Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

KHÁI QUÁT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC NHỮNG NĂM 1950-1975


Việt Nam, Trung Quốc là hai nước láng giềng vốn có mối quan hệ lâu đời. Mối quan hệ này được quy định bởi sự gần gũi về địa lý, văn hóa và ở một thời là bởi ý thức hệ.
Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công (1-10-1949), ngày 18-1-1950, Trung Quốc ra tuyên bố công nhận Việt Nam DCCH - một sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Đây không chỉ là một mốc son trong quan hệ Việt - Trung, mà còn là sự kiện mang tính mở đường trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.
Trung Quốc trở thành một trong số những nước đầu tiên thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền cách mạng tại Việt Nam. Xã luận báo Sự thật, cơ quan ngôn luận của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (21-1-1950) đã khẳng định: “Cửa ngõ phía Bắc đã mở rộng. Từ nay, về mặt ấy, ở sát cạnh ta, không phải là một bọn đồng loã của thực dân Pháp phản động nữa, mà là nước CHND Trung Hoa, một nước sau Liên Xô, đã đưa lại cho Hoà bình và Dân chủ thế giới thắng lợi lớn nhất từ đầu thế kỷ XX đến nay...”[1].
Trong những năm 1948-1949, mặc dù đang phải bận bịu với cuộc kháng chiến chống Pháp khó khăn, gian khổ, nhưng Đảng và Chính phủ Việt Nam DCCH vẫn sẵn sàng hỗ trợ ĐCS Trung Quốc, khi Trung Quốc đề nghị ĐCS Đông Dương và Chính phủ Việt Nam giúp đỡ phối hợp chiến đấu chống quân Tưởng Giới Thạch, bảo vệ khu căn cứ cách mạng Trung Quốc ở Tĩnh Tây. Với tinh thần “cứu Trung Quốc cũng là tự cứu mình”, quân dân Việt Nam đã giúp cách mạng Trung Quốc về mọi phương diện, nhất là gạo, muối, vũ khí và tài chính. Từ tháng 1-1948 đến cuối năm 1948, mỗi tháng Việt Nam gửi giúp riêng quân, dân Biên khu Điền Quế 50 tấn muối, hàng chục tấn gạo và một số lượng đáng kể đạn cối 81 ly, đạn AT... là những thứ mà Quân giải phóng Trung Quốc lúc đó rất cần[2]. Sự ủng hộ, giúp đỡ nói trên đã góp phần giúp quân, dân các Biên khu Điền Quế, Việt Quế  không chỉ đứng vững, bảo vệ và mở rộng vùng căn cứ, mà còn đập tan các cuộc tiến công của quân Tưởng Giới Thạch dưới sự trợ giúp của thực dân Pháp. Trong những năm 1948-1949, căn cứ địa Việt Bắc trở thành nơi ém quân của Quân giải phóng Trung Quốc. Họ được cung cấp lương thực, thực phẩm và muối. Ngành tài chính Việt Nam giúp in tiền Trung Quốc mới để sử dụng trong vùng giải phóng[3]. Phía Trung Quốc cũng ghi nhận điều này: “Trong thời kỳ nhân dân Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng, từng đội Cống Quế (Quảng Đông - Quảng Tây) và từng đội Điền Quế (Vân Nam - Quảng Tây) do Đảng Cộng sản Trung Quốc  lãnh đạo khi bị địch bao vây cũng đã từng di chuyển đến vùng giải phóng của Việt Nam, được Trung ương Đảng Việt Nam và nhân dân các dân tộc vùng biên giới Việt Nam nhiệt tình ủng hộ”[4].
Đầu năm 1949, trước sức tiến công như vũ bão của Quân giải phóng Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch cố dồn lực lượng giữ lấy miền Hoa Nam. Các khu căn cứ của Trung Quốc sát biên giới Việt - Trung gặp nhiều khó khăn. Tháng 3-1949, ĐCSTQ cử đồng chí Sầm Minh Coóng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Biên khu Việt Quế sang gặp Trung ương ĐCS Đông Dương đề nghị đưa bộ đội sang giúp xây dựng, củng cố Biên khu Điền Quế, Việt Quế, chuẩn bị thời cơ đón chủ lực Quân giải phóng Trung Quốc tiến xuống Hoa Nam. Mặc dù lúc bấy giờ cuộc kháng chiến chống Pháp còn nhiều gay go và đang trong giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị cho Bộ Tổng tư lệnh đáp ứng yêu cầu của các đồng chí Trung Quốc, phái ngay lực lượng sang giúp. Ngày 23-4-1949, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh "phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc mở rộng khu giải phóng Biên khu Việt Quế"[5]. Thực hiện Chỉ thị trên, từ ngày 10-6-1949 đến cuối tháng 10-1949, bộ đội Việt Nam đã phối hợp đắc lực với Giải phóng quân Trung Quốc thực hiện nhiều trận đánh và chiến dịch trên các hướng khác nhau, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao(6). Sau khi vùng căn cứ Thập vạn đại sơn được mở rộng và củng cố vững chắc, bộ đội Việt Nam được lệnh rút về nước. Bằng những hành động thiết thực, Quân đội nhân dân Việt Nam đã đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Trung Quốc. Những việc làm nói trên của quân, dân Việt Nam được Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đánh giá cao. Ngày 5-1-1950, trong buổi tiếp đại diện Đảng và Chính phủ Việt Nam, đồng chí Chu Ân Lai phát biểu: "Trong lúc Việt Nam vừa nghèo, vừa phải gian khổ kháng chiến, lẽ ra phải được Trung Quốc giúp đỡ, thế mà các đồng chí đã hết lòng giúp đỡ Trung Quốc"[7].
