Ngay sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, chính sách của Mỹ ở
Lào và Nam Việt Nam, Campuchia là chính sách can thiệp và xâm lược dưới những hình thức
và thủ đoạn khác nhau. Sau
Hiệp định Geneve, lực lượng kháng chiến Lào
tập kết về hai tỉnh Hủa-phăn (căn cứ Sầm Nưa) và Phong-xa-lỳ[1].
Chính quyền Viêng Chăn vẫn giành quyền kiểm soát đại bộ phận lãnh thổ Lào (10
tỉnh). Thực hiện âm mưu tiêu diệt lực lượng kháng chiến Lào, Mỹ ồ ạt viện trợ
kinh tế, quân sự[2] cho
chính quyền, quân đội Viêng Chăn[3],
từng bước chi phối mọi mặt ở Lào. Trong Hội nghị Geneve
về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương (1954), do tương quan lực
lượng và do ý đồ của một số cường quốc muốn hạn chế thắng lợi của cách mạng
Đông Dương nên lực lượng kháng chiến Campuchia không có vùng tập kết buộc phải
giải tán, sống hoà nhập vào cộng đồng xã hội. Hiệp định Geneve công nhận chính phủ Vương quốc Campuchia là chính phủ hợp
pháp của Campuchia, do Quốc vương Nôrôđôm Xihanúc[4]
đứng đầu.
Thi hành Hiệp định Geneve
và Hiệp định đình chiến ở Lào, ngày 23.7.1954, Bộ Quốc phòng và Chính phủ kháng
chiến Lào ra lệnh thực hiện Hiệp định đình chiến trên toàn chiến trường Lào.
Theo tinh thần đó, các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ
trang Lào Ítxala khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, chuyển trọng tâm hoạt động
phù hợp với tình hình cách mạng trong giai đoạn mới. Theo yêu cầu của Lào, Ban
cán sự và Ban chỉ huy quân tình nguyện các khu, tỉnh của Việt Nam đã giúp Lào
và cùng với Lào tuyên truyền về thắng lợi của Hiệp nghị đình chiến; đồng thời
quán triệt tình hình nhiệm vụ mới cho cán bộ Việt-Lào cấp tỉnh, huyện.
Nhận định“việc
thi hành hiệp định đình chiến là việc mới, là một cuộc đấu tranh gay go với
địch”[5], ngày 23-7-1954, Việt Nam cử một số cán bộ tham
gia Uỷ ban Liên hiệp đình chiến ở Lào. Cùng với cán bộ Lào, cán bộ Việt Nam
giải thích về thắng lợi Hiệp nghị Giơ-ne-vơ và nội dung Hiệp định đình chiến
trên chiến trường Đông Dương và Lào; đồng thời phổ biến tình hình nhiệm vụ mới,
động viên bộ đội tình nguyện, bộ đội Lào Ítxala cùng nhân dân đoàn kết đấu
tranh đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh những điều đã ký kết. Ở Campuchia, ngày 24 tháng 7 năm
1954, Bộ Tổng tư lệnh quân giải phóng Khơme Ítxarắc và của Bộ Tư lệnh Bộ đội
tình nguyện Việt Nam ở Khơme ra Nhật lệnh nêu rõ: “Chúng ta phải đấu tranh để
hoàn thành cho kỳ được nền độc lập, đòi quân đội ngoại quốc rút khỏi lãnh thổ
của Khơme. Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh để bảo vệ quyền tự do dân chủ, thực
hiện tổng tuyển cử và thực hiện thống nhất quốc gia”.
Nhằm phát huy thắng lợi của Hiệp định Geneve,
Ban Bí thư Trung ương ĐLĐVN ra Chỉ thị “Tuyên
truyền về những Hiệp định của Hội nghị Giơnevơ" (27.7.1953), nêu rõ:
Hội nghị Geneve kết thúc ngày 21-7-1954 đã đi đến những hiệp định đình chiến ở
Việt Nam, Lào, Khơme và nước Pháp phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất
và lãnh thổ toàn vẹn của ba dân tộc ở Đông Dương. Đó là thắng lợi của nhân dân
Việt Nam, Lào, Khơme và là một thất bại của đế quốc Mỹ. Chỉ thị ngày 27.7.1953 khẳng định: Cuộc đấu tranh ái quốc của dân
tộc Việt Nam cũng như của Khơme, Pathét Lào đã
tiến lên được một bước; Hội nghị Geneve là một thắng lợi tất yếu của nhân dân Việt Nam,
Lào, Campuchia; tuy nhiên, cần đề phòng mọi âm mưu phá hoại hoà bình, xâm phạm
hiệp định.
Thực hiện Chỉ thị, đầu
tháng 8.1954, Đoàn 83 quân Tình nguyện Việt Nam tổ chức tuyên truyền về thắng
lợi của Hiệp nghị Geneve, động viên và tổ chức
lực lượng Pathét Lào tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ. Thời điểm này,
nhân dân các bộ tộc Lào chưa có đài để nghe, tin tức chủ yếu vẫn do truyền
miệng. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy Đoàn 83 tổ chức các lớp ngắn ngày (1
hoặc 2 ngày) cho cán bộ Lào-Việt cấp
tỉnh. Sau đó, cử nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng với phía Lào toả xuống các địa
phương tập hợp các đơn vị và nhân dân trong từng làng bản, tuyên truyền: thực
dân Pháp đã thua phải rút quân về nước. Ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia được
quốc tế công nhận về nền độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Lực
lượng Lào Ítxala có hai tỉnh tập kết và Pathét Lào đại diện đàm phán với Chính
phủ vương quốc Lào về một giải pháp chính trị, tiến tới thống nhất đất nước
bằng tổng tuyển cử tự do. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh đòi đối phương nghiêm chỉnh
thi hành Hiệp nghị Geneve để thực hiện hoà hợp
dân tộc, thống nhất đất nước là rất phức tạp, gay gắt, quyết liệt, bởi đế quốc
Mỹ không ký Hiệp nghị Geneve và đang cùng bọn
tay sai tìm mọi cách phá hoại Hiệp nghị. Ở các vùng căn cứ kháng chiến Lào, khí
thế cách mạng của quần chúng rất cao. Nhân dân làng xã tham gia các cuộc mít
tinh, liên hoan ca múa lăm vông, nghe cán bộ Lào và bộ đội Việt Nam nói chuyện.
