Nguyễn Thị Mai Hoa
Được tôi rèn trong khói lửa chiến tranh,
những năm 1954-1960, Việt Nam – Lào –Campuchia đã sát cánh bên nhau, gây dựng
thực lực, cùng chia lửa trên một chiến trường, đấu tranh cho một ngày mai độc
lập. Song
song với việc đoàn kết, giúp đỡ Lào, Campuchia đấu tranh thực hiện Hiệp định
Geneve, Việt Nam tích cực giúp đỡ hai nước xây dựng lực lượng cách mạng và chỗ
đứng chân. Từ trước khi Hiệp định Geneve ký kết, Việt
Nam đã chủ trương phải xây dựng lực lượng vũ trang Lào, “giúp cán bộ Lào mạnh
dạn phát triển, tiến tới một trung đoàn giải phóng. Bộ đội tình nguyện cũng cần
tập trung tiểu đoàn dần dần đến Trung đoàn tùy theo điều kiện và trong những
thời kỳ nhất định”[1].
Về cán bộ, phía Việt Nam chủ trương“cần mạnh dạn đào tạo cán bộ địa phương, dìu dắt họ trong công tác, giúp đỡ họ liên hệ mật thiết với quần chúng, xây dựng uy tín và lòng tự tin của họ. Công việc càng ngày càng nhiều, cán bộ Lào càng phải được đào tạo để kịp gánh vác mọi công tác và mọi địa phương”[2].
Theo quy định của Hiệp định Geneve, các đơn
vị quân đội Pa thét Lào trong cả nước tập kết về hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa
Lỳ[3].
Nhằm giúp Lào xây dựng lực lượng, ngay từ tháng 6-1954, Tổng Quân ủy đã quyết
định những nguyên tắc về khuyếch trương Quân đội Lào Ítxala và cách giúp đỡ của
Việt Nam đối với Lào: Đến mùa Xuân 1955, giúp đỡ xây dựng quân đội Lào đạt tới
quân số 10.000 người với 9 tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh và một số
đại đội, trung đội bộ đội địa phương...; đặt chế độ cố vấn[4],
tách khỏi hệ thống bộ đội tình nguyện[5].
Tổng Quân ủy cũng quyết định cử Chính ủy Đại đoàn 316 Chu Huy Mân sang chuyên
trách giúp đỡ đẩy mạnh xây dựng bộ đội Lào Ítxala. Phương châm giúp đỡ cách
mạng Lào là đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của Lào. Hết sức đề cao
lòng tự tin, tinh thần độc lập tự chủ của Lào, ra sức giúp đỡ bồi dưỡng cán bộ
Lào tự đảm đương lấy nhiệm vụ của Lào theo tinh thần “cách mạng Lào do nhân
dân, cán bộ, chiến sĩ Lào tự làm lấy là chủ yếu; tránh bao biện làm thay”[6].
Tháng 7-1954, theo đề nghị của Chính phủ kháng chiến Lào và Bộ Quốc phòng Lào
Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam công bố quyết định ký ngày 16 tháng
7 năm 1954 về việc thành lập Đoàn cố vấn quân sự Việt Nam, mang phiên hiệu Đoàn
100[7],
có nhiệm vụ giúp quân đội Pathét Lào xây dựng, phát triển. Cuối tháng 11-1954,
Đoàn 100 cố vấn quân sự Việt Nam xây dựng đề án tổ chức lực lượng giúp cách
mạng Lào. Dựa vào kinh nghiệm của Việt Nam trong giai đoạn đầu xây dựng lực
lượng, Đoàn 100 đề xuất phương án tổ chức xây dựng quân đội Pathét Lào với quy
mô cao nhất là cấp tiểu đoàn, gồm cả các đơn vị bộ binh và trợ chiến. Theo
phương án xây dựng lực lượng cho cách mạng Lào, “tổ chức cơ quan Bộ Quốc phòng
Lào gồm có ba cơ quan: tham mưu, chính trị, hậu cần và các đơn vị chuyên môn kỹ
thuật trực thuộc Bộ, tổ chức các lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân: các tiểu
đoàn chủ lực, các đơn vị bộ đội địa phương (đại đội tập trung ở tỉnh, trung đội
tập trung ở huyện) và các đội du kích ở xã, bản; tự vệ chiến đấu ở các cơ quan,
xí nghiệp, làm nòng cốt cho phong trào cách mạng địa phương”[8].
Đầu tháng 12.1954, Hội nghị quân chính Lào, do Bộ trưởng Quốc phòng Lào Kay Xỏn
Phôm-vi-hản chủ trì đã thông qua Đề án xây dựng lực lượng vũ trang Pathét Lào
do Đoàn 100 đề xuất. Tháng 12.1954, Bộ Quốc phòng Lào quyết định thực hiện điều
chỉnh biên chế trong toàn quân và các cơ quan, đơn vị Lào theo cơ cấu của một
đội quân chủ lực tập trung và lực lượng vũ trang địa phương ở hai tỉnh tập kết.