Trong thời kỳ Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ĐCS và nhân dân Trung Quốc đã giành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ to lớn về mặt tinh thần và vật chất, đảm nhiệm vai trò là nước chủ yếu viện trợ, giúp đỡ Việt Nam. Không chỉ giúp đỡ vật chất, Trung Quốc còn cử 79 cán bộ quân sự do đồng chí Vi Quốc Thanh phụ trách sang làm nhiệm vụ cố vấn cho lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam; giúp đỡ một bộ phận bộ đội chủ lực của Quân đội Việt Nam tiến hành chỉnh huấn, thay đổi trang bị[8], cử đồng chí Trần Canh(9) đại diện cho ĐCSTQ cùng với Đoàn cố vấn quân sự giúp Việt Nam mở chiến dịch Biên giới. Chủ tịch Mao Trạch Đông phát biểu với Đoàn cố vấn trước khi Đoàn sang Việt Nam: “Hồ Chí Minh và  nhiều người Việt Nam đã từng tham gia và giúp đỡ cho cuộc đấu tranh cách mạng của Trung Quốc, có người còn đổ máu hy sinh. Bây giờ các đồng chí sang giúp đỡ cuộc đấu tranh chống Pháp của họ là hoàn toàn nên”[10]. Trong tổng số 50 chiến dịch lớn nhỏ, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tham gia bảy chiến dịch[11], đề xuất nhiều ý kiến bổ ích, trực tiếp giúp đỡ một số đơn vị chủ lực Việt Nam tác chiến trên chiến trường chính Bắc Bộ.
Sau chiến thắng Biên giới, một giải biên cương Việt Nam dài trên 750 km được giải phóng, nối liền với nước CHND Trung Hoa – lúc này được Việt Nam coi là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến. Các tỉnh liền kề với Việt Nam như Vân Nam và Quảng Tây trở thành nơi đặt các trường (cả quân sự và dân sự) đào tạo đội ngũ cán bộ cho kháng chiến; là nơi tập kết các loại hàng viện trợ của Trung Quốc và của các nước XHCN cho Việt Nam.
Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung Quốc là nước trực tiếp viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh, trang bị quân sự nhiều nhất cho Việt Nam. Trong điều kiện cuộc kháng chiến của Việt Nam vô vàn khó khăn, thì viện trợ của Trung Quốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cần phải nhấn mạnh rằng, viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam đều được dồn vào hai thời điểm quan trọng, có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Năm 1950 - khai thông biên giới, nối liền với các nước trong phe dân chủ; năm 1954 - chiến thắng Điện Biên Phủ, dẫn tới việc ký kết Hiệp định Geneva lập lại hòa bình ở Đông Dương và giải phóng miền Bắc Việt Nam. Điều đó càng làm tăng thêm ý nghĩa viện trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Như vậy, sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân, Chính phủ và quân đội hai nước Việt Nam, Trung Quốc thời kỳ này là hết sức quý báu. Hơn nữa, trong bối cảnh quốc tế sau Đại chiến thế giới thứ hai, khi mà CNĐQ (đứng đầu là đế quốc Mỹ) tìm mọi cách chống phá các nước XHCN, trong đó có CHND Trung Hoa vừa mới được thành lập, thì việc các nước XHCN (gồm cả Trung Quốc) ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến cũng chính là nhằm phá vòng vây của CNĐQ đối với CNXH và cũng vì lợi ích của Trung Quốc. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thắng lợi đã góp phần nâng cao vị trí và uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là mối quan hệ ủng hộ, gắn bó và giúp đỡ lẫn nhau, vì Việt Nam độc lập có nghĩa là Trung Quốc không bị uy hiếp bởi CNĐQ từ phía Nam; ngược lại, Trung Quốc được giải phóng có nghĩa là Việt Nam tránh được sự đe dọa của CNĐQ từ phía Bắc.