Ở các vùng đồng bằng, sát đồn địch, cán bộ, chiến sĩ Việt Nam cùng với bộ đội
Lào đến tuyên truyền cho nhân dân biết. Tại các huyện Tu la Khôm, Phôn Hùng,
Vang Viêng, bộ đội Việt Nam liên hệ thẳng với tri huyện (chao Mường tổ chức các
cuộc nói chuyện, yêu cầu đối phương cam kết, tuyên bố ngừng các cuộc hành quân,
tuần tiễu vào vùng căn cứ kháng chiến, chấm dứt các hành động khủng bố, bắt bớ,
cướp bóc nhân dân.
Đối với Campuchia, ngày 11 tháng 8 năm 1954, Trung ương Cục miền Nam gửi Ban cán sự
toàn Miên, đồng điện Ban Cán sự Tây Nam Miên chỉ thị: Cần làm cho cán bộ, bộ
đội, nhân dân Khơme, cán bộ, bộ đội Việt Nam công tác tại Khơme, thông suốt
tình hình và nhiệm vụ mới, nhận rõ thắng lợi của việc ký kết đình chiến; đồng
thời, cần có kế hoạch giải thích chu đáo, theo dõi, lãnh đạo tư tưởng của cán
bộ chặt chẽ, thích hợp với hai đối tượng khác nhau: Khơme và Việt Nam[6].
Bức điện chỉ đạo: Nhiệm vụ võ trang chiến đấu này chuyển qua đấu tranh chính
trị, các chiến sĩ cầm súng nay trở thành những cán bộ chính trị[7].
Ngày 20.8.1954, Hội nghị thành lập Ủy ban liên hợp đình chiến ở Campuchia khai
mạc. Việc thành lập Ủy ban Liên hiệp đình chiến hôm nay là tiếp tục phát triển
những thắng lợi đó theo tình hình tại nước Cao Miên. Ủy ban Liên hiệp đình
chiến Trung ương Cao Miên có nhiệm vụ đại diện cho hai bên đã ký kết hiệp định
đình chiến đặt kế oạch và thể thức thực hiện các điều khoản trong Hiệp định
đình chiến; đồng thời, thương lượng giải quyết mọi việc khác có liên quan đến
hiệp định đó. Sau khi thành lập, Ủy ban liên hiệp đình chiến Trung ương bàn bạc
nơi tập kết quân, các con đường hành quân, phương tiện di chuyển, ngày giờ rút
quân và thành lập các toán liên hiệp để tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các
điều khoản của Hiệp định Geneve.
Nhằm thực hiện hiệu quả hơn nghĩa vụ quốc tế đối với Lào,
Campuchia, từ ngày 5 đến ngày 7.9.1954, Bộ Chính trị BCH Trung ương ĐLĐVN họp ra Nghị quyết “Về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng”, với nội
dung chính: Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam đã bước vào một giai
đoạn mới, trong đó mối quan hệ giữa ba nước Việt Nam, Lào và Cao Miên đã thay
đổi. Trước đây lúc chiến tranh, cả Việt Nam và địch đều không phân biệt ranh
giới giữa ba nước trong hành động quân sự[8].
Ngày nay, trong hoàn cảnh hoà bình, mối quan hệ giữa Việt Nam với Lào,
Campuchia cần đặt trên cơ sở mới. Mối quan hệ đó nên đặt trên nguyên tắc lớn là
“tôn trọng lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không xâm lấn nhau, không can thiệp
nội chính của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, sống chung trong hoà bình”. Cần
tìm mọi cách tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, tăng
cường đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia. Nghị
quyết nhấn mạnh: Để thực hiện đình chiến, củng cố hòa bình, cần phải kiên
quyết, triệt để thực hiện các điều khoản trong Hiệp định đình chiến ở Việt Nam,
Lào và Cao Miên; cần giải thích nội dung, thực chất của Hiệp định đình chiến và
của bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve
một cách sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân[9].
Tiếp đó, ngày 19.10.1954, Bộ Chính trị BCH Trung ương ĐLĐVN ra Nghị quyết về việc giúp đỡ cách mạng Lào.
Sau khi phân tích tình hình Lào, Nghị quyết đề ra phương châm đấu tranh của
cách mạng Lào là phải xây dựng lực lượng của thật vững chắc làm cơ sở quyết
định thắng lợi. Về sách lược, Nghị quyết chỉ rõ phải tranh thủ Pháp và Ấn Độ để
cô lập và đả kích đế quốc Mỹ và bọn tay sai Mỹ[10].
Trước mắt, Nghị quyết đề ra một số chủ trương cụ thể về chính quyền ở hai tỉnh
tập kết, về các đơn vị quân đội nhà vua đang đóng ở hai tỉnh tập kết; về quan
hệ với chính phủ nhà vua[11].
Cuối cùng, Nghị quyết nhấn mạnh: Vô luận tình hình phát triển như thế nào, cũng
phải hết sức tăng cường công tác củng cố hai tỉnh, xây dựng quân đội, gây dựng
cơ sở nhân dân, đẩy mạnh đấu tranh chính trị trong toàn quốc, nhất là vùng mới
rút quân.
