công trình nghiên cứu…. đã được công bố với mục đích dựng lại bức tranh toàn diện của mối quan hệ, đưa ra những đánh giá khách quan, khoa học với quá khứ lịch sử. Bất chấp cố gắng của các nhà nghiên cứu, không phải mọi vấn đề của quan hệ Việt - Trung đã trở nên rõ nét và sáng tỏ. Ý kiến, quan điểm của các nhà khoa học còn nhiều chỗ chưa đồng nhất, thậm chí rất khác xa nhau, hoặc đối lập nhau.
Nỗ lực đóng góp cho việc làm rõ quan hệ chính trị - ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc qua các giai đoạn khác nhau phải kể đến các các công trình của các nhà nghiên cứu trong nước, trong đó nhóm công trình nổi bật, có số lượng khá lớn là các công trình nghiên cứu về ngoại giao Việt Nam với tên tuổi của các nhà nghiên cứu ngoại giao quen thuộc: Nguyễn Đình Bin, Nguyễn Duy Niên, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Phúc Luân… với các công trình: "Ngoại giao Việt Nam 1945-2000" (Nguyễn Đình Bin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002); “Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam" (Lưu Văn Lợi, tập 2, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1998); "Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh" (Nguyễn Đình Bin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000); “Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do 1945-1975” (Nguyễn Phúc Luân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001)… Các công trình này tập trung trình bày chính sách đối ngoại và các quan hệ ngoại giao của Việt Nam từ năm 1945 trở đi và trong mục tiêu chung ấy, điểm qua một cách khái quát tiến trình lịch sử của mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ sau khi hai nước chính thức đặt quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, do những lý do khách quan, chủ quan, một số tác giả tránh nói cụ thể đến mặt trái của mối quan hệ; đặc biệt, giai đoạn nhạy cảm trong quan hệ hai nước (1975-1978; 1979-1991) còn ít được đề cập đến.
Cuốn sách trắng “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” (Bộ Ngoại giao, 1979) đã mô tả quan hệ Việt – Trung từ khi thiết lập (1950) đến năm 1980. Tuy nhiên, cuốn sách chủ yếu nhấn mạnh những bất đồng trong quan hệ hai nước, mà ít chú ý đến những mặt tích cực, bởi lẽ cuốn sách được viết trong bối cảnh mâu thuẫn giữa hai nước đã lên đến đỉnh điểm.
Trong cuốn "Việt Nam một tiêu điểm của chiến tranh tư tưởng phản cách mạng" (Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983), sau khi trình bày một cách hệ thống những mâu thuẫn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và chính sách chống Việt Nam từ phía Ban lãnh đạo Trung Quốc, tác giả Nguyễn Thành Lê khẳng định rằng, đi đôi với chiến tranh lấn chiếm lãnh thổ, Trung Quốc tiến hành một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt chống Việt Nam, trong đó chiến tranh tư tưởng, chiến tranh tâm lý là một khâu quan trọng của kiểu chiến tranh nhiều mặt ấy[1]. Tương tự như cuốn sách Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, do được viết trong thời kỳ quan hệ Việt - Trung căng thẳng, mâu thuẫn, nên cuốn sách mang dấu ấn băng giá của quan hệ, một số sự kiện được tác giả nhìn nhận, đánh giá chưa thật khách quan, thiên về nhấn mạnh mặt trái của mối quan hệ.
Các công trình nghiên cứu về an ninh và những vấn đề lãnh thổ, lãnh hải giữa Việt Nam – Trung Quốc là nhóm công trình khá đồ sộ với nhiều công trình có giá trị khoa học. Đó là các công trình: "Cuộc xung đột Trung Quốc - Việt Nam" (Chuyên san, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội); Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: Lãnh thổ Việt Nam" (Bộ Ngoại giao, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984); “Hoàng Sa, Trường Sa" (Nguyễn Quang Thắng, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1998)… Ngoài ra, Tạp chí Lịch sử quân sự đã ra số đặc biệt - số tháng 6-1988 với các bài viết xung quanh việc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau khi xảy ra cuộc chiến trên biển của Trung Quốc với Việt Nam tháng 3-1988. Nhìn chung, trong các công trình liệt kê, các tác giả đã dẫn chứng nhiều tài liệu thư tịch cổ, bản đồ cổ, những bộ sử chính thống của Nhà nước phong kiến Việt Nam, các tài liệu của Chính quyền Pháp, của Chính quyền Sài Gòn... để khẳng định rằng: Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo là không thể tranh cãi; việc Trung Quốc liên tục tranh chấp, sử dụng vũ lực đánh chiếm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và làm tổn hại sâu sắc đến quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bàn về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tập thể tác giả gồm những nhà nghiên cứu có uy tín: Nguyễn Nhã, Nguyễn Đình Đầu, Lê Minh Nghĩa, Từ Đặng Thu Minh, Vũ Quang Việt đã cho ra mắt độc giả cuốn sách “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” (Nxb Trẻ, 2008). Trên các chứng cứ, cơ sở lịch sử, pháp lý quốc tế rõ ràng, xác đáng, các tác giả chỉ ra rằng, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là hoàn toàn rõ ràng, không thể có bất kỳ một nghi ngờ và tranh luận nào. Việc Trung Quốc chiếm đóng, tranh chấp và khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này là hết sức phi lý, coi thường luật pháp và dư luận quốc tế, không có lợi gì cho hòa bình, an ninh ở khu vực và là nguyên nhân trực tiếp đe dọa, làm tổn hại đến quan hệ Việt - Trung.
