Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

DÒNG HỌ TRONG QUAN HỆ LÀNG XÃ


1. Đặt vấn đề
Dòng họ là một hiện tượng lịch sử có tính nhân loại và liên thời đại. Đây là một hình thức liên kết theo nhóm huyết thống sớm nhất trong quá trình phát triển của loài người. So với nhiều hình thức liên kết khác nhau như cư trú (làng xóm, thôn bản…) và lợi ích, nghề nghiệp (phường hội, giai cấp…), liên kết dòng họ có vai trò chi phối, ảnh hưởng tương đối lớn và sâu sắc đến con người trong sự tồn tại của mình.
Ở Việt Nam, đặc biệt là ở làng xã, dòng họ mang nhiều nét đặc thù so với thế giới. Quan hệ dòng họ và làng xã hầu như gắn liền và không tách rời nhau. Dòng họ không tách biệt, đối lập mà liên quan chặt chẽ trong một môi trường văn hoá mang tính đặc thù. Truyền thống dòng họ góp phần cơ bản và là một nhân tố tạo nên truyền thống làng xã, địa phương, rộng hơn là truyền thống dân tộc. Trong lịch sử, không thiếu những trường hợp những nhân vật kiệt xuất đã mang lại vinh quang cho gia đình, dòng họ, dân tộc. Như vậy, dòng họ và văn hoá dòng họ còn là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển văn hoá  làng xã nói riêng và văn hoá xã hội Việt Nam nói chung.

Bắt đầu từ công cuộc đổi mới, vấn đề dòng họ trở thành trung tâm của nhiều công trình nghiên cứu có liên quan đến làng xã. Thực tế cho thấy, dòng họ vẫn là một kiểu tổ chức xã hội có tác động chi phối đến nhiều lĩnh vực khác nhau của làng xã.
2. Vài nét về dòng họ.
Do đặc trưng sản xuất nông nghiệp, địa lý khí hậu và cả hệ sinh thái khắc nghiệt, muốn trồng cây lúa người tiểu nông phải trị thuỷ và tạo sinh thái cho cây lúa nước. Để phục vụ mục đích này, người nông dân phải liên kết lại. Sự liên kết đầu tiên trong làng là dòng họ - dòng họ là toàn thể những người cùng huyết thống với nhau. Mỗi dòng họ thường bắt nguồn từ một "vị thuỷ tổ" - thường là người có công "khai sơn phá trạch", khởi đầu cho dòng họ tại một địa vực nhất định (mặc dù khái niệm "thuỷ tổ" có thể mang ý nghĩa hết sức tương đối). Theo thời gian, dòng họ có thể sinh sôi nảy nở, bao gồm nhiều chi ngành, thế hệ nối tiếp thế hệ. Ở làng xã Việt Nam, quan hệ dòng họ khá chặt chẽ. Trải qua hàng nghìn năm đến những thế kỉ gần đây, dòng họ ngày càng thắt chặt hơn, nó gắn bó các gia đình tiểu nông thành từng khối. Quá trình hình thành của làng quê Việt Nam từ khởi đầu cho đến ngày nay là “sự chuyển đổi và phát triển từ liên kết hộ gia đình, tiến lên  liên kết họ hàng và các dòng họ với nhau” [1, 118. Sự cố kết dòng họ đã hỗ trợ đắc lực cho kinh tế tiểu nông, giúp nền kinh tế ấy khắc phục được những trở ngại, khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt.
Có thể thấy những hiện tượng liên kết dòng họ rất phong phú, đa dạng. Đó là hiện tượng đặt ruộng họ, lập gia phả, xây dựng nhà thờ họ…Có lẽ không sai khi nói rằng tín ngưỡng thờ tổ tiên- tín ngưỡng đặc trưng của người Việt là một trong những yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ trong việc thắt chặt các quan hệ họ hàng. Con người không phải bỗng dưng được sinh ra, mà phải có gia đình, gia tộc, cảm nhận được bổn phận thiêng liêng của mình với cộng đồng dòng họ. Đối với người Việt, tín ngưỡng tổ tiên thật sâu sắc, tín ngưỡng tổ tiên và dòng họ liên quan chặt chẽ với nhau và liên quan đến vấn đề tâm linh. Không mấy ai không nghĩ đến phúc đức mà gia đình, gia tộc để lại cho con cháu, hay sự linh thiêng của ngôi mộ tổ.