Ngày 27.11.1954, Ban Cán sự Lào đã ra thông báo Về tình hình mới, nhiệm vụ mới và công tác
mới ở Lào. Thông báo nêu rõ: Quan hệ Lào-Việt đã thay đổi và phải đặt trên
cơ sở mới. Thời kỳ đấu tranh Lào-Việt là một chiến trường duy nhất không thể
tách rời. Nhưng hòa bình được lập lại và các điều khoản đình chiến đã khiến
Việt Nam không thể giữ quan hệ về mặt quân sự cũng như về mặt chính trị như
trước nữa. Tình hình mới đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi phương châm sách lược
đấu tranh cho thích hợp, nhưng lập trường đấu tranh của Việt Nam trong hòa bình
cũng như trong kháng chiến vẫn là một, không hay đổi. Lập trường đó là hòa
bình, dân chủ, thống nhất và độc lập. Nhiệm vụ chung của Việt Nam và Lào trong
giai đoạn hòa bình là: Đoàn kết và lãnh đạo toàn dân đấu tranh thực hiện hiệp
định đình chiến để củng cố hòa bình, xây dựng hai tỉnh tập kết thành căn cứ địa
đấu tranh của toàn quốc, giữ vững và phát
triển các cơ sở quần chúng ở vùng ta phải lui quân, đòi ban hành các quyền dân
chủ, dựa vào lực lượng của cách mạng và
hiệp định đình chiến mà thương lượng, hợp tác với chính phủ nhà vua, tiến tới
tổng tuyển cử tự do và thành lập một chính quyền liên hiệp thống nhất, tiến tới
xây dựng một nước Lào dân chủ và hoàn toàn độc lập, góp phần vào hòa bình ở
châu Á và thế giới[12].
Tháng 11.1954, Trung ương ĐLĐVN ra Nghị
quyết về giúp cách mạng Lào trong tình hình mới, xác định một số nhiệm vụ
chung trong giai đoạn hoà bình:
1. Đoàn kết lãnh đạo toàn diện đấu tranh thực hiện hiệp
định đình chiến.
2. Xây dựng hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ thành căn cứ
đấu tranh của toàn quốc, giữ vững cơ sở vùng ta phải rút quân.
3. Đòi ban hành các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời
sống nhân dân.
4. Dựa vào lực lượng cách mạng Lào và hiệp định đình
chiến để thương lượng hợp tác với chính phủ nhà vua, tiến hành tổng tuyển cử tự
do và thành lập Chính phủ liên hiệp thống nhất, tiến tới xây dựng một nước Lào
dân chủ và hoàn toàn độc lập, góp phần bảo vệ hoà bình ở châu Á và thế giới.
Yêu cầu đặt ra sau khi tiến hành chuyển quân tập kết xong là hai bên phải
xúc tiến nhanh chóng việc thành lập Ủy ban hiệp thương chính trị, tiến hành đàm
phán để tìm ra giải pháp chính trị thỏa đáng cho vấn đề hòa bình thống nhất Lào
theo tinh thần Hiệp định Geneve đã quy định. Sau 6 tháng kiên trì đấu tranh, ngày
18.1.1955, Hội nghị hiệp thương chính trị hai bên giữa Neo Lào Hắc Xạt và Vương
quốc Lào được khai mạc ở Cánh Đồng Chum. Tại hội nghị, phía Neo Lào Hắc Xạt đề
nghị thảo luận ba vấn đề cơ bản:
1. Đình chỉ xung đột quân sự ở hai tỉnh Sầm Nưa và
Phong Sa Lỳ.
2. Lập hội đồng chính trị hiệp thương.
3. Giải quyết vấn đề hành chính, quân sự ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa
Lỳ.
Tuy nhiên, phía Vương quốc đòi ghi tuyên bố của nhà vua vào bản tuyên bố
chung, nghĩa là muốn sáp nhập hai tỉnh Sầm Nưa, Phong Sa Lỳ vào chính quyền
Vương quốc Lào. Sau hơn hai tháng, đến ngày 9 tháng 3 năm 1955, Hội nghị hiệp
thương chính trị giữa Pathét Lào và Vương quốc Lào (do phía Vương quốc luôn tự
ý bỏ họp) mới ra được thuyên bố chung cam kết: Chấm dứt mọi hành động công kích
lẫn nhau. Mỗi bên ra lệnh cho lực lượng vũ trang của mình đình chỉ mọi hành
động tiến công quân sự. Về phía Campuchia, ngày 22.12.1954, Trung ương Khơme ra chỉ thị
về vấn đề tổng tuyển cử, nội dung nêu rõ về mục đích yêu cầu; phương châm hoạt
động; kế hoạch vận động. Ngày 8.1.1955, Trung ương Cục miền Nam điện báo cáo
Trung ương ĐLĐVN về tình hình Phnôm Pênh và và
chủ trương Tổng tuyển cử ở Cao Miên, nhằm đạt mục tiêu “tranh thủ hoạt động,
vận động đưa một số người vào quốc hội, tranh thủ hoạt động công khai hợp pháp
để đấu tranh thực hiện đúng đắn Hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, chống
âm mưu xâm lược của đế quốc, thi hành các quyền tự di dân chủ cải thiện dân
sinh”[13].