Sau khi Việt Nam có hòa bình trên nửa đất nước (1954), Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi và phát triển kinh tế. Sau sự kiện Chính phủ nước CHND Trung Hoa chính thức công nhận Chính phủ nước Việt Nam DCCH, quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng bắt đầu được mở ra. Trung Quốc đã viện trợ kinh tế, kỹ thuật, cung cấp các thiết bị, xây dựng các cơ sở sản xuất công - nông nghiệp, các cơ sở đào tạo... cho Việt Nam, giúp Việt Nam xây dựng cầu đường. Trung Quốc gửi chuyên gia sang giúp Việt Nam trong hầu hết các ngành kinh tế, tiếp nhận cán bộ, công nhân Việt Nam sang Trung Quốc thực tập, khảo sát kinh nghiệm, kỹ thuật của các ngành kinh tế và văn hóa Trung Quốc. Cũng cần lưu ý rằng, giai đoạn này, quan hệ kinh tế chính thức giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ giúp đỡ, trong đó chủ yếu phía Việt Nam nhận viện trợ, còn nếu có buôn bán qua lại thì cũng trên cơ sở hưởng những ưu đãi phi kinh tế.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, Trung Quốc tăng cường ủng hộ Việt Nam trên nhiều phương diện: Ra Tuyên bố ngày 6-8-1964, lên án hành động xâm lược của Mỹ, khẳng định tình đoàn kết và trách nhiệm cao đối với Việt Nam trước việc máy bay Mỹ đánh phá một số địa điểm ở miền Bắc Việt Nam; tổ chức cuộc mít tinh tại quảng trường Thiên An Môn (10-2-1965) cùng với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước CHND Trung Hoa và hơn 1 triệu người, phản đối đế quốc Mỹ dùng không quân, pháo hạm đánh phá dữ dội thị xã Đồng Hới cùng với một số mục tiêu thuộc tỉnh Quảng Bình, Vĩnh Linh và đảo Cồn Cỏ; tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Thiên An Môn (22-7-1966) để ủng hộ Việt Nam, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn dân chống Mỹ (17-7-1966). Song song với sự ủng hộ về mặt chính trị, Trung Quốc trực tiếp ủng hộ Việt Nam về mặt vật chất, mặc dù trong khoảng thời gian trên, Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, mức thu nhập bình quân tính theo đầu người còn thấp.
Nhìn chung, trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam chủ yếu là vũ khí bộ binh, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, một phần nhiên liệu, phương tiện vận tải và một số xe quân sự, pháo và đạn pháo([12]).
 Với vị trí địa lý liền kề, là con đường nối liền Việt Nam với các nước XHCN khác, Trung Quốc đã đảm nhận vận chuyển hàng hóa quá cảnh mà các nước khác viện trợ cho Việt Nam. Ngoài ra, theo thỏa thuận giữa hai nước, một số đơn vị công binh của Trung Quốc đã sang giúp Việt Nam nâng cấp, sửa chữa, mở rộng thêm các tuyến đường giao thông trên bộ thuộc các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc. Từ cuối năm 1966 đến đầu năm 1969, một số chi đội phòng không của quân đội Trung Quốc đã luân phiên nhau sang tham gia chiến đấu chống máy bay Mỹ, bảo vệ các tỉnh phía Bắc, bảo vệ lực lượng công binh đang mở đường và hành lang biên giới vào các cửa khẩu, nơi tập kết, chuyên chở hàng hóa. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục tích cực viện trợ cho Việt Nam về kinh tế, kỹ thuật. Tính từ năm 1954 đến tháng 9-1964, Trung Quốc giúp Việt Nam 900 triệu NDT không hoàn lại. Trong đó riêng phần xây dựng kinh tế là 640 triệu[13]. Theo hai Hiệp định đã ký kết ngày 18-2-1959 và 31-1-1961, Trung Quốc đã cho Việt Nam vay 900 triệu NDT (300 triệu NDT và 141,750 triệu rúp) với tỷ lệ lãi rất thấp (1%) để phát triển kinh tế và văn hóa[14]. Còn nếu tính từ năm 1955 đến tháng 2-1971, thì Trung Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam là 6.447 triệu NDT và 10 triệu rúp, còn cho vay dài hạn không lấy lãi là 300 triệu NDT và 227 triệu rúp. Tổng số tất cả quy theo rúp là 1.775 triệu rúp. So với tổng số viện trợ và cho vay dài hạn của các nước cho Việt Nam thì Trung Quốc chiếm 46%, riêng viện trợ không hoàn lại thì Trung Quốc chiếm đến 71%[15]. Phần lớn số viện trợ này tập trung trong giai đoạn 1966-1968.
Ngoài viện trợ kinh tế, Trung Quốc còn nhận đào tạo cán bộ, công nhân cho Việt Nam. Từ năm 1954-1964, Trung Quốc tiếp nhận 4.755 cán bộ, công nhân Việt Nam sang Trung Quốc học tập[16]. Còn nếu tính từ năm 1955 đến tháng 2-1971, Trung Quốc đã nhận 6.000 công nhân và cán bộ Việt Nam sang học. Từ năm 1966 đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, Trung Quốc đã đào tạo cấp tốc cho Việt Nam 11.520 công nhân và cán bộ kỹ thuật [17].
Cũng trong những năm 1954-1964, Trung Quốc gửi sang Việt Nam 5.837 chuyên gia[18]. Còn nếu tính từ năm 1955 đến tháng 2-1971, thì tổng số chuyên gia mà Trung Quốc đã cử sang giúp Việt Nam các mặt công tác như hướng dẫn thiết kế, thi công xây lắp, quản lý các ngành giao thông, bưu điện là 7.000 chuyên gia[19]....
Ngoài sự giúp đỡ của Trung ương, 4 tỉnh biên giới của Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam) đã ký kết thỏa thuận giúp đỡ 7 tỉnh biên giới của Việt Nam phát triển nông nghiệp, giao thông, công nghiệp....
Cũng cần nhận thấy một điều rằng, do còn ngại chiến tranh tiếp diễn nên Trung Quốc không muốn giúp đỡ quy mô lớn và có ý đi chậm trong một số công trình trọng điểm. Mặt khác, Trung Quốc luôn thuyết phục Việt Nam nhận người của mình trực tiếp giúp Việt Nam xây dựng. Lúc cao điểm (giữa năm 1966), chỉ riêng thi công đường bộ số lượng lên tới 76.000 người, còn xây dựng đường sắt, lúc cao điểm (giữa năm 1967) lên tới 34.000 nghìn người[20].