Từ xa xưa, tổ chức cư trú của nhiều làng đã theo dòng họ, nhất là từ Nghệ An- Hà Tĩnh đến đồng bằng Bắc Bộ, những địa danh làng được đặt theo tên họ có khá nhiều. Có thể nói, quan hệ tông tộc được ra đời và củng cố là do cơ chế phong kiến; đồng thời nó được duy trì cũng là để phục vụ cho chế độ phong kiến. Theo dòng diễn biến của lịch sử, sự cố kết và củng cố dòng họ ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là vào thế kỉ XVIII-XIX. Hiện tượng làm tộc phả, tộc ước, diễn ca tộc phả với những qui định chặt chẽ về cách đối xử, về cúng tế tổ tiên, hôn nhân gia đình, đặc biệt là mối liên kết họ hàng sao cho thuận hoà trên dưới được qui định khá rõ ràng, chặt chẽ và đầy đủ. Rất nhiều dòng họ, có diễn ca gia phả như họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi (Nghệ An) hay họ Nguyễn ở làng Xuân Cầu (Hải Hưng)…
Dòng họ trong quan hệ của người Việt Nam một phần có nguồn gốc trực tiếp từ thị tộc nguyên thuỷ, phần khác được sản sinh ra do cơ chế xã hội phong kiến và được chính cơ chế đó duy trì. Nhà nước phong kiến dựa vào và lợi dụng dòng họ để thống trị, làm chỗ dựa cho vương quyền. Chính sự kết hợp giữa vương quyền và dòng họ đã tạo ra những làng nổi tiếng với những dòng họ nổi tiếng. Ở nhiều làng, uy tín các họ cũng làm nên những tiếng tăm vinh dự cho làng. Thông thường, các dòng họ  đã có truyền thống thì không chỉ nổi lên nhất thời, mà được tiếp nối từ đời này sang đời khác. Phải thừa nhận rằng, chính chế độ phong kiến đã làm cho các dòng họ thăng hoa - ngoại trừ dòng họ nhà vua, còn các dòng họ khác trở nên có tên tuổi, có thế lực chính là nhờ tác động của chế độ phong kiến. Những quyền lợi và vinh dự do chế độ đem lại đã thôi thúc, khuyến khích các dòng họ  phát triển và phát huy truyền thống của mình.
Ở Việt Nam dòng họ có quan hệ chặt chẽ đến vận mệnh của đất nước. Lịch sử Việt Nam trước đây thường chép theo triều đại, tức là chép theo dòng họ. Sự suy thịnh của các dòng họ đã viết cho Việt Nam những trang sử bi hùng. Từ họ Khúc cho đến họ Nguyễn, vận mệnh đất nước phần nào tuỳ thuộc vào các dòng họ .Dòng họ cũng là một thành tố xây dựng nên văn hoá làng. Từng dòng họ một, dù lớn hay nhỏ, đều làm cho diện mạo văn hoá làng trở nên sinh động và phong phú.
3. Các hình thức sinh hoạt văn hoá chung của dòng họ
Ở nông thôn có rất nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Những ngày giỗ tết, hội đình, hội đền, hội chùa…là những hình thức sinh hoạt văn hoá mang đậm dấu ấn gia đình và dòng họ. Đây là cơ hội để bà con họ hàng đi lại thăm nom, giao lưu và tiếp xúc, nhưng những hình thức sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng và dòng họ nhiều nhất phải kể đến việc giỗ tổ, lễ cưới và lễ tang. Qua những  hình thức sinh hoạt văn hoá chung này, sức cố kết xã hội được tái xác định, những rạn nứt, đố kị, có khi cả những hận thù diễn ra trong cuộc sống hàng ngày lắng dịu một phần, đôi khi được xoá bỏ. Đây là sự thể  hiện các giá trị xã hội cộng đồngtái xác định những giá trị đã gắn bó các nhóm lại với nhau.