Năm 2012, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông” (Trần Công Trực chủ biên) – một cuốn sách vừa mới xuất bản đã thu hút được sự chú ý của bạn đọc và giới nghiên cứu. “Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông” không phải là cuốn đầu tiên, duy nhất viết về vấn đề biển đảo của Việt Nam, song điểm khác biệt của công trình này so với nhiều công trình trước đó là ở chỗ nó đã tiến xa hơn, tập hợp những vấn đề về biển Đông, trình bày theo một logic chặt chẽ, xâu chuỗi và làm nổi bật sự liên hệ của các vấn đề, sự kiện được đề cập. Chương 3 của cuốn sách đề cập sâu đến quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định quan điểm pháp lý của Việt Nam với tư cách là nước đầu tiên trong lịch sử thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này khi nó còn là đất vô chủ. Việc thực thi chủ quyền của Việt Nam phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển quốc tế 1982. Cuốn sách cũng chỉ ra điểm khác biệt về tuyên bố chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc: Việt Nam theo nguyên tắc chiếm hữu thực sự, còn Trung Quốc thì theo nguyên tắc chủ quyền lịch sử.
Viết về quan hệ Việt - Trung có số lượng đông đảo các nhà sử học, các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Nga, Mỹ và các nước khác... Khai thác nguồn tài liệu này, có thể thu nhận được những thông tin quý báu về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc nói chung và với Việt Nam nói riêng ở những thời kỳ khác nhau, trên quan điểm của những nhà nghiên cứu nước ngoài.
Trong công trình "China and the First Indo-China War, 1950-54" (The China Quarterly, No. 133, Mar, 1993), tác giả Chen Jian đưa ra những nhìn nhận, đánh giá về vai trò, tính toán của Trung Quốc tại Hội nghị Geneve 1954. Theo quan điểm của Chen Jian, sau nhiều thảo luận, thoả thuận, cuối cùng vào ngày 20-7-1954, các bên tham gia Hội nghị Giơnevơ cũng đạt được những nhất trí mang tính then chốt, thể hiện sự hòa hoãn và tư tưởng “chung sống hoà bình” giữa các nước lớn trong thương lượng. Nội dung bản Hiệp định đảm bảo lợi ích cho mọi bên tham gia, trừ người chiến thắng. Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ kết quả của Hội nghị, “người chiến thắng thực sự là Chu Ân Lai. Ông rời Geneva gần như với tất cả mọi thứ đã được tiên liệu và dự đoán trước”[2].
Trong những năm 1990-1993, sau khi quan hệ Việt - Trung đã bình thường hóa, phía Trung Quốc công bố một seri những công trình về quan hệ giữa hai nước (chủ yếu được xuất bản bởi các Nhà xuất bản địa phương):Diễn biến quan hệ Trung - Việt trong 40 năm qua” (Quách Minh chủ biên, Nxb Nhân dân Quảng Tây, 1990); “Kháng Mỹ, viện Việt thực lục” (Vương Hiền Căn, Nxb Văn hóa Quốc tế, Bắc Kinh, 1990); “Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc" (Nxb Văn nghệ Tứ Xuyên, 1992); “Sự thật về sáu cuộc chiến tranh chống xâm lược của nước Trung Hoa mới” (Lý Kiện, Nxb Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc, 1992); “M­ười năm chiến tranh Trung - Việt" (Mân Lực, Nxb Đại học Tứ Xuyên, 1993); “Khai quốc đệ nhất chiến” (Trần Chí Vũ, Nxb Hoa Linh, Bắc Kinh, 1993)… Các công trình này có nhiều nội dung thiếu khách quan, nhiều số liệu sai lệch, nhiều sự kiện diễn giải bất chấp cơ sở khoa học, thậm chí bẻ cong hiện thực lịch sử, bỏ qua những nguyên tắc nghiên cứu khoa học để đạt mục tiêu chính trị đơn thuần.
Một trong những công trình đó là cuốn "Diễn biến quan hệ Trung - Việt trong 40 năm qua" do tác giả Quách Minh chủ biên. Tập thể các tác giả đã trình bày quan hệ Việt - Trung qua các giai đoạn khác nhau, tập trung đi sâu vào những bất đồng trong quan hệ hai nước với các vấn đề biên giới trên bộ, vấn đề Hoa kiều, vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, "vấn đề Campuchia"… Các tác giả đã cố gắng chứng minh rằng, tất cả những tranh chấp, xung đột giữa hai nước có nguyên nhân chủ yếu từ sự thiếu thiện chí và các hành động vi phạm thỏa thuận từ phía Việt Nam (?). Khi nói về vấn đề tranh chấp xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các tác giả đã đưa ra những "chứng cứ" được lắp ghép thiếu trung thực từ thư tịch cổ, đưa ra những "bằng chứng" về "sự công nhận" của các Chính phủ, các tổ chức khu vực hoặc quốc tế, các sách bách khoa, các bản đồ quốc tế... của một số nước để chứng minh cho chủ quyền của Trung Quốc, dù loại bằng chứng này không có giá trị pháp lý. Các tác giả còn nhắc lại đề nghị của Liên Xô bổ sung cho dự thảo Hòa ước yêu cầu trả lại cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội nghị San Francisco tháng 9-1951, mặc dù đề nghị này đã bị Hội nghị bác bỏ với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và văn kiện của Hội nghị ký ngày 8-9-1951 chỉ ghi về hai quần đảo là “Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với hai quần đảo”. Cuốn sách cũng không đả động đến sự kiện cũng tại Hội nghị này, ngày 7-9-1951, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VNCH Trần Văn Hữu đã trịnh trọng khẳng địnhchủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa”. Đối với tuyên bố đó, không một nước nào có ý kiến phản đối hoặc bảo lưu ý kiến phản đối, chứng tỏ cộng đồng quốc tế đã thừa nhận hai quần đảo không phải là lãnh thổ của Trung Quốc. Cuốn sách cũng không nhắc đến sự kiện trong Hòa ước ngày 28-4-1952 giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã ghi nhận việc Nhật Bản từ bỏ mọi quyền đối với hai quần đảo như nội dung được ghi trong văn kiện Hội nghị San Francisco mà không hề yêu cầu Nhật Bản trả lại cho Trung Quốc hai quần đảo.