Tháng 4-1955, Liên khu ủy 5 (Việt Nam) báo cáo tình hình Miên trong 2 tháng 2
và 3.1955, xác định kế hoạch tháng 4
và 5.1955 với các nhiệm vụ trọng tâm: “Theo dõi và giúp đỡ phong trào chống Mỹ
hiện nay ở Miên; theo dõi tình hình địch, mâu thuẫn Mỹ - Pháp và âm mưu phá
tổng tuyển cử ở Miên của Xihanúc để có kế hoạch phối hợp đấu tranh của nhân dân
với đấu tranh của Ủy ban quốc tế; chấn chỉnh và phát triển việc tuyên truyền
chống Mỹ, đòi thi hành hiệp định ở Miên, nhất là các điều khoản còn liên quan
đến Việt Nam như vấn đề căn cứ quân sự ngoại quốc, vấn đề tù binh, vấn đề Việt
kiều; tìm cách xây dựng quan hệ tốt với Miên để chuẩn bị cho việc xây dựng quan
hệ chính thức”[14].
Sự kiện Hội nghị hiệp thương
chính trị giữa Pathét Lào và Vương quốc Lào bước đầu tạo ra sự ổn định giữa hai
bên nội bộ ở Lào; đồng thời tác động đến mối quan hệ giúp đỡ giữa Pathét Lào và
Chính phủ VNDCCH.
Trước tình hình mới,
ngày 22.11.1955, Bộ Chính trị BCH Trung ương ĐLĐVN
đã họp bàn về tình hình Lào, và đề ra chủ trương, nhiệm vụ giúp cách mạng Lào.
Bộ Chính trị chỉ rõ: Đế quốc Mỹ đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chia rẽ
Lào, Việt Nam, cụ thể là: Chúng tìm mọi cách để cán bộ Việt Nam phải về nước,
cô lập Pathét Lào, lừa gạt, mua chuộc, chia rẽ nội bộ Lào, chia rẽ Lào và Việt
Nam. Bộ Chính trị phân tích thêm: Hành động của Mỹ là một mặt tỏ ra ôn hòa, sốt
sắng trong hội nghị hiệp thương; mặt khác lợi dung hội nghị để thực hiện âm mưu
thôn tính hai tỉnh tập kết Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ của Lào. Trên cơ sở phân tích
tình hình, Bộ Chính trị xác định phương châm đấu tranh: Vừa đàm phán thương
lượng, vừa ra sức củng cố và phát triển lực lượng, vận động các tầng lớp nhân
dân ủng hộ lập trường của Việt Nam; đồng thời, nhấn mạnh: Vấn đề mấu chốt của
cách mạng hiện tại là giữ gìn hai tỉnh tập kết, đòi thực hiện quyền tự do dân chủ để đi tới tổng tuyển cử
trong cả nước Lào.
Từ ngày 3 đến
12.3.1955, BCH Trung ương ĐLĐVN lần thứ 7 đã
tiến hành Hội nghị lần thứ 7 (mở rộng). Sau khi xác định âm mưu của đế quốc Mỹ
là phá hiệp định đình chiến, phá hoà bình, chuẩn bị gây lại chiến tranh Đông
Dương; đồng thời tìm mọi cách phá hoại công cuộc thống nhất Việt Nam, chuẩn bị
phá tổng tuyển cử tự do, Hội nghị đặt mục tiêu quan trọng nhất là đấu tranh
chống đế quốc Mỹ, cụ thể là động viên quần chúng đấu tranh rộng rãi để chống đế
quốc Mỹ can thiệp vào Đông Dương, đưa miền Nam Việt Nam (cũng như Lào) vào khối
xâm lược Đông Nam Á, hoặc vào bất cứ một khối liên minh quân sự nào khác; chống
đế quốc Mỹ vi phạm và phá hoại Hiệp định đình chiến, chuẩn bị gây lại chiến
tranh; chống âm mưu của đế quốc Mỹ đối với vùng tập kết của các lực lượng
Pathét Lào.
Trước sự
chuyển biến của tình hình thế giới, Đông Dương và ở Lào, thực hiện Nghị quyết
Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương (2-1951), từ 22-3 đến 6-4-1955 tại một địa
điểm gần biên giới Việt Nam - Lào thuộc xã Sơn Thủy, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh
Hóa, diễn ra Đại hội thành lập Đảng
Nhân dân Lào[15],
đánh dấu bước trưởng thành mới của cách mạng Lào và mở ra triển vọng phát triển
mới trong quan hệ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa Đảng, Quân ủy, quân đội hai
nước Việt Nam-Lào.
Sau khi được thành lập, căn cứ vào yêu cầu và
nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ngày 12.7.1955, BCH Trung ương Đảng Nhân dân Lào
ra Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ
cách mạng Lào cho đến ngày tổng tuyển cử. Nghị quyết phân tích tình hình
Lào: Tình hình Lào ngày càng diễn biến khẩn trương, phức tạp. Các điều khoản
của hiệp định đình chiến không được tôn trọng và đang bế tắc trong việc thống
nhất bằng giải pháp chính trị. Mỹ âm mưu phá hoại hai tỉnh tập kết, trước mắt
là gạt Pathét Lào ra khỏi cuộc tổng tuyển cử. Nghị quyết tiên đoán về một trong
ba khả năng sẽ diễn ra đối với Lào: Một
là, Mỹ tiếp tục thực hiện kế hoạch vết dầu loang, lấn dần hai tỉnh tập kết;
hai là, Mỹ đến hội nghị giải quyết
các vấn đề có liên quan đến hai bên bằng giải pháp thương lượng hoà bình; ba là, địch mở cuộc tiến công quy mô
chiếm toàn bộ hai tỉnh tập kết Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ. Nghị quyết chỉ ra nhiệm
vụ và một số công tác trước mắt của cách mạng Lào như sau: kiên trì đấu tranh
chính trị, thực hiện thống nhất nước nhà bằng tổng tuyển cử tự do và trên cơ sở
bảo tồn lực lượng cách mạng Lào; đồng thời, phải tăng cường lực lượng về mọi
mặt để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Khẩu hiệu đấu tranh là đòi Chính
phủ vương quốc Lào phải thi hành đúng đắn hiệp định đình chiến, thành thực
thương lượng với Pathét Lào để củng cố hoà bình, thực hiện tự do dân chủ, tiến
tới tổng tuyển cử tự do, thống nhất nước nhà và hoàn thành độc lập dân tộc. Mục
đích chủ yếu của cách mạng Lào trong giai đoạn này là hoà bình, tự do dân chủ,
thống nhất và độc lập[16].
Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào là: Đoàn kết toàn dân, đấu tranh đòi thi
hành hiệp định đình chiến, củng cố hoà bình[17],
dựa vào lực lượng quần chúng, vào hiệp định đình chiến để thương lượng với
Chính phủ Vương quốc, đòi ban hành quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân
dân, tiến hành tổng tuyển cử tự do, thành lập Chính phủ liên hiệp thống nhất,
tiến tới xây dựng một nước Lào dân chủ và hoàn toàn độc lập.
Để
tăng cường đoàn kết giữa hai Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 1.8.1955,
BCH Trung ương ĐLĐVN gửi thư tới Ban chỉ đạo
toàn quốc Đảng Nhân dân Lào nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục thi hành Hiệp định
Geneve, thực hiện độc lập, chủ quyền, thống
nhất và đảm bảo lãnh thổ toàn vẹn của nước Lào, kiên trì đấu tranh chính trị và
quân sự, giữ vững và củng cố hai tỉnh tập kết, lập thành căn cứ địa của cách
mạng Lào.
Để
giúp Trung ương theo dõi, nghiên cứu, nắm tình hình Lào – Miên và quyết định
những chủ trương, đường lối cần thiết trong việc giúp đỡ phong trào cách mạng
Lào – Miên về mọi mặt; giúp Trung ương đôn đốc việc thi hành những chỉ thị,
nghị quyết của Trung ương về vấn đề Lào – Miên, ngày 10.8.1955, Ban Bí thư
Trung ương ĐLĐVN ra Nghị quyết (số 20-NQ/TW)
về việc thành lập Ban Lào – Miên Trung ương. Một trong những nhiệm vụ cơ bản
của Ban Lào – Miên Trung ương là “theo dõi giúp Trung ương việc thi hành Hiệp
định đình chiến ở Lào, Miên về mọi mặt”[18].
Phối hợp với Việt
Nam, tháng 8.1955, BCH Đảng Nhân dân Lào ra Nghị quyết Về tình hình và nhiệm vụ cách mạng Lào, xác định nhiệm vụ của cách
mạng Lào: Đoàn kết toàn dân trong mặt trận dân tộc thống nhất, kiên trì đấu
tranh chính trị, quân sự, giữ vững và phát triển cơ sở quần chúng; lãnh đạo
nhân dân đấu tranh đòi Mỹ và tay sai phải thực hiện đúng Hiệp định Geneve, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ
Lào[19]. Ngày 1 tháng 8 năm 1955, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân
Việt Nam ra chỉ thị về hoạt động quân sự ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phông xa lỳ nhằm đối
phó với âm mưu mới của địch, chủ trương: “Đẩy mạnh hoạt động chính trị trong
toàn quốc, chủ động nắm vững pháp lý của Hiệp định Giơnevơ đòi tổng tuyển cử có
Pa thét Lào”[20].
Sau hơn một năm ký
Hiệp định Geneve, Mặt trận Neo Lào Ítxala đã
nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản cam kết và kiên quyết đấu tranh giương cao
ngọn cờ hòa bình, trung lập, còn Mỹ thì ra sức phá hoại Hiệp định Geneve, đi ngược lại mọi cam kết, kích động, gây ra
cuộc xung đột lớn ở hai tỉnh Sầm Nưa, Phong Sa Lỳ. Trước tình hình đó, hình
thức tổ chức Mặt trận Neo Lào Ítxala không còn
phù hợp, cần có một hình thức tổ chức mặt trận rộng rãi hơn nhằm đáp ứng yêu
cầu đấu tranh chính trị trong bước phát triển mới của cách mạng Lào. Do vậy,
ngày 12.10.1955, Hội nghị trù bị thành lập Ban vận động toàn quốc Mặt trận
thống nhất Lào được tiến hành. Cũng từ tháng 10.1955, phía Việt Nam và quốc tế
đã đề ra kế hoạch tuyên truyền về tình hình Lào, theo đó chủ trương của Pathét
Lào là kiên trì đấu tranh giữ vững hai tỉnh làm căn cứ địa cho cách mạng cả
nước Lào; duy trì hội nghị hiệp thương để giúp đỡ cho cuộc đấu tranh chính trị
toàn Lào; tiến hành đấu tranh quân sự cho hai tỉnh chống các cuộc tiến công của
quân đội nhà vua đòi tổng tuyển cử tự do cho Pathét Lào[21].
Tháng 12.1955, Ban Bí thư Trung ương ĐLĐVN chỉ
thị cho Ban Cán sự giúp Lào kiên quyết phá cuộc tổng tuyển cử riêng rẽ của
chính phủ nhà vua Lào trái với Hiệp định Geneve [22]
với tinh thần tùy tình hình và khả năng cụ thể của cách mạng mà tuyên truyền
vận động nhân dân phản đối tổng tuyển cử, hoặc bằng các hình thức tẩy chay phá
rối, cướp thùng phiếu, bỏ phiếu trắng, hoặc bỏ phiếu cho Pathét Lào…những biện
pháp này cần được thực hiện tối đa ở vùng địch kiểm soát. Ở vùng du kích, phải
tập trung lực lượng canh gác, ngăn chặn không cho địch cho quân đội và gián
điệp gọi dân đi bầu và cần bàn kỹ với Pathét Lào để có kế hoạch đối phó sát với
từng trường hợp.