Về quân sự, bộ đội Lào được huấn luyện thành thạo 4 kỹ thuật lớn, nhất là kỹ
thuật bắn súng; nắm vững các nguyên tắc và vận dụng tốt các hình thức chiến
thuật từ tổ ba người, tiểu đội, trung đội, đại đội đến tiểu đoàn chiến đấu. Sau
mỗi khoá huấn luyện, các đơn vị tổ chức diễn tập và bắn đạn thật đạt kết quả,
đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ và khả năng
chiến đấu của chiến sĩ Lào. Nhờ sự giúp đỡ của Đoàn 100, các cơ quan, đơn vị
của Lào đã được củng cố, sắp xếp, hình thành cơ cấu tổ chức có quân số đầy đủ
theo biên chế gồm quân chủ lực[9]
tập trung trực thuộc Bộ Quốc phòng Lào và các lực lượng vũ trang địa phương[10] và
đến cuối năm 1954, việc tổ chức theo kế hoạch của đề án trên cơ bản đã hoàn
thành; quân số xếp vào biên chế đã ổn định[11],
số thừa ra giải quyết cho về địa phương làm cán bộ cơ sở hoặc du kích, một số
trẻ khỏe được bố trí ở lại Việt Nam học văn hóa và đào tạo cán bộ cho sau này.
Với bộ đội tình nguyện Việt Nam, Bộ Tổng tham mưu chủ trương chấn chỉnh để tiếp
tục hoạt động trước khi rút về nước. Phương châm hoạt động trong điều kiện mới
được xác định là: phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào củng cố và giữ vững vùng giải
phóng, vùng tập kết theo quy định của Hiệp định, tăng cường các hoạt động tiễu
phỉ, xây dựng phong trào để tạo điều kiện đấu tranh pháp lý trong việc thi hành
Hiệp định. Để thực hiện phương châm, nhiệm vụ này, chấn chỉnh bộ đội tình
nguyện theo tinh thần không tổ chức thêm lực lượng mà chỉ kiện toàn các đơn vị
hiện có ở các địa bàn Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng, Viêng Chăn; tiến
hành chỉnh huấn chính trị, quân sự, sắp xếp kiện toàn đội ngũ cán bộ, kiện toàn
cơ quan chỉ huy và phân chia lại các khu vực chỉ huy cho thích hợp; duy trì Ban
cán sự Đảng.
Thực hiện nhiệm vụ giúp Lào xây dựng lực lượng vũ trang
cách mạng từng bước vững mạnh, đảm bảo việc thực hiện Hiệp định Giơ-ve-vơ,
tháng 1-1955, Bộ Tổng tham mưu lập đề án tổ chức, bố trí và viện trợ bộ đội
Pa-thét Lào. Theo đề án, bộ đội Pa-thét Lào tổ chức xây dựng 11 tiểu đoàn bộ
binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, các đơn vị thông tin, vận tải, quân báo, công binh
và cơ quan chỉ huy thuộc bộ đội chủ lực. Bộ đội địa phương tổ chức thành từng
đội ở cấp huyện[12]. Đề án
cũng dự kiến bố trí các đơn vị đứng chân và hoạt động ở từng địa bàn cụ thể;
xác định kế hoạch viện trợ vũ khí, trang bị, vật chất hậu cần trong 2 năm 1954,
1955; nhất là vũ khí, lương thực và quân trang[13].
Theo báo cáo của Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, với sự giúp đỡ của Đoàn cố vấn
100, đến tháng 6 năm 1955, Bộ đội Pa-thét Lào có “11 tiểu đoàn (1 tiểu đoàn pháo
và 10 tiểu đoàn bộ binh), 8 đại đội trực thuộc, 3 đại đội độc lập và Bộ Quốc
phòng. Tổng quân số 7.800 người (có 800 bộ đội địa phương)”[14].
Đến tháng 5 năm 1957, “lực lượng vũ trang Bạn có 8 tiểu
đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn trợ chiến, 6 đại đội và 9 trung đội trực thuộc;
tổng quân số 7.700 người; tổ chức Đảng trong lực lượng vũ trang có 70 chi bộ,
gồm 700 đảng viên (có 159 đảng viên chính thức)”[15].
