Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

KHÁI QUÁT VỀ QUAN HỆ ĐOÀN KẾT CHIẾN ĐẤU VIỆT – LÀO – CAMPUCHIA CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945-1954)



Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
I. Yêu cầu khách quan hình thành liên minh đoàn kết chiến đấu Việt – Lào- Campuchia trong lịch sử
Bán đảo Đông Dương là nơi gặp gỡ của nhiều luồng di cư khác nhau, tạo nên sự đa dạng về thành phần tộc người đại diện cho ngữ hệ Nam Á (gồm các nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, Tày-Thái, Môn-Khơme, Mèo-Dao) và ngữ hệ Nam Đảo-những ngữ hệ của cư dân bản địa sinh sống lâu đời. Bên cạnh đó còn có ngữ hệ Hán-Tạng và ngoại kiều gia nhập “đại gia đình Đông Dương” tương đối muộn và chịu sự chi phối của các tộc người bản địa.
Để cùng chinh phục thiên nhiên, các tộc người trên toàn Đông Dương đã có sự hợp tác, giúp đỡ, không ngừng mở rộng khu vực địa lí sinh sống. Khi ba quốc gia hình thành trên bán đảo Đông Dương, quan hệ này giữa nhân dân ba nước vẫn tiếp tục phát triển, mà biểu hiện rõ nét nhất là nhân dân Việt Nam ở Đàng Trong cùng với nhân dân Khơme chung sức khai thác vùng châu thổ hạ lưu sông Mê Kông, hình thành một vùng kinh tế mới.
Trên thực tế, nhiều tộc người ở cả Việt Nam, Lào, Campuchia có chung một nguồn gốc, trải qua những vận động, biến đổi của lịch sử, bị phân tách và định cư trên các vùng đất khác nhau. Đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp xâm lược và thành lập Liên bang Đông Dương, nhiều tộc người trên bán đảo Đông Dương (nhất là vùng biên giới) vẫn sống theo hình thức du canh, du cư và không có sự phân biệt về biên giới quốc gia. Sự giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình chinh phục thiên nhiên, mở rộng địa bàn cư trú đã tạo nên tình cảm thân thiện giữa nhân dân ba nước.

Do nằm gọn trong vành đai nhiệt đới bắc bán cầu, có hoàn lưu gió mùa, điều kiện đất đai màu mỡ và nguồn nước thuận lợi, nên từ rất sớm, trên bán đảo Đông Dương đã xuất hiện nhiều nền văn minh rực rỡ, kết hợp với quá trình tiếp xúc, giao thoa văn hóa với hai nền văn minh lớn (Ấn Độ, Trung Hoa), tạo nên nền văn hóa đa dạng. Mặc dù mỗi dân tộc, mỗi quốc gia hình thành nên nền văn minh với những bản sắc riêng, nhưng nhìn chung, do môi trường tự nhiên tương đối đồng nhất, nên cơ tầng văn hóa nông nghiệp trồng lúa là yếu tố chính quy định sinh hoạt, văn hóa của các cư dân trên bán đảo. Điều đó giải thích vì sao cho đến tận ngày nay, giữa ba nước Đông Dương có nhiều yếu tố văn hóa- xã hội tương đồng, mang tính bản địa như tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tục thờ cúng, tư duy biện chứng nguyên thủy, các tập tục và sinh hoạt văn hóa dân gian đi kèm hội mùa nông nghiệp, sự xuất hiện rộng khắp loại hình nhà sàn, vai trò của phụ nữ và người già trong đời sống xã hội, tục ăn trầu và hình ảnh trầu cau từ xa xưa đã đi vào kho tàng văn học dân gian của các dân tộc Đông Dương như một biểu tượng của tình yêu đôi lứa, tình cảm cộng đồng... Đó chính là “mẫu số chung” về văn hóa của cư dân Đông Dương, tạo nên sự gần gũi, giao hòa giữa nhân dân ba nước.
Ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên và về lịch sử - văn hoá. Đây là ba quốc gia hợp thành một đơn vị địa lý thống nhất: Bán đảo Đông Dương[1], trong đó mỗi quốc gia đều có chung đường biên giới với hai nước còn lại[2]. Từ mỗi nước đều có thể dễ dàng đi theo đường bộ (qua các cửa khẩu) hoặc đi theo đường thủy (các con sông lớn) để đến hai nước khác. Vì có mối quan hệ chặt chẽ về vị trí địa lí, nên nếu một trong ba quốc gia bị xâm lược, bị mất độc lập, sớm muộn hai quốc gia còn lại cũng sẽ bị thôn tính. Thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó: Trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ đều tiến hành chiến tranh xâm lược từng nước rồi đến cả ba nước[3], coi bán đảo Đông Dương là một chỉnh thể trong các kế hoạch chiến tranh. Điều đó cho thấy, trước hết, quan hệ về vị trí địa lí là một trong những yếu tố định hướng quan trọng hình thành mối quan hệ đoàn kết ba nước.
Đông Dương là khu vực có vị trí chiến lược rất quan trọng (bao lơn nhô ra biển Đông, tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú...), nên từ rất sớm, Đông Dương đã trở thành đối tượng nhòm ngó, xâm lược của nhiều thế lực khác nhau. Chống lại ách áp bức, chống lại sự nô dịch dân tộc trở thành một trong những nét chủ đạo trong các phong trào đấu tranh của nhân dân mỗi nước trong suốt trường kỳ lịch sử. Đó cũng là yếu tố tự nhiên tạo nên sự gắn bó, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc[4]. Từ khi bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, mối quan hệ giữa nhân dân ba nước càng trở nên mật thiết. Phục vụ cho chính sách cai trị, khai thác nguồn tài nguyên khắp lãnh thổ Đông Dương, thực dân Pháp cưỡng bức nhiều trí thức lao động người Việt Nam sang Lào, Campuchia tham gia vào bộ máy cai trị hay làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã gắn bó chặt chẽ với cộng đồng người bản xứ. Cùng với việc bóc lột thuộc địa, thực dân Pháp xây dựng quan hệ buôn bán giữa các khu vực, xây dựng nhiều tuyến đường xuyên Đông Dương tạo ra sự giao lưu nhất định giữa nhân dân ba nước, tăng cường mối quan hệ vốn có trong lịch sử[5].
Xu hướng liên kết đấu tranh của nhân dân ba nước thực hiện mục tiêu giành độc lập dân tộc ngày càng được tăng cường. Nhiều cuộc đấu tranh, nhiều phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp có sự tham gia, ủng hộ, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau của nhân dân ba nước[6]. Dù sự phối hợp, quan hệ đấu tranh của nhân dân ba nước chưa được chưa ý thức một cách tự giác và đầy đủ trong hoàn cảnh mới, song đây là tiền đề quan trọng cho liên minh đoàn kết chiến đấu chặt chẽ của nhân dân ba nước những năm tháng sau. Có thể khẳng định rằng, những điều kiện tương đồng, gần gũi về lịch sử - văn hóa, sự gắn bó chặt chẽ về phương diện địa - chính trị cùng sự giao lưu, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân ba nước Đông Dương trong những dặm dài lịch sử trước đây là những tiền đề thuận lợi cho liên minh đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời[7] dù chưa đủ sức lãnh đạo toàn bộ hoạt động đấu tranh theo xu hướng vô sản trên toàn cõi Đông Dương, song là yếu tố thuận lợi mới cho liên minh đoàn kết chiến đấu của nhân dân Đông Dương ra đời. Đây cũng là tiền đề mở ra bước ngoặt trong quan hệ đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương. Trước đây, tuy nhân dân ba nước có sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau về địa bàn chiến đấu, vật chất, trang bị... nhưng đó chưa phải là liên minh đoàn kết có ý thức, tự giác, do chưa có chủ trương, đường lối chiến lược chung. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, “tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước không chỉ còn đóng khung trong tình đoàn kết giữa các dân tộc láng giềng với nhau nữa, mà đã mang nội dung giai cấp của tình đoàn kết chiến đấu rộng lớn hơn giữa giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới[8]. Ngay sau khi thành lập, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương giao cho tổ chức Cộng sản các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ trách nhiệm giúp đỡ xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng chi bộ Đảng ở Campuchia và Lào. Đảng Cộng sản Đông Dương đã đưa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ba nước vào trào lưu chung của cách mạng vô sản thế giới, do đó mà thực hiện được sự đoàn kết quốc tế rộng rãi nhất, triệt để nhất”[9], trở thành người tổ chức, lãnh đạo nhân dân nhân dân ba nước đấu tranh giành độc lập. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, đảng viên Việt Nam được điều động sang hoạt động ở Lào, Campuchia nhằm xây dựng các tổ chức Đảng, khắc phục sự không đồng đều và làm cho phong trào cách mạng Đông Dương thêm gắn bó.