Giỗ tổ là việc tế lễ vị thuỷ tổ- người được coi là đầu tiên sáng lập ra dòng họ, diễn ra vào dịp kỉ niệm hàng năm ngày mất. Đây là một nét đẹp văn hoá gắn liền với tín ngưỡng tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt. Trước đây, thông thường các dòng họ có ruộng hương hoả. Mọi chi phí cho việc giỗ tổ lấy từ đó ra, còn ngày nay, ruộng hương hoả không còn, việc tế tự tổ tiên được tiến hành trên cơ sở đóng góp thường kỳ của các thành viên.
Gắn với giỗ tổ là việc tang ma trong gia đình và dòng họ. Đây là việc người sống làm cho người chết, với sự tin tưởng trong ý thức tâm linh là cuộc sống của con người vĩnh hằng, bất diệt, cuộc sống nơi trần thế chỉ là cõi tạm, ngắn ngủi. Chết không phải là hết, mà sang thế giới bên kia, cõi âm đi lại với cõi dương, dương nào âm vậy “sống gửi, thác về”. Như vậy, việc tang ma là thể hiện tình cảm, đạo lý và quan hệ của những người đang sống với người đã khuất.
Nhưng tang ma không chỉ là công việc của riêng thân nhân gần gũi nhất với những người đã chết, đám tang còn có họ hàng, bà con láng giềng đến chia  buồn, bày tỏ nỗi tiếc thương với người quá cố. Đối với họ hàng, đến đám tang không chỉ do nguyên tình cảm mà còn vì cả trách nhiệm và nghĩa vụ. Họ đến và phúng viếng bằng hiện vật, hoặc tiền bạc, đáp lại, gia chủ có nghĩa vụ mời họ ăn cỗ đưa đám. Như vậy, tang lễ không chỉ là nghi thức cần thiết đối với người đã khuất, mà đó là sự bầy tỏ tình đoàn kết giữa những người đang sống. Việc tang ma tạo ra một cơ sở vững chắc về cả mặt tinh thần lẫn vật chất cho sự cố kết cộng đồng, mà trước hết là cộng đồng dòng họ.
Sau giỗ tổ và tang ma thì việc cưới xin cũng là một công việc quan trọng của gia đình và dòng họ. “Mục đích của hôn nhân là cốt duy trì gia thống, nên việc hôn nhân là việc chung của cả gia tộc chứ không phải việc riêng của con cái” [2,77]. Trong lễ cưới, gia đình thân chủ làm cỗ bàn mời mọi người đến tham dự và chia vui, trong đó bà con họ hàng chiếm một phần đông đảo và quan trọng. Họ đến để góp vui với cô dâu, chú rể và đôi bên gia đình cùng với quà tặng (tiền, hiện vật) hay còn gọi là “mừng đỡ”, như một sự giúp đỡ nhỏ nhoi đầu tiên để cặp vợ chồng trẻ bắt đầu cuộc sống của gia đình mới.
Như vậy, cả đám cưới và đám tang đều đi kèm với cỗ bàn và sự tham dự, đóng góp của những người trong họ. Cưới xin, tang ma là những nghi lễ chuyển tiếp trong chu trình đời người đã trở thành những nghi lễ đoàn kết của họ hàng và cộng đồng làng xã, trong một hệ thống có đi, có lại như những sự tương trợ, giúp đỡ kinh tế không thành văn, như là một hình thức cho vay không có lãi. Cùng với việc giỗ tổ, các nghi lễ này trở thành một nhu cầu xã hội để càng gắn kết cộng đồng và dòng họ.