 Các tác giả cuốn sách trên còn dẫn bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 tán thành bản Tuyên bố của nước CHND Trung Hoa quy định lãnh hải Trung Quốc rộng 12 hải lý, Tuyên bố năm 1965 của nước Việt Nam DCCH phản đối Mỹ quy định khu vực chiến đấu của lực lượng vũ trang Mỹ ở Đông Dương, trong đó có nói phạm vào "vùng biển Tây Sa của Trung Quốc" để nói rằng, "Việt Nam đã công nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc". Về vấn đề này, Chính phủ nước Việt Nam đã không dưới một lần khẳng định: 1- Đó là “sự xuyên tạc thô bạo, bởi vì tinh thần và lời văn của công hàm ấy chỉ đóng khung trong việc công nhận lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý”[3]; 2- “Lúc này, cuộc chống Mỹ cứu nước đòi hỏi nhân dân Việt Nam chiến đấu bằng mọi hình thức nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình, lại thêm lúc ấy Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ hữu nghị với nhau. Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 9-5-1965 chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh lịch sử đó mà thôi”[4]. Giáo sư Luật học Gerardo Martin C.Valero bàn rõ thêm: "Tính chất ràng buộc của một tuyên bố như vậy sẽ được quyết định theo hoàn cảnh mà nó được đưa ra và không chỉ kết luận từ việc phân tích nguyên văn"[5]. Như vậy, các Tuyên bố năm 1958 và năm 1965 phải được đặt vào bối cảnh lịch sử cụ thể của những năm 50-60 để hiểu nội dung, ẩn ý và tinh thần cốt yếu của nó, song các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã sử dụng những tư liệu này thiếu khách quan, không đặt vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể và mối quan hệ đặc thù giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại thời điểm bấy giờ để soi chiếu, đánh giá.
Cuốn sách "M­ười năm chiến tranh Trung - Việt" của tác giả Mân Lực đã chứa đựng nhiều nội dung trái ngược sự thật lịch sử. Tác giả Mân Lực miêu tả những xung đột biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1979 đến năm 1989 dưới khía cạnh của một cuộc chiến tranh mười năm đánh trả lại sự "xâm chiếm đất đai thường xuyên" của "tiểu bá" Việt Nam (?). Xuyên suốt diễn biến của "cuộc chiến tranh mười năm" đó là sự tuyên dương tinh thần chiến đấu "anh dũng" và "cảm tử" của Giải phóng quân Trung Quốc, sự hùng hồn cáo buộc "Việt Nam "tiểu bá" theo "đại bá" Liên Xô thực hiện âm mưu bành trướng, bá quyền, làm tổn hại và phá vỡ tình hữu nghị Trung - Việt. Về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, tác giả Mân Lực gọi hành động tiếp quản Trường Sa của Hải Quân Việt Nam DCCH vào tháng 4-1975 là “ngang nhiên chiếm đóng 4 đảo trong quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”. Tác giả này cũng viện dẫn bức thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một chứng cứ về sự “xác nhận hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc”, chỉ trích Việt Nam “tiền hậu bất nhất ngang nhiên tuyên truyền đây là lãnh thổ của họ, sửa đổi bản đồ vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ Việt Nam”. Cùng mục đích như cuốn "Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc", nên tất nhiên, phần lớn số liệu, sự kiện, đánh giá, nhận định của tác giả Mân Lực thiếu chính xác, sai lệch và bị bóp méo.
Hai tác giả Sa Lực, Mân Lực trong sách "Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc" đã nhìn nhận nhiều thời điểm trong quan hệ giữa cách mạng hai nước với khía cạnh "xuất quân" chinh phạt của Trung Quốc, phủ định hoàn toàn viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam, khẳng định vai trò quyết định độc nhất của Trung Quốc trong ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cuốn sách có cách viết không chỉ nhằm tới mục tiêu khẳng định chủ quyền đối với một số vùng đất, vùng biển của Việt Nam, mà còn nhằm kích động tinh thần dân tộc trong quân đội và nhân dân Trung Quốc đối với "vùng lãnh thổ bị Việt Nam chiếm".