Khối lượng vật chất phục vụ chiến tranh mà Trung Quốc giành cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam được sử dụng hiệu quả trong các hoạt động tác chiến trên chiến trường, góp phần đưa lực lượng và phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam phát triển cả về lượng, về chất, từng bước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định phía Trung Quốc không coi viện trợ là giúp đỡ một bên, mà là viện trợ lẫn nhau. Chủ tịch Mao Trạch Đông phát biểu: Nhân dân Trung Quốc, ĐCSTQ phải cảm ơn nhân dân Việt Nam đã đánh thắng đế quốc Mỹ. Thủ tướng Chu Ân Lai cũng từng nói: Nhân dân Việt Nam kháng chiến đổ máu hy sinh trên tuyến đầu chống Mỹ, đó là sự chi viện mạnh mẽ biết bao đối với nhân dân Trung Quốc đang tiến hành cách mạng XHCN. Có thể hiểu rằng, một khi miền Bắc Việt Nam tiến hành xây dựng CNXH, đứng vững trong những cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thì Trung Quốc sẽ có được một vành đai an ninh an toàn, ngăn chặn và đẩy sự nhòm ngó của đế quốc Mỹ ra xa biên giới Trung Quốc.
Nhưng mặt khác, ở một số thời điểm, trước những thử thách nghiêm trọng, Trung Quốc cũng đã gây nên những trở ngại cho tiến trình kháng chiến chống các thế lực xâm lược của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn kết thúc, thì quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu bộc lộ những tình huống "có vấn đề", mà nguyên nhân của nó nằm ở đặc thù chiến lược của mỗi nước, trong bối cảnh các quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, biểu hiện đầu tiên là ở Hội nghị Geneva.
 Sau chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc lúc này đang phải chống lại sự phong tỏa toàn diện của CNĐQ. Thực hiện chính sách ngăn trở việc thành lập các liên minh quân sự, chính trị của các đế quốc phương Tây trở thành một yêu cầu quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của CHND Trung Hoa. Đồng thời, Trung Quốc có nhu cầu mở rộng khu vực đệm - một vùng trung lập ở Nam Á và Đông Nam Á. Vì vậy, chấm dứt chiến tranh Đông Dương là yêu cầu cấp bách của Trung Quốc. Sau đình chiến ở Triều Tiên, ngày 24-8-1953, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố: "Đình chiến Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực cho những xung đột khác"[21].
Trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Geneva, với vị trí là một nước viện trợ quân sự chủ yếu và nắm con đường vận chuyển duy nhất chi viện cho Việt Nam, với việc Pháp không muốn nói chuyện với Việt Nam trong thế yếu, trong xu thế hòa hoãn chung, đoàn đại biểu Trung Quốc đã đưa ra thỏa thuận giải quyết vấn đề Đông Dương với phía Pháp không phản ánh được so sánh lực lượng trên chiến trường Việt Nam, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương theo "mẫu mực" Triều Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị. Nhà nghiên cứu lịch sử Francois Joyaux (trường Đại học Xoocbon - Pháp), đã đánh giá sự việc này như sau: "Trung Quốc đã lựa chọn cùng tồn tại hòa bình, mà họ cho rằng như thế mới phù hợp với lợi ích dân tộc của mình"[22] . Trung Quốc muốn lái Hội nghị Geneva và việc giải quyết vấn đề Đông Dương phù hợp lợi ích chiến lược của mình. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Bảo Quân (Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh) đã phân tích: "Việc ký kết Hiệp định Geneva và việc giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương đã làm rối loạn việc triển khai chiến lược của Mỹ nhằm uy hiếp Trung Quốc từ ba chiến tuyến Nam Triều Tiên, Đài Loan, Đông Dương, đảm bảo an ninh cho Trung Quốc ở biên thùy phía Nam, cũng khiến Trung Quốc có thể tập trung sức người, sức của vào phát triển kinh tế"[23] và "việc ký kết Hiệp định Geneva đã đánh dấu sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong các công việc quốc tế và sự nâng cao địa vị quốc tế của Trung Quốc", "thúc đẩy quan hệ của Trung Quốc với một số nước phương Tây"[24] (điều mà Trung Quốc rất cần lúc bấy giờ). Hay nói cách khác, Trung Quốc đã "coi Hội nghị Geneva như là một phương tiện mở cửa sang thế giới phương Tây"[25], khiến Trung Quốc có thể hướng ra thế giới một cách đầy tự tin.