Tháng
1.1956, Mặt trận Lào yêu nước được thành lập và ra tuyên bố chung về đường lối
hòa bình trung lập của Lào. Trước lời kêu gọi của Hoàng thân Xuphanuvông về
việc nối lại các cuộc hiệp thương chính trị giữa Chính phủ kháng chiến và Chủ
tịch Neo Lào Hắc Xạt, tháng 12.1956 Hội nghị hiệp thương chính trị giữa Neo Lào
Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào đã họp tại Viêng Chăn thảo luận những vấn
đề về hòa hợp dân tộc. Tháng 11.1957 cuộc đàm phán giữa Hoàng thân Xuphanuvông
và Hoàng thân Phuma đã quyết định công bố những văn kiện cụ thể về giải quyết
vấn đề hòa hợp dân tộc. Cùng thời gian này, Hội nghị liên hiệp quân sự giữa Neo
Lào Hắc Xạt và Chính phủ Vương quốc Lào ký hiệp định giải quyết lực lượng vũ
trang của Neo Lào Hắc Xạt. Theo Hiệp định, Chính phủ Vương quốc Lào bảo đảm sáp
nhập tất cả quân đội, vũ khí của Neo Lào Hắc Xạt vào quân đội quốc gia; những
người tình nguyện ở lại quân đội sẽ được đưa vào quân thường trực của Vương
quốc Lào. Các đơn vị quân đội của Neo Lào Hắc Xạt sáp nhập quân đội quốc gia sẽ
được hưởng quyền lợi bình đẳng về mọi mặt. Sau khi sáp nhập quân đội quốc gia,
các đơn vị quân đội của Neo Lào Hắc Xạt sẽ đóng tại quân khu cũ của mình. Thời
hạn sáp nhập các đơn vị vũ trang của Neo Lào Hắc Xạt vào quân đội quốc gia là
60 ngày kể từ ngày thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc. Thực hiện hiệp định
ký kết về tổng tuyển cử, ngày 4.5.1958, cả nước Lào đã tiến hành tổng tuyển cử
bổ sung để bầu thêm nghị sỹ. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tất cả cử tri
có quyền bầu cử gồm người của các bộ tộc, các tầng lớp, tôn giáo, giai cấp đều
có quyền đi bỏ phiếu. Kết quả của cuộc bầu cử cùng với việc thành lập Chính phủ
liên hiệp dân tộc lần thứ nhất và sửa đổi hiến pháp là thắng lợi quan trọng của
đường lối hòa bình trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất đúng đắn của Đảng
Nhân dân Lào.
Ở
Campuchia, trong năm 1955, chính quyền vương quốc,
một mặt tổ chức chính phủ thân Vua, quây quần 4 đảng phản động chung quanh
Xihanúc để củng cố địa vị nhà vua; mặt khác, định sửa đổi luật tổng tuyển cử
toan bóp hẹp phong trào đòi dân chủ của nhân dân, đả kích nhóm Sơn Ngọc Thành
và Đảng Dân chủ, chuẩn bị điều kiện đàn áp lực lượng Issara. Trong tình hình
đó, "Chính phủ Xihanúc đã tuyên bố hoãn tổng tuyển cử đến cuối năm, có thể
bỏ những dự án luật tổng tuyển cử mới đặt ra"[23].
Sau Hội nghị Geneve, ảnh hưởng của Ítxarắc lan rộng
không những ở nông thôn mà cả các thành thị. Phong trào dân tộc dân chủ của các
tầng lớp trí thức tiểu tư sản lên cao[24]. Nhìn chung, Mỹ đang xâm nhập mạnh vào Miên,
Việt Nam có ít nhiều điều kiện để ngăn cản bàn tay Mỹ định biến Miên làm thuộc
địa và kéo Miên vào khối SEATO[25].
Trong Đại hội hòa
bình thế giới tiến hành ở Henxanhki từ 22 đến 29 tháng 6 năm 1955, Đoàn đại biểu nhân dân Khơme và Việt Nam ra một bản Tuyên bố chung, cùng nhau hứa: sẽ đoàn kết với nhau chặt chẽ hơn
nữa, để thực hiện triệt để hoàn toàn Hiệp định Geneve, đặc biệt là thực hiện Tổng tuyển cử tự do ở Lào và Cao Miên trong năm
1955 và Tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam vào tháng 7.1956, cùng nhau phản đối đế
quốc Mỹ can thiệp vào nội trị của ba nước và khối xâm lược Đông Nam Á, tán
thành lấy 5 nguyên tắc chung sống hòa bình để đặt quan hệ ngoại giao giữa ba
nước với nhau[26]. Ngày 15 tháng 6 năm
1955, Ban Lào - Miên Trung ương báo cáo tình hình và nhiệm vụ mới ở Cao Miên,
chỉ rõ: "Cuộc cách mạng Miên không thể tách rời cách mạng Việt Nam và
phong trào cách mạng thế giới. Ba dân tộc Việt – Miên – Lào có sự liên quan
chặt chẽ về địa lý, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa từ lâu đời cũng như
trong quá trình tranh đấu lật đổ nền thống trị của Pháp, nhất là thời kỳ kháng
chiến vừa qua"[27].
Do vậy, "cách mạng của ba nước Đông Dương phải khăng khít hơn nữa để đấu
tranh bảo vệ thắng lợi của Hội nghị Geneve, bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền quốc gia"[28],
giúp Cao Miên thực hiện nhiệm vụ "đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Geneve; chống bắt bớ, khủng bố đàn áp, cưỡng ép vào cộng đồng xã hội bình dân,
bắt lính, bắt phu, đóng thuế, đòi các quyền tự do dân chủ và cải thiện dân
sinh"[29].