Để phản bác lại những luận điệu trái với sự thật của phía Trung Quốc về quan hệ Việt - Trung, tháng 2-1996, Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản cuốn sách "Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và mối quan hệ Việt-Trung”, nhằm “làm rõ một số vấn đề lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc”[6] thông qua việc “trình bày khách quan, trung thực các sự kiện, nhằm góp một tiếng nói, một cách nhìn nhận đúng đắn, khách quan trong quan hệ giữa hai nước”[7]. Cuốn sách đã lần lượt đưa ra những con số, sự kiện về quan hệ Việt - Trung trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), về chiến tranh biên giới phía Bắc (1979), về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa (1974-1995), phản bác lại những quan điểm sai trái của Trung Quốc và kết luận: “Lịch sử là hiện thực khách quan đã diễn ra trong quá khứ. Những người cầm bút Việt Nam khi viết cuốn sách này đã nói đúng sự thật, để góp phần xây dựng, củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước”[8].
Năm 1993, tác giả Hiểu Bình và Thanh Ba công bố công trình "Quân đội Trung Quốc liệu có đánh thắng trong cuộc chiến tranh tới không?" (bản dịch, Tủ sách Tổng cục hai, Bộ Quốc phòng, 1994) khảo cứu về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, trong đó đặc biệt chú ý đến các bất đồng của hai nước có liên quan đến biển Đông. Hai tác giả Hiểu Bình và Thanh Ba viết: "Nếu nhà cầm quyền Việt Nam không có nhượng bộ gì trong vấn đề Nam Sa (Trường Sa - TG), thì Trung Quốc và Việt Nam nhất định sẽ có đánh nhau"; "thập kỷ 90 là thời kỳ then chốt để giải quyết vấn đề Nam Sa. Thời kỳ này qua đi, có thể Trung Quốc sẽ mất đi một dịp may lịch sử". Cuốn sách còn cho biết rằng, năm 1992, một hội nghị quân sự họp ở miền Nam Trung Quốc đã định ra những nguyên tắc tác chiến, chiến thuật, kết hợp thủ đoạn đánh và dọa, "nhanh chóng đánh đuổi "quân chiếm đóng nước ngoài" ra khỏi Nam Sa" (ám chỉ Việt Nam).
Tác giả Hồ Tài trong bài viết "Quan hệ Trung - Việt sau bình thường hóa: Nhìn lại thời gian qua và triển vọng" (Tạp chí Vấn đề quốc tế, Sở nghiên cứu các vấn đề quốc tế tỉnh Vân Nam, số 2-1993, bản dịch, lưu tại Thư viện Quân đội), khi điểm lại một số nét chính trong quan hệ Việt - Trung từ năm 1991 đến năm 1993 đã khẳng định: "Việc khôi phục và xây dựng mối quan hệ Trung - Việt láng giềng thân thiện là hợp thời cuộc, thuận lòng dân, chân trời bao la, tiền đồ hấp dẫn, nếu cả hai bên đều tăng cường hợp tác thực chất đa phương vị, nhiều tầng nấc và nhiều hình thức"[9]. Tuy nhiên, tác giả không khách quan, cực đoan khi cho rằng, nhờ phát triển quan hệ với Trung Quốc sau bình thường hóa mà "Việt Nam đã có thời cơ để xả hơi và có địa dư để xoay xở, tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc để tự bảo tồn, làm dịu áp lực từ bên ngoài"[10].
Trên các tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, tạp chí Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, tạp chí Quốc phòng, báo Giải phóng quân, Nhân dân Nhật báo…của Trung Quốc cũng liên tục đăng tải các bài nghiên cứu về quan hệ Việt - Trung. Các bài viết đặc biệt chú trọng đến những vấn đề liên quan đến biển Đông. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1988 - 1998, trên các tạp chí kể trên đã có hơn 70 bài viết về vấn đề này. Các bài viết như: "Các quốc gia xung quanh khai thác các nguồn dầu lửa ở Nam Sa của chúng ta như thế nào?" (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 1-1991); "Những quan điểm về cuộc tranh chấp Nam Sa" (Tạp chí nghiên cứu Châu Á- Thái Bình Dương, số 2-1994); “Quê hương thứ hai của chúng ta" (Tạp chí Quốc phòng, số 1-1994)… chủ yếu đề cập đến các cơ sở lịch sử về quyền sở hữu của Trung Quốc trên biển Đông, dùng ngòi bút chỉ trích các "đối phương" có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, trong đó có hơn nửa số bài chĩa mũi nhọn vào Việt Nam, mô tả Việt Nam như một đối thủ hiếu chiến nhất của Trung Quốc, "đang xâm lược các vùng biển của chúng ta (Trung Quốc - TG) bằng quân sự, cố gắng cướp đoạt toàn bộ tài nguyên bằng sức mạnh". Những hành động của Việt Nam trên biển Đông, "tác hại" của nó đối với quan hệ Việt - Trung là chủ đề chính của nhiều bài báo. Từ năm 1999 trở đi (sau khi hai nước ký Hiệp định biên giới trên bộ), mặc dù mật độ của các bài báo không thưa đi, song ngôn từ, giọng văn đã ôn hòa hơn, tuy nhiên các bài viết này vẫn không ngừng chứng minh và khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông như một điều đã được thừa nhận.
Quan hệ Việt - Trung là một trong những quan hệ song phương thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của đông đảo các nhà khoa học trên thế giới; trong đó, chủ đề sự giúp đỡ, ủng hộ của Trung Quốc đối với Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979, tranh chấp Việt Nam - Trung Quốc xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ảnh hưởng, tác động của các tranh chấp tới quan hệ Việt - Trung… là những chủ đề được nghiên cứu khá kỹ lưỡng với nhiều góc độ tham chiếu khác nhau.