II. Quá trình hình thành, phát triển quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt – Lào- Campuchia chống thực dân Pháp
Năm 1945, thắng lợi của các lực lượng chống phát xít đã mở ra thời kỳ mới trong sự nghiệp giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, nhất là những nước trong khu vực châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh, tạo điều kiện cho nhân dân Đông Dương đứng lên đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Tuy nhiên, không bao lâu sau, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Đông Dương, ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp dựa vào quân Anh nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam một lần nữa. Chính phủ Pháp gấp rút tổ chức các đạo quân viễn chinh đưa sang Đông Dương, đánh chiếm các cứ điểm trên các trục đường chính, các thị xã như Xaravan, Pắc Xế, các tỉnh Trung và Thượng Lào,… Tháng 9 năm 1945, tổ chức cách mạng Lào Ítxala và Việt kiều yêu nước nhất trí thành lập đội quân mang tên “Liên quân Lào - Việt” đặt d­ưới sự chỉ huy của một Bộ tham mưu chung. Sau khi thành lập “Liên quân Lào - Việt”, các “Ủy ban phòng thủ chung Lào - Việt” ở các địa phư­­ơng cũng hình thành[10]. Tuy mới đư­ợc thành lập, lại gặp nhiều khó khăn về tổ chức huấn luyện, trang bị, như­ng các chiến sĩ trong “Liên quân Lào - Việt” đã chiến đấu rất dũng cảm, gây cho quân xâm l­ược nhiều khó khăn, thiệt hại trong các trận đánh lớn ở Nho Ma Rát, Phôn Tịu, Hin Bun, Lang Kôc, Xong Khon, Đồng Hến, Thà Đ­a, Ylay, Na Khà, Bản Cơn. Ngày 16 tháng 10 năm 1945, tại Viêng Chăn (Lào), theo thảo thuận, ông Khăm Mạo Pha-nha, Thủ t­ướng Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ít-xa-la và ông Trần Đức Vịnh - phái viên của Chính phủ VNDCCH đã ký Hiệp định “Tư­ơng trợ Lào-Việt” giữa hai nư­ớc Lào và Việt Nam, thỏa thuận giữa hai nư­ớc sẽ hợp tác giúp đỡ nhau về mọi mặt, nhất là trên lĩnh vực quân sự, cùng nhau tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lư­ợc, giành độc lập cho mỗi nư­ớc, mỗi dân tộc[11]. Hiệp định “Tư­ơng trợ Lào-Việt” là văn kiện ngoại giao chính thức đầu tiên của Nhà nư­ớc VNDCCH, cũng là văn kiện ngoại giao chính thức đầu tiên của nư­ớc Lào, là cơ sở pháp lý đầu tiên để Chính phủ và nhân dân hai n­ước Lào, Việt Nam giúp đỡ nhau trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm l­ược và bảo vệ nền độc lập của mỗi nư­ớc. Theo yêu cầu của cuộc kháng chiến ở Lào, ngay từ đầu năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã cử một số cán bộ, chiến sĩ Việt Nam sang giúp đỡ, phối hợp với nhân dân Lào xây dựng lực lượng kháng chiến, xây dựng căn cứ cách mạng dọc vùng biên giới Việt Nam – Lào.