Tháng 1 năm
1955, Bộ Chính trị thông qua “Đề án đấu tranh về vấn đề hai tỉnh Sầm Nưa
và Phông Xa Lỳ” ở Lào, chủ trương là kiên trì đấu tranh, củng cố hai tỉnh,
làm cơ sở lâu dài cho cách mạng Lào[16]. Tháng 2-1955, theo đề nghị về thực hiện đề án đấu
tranh ở hai tỉnh đã được hai Đảng thống nhất, Đoàn 100 được sự chỉ đạo phối hợp
của Ban cán sự miền Tây Trung ương ĐLĐVN đã
nghiên cứu đề xuất với Lào kế hoạch tác chiến và tổ chức khu chiến đấu bảo vệ
hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ. Qua trao đổi, Bộ Chỉ huy tối cao Lào và lãnh
đạo, chỉ huy Đoàn 100 đã thống nhất những nội dung cơ bản trong kế hoạch tác
chiến và phương thức tổ chức khu chiến đấu. Theo chủ trương của Trung ương Đảng
và Chính phủ kháng chiến Lào, hai tỉnh tập kết phân chia thành các khu chiến
đấu liên hoàn nhằm tăng khả năng tổ chức quản lý, hỗ trợ lẫn nhau giữa các khu,
kể cả trường hợp bị chia cắt, trong từng khu vẫn có thể độc lập chiến đấu. Căn
cứ vào nhiệm vụ và yêu cầu của Bộ chỉ huy tối cao Lào, Đoàn 100 đã nghiên cứu
giúp Lào về cách bố trí các lực lượng tác chiến trên từng khu vực của hai tỉnh.
Bên
cạnh đó, Việt Nam còn giúp Lào làm công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự
cho cán bộ tuyên huấn, quân huấn. Những năm 1954-1956, Việt Nam giúp Lào mở các
lớp đào tạo và thực tập tại chỗ cho 19 báo vụ viên (có 3 nữ), 20 cơ yếu, 3 cơ
công; đồng thời kiện toàn các ban thông tin, cơ yếu của Bộ chỉ huy tối cao quân
đội Pa thét Lào[17]. Tổ cố
vấn quân y của Đoàn 100 đã giúp Lào xây dựng ban quân y và các cơ sở trực thuộc như
bệnh viện quân y, tổ phẫu thuật lưu động, kho dược (gồm cả đông y và tây y), bảo
đảm cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh và cứu thương. Trong những năm
1954-1957, tổ quân y đã giúp Lào mở một số lớp đào tạo cho 48 y tá, 24 dược tá;
đồng thời tổ chức bồi dưỡng tại chức cho 3 quân y sĩ làm nhiệm vụ ở ban quân y
và 15 y tá, dược tá làm nhiệm vụ của y sĩ, dược sĩ phụ trách các tổ chuyên môn
quân y của Lào[18]. Các
tổ quân báo Việt Nam cũng đã giúp Lào xây dựng hệ thống tổ chức quân báo, học tập,
bồi dưỡng nghiệp vụ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn 100 là giúp
Lào xây dựng và phát triển Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội
Pa thét Lào, vì Quân đội Pa thét Lào lại chưa có cơ sở Đảng, đảng viên cũ hoạt
động theo tinh thần tự giác do chưa có tổ chức sinh hoạt. Do đó, tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng với quân đội Pa thét Lào cũng như với cuộc đấu tranh của Lào
là vấn đề cấp bách. Đoàn 100 đã đề xuất với Đảng ủy Quân sự Trung ương Lào tổ
chức Trung tâm giáo dục bồi dưỡng cảm
tình Đảng. Các cố vấn của Việt Nam
đã giúp bạn chuẩn bị tài liệu, kinh nghiệm tổ chức học tập. Đến cuối năm 1956,
khoảng 1000 cán bộ, chiến sĩ ưu tú các cơ quan, đơn vị quân đội Pa thét Lào
tham gia bồi dưỡng cảm tình Đảng do Lào tổ chức, trong đó có 671 người đã được
kết nạp vào Đảng Nhân dân Lào. Trong biên chế của tiểu đoàn, các đại đội đều có
chi bộ trực tiếp lãnh đạo; các trung đội có tổ Đảng, hoặc đảng viên.
Việt Nam tích cực giúp Lào xây dựng Đảng
Nhân dân Lào. Đến tháng 8 năm 1956, tổng số đảng viên Đảng Nhân dân Lào là 428
người gồm từ cán bộ bản, xã và tiểu đội trở lên, trong đó có 34 đảng viên thuộc
cơ quan trung ương, 176 đảng viên quân đội, 14 phụ nữ và 76 chi bộ, trong đó 30
nông thôn, 25 cơ quan, 21 bộ đội; cơ quan đầu não của Đảng là Ban Chỉ đạo Trung
ương gồm có 8 người[19].