Nhìn chung, các tác giả đã có những đóng góp to lớn, làm sáng tỏ nhiều nội dung, vấn đề, sự kiện trong quan hệ Việt - Trung. Tuy nhiên, ở một số công trình, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, các tác giả đã có những quan điểm, đánh giá chưa sát với thực tiễn của mối quan hệ. Ví dụ như trong cuốn: "Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Geneva 1954" (Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1981), khi trình bày về viện trợ quốc tế cho Việt Nam, tác giả Francois Joyaux đã đồng nhất viện trợ của Trung Quốc với Liên Xô. Francois Joyaux viết: "Trong năm đó - tức năm 1953, 500 xe vận tải được giao cho Việt Minh, tăng khối lượng xe vận tải cho Việt Minh lên khoảng 1.000 xe"[11]. Có điều, 500 xe tải đó không phải của Trung Quốc mà của Liên Xô và tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Nam chỉ nhận được tất cả có 745 xe vận tải (chủ yếu từ Liên Xô), chứ không phải 1.000 xe. Tác giả Francois Joyaux cũng khẳng định: "Cuối tháng 2 -1954, Trung Quốc lại giúp đỡ trang bị cho một trung đoàn pháo phòng không 37 ly, mỗi khẩu pháo có 20 pháo thủ Trung Quốc phục vụ"[12]. Thực ra, số pháo cao xạ đó là do Liên Xô giúp đỡ (xem thêm "Chiến đấu trong vòng vây", Võ Nguyên Giáp, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998); hơn nữa, thời kỳ này, pháo thủ Trung Quốc không phục vụ tại chiến trường Việt Nam. Cũng giống như vậy, nhà nghiên cứu Ronal D H. Spector đã cung cấp một thông tin như sau: "Người Trung Quốc đang tích cực khôi phục và xây dựng đường hữu tuyến vào Việt Nam... Ước chừng có khoảng 15.000 cố vấn và kỹ thuật viên Trung Quốc giúp đỡ huấn luyện và tổ chức các đơn vị quân chính quy của Việt Minh"[13] (thời gian là năm 1950- TG). Thực ra, Trung Quốc chỉ giúp Việt Nam làm đường trong những năm 1966-1967, còn trong kháng chiến chống Pháp, Trung Quốc chỉ cử sang Việt Nam có 79 cố vấn quân sự (với bí danh là Đoàn công tác Hoa Nam do Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn, có mặt tại Quảng Uyên, Cao Bằng ngày 12-8-1950), chứ không phải 15.000 người như Ronal D H. Spector đã viết (xem thêm “Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và mối quan hệ Việt-Trung, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr. 21). Tương tự như vậy, tác giả L.A Patti trong cuốn Tại sao Việt Nam? (Nxb Đà Nẵng, 1996) cũng có những nhầm lẫn khi viết về viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ: “Trung Cộng đã cung cấp cho Việt Nam khoảng 60 súng cao xạ 37 ly do Nga chế tạo, các thiết bị rada và nhiều khẩu đội Kachiusa (súng phóng roket nhiều nòng) do người Trung Quốc điều khiển để bảo vệ 100 pháo 100 ly (của Mỹ sản xuất) bố trí ở các sườn núi bao quanh Điện Biên Phủ”[14] và “người Trung Quốc còn góp thêm 1.000 xe vận tải Molotova đưa qua đường bí mật từ Mông Tự, Trung Quốc tới Điện Biên Phủ”[15]. Bình luận về viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam, A. Patti viết: “Đến năm 1950, Mao đã ở trong thế có thể giúp đỡ ông Hồ qua đường biên giới phía Bắc Việt Nam. Ông Hồ không còn bị cô lập như trước, ông đã có rất nhiều đồng minh, trước hết là Trung Quốc và sau đó là Liên Xô, một sân bóng mới đã bắt đầu”[16]. Tuy nhiên, L.A Patti cũng sai lầm cả về thông tin, nguồn và số lượng viện trợ khi cho rằng: 1). 1.000 xe vận tải Molotova là của Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam; 2). Các khẩu đội Kachiusa trong chiến dịch Điện Biên Phủ là do pháo thủ Trung Quốc điều khiển.
Chủ đề biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa và thái độ của Việt Nam, Trung Quốc cùng những bên liên quan khác được các nhà nghiên cứu khai thác khá kỹ lưỡng. Tác giả YEE. Herberts trong cuốn "Những động cơ có tính toán và chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới Trung - Việt" (bản dịch, lưu tại Thư viện Quân đội) và Ilin.M.Đ với cuốn "Bắc Kinh - Kẻ thù của hòa bình, hòa dịu và hợp tác quốc tế" (Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1984), sau khi trình bày một cách tổng quát về cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc Việt Nam (1979), phân tích cặn kẽ tính toán của Trung Quốc qua cuộc chiến, phân tích chiến lược của Trung Quốc đối với Việt Nam và Đông Dương, đã chỉ ra rằng, với chính sách ấy, Trung Quốc đi ngược lại xu thế hòa bình, hữu nghị và hợp tác quốc tế, gây nên tình hình mất ổn định đối với khu vực.