Tháng 10 năm 1945, thực dân Pháp đưa quân từ Sài Gòn lên chiếm đóng vùng Đông Bắc Campuchia, hòng tạo bàn đạp đánh chiếm vùng Hạ Lào và phối hợp với cánh quân trên đường số 14 đánh chiếm Tây Nguyên. Trước tình hình thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược ra các nước Đông Dương, ngày 25 tháng 11 năm 1945, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc", trong đó chủ trương thống nhất Mặt trận Việt - Miên - Lào, thành lập Bộ Tư lệnh Lào - Miên (10-1946). Thực hiện chủ trương đó, Việt Nam đã giúp Lào, Campuchia phát động cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp. Theo tinh thần Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc", Liên quân Lào – Việt đã được tổ chức ở nhiều nơi để chiến đấu ngăn chặn Pháp tấn công; đồng thời, điều động các đơn vị bộ đội địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) lên hoạt động tại vùng giáp biên giới Việt – Lào; xây dựng lực lượng ở các thành phố, thị xã ở Lào[12]. Ban Chỉ huy liên quân Lào – Việt còn mở các lớp huấn luyện quân sự cho dân quân tự vệ, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ trung đội, tiểu đội. Đầu năm 1946, Việt Nam phối hợp, giúp đỡ quân dân Lào chiến đấu bảo vệ các thành phố, thị trấn như Viêng Chăn, Khăm Cợt, Na Pê, đường 9, Bản Cơn..., làm thất bại một bước kế hoạch tấn công lấn chiếm của địch, buộc quân đội Pháp phải co về phòng thủ, giữ các địa bàn đang chiếm đóng. Từ tháng 6-1946, Xứ uỷ Ai Lao và Tổng hội Việt kiều chủ trương chuyển lực lượng về vùng nông thôn và miền núi, xây dựng cơ sở kháng chiến lâu dài. Lực lượng kháng chiến Lào đã bám dân, tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang quần chúng, phát động chiến tranh du kích, chuẩn bị điều kiện để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược. Đến cuối năm 1946, liên quân Lào – Việt rút sang tả ngạn sông Mê Công và trở lại hoạt động tại vùng biên giới phía Tây sau khi Việt Nam bắt đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.
Đầu năm 1946, được sự giúp đỡ của lực lượng kháng chiến Việt kiều, một số nhân sĩ Campuchia tạm lánh sang Thái Lan đã thành lập "Ủy ban dân tộc giải phóng Khơme"[13]. Từ năm 1947 trở đi, những người yêu nước Campuchia liên hệ mật thiết với lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ (Việt Nam), thành lập các khu kháng chiến ở các vùng Đông Nam (1947), Đông Bắc, Tây Nam (1948). Từ những căn cứ kháng chiến này, quan hệ đoàn kết chống thực dân Pháp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia ngày càng được tăng cường và phát triển.
Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương về tăng cường phối hợp, đẩy mạnh kháng chiến, các khu 7, 8, 9 và Liên khu 5 điều động các đội vũ trang tuyên truyền và cán bộ lần lượt sang hoạt động, gây cơ sở ở nhiều vùng căn cứ của Campuchia. Ở Lào, tháng 1 năm 1947, Xứ ủy Ai Lao quyết định thành lập 5 Quân khu Tây Lào[14], thành lập đơn vị vũ trang mang tên Koong Phạ Ngừm, có nhiệm vụ hoạt động vũ trang tuyên truyền, khơi dậy truyền thống yêu nước, căm thù giặc, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến, đưa con em gia nhập bộ đội Lào Ít-xa-la, tranh thủ hoạt động du kích, đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, phối hợp với các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân đang hoạt động trong vùng. Trong những năm 1948-1950, hoạt động phối hợp giữa Việt Nam- Lào ngày càng chặt chẽ: Liên quân Lào - Việt chặn đánh địch ở biên giới Lào- Việt, hoạt động ở Mường Ngan (Xiêng Khoảng, Lào); tháng 1 năm 1948, Chính phủ VNDCCH giao nhiệm vụ cho Liên khu 5 cử cán bộ và lực lượng vũ trang sang giúp xây dựng khu kháng chiến Hạ Lào; tháng 5-1948, quyết định thành lập Ban Cán sự Hải ngoại giúp Lào xây dựng phong trào kháng chiến; tháng 3-1949, thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào…
