1. Trung Quốc ủng hộ Việt
Nam chống Pháp
Trong thời kỳ Việt Nam tiến
hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng Cộng sản, nhân dân
Trung Quốc giành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ nhiệt tình cả về tinh thần và
vật chất. Ngày 8-10-1949, Đảng Lao động Việt Nam gửi một bức công thư cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị: “Đứng trước những
khó khăn về kỹ thuật mà điều kiện kinh tế chưa cho phép vượt qua, đứng trước
tình hình gấp rút, phải tranh thủ thời gian với địch, đứng trước những nhiệm vụ
chiến thuật phải làm để chuyển sang chiến lược mới, chúng tôi không thể không
yêu cầu các đồng chí giúp chúng tôi về súng, đạn, dụng cụ, cán bộ… Trong những
khoản chúng tôi yêu cầu, có khoản nào các đồng chí không giúp được, xin các
đồng chí chuyển lời đề nghị của chúng tôi cho Liên Xô và nói hộ những khó khăn
của chúng tôi cho các đồng chí Liên Xô rõ…”[1]. Tuy nhiên, thời kỳ đầu, khả năng giúp đỡ của
Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam chưa lớn, vì cách mạng Trung Quốc mới thành
công, đang gặp muôn vàn khó khăn.
Đầu năm 1950, ngay sau khi hai nước thiết lập
quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến thăm Trung Quốc, “đây là chuyến đi bí
mật... về danh nghĩa, đây là phái đoàn của Trung ương Đảng qua gặp Đảng Cộng
sản Trung Quốc”[2].
Đến Trung Quốc, Hồ Chí Minh làm việc với Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ðức (lúc này, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đang ở Liên Xô chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp ước
hợp tác hữu nghị Trung - Xô[3]). Tiếp đón Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ phát biểu: “Cuộc kháng chiến ở Việt Nam
do Đảng Việt Nam lãnh đạo rất đúng và rất hay. Đảng Trung Quốc hết sức giúp đỡ
Đảng Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ đó”[4]. Về yêu cầu viện trợ của Hồ Chí Minh, Lưu
Thiếu Kỳ trả lời: “Chúng tôi quyết tâm chi viện cuộc kháng chiến chống Pháp của
Việt Nam. Việc này sau khi Mao Chủ tịch và đồng chí Chu Ân Lai về nước, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc
sẽ nghiêm chỉnh nghiên cứu nội dung và phương pháp viện trợ, chúng tôi sẽ xác
định cụ thể theo yêu cầu của các đồng chí”[5].
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Lý Kiện cho biết: Sau
khi bàn bạc với Liên Xô về vấn đề viện trợ cho Việt Nam chống Pháp, trở về
Trung Quốc, Mao Trạch Đông ngay lập tức triệu tập “Quân ủy Trung ương họp tại
điện Cần Chánh trong Trung Nam Hải bàn về viện trợ cho Việt Nam”[6] và nhất trí: “Cách mạng
Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, nếu cuộc chiến tranh chống Pháp
của Việt Nam thắng lợi sẽ làm cho an ninh ở phía Nam Trung Quốc được bảo đảm
thêm một bước, về cơ bản mà nói, đây cũng là nghĩa vụ quốc tế vô sản”[7]. Trong buổi làm việc với Chủ tịch Hồ Chí
Minh (3-1050), Mao Trạch Đông khẳng định: “Việt Nam cần trang bị 10 đại đoàn để
đánh thắng Pháp, trước mắt hãy trang bị cho 6 đại đoàn có mặt ở miền Bắc. Việt
Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ khí trên đất Trung Quốc. Tỉnh
Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam”[8]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Trung Quốc cử đoàn cố vấn sang giúp
Việt Nam. Phía Trung Quốc đồng ý và đưa danh sách gồm 4 người lãnh đạo là La Quý Ba, Ủy viên Trung ương
Đảng Cộng sản Trung Quốc làm Trưởng đoàn cố vấn, Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn
cố vấn về quân sự, Mai Gia Sinh làm cố vấn về công tác tham mưu, Mã Tây Phu làm
cố vấn về công tác hậu cần[9].