4. Phục hưng dòng họ
Một thời gian dài do có những hiểu biết lệch lạc, gắn gia tộc và dòng họ với chế độ phong kiến, coi đó là nét đặc trưng của chế độ phong kiến, coi dòng họ là tàn dư của chế độ phong kiến, nên đã thủ tiêu chế độ phong kiến thì phải thủ tiêu luôn cả quan hệ dòng họ. Đến nay, xu hướng trở về cội nguồn, phục hưng các sinh hoạt dòng họ lại diễn ra sôi nổi với việc chấn chỉnh lại nghi lễ thờ cúng tổ tiên mà trước đây có phần sao nhãng. Cùng với chấn chỉnh nghi lễ là việc sửa chữa, xây mới, trùng tu nhà thờ họ, mộ tổ, đề nghị Nhà nước công nhận di tích lịch sử  cho các nhà thờ các vị có công với nước (ở làng Quỳnh Đôi có ba nhà thờ được công nhận di tích lịch sử văn hoá quốc gia). Tiếp đến là việc dịch ra tiếng Việt, sưu tầm, viết lại các gia phả, truy tìm gốc tích tổ tiên, viết lại tộc ước, viết lịch sử dòng họ, in sách về dòng họ…những hoạt động này đang trở thành nhu cầu thực sự của cuộc sống trong các cộng đồng làng xã.
Có nhiều nguyên nhân tạo nên sự phục hưng dòng họ. Trước tiên phải kể đến sự khẳng định vai trò kinh tế của hộ gia đình. Đây là cơ sở quan trọng  cho sự phục hưng dòng họ, bởi vì hộ gia đình nông dân khó có thể tồn tại độc lập nếu thiếu đi cơ cấu và quan hệ dòng họ làng xã. Nguyên nhân thứ hai không kém phần quan trọng là trong sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, cần một thế tĩnh để cân bằng và tạo ra sự điều hoà trong mỗi con người. Với những thay đổi, biến động của cuộc sống bên ngoài, mỗi người cần một chỗ dựa tinh thần để tồn tại, để  sống. Dòng họ là cơ sở của tình máu mủ ruột rà với những phong tục và nghi lễ mang đậm màu sắc tâm linh đã trở thành chỗ dựa tinh thần, củng cố niềm tin trong cuộc sống. Nó góp phần bảo hiểm và an toàn xã hội, tạo nên tính điều hoà (giữa người với người), tính trật tự (trên dưới, trẻ già). Nguyên nhân thứ ba là sự trở lại của không gian truyền thống, khẳng định lại những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của cha ông, dòng họ, nhiều giá trị cũ sống lại. Những giá trị văn hoá cha ông để lại không chỉ mang lại niềm tự hào cho mỗi người, mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc lối sống văn hoá.
Tuy nhiên, không thể không nhận thấy tính hai mặt của sự phục hưng dòng họ, ngoài những tích cực đã nêu trên, những mặt tiêu cực cũng sống lại. Sự phục hồi dòng họ với các loại hình tín ngưỡng cũng dẫn đến những hiện tượng mê tín, cúng tế phiền phức. Đó là việc nặng cúng tế cỗ bàn, xôi thịt, nặng về xây dựng những nhà thờ họ to mà coi nhẹ ý nghĩa giáo dục. Xuất hiệ hiện tượng địa phương cục bộ, đưa đến kèn cựa giữa các dòng họ, mất đoàn kết, suy giảm tính cộng đồng làng xã.
Cũng như nhiều hiện tượng xã hội khác, vấn đề dòng họ mặc dù ở thời đại nào cũng luôn luôn có tính hai mặt. Mặt tích cực thúc đẩy xã hội phát triển. Mặt tiêu cực hạn chế nhất định sự đi lên của xã hội. Cần phải biết hạn chế bớt mặt tiêu cực, để mặt tích cực có thể phát huy sức mạnh của mình.
5. Dòng họ và giáo dục dòng họ
Giáo dục gia đình vốn thường được đề cập như là điểm khởi đầu của mọi sự giáo dục, song giáo dục dòng họ ít được biết tới trong khi dòng họ đóng vai trò như một gia đình mở rộng hay một xã hội thu nhỏ. Dòng họ là một thực thể và có có vai trò độc lập tương đối trong sự liên quan chặt chẽ và mật thiết đối với gia đình và xã hội. Nếu giáo dục gia đình là phương thức tồn tại, phát triển của gia đình, thì giáo dục dòng họ cũng chính là phương thức tồn tại và củng cố của dòng họ.