Cũng trong những năm 1948-1950, Khu 8 (Việt Nam) phái một đơn vị thuộc Trung đoàn 115 sang vùng Đông Nam Campuchia tổ chức đường liên lạc nối liền vùng giải phóng các tỉnh Prâyveng, Kanđan với vùng giải phóng hai tỉnh Tàkeo và Svâyriêng ở vùng Đông Bắc. Tháng 10 năm 1948, Khu 7 cử một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 305 sáp nhập với đơn vị Ítxarắc (tỉnh Svâyriêng) và một đại đội thuộc Trung đoàn 311 thành một đơn vị hỗn hợp Khơme - Việt Nam, mang tên Bộ đội Sivôtha, với khoảng 600 cán bộ, chiến sĩ. Ở vùng Tây Nam Campuchia, Khu 9 cũng lần lượt cử một số đơn vị phối hợp xây dựng những đơn vị hỗn hợp Miên - Việt như hai đơn vị 302, 305 hoạt động ở tỉnh Campốt, đơn vị 632 ở tỉnh Tàkeo. Năm 1949, Khu 9 điều Trung đoàn 131 sang khu căn cứ vùng Tây Nam, giúp cách mạng Campuchia. Tháng 3 năm 1950, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Ban cán sự toàn Miên Cuối năm 1950, Liên khu 5 đưa đội vũ trang tuyên truyền thứ ba sang tăng cường hoạt động ở vùng Đông Bắc Stung Treng…. Nhờ vậy, phong trào kháng chiến của Campuchia từng bước phát triển, cơ sở mở rộng xuống các vùng đồng bằng đông dân.
Tháng 2 năm 1951, Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương ra nghị quyết về các vấn đề quan trọng của cách mạng ba nước Đông Dương, xác định sẽ thành lập ở mỗi nước một chính đảng cách mạng riêng[15], phù hợp với hoàn cảnh từng nước để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành thắng lợi. Tháng 3 năm 1951, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Khơme yêu nước (Ítxarắc), Mặt trận Lào tự do họp, quyết định thành lập "Khối liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào" dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và tương trợ, giúp đỡ nhau kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Ngày 19 tháng 6 năm 1951, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia được thống nhất với tên gọi Quân đội giải phóng Ítxarắc; tiếp đó, ngày 28 tháng 6 năm 1951, Việt Nam giúp Campuchia thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia (lúc đầu mang tên là Đảng Nhân dân Khơme)[16]. Theo yêu cầu của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, từ năm 1951, Việt Nam giúp Campuchia tổ chức Mặt trận Ítxarắc, từng bước xây dựng, mở rộng cơ sở ở nhiều nơi, xây dựng lực lượng vũ trang và thành lập Chính phủ kháng chiến lâm thời. Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp (1951-1954), Việt Nam đưa quân tình nguyện sang giúp Campuchia kháng chiến. Quân đội giải phóng Ítxarắc đã kề vai sát cánh cùng với Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu chống kẻ thù chung. Đầu năm 1954, BCH Trung ương Đảng Campuchia và BCH Trung ương ĐLĐVN chủ trương đẩy mạnh tác chiến ở vùng Đông Bắc Campuchia,  phối hợp với các chiến trường, nhất là chiến trường Tây Bắc Việt Nam và chiến trường Thượng Lào. Những ngày đầu tháng 4 năm 1954, Trung đoàn 101 (Đại đoàn bộ binh 325) cùng với đại đội 200 Quân tình nguyện Việt Nam ở Hạ Lào tiến xuống phối hợp với các lực lượng vũ trang ở vùng Đông Bắc Campuchia, mở cuộc tiến công, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn và một số thị xã (gồm 1/2 diện tích và 1/6 số dân cả nước Campuchia), góp phần đánh bại chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Tháng 4-1951, Trung ương ĐLĐVN quyết định thành lập Ban cán sự Đảng ở Mặt trận Thượng Lào; các Ban cán sự ở Trung và Hạ Lào cũng được bổ sung, kiện toàn. Trong năm 1951, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh chi viện quân sự cho các chiến trường Lào, lực lượng cán bộ và bộ đội tăng lên 12000 quân gồm Thượng Lào hơn 6000 quân, Trung Lào hơn 3000 quân và Hạ Lào hơn 2000 quân. Tháng 2-1953 Chính phủ nước VNDCCH và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào, giải phóng tỉnh Sầm Nưa. Đầu năm 1954, liên quân Lào – Việt bất ngờ tiến đánh phòng tuyến địch ở dọc sông Nậm U, Mương Xài đến Luông Pha băng, đập tan phòng tuyến sông Nậm U của địch, giải phóng toàn tỉnh Phong Xa Lỳ. Cuối tháng 1-1954, liên quân Lào – Việt tấn công chiếm và cắt đường 9, tràn xuống Hạ Lào, giải phóng Áttôpư và cao nguyên Bôlôven.