Từ sau năm 1954, khi đạt được những thỏa thuận về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, Trung Quốc tập trung vào xây dựng kinh tế, quốc phòng với mong muốn sớm trở thành một cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Về đối ngoại, Trung Quốc quan tâm hàng đầu đến việc mở rộng ảnh hưởng, tập hợp lực lượng trong các nước vừa mới giành độc lập ở Á, Phi, đặc biệt là ở Nam Á, Đông Nam Á - khu vực láng giềng kề cận phía Nam và phía Tây của mình. Trong quan hệ đối với Việt Nam, Trung Quốc thực hiện chính sách vừa lôi kéo, vừa kiềm chế. Trung Quốc lo ngại rằng, nếu Việt Nam phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam, chiến tranh có thể mở rộng, có khả năng kéo Trung Quốc đụng độ với Mỹ một lần nữa, trong khi Trung Quốc muốn có hòa bình để phục hồi và xây dựng kinh tế. Chủ trương của Trung Quốc lúc này là vừa duy trì một nước Việt Nam bị chia cắt để không đủ mạnh, vừa có miền Bắc Việt Nam xây dựng CNXH làm vùng đệm an ninh cho Trung Quốc.
Xuất phát từ chủ trương nêu trên và những điều chỉnh trong quan hệ đối ngoại, một mặt, Trung Quốc ủng hộ việc thi hành Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương, mặt khác, đối với phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam, Trung Quốc khuyên "trường kỳ mai phục", "chờ đợi thời cơ" không nên đấu tranh vũ trang ở miền Nam, chỉ đấu tranh chính trị, càng không nên đưa lực lượng quân sự miền Bắc vào miền Nam[26]. Năm 1955, Đặng Tiểu Bình nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam: "Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: Một là thắng và khả năng nữa là mất cả miền Bắc"[27]. Tháng 11-1956, Mao Trạch Đông nói với các đồng chí lãnh đạo của Việt Nam: "Việc chia cắt Việt Nam không thể giải quyết trong thời gian ngắn, mà cần phải trường kỳ... Nếu 10 năm chưa được thì 100 năm"[28].
Vào thời điểm chiến tranh đang lan rộng ở Việt Nam thì ở Trung Quốc, cách mạng văn hóa đã làm cho đời sống chính trị - xã hội bị đảo lộn, có tác động không tốt tới chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam và cả Đông Dương. Một mặt, Trung Quốc vẫn tích cực giúp Việt Nam, song ngay từ những năm 1964, mặc dù có những tuyên bố gay gắt về sự leo thang của Mỹ, nhưng có thể dễ dàng thấy được nhiều lỗ hổng mà Trung Quốc để lại trong những tuyên bố của mình. Bằng nhiều cách, kể cả trực tiếp, phía Trung Quốc làm cho Mỹ hiểu rõ câu nói của Mao Trạch Đông và yên tâm rằng: "Nếu người không đụng đến ta, thì ta không đụng đến người"[29]. Chính điều này đã làm tiêu tan một trong những nỗi lo của Johnson khi đẩy mạnh các hoạt động quân sự chống nước Việt Nam DCCH.
Chính sách của Trung Quốc ngay lập tức thu hút được sự chú ý của giới cầm quyền Mỹ. Ngay từ năm 1960, R.Nicxon đã đánh giá Trung Quốc là một thực tế trong đời sống quốc tế rất lợi hại cho lợi ích chính trị của nước Mỹ. Cục tình báo Trung ương Mỹ sau khi nghiên cứu đã kết luận vào tháng 7-1965: "Trung Quốc chỉ can thiệp trong trường hợp bộ binh Mỹ xâm lăng Bắc Việt Nam với một lực lượng đủ kiểm soát nước này và hầu như chắc chắn các lực lượng Mỹ tiến đến gần biên giới Trung Quốc"[30]. Vào năm 1969, Kissinger lập tức đánh giá cao vai trò của đất nước 700 triệu dân này đối với chiến lược chiến tranh ở Việt Nam của nước Mỹ: "Mọi xem xét tình hình quốc tế phải đánh giá vai trò của một nước có 700 triệu dân... và Tổng thống luôn luôn tỏ ra tán thành một chính sách tiếp xúc tối đa"[31]. Do vậy, mỗi bước leo thang thay đổi chiến lược chiến tranh ở Việt Nam, Washington luôn tìm cách thăm dò thái độ, cũng như phản ứng của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh.
Trung Quốc lúc này đang có những yêu cầu cấp bách cho sự phát triển của đất nước mình: Vào Liên Hợp Quốc; được bãi bỏ cấm vận kinh tế; rút quân Mỹ ra khỏi Đài Loan... Do vậy, Trung Quốc đã từng bước thực hiện mối quan hệ với Mỹ theo chiều hướng không có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
 Tháng 4-1965, Trung Quốc hai lần bác bỏ đề nghị của Liên Xô về vấn đề thống nhất hành động để bảo đảm an ninh cho Việt Nam. Khi Liên Xô đề nghị gửi một sư đoàn máy bay tiêm kích Mic loại mới nhất để bảo vệ bầu trời Việt Nam và lập căn cứ tạm thời trên đất Trung Quốc, Trung Quốc đã không chấp thuận. Máy bay của Liên Xô buộc phải bay theo đường vòng Moscow - Teheran - Bombay - Viên chăn - Hà Nội. Đường bay này mất 23 giờ, dài gấp đôi đường bay Moscow - Bắc Kinh - Hà Nội.