Vào thời điểm hiện nay, khi sự phục hưng dòng họ đang trỗi dậy thì sự giáo dục dòng họ càng có tính cấp thiết. Giáo dục dòng họ có hai mặt cần giải quyết: Thứ nhất, nếu không ý thức đúng đắn được vai trò của dòng họ, thổi phồng ý nghĩa dòng họ và ảnh hưởng của dòng họ mình đối với những dòng họ khác sẽ dẫn đến tình trạng tranh chấp dòng họ, đặc biệt là cụ tổ, như ở một vài nơi đã xảy ra, cho rằng ở đời này chỉ có họ Lê, họ Nguyễn, họ Đỗ…. của mình mới là dòng họ đích thực, đáng tự hào, làm được những công việc dời non, lấp biển; thứ hai, vì đặc trưng nổi bật của dòng họ là huyết thống –điều này chi phối và qui định toàn bộ quá trình giáo dục dòng họ và như vậy, việc giáo dục con cháu là trách nhiệm chung của cả gia đình và dòng họ. Ý thức dòng họ là nét văn hoá đặc sắc bao trùm lên vấn đề dòng họ. Vì truyền thống dòng họ, người ta phải sống thế nào cho xứng đáng với truyền thống của cha ông, trước hết là trong cung cách đối xử với những người cùng máu mủ. Tình cảm dòng họ là một tình cảm tự nhiên và thiêng liêng, nảy sinh từ quan hệ máu thịt, nên cách ứng xử của người trong dòng họ với nhau bao giờ cũng khác với những người dưng. Quan hệ dòng họ là chỗ dựa tinh thần cho mỗi cá nhân trong dòng họ, có nó, người ta không cảm thấy bị đứt đoạn với cội nguồn, không bị bơ vơ giữa cuộc đời và xã hội. Mối quan hệ gia đình và dòng họ là nhân tố quan trọng góp phần hình thành và phát triển nhân cách, trong đó có nếp sống, nếp ứng xử, giao tiếp giữa các cá nhân và xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta đã đúc kết: "một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “trên kính, dưới nhường”, “chị ngã, em nâng”, “sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”, “anh em vì tổ vì tiên, không ai anh em vì tiền vì gạo”… Đó chính là những giá trị văn hoá độc đáo, đặc sắc của gia đình và dòng họ mang đầy tính nhân văn, in những dấu ấn trong lịch sử và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống ngày nay. Giá trị văn hoá ấy được xây dựng trên cơ sở tình sâu, nghĩa nặng giữa những người cùng huyết thống gắn bó trên sự tự nguyện tương thân, tương ái. Đây cũng là cơ sở, là điểm khởi đầu cho tình yêu quê hương, của truyền thống yêu nước.
Có thể nhận thấy rằng tinh thần hiếu học là nét độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và của mỗi dòng họ nói riêng. Họ nào cũng tôn trọng, đề cao việc học tập, tôn trọng nhân tài, tôn sư trọng đạo, có những dòng họ  dù nghèo khó đến đâu cũng vẫn khuyến khích con em trong dòng họ học hành. Đại đa số các dòng họ  đều có quĩ khuyến học, có những phương pháp thúc đẩy ý thức học hành. Trong các quyển sử của hầu hết các dòng họ đều có phần “khoa danh trường biên”, ghi lại thành tích học hành khoa bảng của các cá nhân ở nhiều thế hệ khác nhau. Một số dòng họ còn xây cả bia trong khuôn viên nhà thờ họ gọi là bia “Bách danh tài”, để ghi tên những người có công lao đối với đất nước, làng xóm, dòng họ hoặc có những thành tích nổi bật trong học hành khoa bảng, làm rạng danh cho dòng họ.
Tóm lại, việc phát huy truyền thống dòng họ sẽ có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển của cộng đồng. Mọi gia đình nào cũng nằm trong dòng họ, nếu biết giáo dục  con cháu hướng về tổ tiên, cha ông, giữ gìn đạo lý gia phong của dòng họ thì tác dụng to lớn của dòng họ sẽ không ngừng được phát huy.