Tháng 9-1955, ở Campuchia tổ chức tổng tuyển cử, Đảng của Xihanúc giành
được 91 ghế, Đảng Dân chủ đang bị mất cơ quan lãnh đạo (phần bị bắt, phần chạy
tán loạn). Về tổng tuyển cử ở Campuchia, quan điểm của Việt Nam là :
"Cuộc Tổng tuyển cử tự do theo Hiệp định Geneve tiến hành ở Cao Miên ngày 11.9 đã bị âm mưu Mỹ xuyên qua Đảng Cộng đồng xã
hội bình dân của Xihanúc và các tay sai trong Chính phủ Vương quốc Cao Miên
biến thành cuộc tổng tuyển cử độc tài và gian lận"[30].
Trước
tình hình Cao Miên có nhiều biến chuyển quan trọng, ngày 30.3.1956, BCH Trung
ương ĐLĐVN ra chỉ thị (số 017-CT-TW cho Ban
Cán sự Cao Miên; trong đó, phân tích về xu hướng trung lập của Quốc vương
Xihanúc, chỉ rõ “Xihanúc đã trở thành nhân vật có lợi cho phong trào chống Mỹ ở
Miên, ta phải biết ủng hộ và tận dụng những lời tuyên bố về chính sách trung
lập, về cải cách dân chủ của Xihanúc để đấu tranh thúc đẩy Xihanúc và chính phủ
nhà Vua thực hiện chính sách chống Mỹ và nước Miên trung lập”[31].
Tiếp theo Chỉ thị số 017-CT/TW ngày 30.3.1956, ngày 27.6.1956, Trung ương ĐLĐVN điện bổ sung thêm mấy ý kiến khẩn cấp về tình
hình Cao Miên, chỉ thị phải “xúc tiến công tác Mặt trận chống Mỹ rộng rãi trên
cơ sở công, nông liên minh để thực hiện thống nhất hành động và đoàn kết rộng
rãi với các đảng phái, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các nhân sĩ, các sư
sãi và những phần tử yêu nước”[32].
Như vậy,
sau những năm đấu tranh thực hiện Hiệp định Geneve, được sự giúp đỡ của Đảng và
nhân dân Việt Nam, Đảng Nhân dân Lào và Mặt trận Lào yêu nước đã kiên quyết đấu
tranh đòi thi hành Hiệp định Geneve, song trong Chính phủ Vương quốc Lào, Mỹ và
lực lượng đối địch vẫn đang tìm cách biến Lào thành thuộc địa kiểu mới và căn
cứ quân sự của Mỹ. Trong khi đó, ở Campuchia, Việt Nam giúp đỡ, ủng hộ nhóm Nhân dân và Đảng Dân chủ ; tuy
nhiên, do tình hình Campuchia diễn biến phức tạp, kết quả của tổng tuyển cử
không được như mong muốn[33].
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC
[1] Hai tỉnh Sầm Nưa,
Phong Xa Lỳ và một dãy hành lang nối liền hai tỉnh, xuyên qua phía đông tỉnh
Luông Phra Băng, gọi là “Đàn Pẹt” (tiểu khu 8) - một vùng rừng núi hiểm trở với
diện tích khoảng 32.770 km2, nơi cư trú của 32 vạn dân gồm nhiều bộ
tộc sống xen kẽ nhau, từng là vùng căn cứ Trung ương cách mạng Lào trong kháng
chiến chống thực dân Pháp, nối liền với khu Tây Bắc và Liên khu 4 (Việt Nam)
trở thành chỗ đứng chân của lực lượng cách mạng Lào sau Hiệp định Geneve. Trong
khi quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, quân Pháp triệt thoái khỏi Lào trong
thời hạn 120 ngày (kể từ ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ), các lực lượng cách mạng
Lào từ khắp nơi trong cả nước chuyển về tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa
Lỳ, chờ hai phái Pa-thét Lào và Chính phủ Vương quốc Lào đàm phán tìm giải pháp
chính trị hoà hợp dân tộc, bảo đảm quyền tự do cho nhân dân xây dựng lại cuộc
sống ấm no hạnh phúc.
[2] Trong 20 năm (1955-1975), Mỹ đã viện
trợ vào Lào gần 4 tỷ đôla, trong đó viện trợ quân sự chiếm 3 tỷ đôla. Giai đoạn
1955 - 1961, viện trợ bình quân mỗi năm 220 triệu đôla; 1962-1971 bình quân 220
triệu đôla và giai đoạn 1972 - 1975 bình quân mỗi năm 260 triệu đôla (Nguồn:
Nguyễn Hùng Phi - TS Buasi Chalơnsúc: Lịch sử Lào hiện đại, Tập II, Nxb. Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.28-29).
[3] Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân đội
Viêng Chăn (còn được gọi là “quân đội quốc gia Lào”) do Pháp xây dựng còn
khoảng 10.000 quân có trang bị vũ khí kém và phụ thuộc nặng nền vào Pháp. Đế
quốc Mỹ đã tổ chức, xây dựng, huấn luyện và phát triển đội quân này nhanh chóng
nhằm phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược thực dân của Mỹ bởi như chính các nhà
chính trị, quân sự Mỹ đã nói: “Quân đội Hoàng gia Lào đã ra đời với sự trả giá
của những người nộp thuế của nước Mỹ” (Nguồn: Pi-tơ A. Pu-lơ, Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-dơ-ven đến
Ních-xơn, Nxb. Thông tin lí luận, Hà Nội, 1986, tr.79). Đến năm 1955, quân
số đạt 25.000, cuối 1960 lên 44.000 người và cuối 1965 lên 70.000 người.