Như vậy, những thắng lợi trên mặt trận quân sự đã tạo bàn đạp để Việt Nam, Campuchia  và Lào giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, kết thúc thắng lợi một giai đoạn quan trọng trong lịch sử hợp tác chiến đấu dành và giữ độc lập của nhân dân ba nước Đông Dương, Pháp rút toàn bộ quân đội ra khỏi Đông Dương. Tuy nhiên, các giải pháp do Liên Xô, Trung Quốc phối hợp với Anh, Pháp đề xuất và đi đến ký kết tại Hội nghị Geneve phản ánh xu thế chung, quan hệ giữa các nước lớn trong tình hình quốc tế vào thời điểm đó. Là kết quả của một cuộc hoà giải không vững chắc, có mục tiêu chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, nhưng Hiệp định Geneve đã không bịt được kẽ hở tạo khả năng cho Mỹ vào Đông Dương. Đông Dương đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh mới.
Download toàn văn bài viết tạiTrang Web TRI THỨC

[1] Việt Nam nằm ở phía đông, Lào nằm ở phía tây, Campuchia nằm ở phía tây nam. Diện tích khoảng 750.000 km2, dân số (1954) khoảng 45 triệu người. Phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Thái Lan, Mianma; các mặt đông, đông nam và tây nam bao bọc bởi biển Đông.
[2] Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền 2.130km, Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới đất liền 1.228km, Campuchia và Lào có chung đường biên giới đất liền 535km.
[3] Tổng kết cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam (1954-1975), Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận đối thủ của họ đã khai thác rất tốt mối quan hệ chặt chẽ về vị trí địa lý ba nước Đông Dương và khẳng định: “Địa lí và khí hậu ở Đông Dương thích hợp với cuộc chiến tranh nhân dân hơn là với các chiến dịch quân sự thông thường và đúng ra phải được đếm xỉa đến hơn trong lúc ban đầu xây dựng cơ cấu và huấn luyện quân sự Việt Nam cộng hòa... Địa lí chính trị đã tạo ưu thế chiến lược cho Việt Nam dân chủ cộng hòa vì đã cho họ sử dụng có hiệu quả các vùng đất thánh ở Lào và Campuchia, khiến họ có thể hạn chế thiệt hại và tàng trữ những số lượng lớn vật liệu chiến tranh” (Nguồn: Tóm tắt tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, Tập 2 - Nam Việt Nam, Thư viện Quân đội Trung ương sao lục, 1982, tr. 22-23).
[4] Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV, Lê Lợi từng “nhờ” đất Ai Lao (Lào) làm chỗ đứng chân buổi ban đầu; triều Tây Sơn có mối quan hệ thông hiếu với triều đình Viêng Chăn, tiếp đó giúp một số bộ tộc Lào đánh đuổi quân xâm lược Xiêm (Thái Lan); các chúa Nguyễn ở Đàng Trong từng giúp đỡ nhân dân Campuchia chống xâm lược Xiêm.