Theo thỏa thuận, tháng 4-1950, ba trung đoàn của
Việt Nam (đại đoàn 308, 209, 174) sang Mông Tự (Vân Nam) và Hoa Ðông (Quảng Tây) nhận vũ khí và được Trung Quốc huấn luyện quân
sự[10]; đồng thời, Trung Quốc nhanh chóng chở
vũ khí sang Cao Bằng trang bị tiếp cho hai trung đoàn khác của Việt Nam đang phải đối phó với quân địch trên chiến trường[11]. Nhờ được Trung Quốc trang bị vũ khí, “sức mạnh hoả lực của trung đoàn bộ binh ta đã
hoàn toàn thay đổi so với trước"[12].
Các đơn vị bộ đội Việt Nam sang Trung Quốc,
ngoài được trang bị vũ khí còn được “phía Trung Quốc huấn luyện thêm về chiến
thuật công kiên, đặc biệt là kỹ thuật đánh bộc phá”[13], do trước đây không có thuốc nổ, nên
chưa hề sử dụng kỹ thuật này. Ngoài chiến thuật công kiên, bộ đội Việt Nam còn
học “đánh vận động dã ngoại, có hiệp đồng bộ binh, pháo binh, cách đánh
"vị thành đả viện" (vây thành đánh quân cứu viện), "nhất điểm
lưỡng diện" (một điểm, hai mặt), tổ chức "tứ tổ, nhất đội" (bốn
tổ, một đội)”[14]. Về kỹ thuật, bộ đội Việt Nam học tập 5 kỹ năng lớn: Đánh bộc phá,
xây dựng công sự, bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn. Ngoài chương trình huấn luyện
kỹ thuật, chiến thuật, Đại đoàn còn nghiên cứu tác phong chiến đấu, tư tưởng
quân sự của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc[15]. Cán bộ Việt Nam được làm quen với tác phong chiến đấu của Quân
giải phóng nhân dân Trung Quốc như "tứ khoái, nhất mạn" (bốn nhanh,
một chậm), "mãnh đả, mãnh xung, mãnh truy" (đánh mạnh, xung phong
mạnh, truy kích mạnh)[16]… Quân đoàn 13 của Trung Quốc cử một tiểu
đoàn pháo binh đến giúp đại đoàn học tập sử dụng pháo 70 ly, 57 ly, ĐKZ[17]… Giúp Đại đoàn 308 huấn luyện cán bộ,
chiến sĩ, Trung Quốc đã cử nhiều cán bộ có kinh nghiệm như Tư lệnh Quân khu Hồ
Nam Trần Canh, Tư lệnh Quân đoàn 13 Chu Hy Hán, Sư đoàn phó Sư đoàn 7 Ngô Huy
Vân và nhiều cố vấn quân sự tới
Trao đổi giữa
Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông về vấn đề cố vấn
Trong
những lần trao đổi sơ bộ trên tàu hỏa cũng như hội đàm chính thức tại Bắc
Kinh, giữa các đồng chí Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, đồng chí Mao Trạch
Đông nói: Chúng ta là đảng anh em, lại là láng giềng. Nhưng như các đồng
chí đã rõ công nghiệp quân sự của Trung Quốc cực kỳ lạc hậu nhưng tôi tán
thành cố gắng viện trợ vật tư quân sự cho các đồng chí. Đó là điều phải làm
và là viện trợ không hoàn lại, không có bất cứ điều kiện gì. Còn về cố vấn
thì tôi cũng phải nói rõ rằng cán bộ chúng tôi cử sang chỉ là những “cố vấn
vườn” (ý nói cán bộ quân sự xuất thân từ nông thôn). Đồng chí Hồ
Chí Minh trả lời: “Cố vấn vườn chúng tôi cũng cần”. Có một chi
tiết sau này được La Quý Ba kể lại, đó là: “Trần Canh là vị tướng do chính
Chủ tịch Hồ Chí Minh điểm danh với Chủ tịch Mao Trạch Đông” và từ đầu tháng 7
ông Trần đã được Đảng bạn cử sang trước để cùng phía Việt Nam chuẩn bị chiến
dịch Biên giới.
Nguồn: Trần
Trọng Trung, “Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp”, Báo
Quân đội nhân dân, ngày 2-5-2009.
|
cấp tiểu đoàn[18].