Tháng 6-1965, Trung Quốc khước từ thi hành một hiệp định quân sự bí mật giữa Việt Nam và Trung Quốc (Trung Quốc không gửi phi công sang giúp Việt Nam như đã hứa)[32]. Tháng 2-1966, Mao Trạch Đông bác bỏ việc thành lập Mặt trận quốc tế thống nhất ủng hộ Việt Nam đã được nêu lên trong cuộc hội đàm cấp cao Việt - Trung trước đó. Tháng 3-1966, Trung Quốc lại bác bỏ đề nghị của ĐCS Nhật Bản thành lập Mặt trận quốc tế thống nhất ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Thậm chí, Trung Quốc còn từ chối không tham gia vào Bản tuyên bố chung của các nước XHCN lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.
Trong khoảng thời gian mâu thuẫn Xô - Trung ngày càng căng thẳng (1966), khi BCT ĐCSVN đưa ra sách lược "vừa đánh, vừa đàm", Trung Quốc có ý kiến: Việt Nam nên đánh lâu dài và không đàm phán, không nên đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc; hiện tại thời cơ chưa chín muồi, nếu muốn đàm phán thì phải đặt điều kiện thật cao. Chính giới Mỹ đã ngay lập tức nhận ra điều này. Ngày 18-2-1966, Ngoại trưởng Mỹ D. Raskel nói trước ủy ban Thượng viện Phunbrai: "Có dấu hiệu Bắc Kinh còn hơn cả Hà Nội trong việc ngăn cản con đường đi đến bàn hội nghị"[33]. Sở dĩ Trung Quốc đưa ra quan điểm này là bởi nếu Việt Nam đi đến bàn hội nghị với Mỹ, vấn đề Việt Nam trong các cuộc thương thảo tiếp theo khi nối lại đàm phán Trung - Mỹ sẽ kém tác dụng, hoặc giảm hiệu lực.
Trong hai cuộc phản công mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, khi cách mạng miền Nam cấp thiết cần vũ khí, đạn dược, CHDCND Triều Tiên viện trợ đột xuất cho Việt Nam một số súng bộ binh cùng 6 triệu viên đạn, Liên Xô đưa gấp sang 100 khẩu súng chống tăng, 500 súng cối các loại, 400 dàn pháo phản lực và 45 máy bay chiến đấu, thế nhưng lượng hàng hóa Việt Nam đang rất cần này lại buộc phải nằm lại cửa khẩu biên giới Trung Quốc, bởi những quy định hải quan mới của Trung Quốc(34), gây nên những ảnh hưởng bất lợi đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Năm 1968, sau Tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân, Việt Nam mở mặt trận đấu tranh ngoại giao, ngồi đàm phán với Mỹ ở Paris. Về sự kiện này, Trung Quốc có quan điểm: "Lúc này Việt Nam chấp nhận đàm phán chưa phải là thời cơ và trên tư thế cao, Việt Nam đã nhân nhượng một cách vội vã"[35]; "việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam là một sự thỏa hiệp của Việt Nam với Mỹ"[36]. Sau này, trước những diễn biến mới trong thế "vừa đánh, vừa đàm" cho thấy quyết định đúng đắn của Việt Nam, Trung Quốc tuy có ủng hộ chủ trương này, nhưng lại cắt giảm viện trợ quân sự(37). Khi đàm phán đang đi vào giai đoạn quyết định và Mỹ đang bị sa lầy, Trung Quốc chính thức đặt vấn đề mời phái viên cấp cao Chính phủ Mỹ sang trực tiếp đàm phán (đầu năm 1971), chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống R. Nicxon từ ngày 22 đến ngày 28-2-1972. Cần lưu ý một điều: Năm 1972, khi các cuộc thương lượng bên bàn Hội nghị Paris đang gay cấn và phức tạp, thì thái độ của các đồng minh chiến lược đối với Việt Nam là hết sức quan trọng, bởi Mỹ muốn thông qua Liên Xô và Trung Quốc ép Việt Nam nhượng bộ trong cuộc thương lượng tại Paris, giải quyết cuộc chiến tranh theo những điều kiện có lợi cho Mỹ. Do vậy, sự kiện Trung Quốc hội đàm với Mỹ, ra Thông cáo Thượng Hải và tuyên bố đầy hàm ý: "Hiện nay giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ không có môi trường để nổ ra chiến tranh. Các ngài muốn rút về một số lực lượng đóng ở nước ngoài; còn chúng tôi không đưa quân ra nước ngoài"[38] đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của nhân dân Việt Nam đang trên tuyến đầu chống Mỹ và gây ra một số phản ứng nhất định ở các nước XHCN. Nhà báo Malcolm Salmon (báo Diễn đàn, Otxraylia) đánh giá rằng, với Thông cáo Thượng Hải, "Trung Quốc đã áp dụng một chính sách đối ngoại phi xã hội chủ nghĩa"[39].
Ngay sau chuyến thăm Trung Quốc, tháng 4-1972, Mỹ quyết định đẩy cuộc chiến tranh ở Việt Nam lên một mức độ mới, quyết liệt hơn. Việt Nam đã phải hứng chịu những trận "mưa bom" có tính chất hủy diệt bằng máy bay chiến lược B52 của Mỹ đồng loạt trên các thành phố lớn của miền Bắc. Tuy dốc toàn bộ cố gắng để cải thiện tình hình, nhưng Mỹ vẫn vấp phải thất bại lớn, buộc phải chấp nhận ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973).