Đến cuối năm 1957, cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định
Giơ-ne-vơ ở Lào đã thu được thắng lợi, đưa nước Lào theo con đường hoà bình,
trung lập, hoà hợp dân tộc. Trong quá trình phía Pa-thét Lào chuyển lực lượng
hoà hợp dân tộc, những cán bộ cố vấn Đoàn 100 đã kiên trì giúp bạn giáo dục bồi
dưỡng phẩm chất, năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm đấu tranh cho cán bộ, đảng
viên bạn, nhất là cán bộ chủ trì. Đầu tháng 1 năm 1958, sau khi cơ bản hoàn
thành các nhiệm vụ giúp bạn ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Xa Lỳ, Đoàn 100 được
lệnh rút quân trở về nước nhận nhiệm vụ mới.
Việt Nam tích cực
giúp đỡ vùng giải phóng Lào về kinh tế. Năm 1955, Việt Nam giúp Lào 2.522 tấn gạo, 22 tấn
muối, hàng vạn bộ quần áo, chăn, màn... [20]. Riêng năm 1956, Việt Nam đã giúp Lào 535 triệu
đồng ngân hàng, 30 vạn đồng tiền Lào, 31 nghìn bạc Thái, 2525 tấn gạo, 26 tấn
lúa, 77500 tấn muối, 64.421 nông cụ, 91.600 mét vải, 18.764 lít xăng dầu, 255
can dầu nhờn[21]. Ngoài
ra, Việt Nam còn giúp dụng cụ y tế, thuốc men, quần áo, dầy dép, phương tiện
máy móc thông tin vv… tổng cộng 75 tấn với giá trị 745 triệu đồng[22].
Với Campuchia, trước
khi Hiệp định Geneve được ký kết, Trung ương ĐLĐVN đã có kế hoạch giúp đỡ cách mạng Campuchia xây dựng lực lượng. Tháng
4-1954, Trung ương ĐLĐVN điện gửi Ban Cán sự Miên về việc
nghiên cứu áp dụng Kế hoạch quân sự năm 1954 ở Cao Miên nhấn mạnh nhiệm vụ
"xây dựng chính trị, chú trọng cả về mặt tư tưởng chính trị, chiến thuật,
kỹ thuật, đi đôi kiện toàn các đơn vị hiện có để chuẩn bị tiến tới xây dựng các
tiểu đoàn Miền"[23];
đồng thời, xây dựng "căn cứ Miền, nhằm nối liền Tây Nam với Tây Bắc, nhưng
trọng điểm là Tây Nam (…) căn cứ miền Đông rất quan trọng đối với chiến trường
miền Nam Đông Dương. Xây dựng căn cứ phải nắm vững chính sách dân tộc thiểu số,
tăng gia sản xuất, cải thiện dân sinh"[24]
và "xây dựng cơ sở nhân dân ở miền Bắc, đông bắc Xiêm Riệp, Karatíe,
Strung Treng, võ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở quần chúng làm chính, làm
từng bước có trọng tâm, trọng điểm"[25].
Trong thời gian Hội nghị Geneve nhóm họp, công tác giúp đỡ Campuchia xây dựng
lực lượng cách mạng tiếp tục được đẩy mạnh. Ngày 15.6.1954, Liên khu ủy 5 (Việt Nam) điện báo cáo Trung ương ĐLĐVN tình hình giúp vùng đông bắc Cao Miên phát triển lực lượng. Bức điện có đoạn : Sau khi giải phóng được 3 phần đất đai toàn tỉnh Stung Treng nối liền căn cứu địa
với Hạ Lào và Kon Tum, Việt Nam giúp "xây dựng hành chính kháng chiến: Đã
thành lập thêm ba Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Voemsai, Bokeo, Siempang
gồm có đủ thành phần chủng tộc và những phần tử tích cực trong kháng chiến”[26];
đồng thời, giúp xây dựng ở "Bokeo 1 trung đội tăng cường, Voumsai 1 trung
đội, Siêmpang 2 tiểu đội gồm những thanh niên trong cơ sở cũ và những thanh
niên giải ngũ”[27]. Tiếp đó, ngày 20 tháng 6 năm
1954,
Đề án công tác quân sự trước mắt
ở Pathét Lào và Khơme được hoàn
thành. Ngoài phần đề án ở Lào, phần đề án đối với Khơme nêu rõ: Hiện nay lực lượng quân đội giải phóng Khơme
rất yếu, theo báo cáo thì có chừng 10 đại đội. Về nhân vật lực thì vùng giải
phóng Khơme có khả năng xây dựng nhiều bộ đội hơn, nhưng vì các đồng chí ta
không nắm vững công tác trung tâm thứ nhất là phải tích cực xây dựng lực lượng
vũ trang cho nên quân đội giải phóng Khơme chưa được khuếch trương đúng với khả
năng và sự đồi hỏi của chiến trường. Vì lực lượng vũ trang Khơme yếu như vậy,
cho nên mặc dàu thế bố trí của địch rất phân tán và có nhiều sơ hở, nhưng ta
cũng không lợi dụng được. Căn cứ vào tình hình địch, ta hiện nay ở Khơme thì
việc xây dựng và khuếch trương quân đội giải phóng Khơme là một vấn đề rất cấp
bách”[28].