Giáo sư Monique Chemillier Gendereaur - Chủ tịch Hội luật gia châu Âu đã có những đóng góp quan trọng khi chỉ ra những cơ sở lịch sử và hiện thực đối với phân định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong công trình "Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998). Đây là một công trình nghiên cứu khoa học độc lập của một học giả lớn, phân tích lập luận của các bên liên quan đến cuộc tranh chấp phức tạp này dựa vào cơ chế giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Sau khi phân tích các bằng chứng cụ thể của hai bên liên quan là Việt Nam và Trung Quốc, Giáo sư Monique Chemillier Gendereaur khẳng định: "Khi có Hiệp ước bảo hộ của Pháp năm 1884, Việt Nam đã nắm giữ không có cạnh tranh và trong khoảng gần hai thế kỷ một quyền (un dronit) đối với các quần đảo (Hoàng Sa, Trường Sa - TG) theo đúng chế độ luật pháp của thời kỳ đó"[17] và "các quyền của Việt Nam lâu đời hơn, vững chắc hơn, mặc dù các đòi hỏi của Trung Quốc đã được cụ thể hóa nhờ vào việc chiếm đóng bằng vũ lực cách đây 39 năm đối với một bộ phần quần đảo và cách đây 21 năm với bộ phận kia (so với năm 1996 - TG)"[18].
Tập thể tác giả Valencia.M.J, Vandyke.J.M, Ludwig.N.A trong sách "Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa" (bản dịch, lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội), khi lý giải chính sách và thái độ của Trung Quốc trên biển Đông đã đưa ra một trong những nguyên nhân của tình trạng Trung Quốc lấn lướt Việt Nam là "kết quả của một đợt thủy triều dâng cao của chủ nghĩa dân tộc có thể đã được sử dụng để thay thế chủ nghĩa xã hội như là một chất kết dính xã hội mới được ưa thích hơn"[19]. Cũng theo quan điểm này, những cải cách kinh tế mà Đặng Tiểu Bình thúc đẩy đã đặt những nhà bảo thủ Trung Quốc vào thế phòng thủ và họ đang sử dụng những vấn đề của chủ nghĩa dân tộc, chẳng hạn như chủ quyền đối với Trường Sa như là một phương thức để tái khẳng định chính họ[20]. Các tác giả cũng chỉ ra sự nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới an ninh, ổn định của khu vực Đông Nam Á của các tranh chấp và cho rằng, các nỗ lực giải quyết mới chỉ chủ ý đơn thuần yếu tố kỹ thuật, mà chưa tập trung vào điểm cốt lõi: Chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, các nỗ lực này có tác dụng hạn chế vì trên thực tế đã không ngăn chặn được các hoạt động đơn phương. Để khắc phục tình trạng này, nhóm tác giả đề xuất một cơ chế hợp tác đa phương trong khu vực tranh chấp theo các nguyên tắc: Các tuyên bố về chủ quyền ở biển Đông đều được công nhận và giải pháp tạm thời không ảnh hưởng đến giải pháp cuối cùng; không có các hoạt động quân sự; tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chia xẻ theo nguyên tắc tự nguyện và công bằng. Tuy nhiên, rất dễ nhận thấy rằng, giải quyết vấn đề biển Đông theo phương thức này có nhiều điểm bất hợp lý, trong đó có sự phụ thuộc vào “sức nặng chính trị” của các bên tranh chấp, vì thế, sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Trung Quốc - quốc gia có các chỉ số so sánh về tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội so với các quốc gia tranh chấp khác. Giải quyết tranh chấp theo phương thức này còn không khả thi ở chỗ:  Các bên tranh chấp còn lại phải tôn trọng và công nhận những yêu sách của bất hợp lý của Trung Quốc trên toàn bộ biển Đông, nhưng tất yếu không một bên trong tranh chấp nào chịu chấp nhận từ bỏ chủ quyền. Phân chia tài nguyên theo phương thức này cũng rất phức tạp, không có sự khác biệt căn bản so với đàm phán xác định chủ quyền ở quần đảo Trường Sa – một vấn đề mà các quốc gia đang hướng tới, song gặp nhiều khó khăn, bế tắc.
Nhà nghiên cứu Leni Stenseth trong công trình chuyên khảo “Nationalism and Foreign Policy – The Case of China’s Nansha Rhetoric”[21] (University of Oslo, 1998), với mục đích đánh giá tác động của chủ nghĩa dân tộc đối với chính sách của Trung Quốc trên biển Đông, trong đó có vấn đề tranh chấp với Việt Nam, đặt câu hỏi: “Chủ nghĩa dân tộc có hay không và bằng cách nào ảnh hưởng đến quá trình hình thành chính sách đối ngoại của Trung Quốc và chính sách biển Đông, đặc biệt là trong các tranh chấp với Việt Nam?”. Phân tích và luận giải lập trường, phương thức đề nghị đàm phán của Trung Quốc trên biển Đông trong các tranh chấp …, Leni Stenseth kết luận: "Chỉ có chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến mới có thể ảnh hưởng đến đầu ra của chính sách đối ngoại của Trung Quốc"[22]. Leni Stenseth cũng chỉ ra rằng, “vai trò của luật quốc tế trong giải quyết tranh chấp có vẻ còn hạn chế”[23], lưu ý cộng đồng quốc tế cần có những biện pháp tích cực giảm thiểu căng thẳng trên biển Đông, tránh để những xung đột, mâu thuẫn trở thành đối kháng.