Để đảm bảo hậu cần và tăng cường công tác vận
chuyển vật tư viện trợ cho bộ đội Việt Nam, ngày 6-8-1950, Tổng cục Hậu cần
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thành lập văn phòng ở Nam Ninh.
Trung Quốc trở thành cầu nối giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, giúp Việt Nam tiếp nhận
viện trợ từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Vùng Quảng Tây (Trung Quốc) trở thành nơi tiếp
nhận hàng viện trợ cho Việt Nam và là nơi mở trường đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật quân sự của Việt Nam. Trung Quốc cử Trần Canh[19] đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Đoàn cố vấn
quân sự[20] giúp Việt Nam mở chiến
dịch Biên giới.
Sau khi chiến dịch Biên giới (1950) thắng lợi, tuyến biên giới Việt - Trung được khai thông. Các nước bạn có điều kiện giúp đỡ nhân dân Việt
Nam nhiều hơn, đặc biệt là Đảng Cộng sản, nhân dân Trung Quốc giành cho nhân
dân Việt Nam sự giúp đỡ to lớn về tinh thần và vật chất, đảm nhiệm vai trò là
nước chủ yếu viện trợ, giúp đỡ Việt Nam. Theo thống kê của Việt Nam, cho đến hết năm 1950, Việt Nam tiếp nhận của Trung Quốc 3.983
tấn hàng viện trợ[21], trong đó có 1.020 tấn súng đạn (kể cả số súng đạn các đơn vị bộ đội Việt Nam sang Trung Quốc huấn luyện rồi đem về nước), 161 tấn quân trang, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y,
71 tấn hàng quân giới, 30 xe vận tải Môlôtôva, 2.634 tấn gạo[22]. Số hàng viện trợ[23] nói trên tuy chỉ chiếm
18,5% tổng số vật chất mà quân đội Việt Nam sử dụng trong năm 1950, nhưng trong điều kiện thiếu thốn lúc đó trở nên vô cùng
quý báu, góp phần trang bị và làm tăng sức mạnh chiến đấu của một
số đơn vị chủ lực trên chiến trường chính Bắc Bộ. Về viện trợ của
Trung Quốc cho Việt Nam, nhà nghiên cứu Francois Joyaux cho biết thêm: Sau khi
Chính phủ Trung Quốc công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một hiệp định đầu
tiên về viện trợ quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết tại Bắc Kinh.
Theo Hiệp định này, Bắc Kinh sẽ giao 150.000 súng trường tịch thu được của Nhật
và 10.000 súng cacbin Mỹ cùng với đạn dược tương
ứng. Việt Minh bắt đầu nhận được số vũ khí này kể từ mùa Xuân (1950-TG)[24]. Cũng theo Francois Joyaux, “từ thời kỳ này, các đơn vị chủ lực của Việt Minh
(22.000 người) được đưa sang Trung Quốc huấn luyện”[25].
Trong năm 1950, Việt Nam cử một số cán bộ trẻ đi
học ngoại ngữ và nghiệp vụ ngoại giao ở Trung Quốc. Đây là lớp cán bộ đầu tiên
được gửi đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài, sau này trở thành những cán bộ cốt
cán của Bộ Ngoại giao. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo ngay một số lượng lớn cán bộ
đang rất cần cho phát triển kinh tế và giảm bớt chi phí cho việc đào tạo ở
những nước quá xa, năm 1951, Chính phủ Việt Nam thỏa thuận với Chính phủ Trung
Quốc mở hai cơ sở đào tạo lớn cho Việt Nam trên đất Trung Quốc - đó là khu học
xá ở Nam Ninh và trường thiếu sinh quân ở Lư Sơn[26]. Ngoài đào tạo cán bộ dân sự, Trung Quốc
còn giúp Việt Nam đào tạo, huấn luyện cán bộ quân sự. Tính đến tháng
6-1950, có 3.100 cán bộ Việt Nam sang Trung Quốc học tập, bổ túc trung
và sơ cấp, chỉ huy bộ binh sơ cấp, pháo binh, công binh[27]. Bình luận về viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam, A. Patti - tác giả cuốn sách “Tại sao Việt
Nam?” viết: “Đến năm 1950, Mao đã ở trong thế có thể giúp đỡ ông Hồ qua đường biên giới phía Bắc Việt Nam. Ông Hồ không còn bị cô lập như
trước, ông đã có rất nhiều đồng minh, trước hết là
Trung Quốc và sau đó là Liên Xô, một sân bóng mới đã bắt đầu”[28].