Đề án chỉ ra phương hướng, kế hoạch khuyếch trương bộ đội giải phóng Khơme như
sau: “Tăng cán bộ Việt Nam sang.Tích cực đào tạo và huấn luyện cán bộ Khơme”[29].
Ngày 24.6.1954, ủy viên Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng điện gửi Phân ban cán
sự miền Đông Cao Miên (gửi Lê Tân) trao đổi về một số vấn đề hoạt động kháng
chiến ở miền đông Cao Miên nhấn mạnh sự cần thiết “phải tích cực phát triển và
bạo dạn xây dựng các lực lượng vũ trang Cao Miên. Phải tin tưởng vào khả năng
và sức chiến đấu của nhân dân Cao Miên”[30];
“phải mở ngay những lớp huấn luyện đào tạo cán bộ quân sự cho đồng chí Miên để
nắm lấy những lực lượng vũ trang”[31].
Tại Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương ĐLĐVN (15-7-1954), báo cáo “Để hoàn thành nhiệm vụ và đẩy mạnh công tác trước mắt” được trình
bày, đề ra 10 nhiệm vụ công tác trước mắt, trong đó có nhiệm vụ Phát triển tình hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau
giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và Khơme. Lào và Cao Miên là hai
nước láng giềng anh em của Việt Nam. Chính sách của Việt Nam đối với nhân dân
Lào và Cao Miên là đoàn kết và giúp đỡ. Về tình hình Cao Miên, báo cáo cho
biết lực lượng quân sự của nhân
dân Khơme còn nhỏ. Lực lượng quân tình nguyện
Việt Nam ở Cao Miên có hạn. Những căn cứ du kích ở Cao Miên tuy nhiều nhưng
phần nhiều ở vùng rừng núi, thưa dân, ít ruộng. Nhân dân Khơme có Mặt trận dân
tộc thống nhất Khơme Ítxarắc, có Chính phủ kháng chiến Sơn Ngọc Minh. Số đảng
viên cũ của Đảng Cộng sản Đông Dương đông hơn ở Lào, nhưng ở Cao Miên cũng chưa
có chính đảng cách mạng để lãnh đạo và kêu gọi nhân dân đấu tranh theo một
cương lĩnh cách mạng chung. Bản báo cáo nêu nhiệm vụ cần giúp đỡ nhân dân hai nước tiến hành những
công tác chính dưới đây:
a) Thành lập đảng cách mạng của giai
cấp công nhân và nhân dân lao động Lào và Khơme.
b) Củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc
thống nhất.
c) Ra sức đào tạo cán bộ[32].
Sau khi Hiệp định
đình chiến ở Khơme đã ký kết, tháng 8-1954, Trung ương Cục miền Nam lên “kế
hoạch thi hành việc giải tán bộ đội Khơme; việc rút bộ đội tình nguyện về Việt
Nam; vấn đề bố trí cán bộ; củng cố gây dựng cơ sở Đảng và kế hoạch đối với các
tổ chức quần chúng”[33].
Tiếp đó, ngày 27.8.1954, Trung ương Cục miền Nam có điện (số 39/FDCM) gửi Ban
Cán sự Cao Miên chỉ đạo một số mặt công tác hiện thời, “yêu cầu cần cố gắng xây
dựng, giáo dục số cán bộ Miên để lại Cao Miên làm việc, giữ cơ sở”[34]. Tháng
9-1954, Trung ương Cục điện (số 38CM) cho Ban Cán sự Cao Miên chỉ thị “tranh thủ phát triển uy tín
Ítxarắc trong nhân dân, phái người vào hoạt động trong các đô thị, tranh thủ
các tầng lớp tiểu tư sản, đảng dân chủ về phía Ítxarắc gây phong trào quần
chúng ủng hộ Ủy ban Liên hiệp đình chiến”[35]
và “để một số cán bộ Việt Nam cần thiết lo việc tập kết bộ đội tình nguyện, còn
cán bộ Khơme chủ yếu là để lại Cao Miên lo gây dựng cơ sở phong trào quần
chúng, chuẩn bị Tổng tuyển cử, cán bộ Việt Nam cần hết sức giúp đỡ cán bộ
Khơme”[36]. Nhằm
nhanh chóng phát triển lực lượng cho cách mạng Campuchia, ngày 18 tháng 9 năm
1954, Ban Bí thư Trung ương ĐLĐVN gửi mật điện số 33/C cho Trung ương Cục miền
Nam yêu cầu “đối với số 1.500 chiến sĩ Miên đã đưa ra Nam Bộ thì tranh thủ huấn
luyện cấp tốc rồi đưa về Miên, chỉ chọn lấy một số ít tốt đưa ra Bắc huấn luyện
đào tạo thành cán bộ (việc này phải làm rất bí mật)"[37].