6. Kết luận
Phân tích vai trò của dòng họ trong sự phát triển của xã hội Việt Nam nói chung và làng xã Việt Nam nói riêng, bước đầu có thể kết luận:
 1- Quan hệ dòng họ ở nông thôn Việt Nam là một quan hệ khá chặt chẽ. Mô hình cư trú theo quan hệ huyết thống, dòng họ là nổi trội, dẫn đến sự gắn bó chặt chẽ giữa các cá nhân trong dòng họ và gia đình trong dòng họ.
2- Dòng họ trong làng xã Việt Nam tuy không vận hành với tư cách là một đơn vị kinh tế, nhưng do tính chất khắc nghiệt và gấp gáp của thời vụ, cùng với sự mong manh, yếu ớt của gia đình hạt nhân, nên mặc dù các gia đình hạt nhân tồn tại độc lập nhưng lại rất cần sự hợp tác, cho nên thường tìm kiếm sự hợp tác ấy trong họ hàng, dòng họ.
3- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong đời sống tâm linh của người Việt chính là sợi dây bền chặt gắn bó, nối kết những con người trong dòng họ. Chính vì tín ngưỡng tổ tiên thiêng liêng ấy mà sự gắn bó dòng họ đã chặt chẽ lại càng chặt chẽ hơn.
4- Có thể nói dòng họ có nguồn gốc từ chế độ thị tộc nguyên thuỷ nhưng nó được chế độ phong kiến duy trì và làm cho thăng hoa. Chính sự kết hợp giữa vương quyền và dòng họ trong cai trị làng xã và những đặc quyền do chế độ phong kiến mang lại, đã làm cho dòng họ phát triển và phát huy truyền thống của mình.
5- Dòng họ có những hình thức sinh hoạt  văn hoá chung như giỗ tổ, cưới xin, ma chay, qua đó thể hiện tính cố kết cộng đồng, sự tương thân tương ái và sự tương trợ nhau về mặt kinh tế như những qui định bất thành văn.
6- Do dòng họ có nhiều giá trị giáo dục và văn hoá đặc sắc, nên vấn đề giáo dục dòng họ cần phải được đặt ra và quan tâm đúng mức. Dòng họ với những truyền thống tốt đẹp có tác dụng không nhỏ trong việc giáo dục nhân cách con người, văn hoá ứng xử  của con người với môi trường và cộng đồng.
7- Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, hiện tượng phục hưng dòng họ trở nên phổ biến. Qua hiện tượng này có thể thấy tính hai mặt (tích cực và tiêu cực) của dòng họ được thể hiện khá rõ nét. Cần phải xử lý sao cho những mặt tiêu cực bị hạn chế tối đa và phát huy được một cách toàn diện nhất những mặt tích cực của dòng họ và quan hệ dòng họ.
Nhìn tổng quát, có thể thấy quan hệ dòng họ có một vai trò và vị trí đặc biệt trong quan hệ làng xã. Vấn đề dòng họ hiện nay đang được các nhà nghiên cứu tập trung sự chú ý và quan tâm. Chắc chắn rằng trong thời gian tới, cùng với sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế thị trường, với những ảnh hưởng mọi mặt của nó đối với đời sống nông thôn, sự trở về với cội nguồn, dòng họ là không thể thiếu, như sự tìm đến một nơi an toàn và vững chãi cho những giá trị tâm linh, tinh thần, văn hoá …và đó là hiện tượng hợp qui luật.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1. Việt Nam văn hoá sử cương, Đào Duy Anh. Huế.1938.
2. Làng xã Việt Nam- Một số vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội, Phan Đại Doãn. NXB. Chính trị quốc gia.HN. 2001.
3. Quan hệ dòng họ ở châu thổ Sông Hồng,  Mai Văn Hai- Phan Đại Doãn. NXB. Khoa học xã hội. HN.2000.
4. Bài: “Dòng họ Việt Nam từ nguồn gốc đến vận mệnh”, Vũ Ngọc Khánh. Tạp chí Dân tộc học. số3/1996.
5. Văn hoá các dòng họ ở Nghệ An với việc thực hiện chiến lược con người ở thế kỉ XXI. Thông tin khoa học xã hội.1998.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!