Từ năm 1951 đến năm 1953, Việt Nam – Trung Quốc
ký kết hàng loạt hiệp định kinh tế -
thương mại: Hiệp định thương mại (4-1951); Hiệp định về mậu dịch, Hiệp định về
tiền tệ, Hợp đồng xuất khẩu (5-1951); công bố “Bị vong lục mậu dịch” (4-1952);
Hiệp định trao đổi hàng hóa (5-1952)… Những thỏa thuận, hiệp định được ký kết
từng bước đặt cơ sở pháp lý cho việc trao đổi thương mại song phương giữa hai
nước. Để việc xuất nhập khẩu ở vùng biên giới Việt - Trung đi vào nền nếp, ngày 1-5-1952, Thủ tướng
Chính phủ Việt Nam ban hành Điều lệ tạm thời về quản lý xuất nhập khẩu, về quản lý ngoại tệ
ở biên giới Việt - Hoa, về hàng xuất nhập khẩu và thu thuế xuất nhập khẩu, về
tổ chức bộ máy quản lý xuất nhập khẩu. Tháng 6-1953, Chính phủ Việt Nam cử ông
Phạm Thanh Vân làm chuyên viên thương mại đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc,
đặt cơ sở cho cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc sau này. Đầu tháng
2-1953, hai nước chính thức mở cửa khẩu Lào Cai- Hồ Kiều. Tháng 12-1953, Việt
Nam tiếp tục mở các cửa khẩu Bát Xát, Thanh Thủy, Hoành Mô. Nhờ quan hệ thương
mại, mở cửa với thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thêm một nguồn cung cấp hàng
hóa, giảm bớt áp lực của việc nhập khẩu những mặt hàng từ khu vực thực dân Pháp
chiếm đóng, nhất là những mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu, bắt đầu xuất được
một số mặt hàng mà vùng Pháp chiếm đóng không tiêu thụ. Với tinh thần giúp đỡ,
Trung Quốc mua hầu hết những mặt hàng Việt Nam có thể xuất và đáp ứng đầy đủ
những mặt hàng Việt Nam cần, giúp Việt Nam vượt qua khó khăn bao vây kinh tế
của thực dân Pháp, ổn định đời sống nhân dân.
Trong những năm 1951-1953, Trung Quốc là nước
trực tiếp giúp đỡ, viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh, trang bị quân sự
nhiều nhất cho Việt Nam. Riêng hai năm 1951-1952, trị giá số hàng thuộc viện trợ kinh tế mà Trung Quốc giao cho
Việt Nam là 23,405 triệu đồng[29]. Từ tháng 7-1952 đến tháng 1-1953, Trung Quốc đảm nhiệm đào
tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật, huấn luyện bộ đội cho Trung đoàn 45- trung
đoàn pháo binh hạng nặng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và
Trung đoàn pháo cao xạ 367. Sau sáu tháng được tích cực huấn luyện ở Mông Tự (Vân Nam) và Tân Dương (Quảng Tây), được
Trung Quốc trang bị toàn bộ vũ khí của Liên Xô, hai trung đoàn nói trên về nước
tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Những năm 1950-1954, Đoàn cố vấn quân sự Trung
Quốc công tác bên cạnh Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, phát huy vai
trò, có những kiến nghị bổ ích đối với các hoạt động tác chiến của bộ đội chủ
lực Việt Nam trên chiến trường chính Bắc Bộ.