Việc ký kết Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam là sự kiện không thuận cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Vấn đề Việt Nam mất đi ý nghĩa đối với lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc tán thành Hiệp định Paris, nhưng khuyên nên Việt Nam nên nghỉ ngơi một thời gian. Mặt khác, Trung Quốc cắt giảm viện trợ (40), mặc dù trước đó đã hứa tiếp tục viện trợ như cũ cho Việt Nam thêm 5 năm nữa. Từ năm 1973, một số cấp lãnh đạo Trung Quốc đã có chỉ thị cho cấp dưới: "Bề ngoài ta đối xử tốt với họ (Việt Nam - TG) như đối xử với đồng chí mình, nhưng trên tinh thần phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta"[41].
Đầu năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam sắp thắng lợi, Trung Quốc đã cho quân đội đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, vừa để thực hiện "chiến lược biển Đông", vừa có thể khống chế Việt Nam từ mặt biển, làm một việc đã rồi đối với Việt Nam. Song song với những động thái trên biển, Trung Quốc còn triển khai những hành động lấn chiếm đất đai ở biên giới phía Bắc Việt Nam, duy trì tình hình căng thẳng ở biên giới, gây khó khăn cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, một thời gian dài sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Trung Quốc vẫn muốn duy trì nguyên trạng tình hình ở Đông Dương. Ngày 1-2-1975, đi thăm Trung Quốc về, Thượng nghị sĩ Mỹ Mansfield báo cáo trước Quốc hội Hoa Kỳ: Trung Quốc tán thành để hai nước Việt Nam tiếp tục tồn tại. Mùa Xuân năm 1975, khi Việt Nam mở chiến dịch giải phóng miền Nam, Trung Quốc đã có quan điểm: "Nếu Việt Nam giải phóng Sài Gòn thì Mỹ sẽ đưa quân trở lại"[42].
Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam nằm trên một trục nhất quán: Nắm vấn đề Việt Nam để tập hợp lực lượng chống lại Liên Xô - một đối thủ được Trung Quốc coi là nguy hiểm hơn cả Mỹ; bình thường hóa quan hệ với Mỹ; tranh thủ thế giới thứ ba; nắm quyền lãnh đạo cách mạng thế giới, chiếm lĩnh một vị trí mà Trung Quốc cho là xứng đáng trong phong trào cách mạng khu vực. Trên trục xuyên suốt ấy và trong điều kiện tồn tại hai hệ thống chính trị đối lập nhau XHCN và TBCN, việc Trung Quốc giúp Việt Nam chống đế quốc Mỹ lúc đó là phù hợp với lợi ích nhiều tầng nấc của Trung Quốc.
Về phía mình, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn quý trọng tình hữu nghị và không quên sự giúp đỡ quý báu mà nhân dân Trung Quốc đã giành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh cho độc lập, thống nhất Tổ quốc. Nhân dân luôn ghi nhớ rằng, chiến thắng mùa Xuân 1975 đã đem lại nền độc lập và thống nhất trọn vẹn cho Việt Nam không tách rời sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em. Đảng và Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là "thắng lợi của tình đoàn kết quốc tế, của sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em..."[43]. Trong diễn văn đọc tại lễ chào mừng chiến thắng (15-5-1975), Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam bày tỏ "lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác"[44]  đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức to lớn. Trong Báo cáo chính trị tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội chung cả nước (25- 6-1976), một lần nữa Bí thư thứ nhất BCHTƯ Lê Duẩn thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác “đã dành cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta sự giúp đỡ to lớn và quý báu, và hiện đang tiếp tục giúp đỡ chúng ta hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội”[45]. Nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và gìn giữ quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc. Chính phủ, nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ nhân dân Trung Quốc về chính trị và tinh thần, mong muốn củng cố, phát triển tình đoàn kết với nhân dân Trung Quốc. Đảng, Chính phủ Việt Nam ủng hộ lập trường của Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và những vấn đề quốc tế khác. Trước mỗi thành tựu của nhân dân Trung Quốc, nhân dân Việt Nam đều hết sức vui mừng, vì Trung Quốc XHCN lớn mạnh tức là lực lượng hòa bình, dân chủ thế giới lớn mạnh và "thắng lợi của kháng chiến Việt Nam càng được đảm bảo". Nhân dân Việt Nam coi những thắng lợi đó như thắng lợi của chính mình.


Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC


[1] Báo Sự thật, ngày 21-1-1950, tr.1.
[2]Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.3.
[3] Lê Văn Hiển, Nhật ký của một bộ trưởng, Nxb Đà Nẵng, 1995, Tập 2, tr.32.
[4] Tạp chí “Nghiên cứu vấn đề quốc tế”, số 2/1981, tr. 6.
[5] Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu: Những tài liệu chỉ đạo chiến dịch của Trung ương Đảng, Tài liệu không phổ biến, Lưu tại Cục Nghiên cứu, Bộ Quốc phòng, 1963, t r.265.
(6) Sau khi giải phóng vùng đất này, bộ đội Việt Nam đã chuyển giao cho bạn vũ khí thu được gồm hơn 500 khẩu súng các loại.
[7] Võ Nguyên Giáp:Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.28.
[8] Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và mối quan hệ Việt-Trung: Nxb Đà Nẵng, 1996, tr.21-22.