Nhờ sự giúp đỡ tích cực của Việt Nam, đến cuối năm 1954, lực lượng cách
mạng cách mạng đã có sự phát triển như sau :
"Về Đảng: Số đồng chí Miên đã lên đến 1.600 người, nhưng chưa xây dựng
thành một chính Đảng của nhân dân lao động Miên để lãnh đạo cách mạng Miên,
chưa đào tạo được nhiều cán bộ dân tộc.
Mặt trận: đã tổ chức được 790.000 hội viên Ítxarắc.
Bộ đội Ítxarắc lên tới 6 đại đội địa phương và 53 trung đội du kích. Bố trí
sử dụng lực lượng bình quân, phân tán nên không tạo được sức mạnh chiến tranh
du kích sau rộng ra vùng đồng bằng bị chiếm và củng cố căn cứ địa.
Vùng giải phóng có địa thế tốt, đông dân, đầy đủ lương thực, du kích tương
đối khá, nhưng ta chưa xây dựng thành một căn cứ vững vàng vì thiếu phương
hướng và kế hoạch xây dựng toàn diện"[38].
Đến tháng 4-1955, ở Đông Campuchia, "Mặt trận tổ chức Miên (tổ chức bí mật) đã
phát triển lên hơn một nửa số làng (…) . Về Đảng: hiện có 50 chi bộ, 200 đồng
chí, lập xong 4 huyện ủy Bongker, Lomfat, Onusai, Xiêng phang. Cán bộ Miên phần
lớn sống hợp pháp, cơ sở Việt sống hoàn toàn bí mật. Ở ban cán sự và mỗi huyện
ủy có một đồng chí Việt giúp đỡ. Cán bộ Việt và Miên có tinh thần tốt, được rèn
luyện trong kháng chiến, nhưng rất lúng túng không hiểu tình hình, đường lối
chính sách chung, cán bộ Miên còn thiếu và trình độ còn kém, chưa tự động công
tác được”[39].
Ngày 11.9.1954, cuộc Tổng tuyển cử tự do theo Hiệp định Geneve được tiến hành ở Campuchia. Sau sự kiện này, việc giúp đỡ Campuchia xây
dựng lực lượng, căn cứ địa cách mạng bước sang một giai đoạn mới, khó khăn hơn.
Ngày 20/7/1954, tại Geneve, giữa đại diện Bộ Tổng tư lệnh
những lực lượng vũ trang quốc gia Cao Miên và đại diện Bộ Tổng tư lệnh các đơn
vị của lực lượng kháng chiến Cao Miên và đại diện Bộ Tổng tư lệnh các đơn vị
quân sự Việt Nam đã ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Cao Miên. Về phía Việt
Nam, Việt Nam đã thi hành nghiêm chỉnh và triệt để. Điều đó đã được xác nhận
trong báo cáo ngày 1-1-1955 và Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát ở Cao Miên
đã gửi cho 2 Chủ tịch Hội nghị Geneve[40]. Chính phủ VNDCCH nhận định rằng đó là cơ sở rất tốt
để đặt quan hệ láng giềng tốt giữa Vương quốc và nước VNDCCH theo nguyện vọng của hai dân tộc Cao Miên và Việt Nam. Tháng 5-1958, Trung
ương ĐLĐVN đưa ra Đề án
tình hình và nhiệm vụ cách mạng Khơme, đề ra nhiệm vụ cách mạng Khơme là: “Vận động
toàn dân đoàn kết đấu tranh chống sự xâm nhập của đế quốc Mỹ và những phần tử
thân Mỹ phản động, chống tàn tích phong kiến, củng cố độc lập dân tộc, dần dần
xây dựng kinh tế quốc dân, mở rộng dân chủ về mọi mặt, giữ gìn hòa bình, chống
chiến tranh, nhằm xây dựng một nước Khơme hòa bình, độc lập, dân chủ và phồn
vinh”[41].