Mao
Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai dặn dò Đoàn cố vấn Trung Quốc trước khi
sang Việt Nam
Sáng
ngày 27-6-1950 các đồng chí Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Chu
Đức tiếp thân mật Đoàn cố vấn trước khi lên đường, Chủ tịch Mao Trạch Đông
căn dặn: Sau khi đến Việt Nam, các đồng chí phải nói với các đồng chí
Việt Nam rằng tổ tông chúng tôi xưa có lỗi với Việt Nam, chúng tôi tạ tội,
xin lỗi các đồng chí và hứa một lòng một dạ giúp các đồng chí đánh bại bọn
thực dân Pháp (các đồng chí Trương Quảng Hoa, Vũ Hóa Thẩm và Động Kim Ba
– nguyên là thành viên của Đoàn cố vấn Trung Quốc sang Việt Nam đã viết như
vậy trong các cuốn sách: Quyết sách trong đại Trung Quốc viện trợ
Việt Nam chống Pháp, Đồng chí Vi Quốc Thanh trong Viện trợ
Việt Nam đấu tranh chống Pháp, và Ghi lại chặng đường tham
gia đoàn cố vấn quân sự sang Việt Nam). Chủ tịch Mao Trạch Đông, Phó
Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Thủ tướng Chu Ân Lai và Tổng tư lệnh Chu Đức căn dặn
mọi người về tinh thần quốc tế chủ nghĩa, tinh thần đoàn kết với các đồng chí
Việt Nam, tinh thần thực sự cầu thị, luôn xuất phát từ thực tế Việt Nam. Chủ
tịch Mao Trạch Đông nhấn mạnh: Làm cố vấn nghĩa là làm tham mưu, không
được bao biện, không được làm thay, càng không được làm Thái thượng hoàng,
chỉ tay năm ngón. Về mối quan hệ giữa các cố vấn với Việt Nam, Thủ tướng
Chu Ân Lai nói: Làm việc ở cơ quan đơn vị nào thì do đồng chí Việt Nam
phụ trách ở cơ quan đơn vị đó lãnh đạo. Tổng tư lệnh Chu Đức nhấn mạnh: Về
hành động quân sự, nhất thiết phải xuất phát từ thực tế, thực sự cầu thị,
không được nóng vội, phải nói cho các đồng chí Việt Nam biết cả những kinh
nghiệm thất bại của chúng ta….
Nguồn: Trần
Trọng Trung, “Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp”, Báo
Quân đội nhân dân, ngày 2-5-2009.
|
Trong tổng số 50 chiến dịch lớn nhỏ, Đoàn cố vấn
quân sự Trung Quốc tham gia bảy chiến dịch[30], trực tiếp giúp đỡ một số đơn vị chủ lực
Việt Nam tác chiến. “Hầu hết các chiến dịch đều giành thắng lợi, có chiến dịch
thắng lợi vượt mức kế hoạch đề ra như chiến dịch Biên giới, nhưng cũng có chiến
dịch không đạt yêu cầu chiến lược như ba chiến dịch đầu năm 1951”[31]. Quan hệ giữa cố vấn Trung Quốc với chỉ
huy và chiến sĩ Việt Nam rất tốt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Nói chung,
mối quan hệ giữa chúng tôi và các đồng chí cố vấn quân sự Trung Quốc từ sau
chiến dịch Biên giới là xuất sắc. Những người bạn đó đã giúp chúng tôi bằng
những kinh nghiệm của họ đã có từ cuộc chiến tranh
cách mạng tại Trung Quốc và chiến tranh chống Mỹ ở Triều Tiên”[32].
Mao
Trạch Đông căn dặn cố vấn quân sự Trung Quốc
trước
khi sang Việt Nam
-
“Sau khi đến Việt Nam, các đồng chí phải nói với họ, tổ tông xưa chúng
tôi ức hiếp các đồng chí, chúng tôi tạ tội xin lỗi các
đồng chí và một lòng một dạ giúp đỡ các đồng chí đánh bại bọn thực dân Pháp”
(Mao Trạch Đông kể chuyện Mã Viện đánh Giao Chỉ trong buổi họp ra chỉ thị
với đoàn cố vân quân sự vào cuối tháng 6, 1950 ở Bắc Kinh).
-
“Tham mưu tức là đề xuất ý kiến, nghĩ ra biện pháp hỗ trợ lãnh đạo,
không được bao biện làm thay, càng không thể làm thái thượng
hoàng, ra mệnh lệnh” (Mao Trạch Đông ra chỉ thị với đoàn cố vân quân sự
vào cuối tháng 6, 1950 ở Bắc Kinh).