[4] Ông sinh ngày
31-10-1922, là cháu nội của vua Nôrôđôm và là cháu ngoại của vua Sisowath. Năm
1941, ông lên ngôi Hoàng đế Vương quốc Campuchia trong khuôn khổ chế độ bảo hộ
của thực dân Pháp.
[5] Cục
Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban Chấp hành TW
khóa II, số 11, Mục lục số 2, ĐVBQ số 1058.
[6] Cục
Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban Lào - Miên,
số 73, Mục lục số 01, ĐVBQ số 69.
[7] Cục
Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban Lào - Miên,
số 73, Tlđd.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, t.15, Nxb. Chính
trị quốc gia, Hà Nội, tr.286.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, t.15, Sđd,
tr.283.
[10] Cục
Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông 185, đơn vị
bảo quản 29.
[11] Cụ thể là: 1. Về
chính quyền ở hai tỉnh tập kết, trước hết phải tranh thủ được sự uỷ nhiệm của
Chính phủ nhà vua trong việc để cán bộ Pathét Lào tạm thời phụ trách, hai tỉnh
vẫn nằm trong phạm vi chung của Chính phủ nhà vua, nhưng không có đại diện nhà
vua ở đó. Nếu đấu tranh mà không giải quyết được thì có thể đến nhà vua cử đại
diện ở hai tỉnh cùng với sự uỷ nhiệm để Pathét Lào phụ trách hai tỉnh. 2. Về
các đơn vị quân đội nhà vua đang đóng ở hai tỉnh tập kết: quân đội nhà vua tập
trung ở hai khu vực giáp giới giữa hai bên. Theo nguyên tắc khu vực đóng quân
của quân đội nhà vua càng hẹp càng có lợi cho ta. Nếu phía họ không chịu thì
vẫn giữ nguyên trạng rồi sẽ giải quyết sau. Hai bên cam kết không gây ra xung
đột. 3. Đối với chính phủ nhà vua: Nếu chính phủ Phu-ma vẫn đứng vững thì một
mặt ta gửi điện hẹn ngày gặp chính thức; đồng thời Thủ tướng Xu Pha Nu Vông sẽ
ra tuyên bố với đại ý Chính phủ kháng chiến Pathét Lào sẽ hợp tác chặt chẽ hơn
nữa với chính phủ nhà vua
[12]
Cục
Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông 185, đơn vị bảo quản 29.
[13] Cục
Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban Lào - Miên, số
73, Tlđd.
[14] Cục
Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông Ban Lào – Miên,
số 73, Tlđd.
[15] Tham dự có
20 đại biểu chính thức thay mặt cho 300 chiến sĩ cộng sản Lào (nguyên là Đảng
viên Đảng Cộng sản Đông Dương) đang chiến đấu và công tác trên khắp các chiến
trường Lào từ bắc xuống nam.
[16] Những
sự kiện Lào,
tập II, Tài liệu Tổng kết C, số 398, Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
[17]
Những sự kiện Lào, tập II,
Tài liệu Tổng kết C, số 398, Tlđd.
[18] Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào Lào - Việt
Nam 1930 - 2007: Biên niên sự kiện (2011), T. 2, Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.467.
[19]
Những sự kiện Lào, tập II,
Tài liệu Tổng kết C, số 398, Tlđd.
[20]
Những sự kiện Lào, tập II,
Tài liệu Tổng kết C, số 398, Tlđd.
[21] Cục
Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phông 73, đơn vị bảo quản số 217.
[22] Trên thực tế, ngày 25/12/1955, Chính phủ
Vương quốc đã tiến hành tổng tuyển cử riêng rẽ bất hợp pháp, ngang nhiên không
thừa nhận bốn đại biểu của Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ do Chính phủ Vương quốc chỉ
định.
[23] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông
Ban Chấp hành Trung ương khóa II, số 11, Mục lục số 2, ĐVBQ số 503.
[24]
Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông
Ban Chấp hành Trung ương khóa II, số 11, Tlđd.
[25]
Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông
Ban Chấp hành Trung ương khóa II, số 11,
Tlđd.
[26] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông
Ban Lào - Mên, số 73, Mục lục số 1, ĐVBQ số 222.
[27] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông
Ban Lào – Mên, số 73, Mục lục số 1, ĐVBQ số 164.
[28]
Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông
Ban Lào – Mên, số 73, Mục lục số 1, Tlđd.
[29]
Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông
Ban Lào – Mên, số 73, Mục lục số 1, Tlđd.
[30] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông
Ban Lào – Mên, số 73, Mục lục số 1, Tlđd
[31] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông
Ban Chấp hành Trung ương khóa II, số 11, Mục lục số 2, ĐVBQ số 506.
[32] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông
Ban Chấp hành Trung ương khóa II, số 11, Mục lục số 2, ĐVBQ số 506.
[33] Đảng Cộng đồng xã
hội bình dân đã chiếm hết 91 ghế trong Quốc hội bằng cách huy động tất cả mọi
lực lượng hành chính, quân đội, cảnh sát và công an, họ đã cưỡng ép 630.625
(85%) trong số 761.958 cử tri bỏ thăm cho họ (tổng số cử tri toàn quốc
1.145.045), Đảng Dân chủ được 93919 (12%), Đảng Nhân dân 29.503 (4%), còn
khoảng trên 7000 (1%) thuộc các Đảng Tự do, Phục hưng, Độc lập (Nguồn :
Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông Ban Lào – Miên,
số 73, Mục lục số 1, ĐVBQ số 164).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!