Đề án phân tích: Muốn thực hiện được nhiệm vụ nêu trên cần có một mặt trận dân
tộc rộng rãi bao gồm các giai cấp công nhân, nông dân, binh lính, tiểu tư sản,
trí thức, tư sản dân tộc, các đảng phái và các phần tử yêu nước khác, lấy công
nhân, nông dân và tiểu tư sản trí thức làm động lực, dựa trên cơ sở công nông
liên minh và dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Mặt trận cần hợp tác với
lực lượng tiến bộ của hoàng tộc, đang thi hành chính sách hòa bình, trung lập
và muốn kiến thiết quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ đó, yêu cầu sự nỗ lực hoạt động
của Đảng cách mạng Khơme, tuy nhiên, từ ngày hòa bình lập lại, Đảng cách mạng
Khơme “chưa đề ra được một cương lĩnh chính trị, cũng như chưa tích cực xây
dựng bản điều lệ chính thức của Đảng. Đó là nguyên nhân sâu xa làm cho ý chí và
hành động của cán bộ, đảng viên còn rời rạc, chưa phát huy được lực lượng và
vai trò của một Đảng tiền phong cách mạng”[42].
Do vậy, Trung ương ĐLĐVN chủ trương “chuẩn bị
những tài liệu giúp về đường lối căn bản của cách mạng Khơme, chủ yếu là cương
lĩnh chính trị và những ý kiến về việc xây dựng Đảng Nhân dân Khơme”[43];
đồng thời, “góp ý kiến về các vấn đề đấu tranh trước mắt như chống âm mưu phá
hoại của thế lực Mỹ đối với chính sách hòa
bình trung lập, vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, các vấn đề tự do
dân chủ, cải thiện dân sinh, công tác tuyên truyền báo chí, công tác mặt trận”[44].
Như vậy, những năm
1954-1960, với tinh thần “thắng lợi của nhân dân Khơme cũng là thắng lợi chung
của nhân dân Việt Nam”, của khối liên minh nhân dân Khơme – Việt Nam – Pathét
Lào đoàn kết chiến đấu, để tranh lại tự do độc lập của ba dân tộc anh em”[45],
Việt Nam đã cố gắng giúp đỡ Campuchia xây dựng lực lượng, xây dựng chỗ đứng
chân, củng cố quan hệ đoàn kết chiến đấu
Việt – Miên, song dưới tác động của những yếu tố khách quan, chủ quan khác
nhau, những năm tháng này, quan hệ đoàn kết chiến đấu với Campuchia chưa thực
sự chặt chẽ và mang lại hiệu quả như quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt – Lào.
Như vậy, sau khi Hiệp định Geneve được ký
kết, cùng đứng trước nguy cơ độc lập, tự do bị đe dọa, yêu cầu tiếp tục củng
cố, phát triển quan hệ liên minh đoàn kết chiến đấu Việt –Lào – Campuchia trở
thành một yêu cầu khách quan, một nhu cầu tự thân. Trong những năm tháng khó
khăn sau Hiệp định Geneve, dù còn có những nhiệm vụ to lớn cần phải giải quyết,
song Việt Nam vẫn tận tâm giúp đỡ Lào, Campuchia xây dựng lực lượng cách mạng,
bảo vệ vùng giải phóng, cùng đấu tranh để thi hành Hiệp định. Đó chính là biểu
hiện sinh động của tình đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Đông Dương.
Quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam
– Lào – Campuchia từ năm 1954 đến năm 1960 là cơ sở để ba dân tộc tiếp tục
chung lưng, đấu cật, đoàn kết chống Mỹ những năm tháng tiếp theo.
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC
[1] Bộ Tổng tham mưu, Những
tài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy từ
năm 1945 đến năm 1954, tập 4, Nxb Bộ Tổng Tham mưu, Hà Nội, tr.411.
[2] Bộ Tổng tham mưu, Những
tài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy từ
năm 1945 đến năm 1954, tập 4, Tlđd, tr.411.
[3] Các lực lượng tập kết về hai tỉnh gồm 8183 người cộng với
hai tỉnh là 9138 người trong đó có 3260 người Hạ Lào; 1175 người Trung Lào; 584
người Luông Pha băng; 2441 người Viêng Chăn và Xay Nha Bu ly; 2006 người Huội
Sài và 670 người Xiêng Khoảng (Nguồn: Những sự kiện Lào, tập II, Tài liệu Tổng kết C số 398, Thư viện
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam).
[4] Chế độ cố vấn thực
hiện ở ba cấp: Bộ Quốc phòng (giúp chung mọi mặt), Trường quân chính (giúp đào
tạo, huấn luyện cán bộ) và các đơn vị, địa phương (mỗi nơi có một tổ cố vấn,
gồm 1 cán bộ tiểu đoàn và một số cán bộ đại đội).
[5] Lịch biên niên một số sự kiện về
cuộc chiến tranh cách mạng Lào và sự giúp đỡ của Đảng ta về mặt quân sự, tập 1, lưu
Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
[6] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2002), Lịch
sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia tại Lào (1945-1975), Nxb Quân
đội nhân dân, Hà Nội, tr.20.