-
“Yêu mến từng gốc cây ngọn cỏ của nhân dân Việt Nam, tôn trọng độc lập dân
tộc Việt Nam và phong tục tập quán của nhân dân Việt Nam...” (Mao Trạch
Đông đích thân duyệt và bổ sung “Qui tắc công tác” của cố vấn Trung Quốc tại
Việt Nam).
-
“Đồng chí công tác ở Việt Nam, nhất thiết phải tránh bài học của Lý Đức ở
Trung Quốc... Phải có thái độ thật thà, thận trọng, ít nói chúng ta đã ‘qua
năm cửa ải chém sáu tướng ...”
-
“Bethune là người Canada, chẳng nề đường xa vạn dặm đến
Trung Quốc, giúp Trung Quốc chống quân xâm lược Nhật, không tơ hào tư lợi,
không tiếc hy sinh tất cả, đó chính là tinh thần quốc tế chủ nghĩa” (Mao
Trạch Đông lấy Lý Đức và Henry Norman Bethune làm thí dụ xấu-tốt để chỉ đạo
cán bộ cách gìn giữ mẫu mực chủ nghĩa Quốc tế vô sản).
Nguồn: Tưởng
nhớ Mao Trạch Đông, Nxb. Văn hiến Trung ương,1993.
|
Khi làm việc với cố vấn Trung Quốc, phía Việt
Nam, từ Bộ Tổng tư lệnh đến các đại đoàn đều trân trọng nghiên cứu ý kiến tham
mưu của Đoàn cố vấn, nhất là những kinh nghiệm về cách đánh công sự vững chắc,
nhưng đồng thời “Quân ủy Trung ương và riêng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn
căn cứ vào thực tế trình độ tác chiến của bộ đội ta mà vận dụng những ý kiến và
kinh nghiệm của bạn cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, nhằm bảo
đảm chắc thắng đồng thời hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất”[33]. Đến tháng 10-1954, tổng số cố vấn quân
sự Trung Quốc còn lại ở Việt Nam là 237 người, đa số là các nhân viên làm công
tác đảm bảo như hậu cần, y vụ, điện đài. Đến tháng 8-1955, Đoàn cố vấn quân sự
chỉ còn lại các tổ cố vấn quân sự về hậu cần, chính trị, pháo binh, công binh,
hàng không dân dụng với vài chục nhân viên kỹ thuật và cố vấn. Thực hiện chỉ
thị giải thể Đoàn cố vấn của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân viên
Đoàn cố vấn quân sự chia thành 3 đợt rút về nước. Các chuyên gia quân sự và
nhân viên kỹ thuật được mời làm chuyên gia, chuyển sang cho Phòng tuỳ viên quân
sự lãnh đạo (theo chế độ chuyên gia). Đảng, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của Đoàn cố vấn
quân sự Trung Quốc. Nhân dịp Quốc khánh Việt Nam 2-9-1953, Đảng, Chính phủ Việt
Nam “trao huân chương anh hùng, chiến sĩ thi đua và huân chương kháng chiến cho
hơn 30 cố vấn và nhân viên công tác; đồng thời, tặng kỷ niệm chương kháng chiến
cho 397 nhân viên Đoàn cố vấn”[34].