“Các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam và sự ổn định khu vực" (bản dịch, lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, 1991) là công trình của tác giả Ramses Amer[24] - một khảo cứu công phu các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc - Việt Nam và ảnh hưởng, tác động của tranh chấp đến sự ổn định khu vực. Ramses Amer đã tuần tự nghiên cứu theo mạch thời gian các tranh chấp lãnh thổ trong mối quan hệ Trung - Việt trước và sau bình thường hóa (1991), tập trung sự quan tâm vào những tiến triển trong đàm phán giải quyết tranh chấp từ sau bình thường hóa đến năm 1997. Trong "Lời bình kết luận" tác giả khẳng định rằng, Trung Quốc luôn theo đuổi "chính sách hai mặt", cảnh báo: "Chính sách hai mặt này không giúp gì cho việc thiết lập một môi trường an ninh, ổn định ở khu vực. Bước quyết định cho việc mang lại một môi trường ổn định hơn có lẽ là Trung Quốc phải kiềm chế không có những hành động gây nên căng thẳng trong các quan hệ song phương, như quan hệ với Việt Nam chẳng hạn, hoặc trong quan hệ đa phương"[25].
Bên cạnh các nghiên cứu về quan hệ chính trị - ngoại giao Việt - Trung như đã trình bày ở trên, các công trình nghiên cứu về quan hệ kinh tế - thương mại, văn hóa, giáo dục, du lịch… giữa hai nước có số lượng khá lớn, tiêu biểu là các công trình: "Quan hệ kinh tế - văn hóa Việt Nam - Trung Quốc, hiện trạng và triển vọng" (Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001); "Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Nhìn lại 10 năm và triển vọng" (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002); "Tình hình đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam" (Vũ Phương, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 2 (30)/2000); "Ảnh hưởng của việc Trung Quốc gia nhập WTO đối với quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc" (Đỗ Tiến Sâm, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5 (39)/2001)…. Điểm nổi bật của các công trình trên là đã tổng kết những thành tựu chính trong quan hệ kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục và khoa học -kĩ thuật giữa hai nước sau bình thường hóa vào năm 1991. Phân tích quan hệ kinh tế - thương mại Việt – Trung, các tác giả đều cho rằng, kết quả cơ bản nhất trong lĩnh vực này từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ là đã tích cực ký kết các hiệp định hợp tác về kinh tế hoặc có liên quan đến kinh tế và khá nhiều thỏa thuận cấp Nhà nước, tạo nền tảng pháp lý cho việc hợp tác. Các tác giả cùng có chung quan điểm rằng, dấu ấn nổi bật trong quan hệ thương mại giữa hai nước thể hiện ở sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc với xu hướng khá bền vững. Cùng với phát triển quan hệ kinh tế - thương mại, hợp tác văn hóa – giáo dục, khoa học – công nghệ và du lịch Việt – Trung cũng phát triển mạnh mẽ.
Trong các công trình nghiên cứu về quan hệ văn hóa – giáo dục, khoa học – công nghệ và du lịch Việt – Trung, một số nhà khoa học đã chỉ ra những bất cập, hạn chế, thua thiệt trong hợp tác giữa hai nước: Nạn buôn lậu, nhập siêu, vấn đề thanh toán, tác động tiêu cực từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Trung Quốc, những tác động mà hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam phải đối mặt trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối tác Trung Quốc… Trên cơ sở phân tích các thách thức, khó khăn, nhìn nhận những rào cản trong hợp tác giữa hai nước, các nhà nghiên cứu có cái nhìn khách quan, biện chứng, cho rằng, phạm vi hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực này là hết sức rộng lớn, đặc biệt là hợp tác kinh tế - thương mại, bởi xu thế phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới, cũng như tính bổ trợ trong kinh tế địa dư đòi hỏi  phải coi phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc là một yêu cầu cần thiết. Ngay cả khi Việt Nam không ngừng phát triển quan hệ kinh tế với các nước phương Tây, thì cũng không thay đổi ưu thế và tiềm năng ưu đãi lẫn nhau cùng có lợi giữa hai nước Việt - Trung.  Do vậy, cần tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế - thương mại với Trung Quốc thông qua việc cố gắng khắc phục thách thức, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Có một nhóm công trình tuy không phải là những nghiên cứu chuyên sâu, song là tư liệu tra cứu tốt cho những người nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung – nhóm các công trình mang tính chất biên niên: "Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, những sự kiện 1991-2000" (Trần Văn Độ chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002); "Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Những sự kiện 1945-1960" (Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003); "Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Những sự kiện 1961-1970" (Nguyễn Đình Liêm chủ biên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006)… Những công trình này đã tập hợp theo thứ tự thời gian các sự kiện đã diễn trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, cung cấp chi tiết thông tin về những cuộc gặp gỡ giữa các phái đoàn, đại diện các cấp hai nước, không đi vào bình luận và đánh giá các sự kiện, song qua sự tập hợp công phu, đầy đủ những sự kiện diễn ra trong quan hệ hai nước, người đọc bước đầu có được những hình dung cơ bản, chân thực về quan hệ Việt – Trung.