[5] Trao đổi hàng hóa thương mại trong nội bộ giữa ba nước Đông Dương có sự phát triển đa dạng. Nền kinh tế cả ba nước chủ yếu là nông nghiệp có tính bổ sung cho nhau và có khuynh hướng chuyên môn hóa rõ rệt. Đến năm 1954, Campuchia đứng hàng thứ ba trong số các nước cung cấp hàng hóa cho Việt Nam (đứng sau Pháp và Hoa Kỳ).
[6] Tiêu biểu như sự phối hợp giữa nghĩa quân A-cha Soa với nghĩa quân của Đề đốc Huân trên địa bàn Châu Đốc, Vĩnh Long, Đồng Tháp Mười (1962); liên quân chiến đấu giữa nghĩa binh Pô-kum-bô và nghĩa quân của Trương Quyền, Võ Duy Dương tại các vùng dọc biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia (1866); sự phối hợp giữa quân lính (bị thực dân Pháp cưỡng bức) Việt - Lào chống Pháp tại hai vùng Bô-lô-ven và Tây Nguyên (1901); sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào đối với các nghĩa binh, sỹ phu trong phong trào Cần Vương (1885-1896)...
[7] Tháng 10/1930, đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương (theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản III).
[8] Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Đông Nam Á (1983), Những vấn đề lịch sử - văn hóa Đông Nam Á - Về lịch sử - văn hóa ba nước Đông Dương, Viện Đông Nam Á xuất bản, Hà Nội, tr.64.
[9] Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Đông Nam Á (1983), Những vấn đề lịch sử - văn hóa Đông Nam Á - Về lịch sử - văn hóa ba nước Đông Dương, Sđd, tr.64.
[10] Ngô Quốc Tuấn (2005), "Hồ Chí Minh người đặt nền móng cho quan hệ Việt – Lào", Tạp chí Lịch sử quân sự, số 1, tr.83.
[11] Ngô Quốc Tuấn (2005), "Hồ Chí Minh người đặt nền móng cho quan hệ Việt – Lào", Tlđd, tr. 86.
[12] Viêng Chăn tập hợp được hơn 600 người tổ chức thành 4 đại đội chiến đấu gồm 3 đại đội Việt kiều và một đại đội Lào Ítxalạ. Xavẳnnakhệt tập hợp được hơn 200 quân tổ chức thành hai đại đội chiến đấu của Lào Ítxalạ và Việt kiều giải phóng quân. Thà Khẹc tập hợp được hơn 800 quân tổ chức thành 4 đại đội chiến đấu gồm 2 đại đội Lào Ítxalạ và 2 đại đội Việt kiều giải phóng quân.
[13] Tuy nhiên, do thành phần trong ủy ban có những phần tử phức tạp, gây chia rẽ, đến năm 1949, Ủy ban này tan rã. Một bộ phận tiên tiến trong "Ủy ban dân tộc giải phóng Khơme" đã kịp thời tách ra khỏi ủy ban này và tổ chức các cơ sở cách mạng trong nhân dân, xây dựng các khu căn cứ ở vùng Pailin, Báttambang. Một bộ phận khác tổ chức các nhóm vũ trang hoạt động trong các phum, sóc ở tỉnh Báttambang, miền Đông và miền Nam Campuchia.
[14] Quân khu I gồm địa bàn hoạt động ở tỉnh Viêng Chăn; Quân khu II gồm địa bàn hoạt động tỉnh Khăm Muộn; Quân khu III gồm địa bàn hoạt động ở tỉnh Xa Vẳn Na Khệt; Quân khu IV gồm địa bàn hoạt động ở các tỉnh Hạ Lào và Quân khu V là Đặc khu Thượng Lào.
[15] Đảng Cộng sản Đông Dương tách ra thành ba đảng: Đảng Lao động Việt Nam; Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia (thành lập ngày 28-6-1951), Đảng Nhân dân Lào (thành lập ngày 22-3-1955).
[16] Đại hội lần thứ IV Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, diễn ra từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 5 năm 1981, đã quyết định lấy ngày 28 tháng 6 là ngày thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!