Theo thống kê của phía Trung Quốc, trong toàn bộ
cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam “155.000 khẩu
súng các loại, 57.850 viên đạn, 3.692 khẩu pháo, hơn 1.080.000 quả đạn
pháo, hơn 840.000 quả lựu đạn, 1.231 ô tô, hơn 1.400.000 bộ quân phục,
14.000 tấn lương thực và thực phẩm phụ,
hơn 26.000 tấn dầu và một lượng lớn thuốc men và vật tư quân dụng
khác”[35]. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung
Quốc giúp đỡ Việt Nam khá chu đáo, từ đạn dược đến gạo muối. Trước yêu cầu
cấp bách của chiến dịch, Trung Quốc viện trợ “1.700 tấn gạo, bằng 6,8%
tổng số gạo huy động cho chiến dịch”[36], chi viện 3.600 viên đạn pháo 105 ly
(đó là cơ số đạn đi theo
24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953), chiếm 18% tổng số đạn pháo sử dụng[37], sau vét ở các kho chuyển thêm cho Quân
đội nhân dân Việt Nam 7.400 viên đạn 105 ly[38], dù đạn pháo 105 ly của Trung Quốc
trở nên khan hiếm sau chiến tranh Triều Tiên (vì điều kiện vận chuyển khó
khăn, 7.400 viên đạn này đến tháng 5 năm 1954 mới
tới khi trận đánh đã kết thúc). Trong những ngày cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc
còn giúp trang bị cho một tiểu đoàn DKZ 75 ly và một tiểu đoàn hỏa tiễn (cachiusa) 6 nòng[39] - loại hỏa lực mạnh
nhất mà Quân đội nhân dân Việt Nam có lúc bấy giờ. Hai tiểu đoàn này đã kịp thời tham gia, sử dụng 1.136 viên đạn, phát huy tác dụng trong đợt tổng công kích cuối cùng
(6-5-1954)[40].
Trong điều kiện cuộc kháng chiến của Việt Nam
gặp phải vô vàn khó khăn, viện trợ của Trung Quốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Cần phải nhấn mạnh rằng, viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam đều được dồn vào
hai thời điểm quan trọng, có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến, càng làm tăng thêm ý nghĩa viện trợ của Trung
Quốc đối với Việt Nam: Năm 1950 – tiến hành chiến dịch khai thông biên giới, mở
cánh cửa cho Việt Nam tiếp xúc với các nước trong phe dân chủ; năm 1954 - chiến dịch quyết định Điện
Biên Phủ, dẫn tới việc ký kết Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông
Dương, giải phóng miền Bắc Việt Nam.
Đặc biệt, nhân dân các bộ tộc Lào cũng ủng hộ
mặt trận Điện Biên Phủ 310 tấn gạo chiến lợi phẩm thu được sau chiến dịch
Thượng Lào; các bạn Lào cũng thu được ở Ba-Na-Phào 400 viên gửi sang chi viện
gấp cho Điện Biên Phủ[41].
Từ giữa năm 1953, Trung Quốc giúp Việt Nam đào
tạo thiếu sinh quân, cán bộ. Từ nôi học xá Quế Lâm, đã trưởng thành hàng loạt
cán bộ cao cấp của Việt Nam: Thiếu tướng Hồ Sĩ Liêm, Thiếu tướng Phạm Dần,
Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, Tiến sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Tiến sĩ Trần Mai Thiên, Tiến
sĩ Chu Hảo, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Nguyên, Tiến sĩ Đặng Nguyệt Ánh, Tiến sĩ Nguyễn
Mộng Sinh, Tiến sĩ Đỗ Long, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hân, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Bảo, Tiến
sĩ - kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng…trong số đó, không ít người sau này giữ những
chức vụ quan trọng trong chính phủ (thành Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban
chấp hành Trung ương như Trần Đình Hoan, Vũ Quốc Hùng, Đoàn Mạnh Giao...).
2- Liên Xô với cuộc kháng chiến chống Pháp của
nhân dân Việt Nam
Nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô đối
với cách mạng Việt Nam, nhất là trong những ngày vấn đề công nhận và thiết lập
quan hệ song phương giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Xô viết đang được đặt ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Lưu Thiếu Kỳ[42] truyền đạt cho I.V. Stalin ý định sang thăm Liên
Xô. Ngày 1-2-1950, thông qua Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh A.I. Shibaev và Lưu Thiếu Kỳ, I.V. Stalin gửi điện trả lời: Vài ngày trước, đồng chí Mao Trạch Đông đã chuyển tới tôi đề nghị của đồng chí muốn được
đến Moscow theo con đường bí mật. Khi đó tôi trả lời rằng không phản đối. Nay Liên Xô đã công nhận
Việt Nam, nếu đồng chí không thay đổi ý định, tôi sẽ rất vui mừng được đón tiếp
đồng chí tại Moscow”[43].