(9) Năm 1922: Gia nhập ĐCSTQ, sau là Phó chỉ huy quân Trung Quốc ở Triều Tiên. Từ năm 1959 là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Mất năm 1961 tại Thưọng Hải.
[10] Nguyễn Q. Thắng (2008), Hoàng Sa - Trường Sa lãnh thổ Việt Nam – nhìn từ công pháp quốc tế, Nxb Tri thức, Hà Nội. tr. 22.
[11] Đó là các chiến dịch Biên giới, Trung du, Đường 18, Hà – Nam – Ninh, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ
([12]) Việt Nam và Trung Quốc đã ký hai Hiệp định về hỗ trợ, chi viện cho nhau khi có chiến tranh lớn xảy ra (ký vào tháng 7-1963 và được Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam phê chuẩn vào ngày 7-9-1963; Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phê chuẩn ngày 7-11-1963).
[13]Tóm tắt quan hệ kinh tế và hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam DCCH và nước CHND Trung Hoa từ ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc Việt Nam (1955) đến nay (9-1964), Phông PTT, Hồ sơ 8600, tr. 1.
[14]Tóm tắt quan hệ kinh tế và hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam DCCH và nước CHND Trung Hoa từ ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc Việt Nam (1955) đến nay (9-1964), Phông PTT, Hồ sơ 8600, tr. 1.
[15]Tóm tắt quan hệ kinh tế và hợp tác khoa học- kỹ thuật giữa Việt Nam DCCH và nước CHND Trung Hoa từ ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc Việt Nam (1955) đến nay (9-1964), Phông Phủ thủ tướng, Hồ sơ 8600, tr. 1.
[16]Tóm tắt quan hệ kinh tế và hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam DCCH và nước CHND Trung Hoa từ ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc Việt Nam (1955) đến nay (9-1964), Phông PTT, Hồ sơ 8600, tr. 4.
[17]Báo cáo của PTT về tình hình Trung Quốc viện trợ kinh tế và kỹ thuật cho Việt Nam từ năm 1955-2-1971, Hồ sơ số 8767, tr.5.
[18]Tóm tắt quan hệ kinh tế và hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam DCCH và nước CHND Trung Hoa từ ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc Việt Nam (1955) đến nay (9-1964), Phông PTT, Hồ sơ 8600, tr. 5.
[19]Báo cáo của PTT về tình hình Trung Quốc viện trợ kinh tế và kỹ thuật cho Việt Nam từ năm 1955-2-1971, Hồ sơ số 8767, tr. 5.
[20] Báo cáo của PTT về tình hình Trung Quốc viện trợ kinh tế và kỹ thuật cho Việt Nam từ năm 1955-2-1971, Hồ sơ số 8767, tr. 4.
[21] Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Sách trắng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979, tr. 29.
[22] Gioay. O.P: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, tr.110.
[23] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Geneva và quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Hội thảo nội bộ ngành "Hiệp định Gionevơ: 50 năm nhìn lại", ngày 27-7-2004, Tài liệu không phổ biến, Lưu tại Bộ Ngoại giao, 2004, tr.3.
[24] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Geneva và quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Tlđd, tr.4.
[25] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Geneva và quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Tlđd, tr.64.
[26] Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao: Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990, tr.172.
[27] Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Sđd, tr.24.
[28] "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua", Tạp chí Thông tin lý luận , tháng 2/1980, tr. 176.
[29] Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Sđd, tr.227.
[30] Đavitson. Ph: Những bí mật của cuộc chiến tranh Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.233.
[31]"Một số vấn đề về quan hệ quốc tế", Tạp chí Thông tin quan hệ quốc tế, số 6, tháng 4/1979, tr.82.
[32] Nguyễn Thành Lê: Một tiêu điểm của cuộc chiến tranh tư tưởng phản cách mạng, Sđd, tr.45.
[33] Gi. A.Amtơ; Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.174.
(34) Các nước có hàng viện trợ cho Việt Nam chuyên trở qua Trung Quốc, phải trực tiếp làm thủ tục cho từng chuyến hàng (Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và mối quan hệ Việt-Trung, Sđd, tr.73).
[35] Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao: Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990, tr.41.
[36] Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao: Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Sđd, tr.41.
(37) Năm 1969 xuống 40%; năm 1970 xuống hơn 50% so với năm 1968.
[38] "China’s Advances in the South China Sea", Asia Pacific Review, Vol 8, No.1, May 2001, p.103.
[39] Cuộc xung đột Trung Quốc - Việt Nam:, Chuyên san, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Quân đội, 1980, tr.42.
(40) Năm 1973 chỉ bằng 60% của năm 1972, năm 1974 bằng 34%, năm 1975 chỉ bằng 11%.
[41] Bộ mặt thật, phản động, phản bội của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh và sự đầu độc của chúng đối với quân đội Trung Quốc, Báo cáo của Cục tuyên truyền đặc biệt, Tổng cục chính trị, Tập tài liệu văn kiện Trung ương, Lưu tại Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng, tr.2.
[42] Nguyễn Thành Lê: Một tiêu điểm của cuộc chiến tranh tư tưởng phản cách mạng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 183, tr.49.
[43] Thắng lợi vẻ vang của 30 năm chiến tranh giải phóng" (1975), Tạp chí Quân đội nhân dân, số tháng 5, tr.1
[44] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.203.
[45] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Sđd, tr.139.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!