[7] Chính uỷ Đại đoàn
316 Chu Huy Mân (giữa năm 1955 đổi thành sư đoàn), được cử làm Trưởng đoàn cố
vấn quân sự kiêm Bí thư Đảng uỷ Đoàn 100.
[8] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2002), Lịch
sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia tại Lào (1945-1975), Sđd, tr.27.
[9] Gồm 9 tiểu đoàn bộ
binh, 1 tiểu đoàn trợ chiến, 1 tiểu đoàn vận tải, 3 đại đội thông tin, quân
báo, công binh.
[10] Gồm 1 trung đội bảo vệ cơ quan, 12 đại đội độc lập
và đại đội địa phương, 3 cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần thuộc Bộ Quốc
phòng Lào; Trường Quân chính Com-ma-đam, 2 cơ quan tỉnh đội Sầm Nưa, Phong Xa
Lỳ.
[11] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2002), Lịch
sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia tại Lào (1945-1975), Sđd, tr.31.
[12] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng tham mưu, hồ sơ số
203.
[13] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng tham mưu, hồ sơ số
203.
[14] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Cục Tác chiến, hồ sơ số 118.
[15] Sổ công tác của đại tướng Văn Tiến Dũng, bản đánh máy, sao trích
quyển số 7, lưu tại Ban Tổng kết lịch sử, Bộ Tổng tham mưu.
[16] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Cục Tác chiến, hồ sơ số 94,
phông Quân ủy Trung ương, hồ sơ số 195.
[17] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2002), Lịch
sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia tại Lào (1945-1975), Sđd, tr.39.
[18] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2002), Lịch
sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia tại Lào (1945-1975), Sđd,
tr.39-40.
[19] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung
ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông số 73 đơn vị bảo quản 133.
[20] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (2002), Lịch
sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia tại Lào (1945-1975), Sđd.
[21] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông 73,
đơn vị bảo quản 141.
[22] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông 73,
đơn vị bảo quản 141.
[23] Cục Lưu trữ Văn phòng
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông Ban Lào -
Miên, số 73, Mục lục số 1, ĐVBQ số 102, tờ 38-40.
[24] Cục Lưu trữ Văn phòng
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông Ban Lào -
Miên, số 73, Mục lục số 1, ĐVBQ số 102, tờ 38-40.
[25] Cục Lưu trữ Văn phòng
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông Ban Lào -
Miên, số 73, Mục lục số 1, ĐVBQ số 102, tờ 38-40.
[26] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban
Lào - Miên, số 73, Mục lục số 01, ĐVBQ số 71.
[27] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban
Lào - Miên, số 73, Mục lục số 01, ĐVBQ số 71.
[28] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng Việt Nam, phông Quân ủy Trung ương,
hồ sơ số 114.
[29] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng Việt Nam, phông Quân ủy Trung ương,
hồ sơ số 114.
[30] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban
Lào - Miên, số 73, Mục lục số 01, ĐVBQ số 69.
[31] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban
Lào - Miên, số 73, Mục lục số 01, ĐVBQ số 69.
[32] Đảng Cộng sản Việt
Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập,
t.15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.162-227,
[33] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban
Lào - Miên, số 73, Mục lục số 01, ĐVBQ số 69.
[34] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban
Lào - Miên, số 73, Mục lục số 01, ĐVBQ số 69.
[35] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban
Lào - Miên, số 73, Mục lục số 01, ĐVBQ số 69.
[36] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban
Lào - Miên, số 73, Mục lục số 01, ĐVBQ số 69.
[37] Cục Lưu trữ Văn phòng
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban Chấp
hành Trung ương khóa II, số 11, Mục lục số 2, ĐVBQ số 501.
[38] Cục Lưu trữ Văn phòng
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban Chấp
hành Trung ương khóa II, số 11, Mục lục số 2, ĐVBQ số 501.
[39] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phông Ban
Lào - Miên, số 73, Mục lục số 01, ĐVBQ số 71.
[40] Cục Lưu trữ Văn phòng
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông Ban
Lào-Miên, số 73, Mục lục số 1, ĐVBQ số 226.
[41] Cục Lưu trữ Văn phòng
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông Ban Lào –
Mên, số 73, Mục lục số 1, ĐVBQ số 164.
[42] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông Ban
Đối ngoại Trung ương, số 82, Mục lục số 1, ĐVBQ số 962.
[43] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông Ban
Đối ngoại Trung ương, số 82, Mục lục số 1, ĐVBQ số 962.
[44] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông Ban
Đối ngoại Trung ương, số 82, Mục lục số 1, ĐVBQ số 962.
[45] Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi điện chúc mừng nhân ngày độc lập của nước Khơme tự do, Báo Nhân Dân (Việt
Nam), số 196, từ ngày 19 đến ngày 21-6-1954.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!