Thu thập, phân tích nguồn tư liệu liên quan đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ năm 1975 đến năm 2001, có thể thấy rằng, các nhà khoa học đi trước đã có những nghiên cứu nghiêm túc, khách quan, chân thực về nhiều lĩnh vực khác nhau của quan hệ Việt – Trung, trình bày, lý giải những vấn đề thuộc về, hoặc liên quan đến quan hệ Việt - Trung qua những giai đoạn, những thời kỳ khác nhau với cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Qua các công trình nghiên cứu, bức tranh quan hệ Việt - Trung được tái hiện tương đối đầy đủ, sinh động, tuy nhiên, vẫn còn có một số vấn đề được phản ánh hoặc chưa rõ ràng, hoặc trái ngược sự thật lịch sử, một số nhận định, đánh giá chưa chính xác, thiếu khách quan. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân: Quan điểm nghiên cứu, cách thức tiếp cận, khả năng tiếp cận tư liệu và xử lý tư liệu… còn bị hạn chế; tính đa diện, phức tạp của mối quan hệ, sự vận động, biến đối của bối cảnh lịch sử, của các nhân tố khách quan, chủ quan xung quanh, hoặc trên đó mối quan hệ diễn ra là khá phức tạp… Những nguyên do đó khiến việc nhận chân nhiều vấn đề trong quan hệ Việt - Trung gặp phải những khó khăn, thách thức to lớn.
Cùng với việc các tài liệu lưu trữ liên quan, hoặc trực tiếp về quan hệ Việt - Trung từ nhiều nguồn khác nhau được phép khác thác, công bố; cơ hội tiếp cận với những công trình chất lượng của các nhà nghiên cứu về quan hệ Việt - Trung trong nước và trên thế giới được mở rộng; nhờ đó, các nhà khoa học có thêm những cơ sở trả lời cho những câu hỏi còn tồn tại trong quan hệ Việt – Trung. Chắc chắn, cùng với thời gian, số lượng công trình nghiên cứu về quan hệ Việt –Trung từ năm 1975 đến nay sẽ tiếp tục được nhân lên nhanh chóng; qua đó, những nội dung, những vấn đề trong quan hệ hai nước sẽ tiếp tục được khai lộ, được  làm sâu thêm.
 
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC



[1] Nguyễn Thành Lê, Việt Nam một tiêu điểm của chiến tranh tư tưởng phản cách mạng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr. 55.
[2] Chen Jian: China and the First Indo-China War, 1950-54, The China Quarterly, No. 133 (Mar, 1993), P.110.
[3] Vụ thông tin và báo chí Bộ Ngoại giao (1979), Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội, tr.57.
[4] Vụ thông tin và báo chí Bộ Ngoại giao (1979), Chủ quyền của Việt Nam …Tlđd, tr.57.
[5] Viện Chiến lược và khoa học công an (2004), Quan hệ Trung - Việt sau khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia, Chuyên đề về Trung Quốc, Hà Nội, tr.31.
[6] Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và mối quan hệ Việt-Trung, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr. 9.
[7] Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và mối quan hệ Việt-Trung, Nxb Đà Nẵng, Sđd, tr.9.
[8] Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và mối quan hệ Việt-Trung, Nxb Đà Nẵng, Sđd, tr.161.
[9] Hồ Tài, "Quan hệ Trung -Việt sau bình thường hóa, nhìn lại thời gian qua và triển vọng", Tạp chí Vấn đề quốc tế, Sở nghiên cứu các vấn đề quốc tế tỉnh Vân Nam, số 2-1993, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, tr.7.
[10] Hồ Tài, "Quan hệ Trung -Việt sau bình thường hóa, nhìn lại thời gian qua và triển vọng", Tạp chí Vấn đề quốc tế, TLđd, tr. 3.
[11] Francois Joyaux, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Geneva 1954, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1981, tr. 85.
[12] Francois Joyaux, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Geneva 1954, Nxb Thông tin lý luận, Sđd, tr. 88.
[13] Francois Joyaux, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Geneva 1954, Nxb Thông tin lý luận, Sđd, tr. 124-125.
[14] L.A Patti, Tại sao Việt Nam? Nxb Đà Nẵng, 1996, tr. 438.
[15] L.A Patti, Tại sao Việt Nam? Nxb Đà Nẵng, Sđd, tr. 438.
[16]Archimedes Patti: Tại sao Việt Nam? Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 397.
[17]Monique Chemillier Gendereaur, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.150.
[18] Monique Chemillier Gendereaur, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Chính trị quốc gia, Sđd, tr.152.
[19] Valencia.M.J, Vandyke.J.M, Ludwig.N.A, Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa", Bản dịch, Lưu tại Thư viện Khoa học Xã hội, tr. 66.
[20] Valencia.M.J, Vandyke.J.M, Ludwig.N.A, Chia sẻ tài nguyên ở biển Nam Trung Hoa", Bản dịch, TLđd, tr. 66.
[21] Tiếng Việt là: “Chủ nghĩa dân tộc và chính sách đối ngoại- Qua trường hợp tranh chấp Nam Sa của Trung Quốc”.
[22]Leni Stenseth, Nationalism and Foreign Policy – The Case of China’s Nansha Rhetoric, University of Oslo, 1998, tr.145.
[23] Stenseth, Nationalism and Foreign Policy – The Case of China’s Nansha Rhetoric, University of Oslo, Sđd, tr. 10.
[24] Giáo sư Khoa Chính trị học, Đại học Umea, Thụy Điển
[25] Ramses Amer, Các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam và sự ổn định khu vực, Bản dịch, lưu tại Thư viện Ban Biên giới chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!