Ngày 7-2-1950, Hồ Chí Minh gửi điện phúc đáp, giải thích về ý định bí mật đến Liên
Xô: "Thứ nhất, ở Việt Nam,
chỉ có một vài Ủy viên Trung ương Đảng và hai thành viên Chính phủ biết về
chuyến đi của tôi. Thứ hai, tôi nghĩ rằng, nếu người Pháp biết về việc tôi rời
khỏi Việt Nam, họ có thể có những hành động chính trị - quân sự bất lợi”[44]. Hồ Chí Minh viết tiếp: “Nếu đồng chí
Stalin tìm thấy lý do để chuyến thăm của tôi đến Moscow mang tính chính thức, tôi tin rằng, Trung ương Đảng Cộng sản Việt
Nam cũng sẽ nhất trí với đồng chí”[45].
Khoảng chừng giữa tháng 2-1950, Hồ Chí Minh tới Moscow. Cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Chính phủ
Liên Xô không diễn ra tại Điện
Cremlin như thông lệ đón tiếp các chính khách đứng đầu Nhà nước[46], nhiều khả năng cuộc gặp diễn ra tại khu biệt thự
ngoại ô có tên Kulsevo[47]. Tham dự cuộc gặp, phía Liên Xô có I.V. Stalin, V.M. Molotov và
một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước Xô viết. Về nội dung cuộc gặp gỡ, đến nay tài liệu lưu
trữ của phía Việt Nam cũng như Liên Xô chưa được giải
mật và công bố đầy đủ; do vậy, việc phục dựng hết sức khó khăn. Các hình dung
có được chủ yếu qua con đường gián tiếp và nguồn tư liệu thứ cấp.
Theo nhà nghiên cứu I.V.Gaiduk – người có
điều kiện tiếp xúc với một số tài liệu lưu trữ chưa được công bố của Lưu trữ Tổng thống Liên
bang Nga, hội đàm với Hồ Chí Minh, I.V. Stalin nhận ra rằng, cần quan
tâm hơn nữa đến cách mạng Đông Dương; tuy nhiên, liên quan đến việc giải tán
Đảng Cộng sản Đông Dương (1945), vấn đề cải cách ruộng đất, I.V. Stalin khuyến cáo Hồ Chí Minh
không nên có những hành động quá cấp tiến[48]. Phân tích tư liệu lưu
trữ tại Lưu trữ xã hội – chính
trị Nhà nước Liên bang Nga (phông Stalin) có liên
quan gián tiếp đến cuộc gặp gỡ, nhà sử học I.A. Konoreva khẳng
định: Trong hội đàm, tình hình Đông Dương, khả năng viện trợ quân sự của Liên
Xô qua lãnh thổ Trung Quốc, đặc điểm công tác tư tưởng và công tác vận động
quần chúng nhân dân ở một nước nông nghiệp lạc hậu.... là những vấn đề được Hồ
Chí Minh và lãnh đạo Liên Xô đề cập, trao đổi, thảo luận[49]. Trong hồi ký "Đường
đến Điện Biên Phủ" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một số thông tin về
cuộc hội đàm giữa Hồ Chí Minh và lãnh đạo Liên Xô. Theo Đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh
thông báo cho Liên Xô tình hình Việt Nam, đường lối chính trị, sách lược của
Đảng Cộng sản Đông Dương, yêu cầu Liên Xô viện trợ vật chất, đặc biệt vũ khí,
đạn dược. Về yêu cầu viện trợ của Hồ Chí Minh, I.V. Stalin dùng dằng chưa trả lời ngay,
muốn sau khi thương lượng với Mao Trạch Đông sẽ quyết định[50]. Sau khi thương lượng
với Mao Trạch Đông, Chính phủ Trung Quốc, Liên Xô nhanh chóng đi tới thoả
thuận; theo đó, “trách nhiệm giúp Việt Nam chống Pháp chủ yếu vẫn do Trung Quốc
đảm nhận, vì Trung Quốc và Việt Nam có nhiều mối liên hệ trong quá khứ cũng như
hiện tại”[51]. I.V. Stalin nói với Mao Trạch
Đông: "Chúng
tôi đánh xong Đại chiến thế giới, còn rất nhiều vũ khí dùng chưa hết, chúng tôi
có thể chở sang Trung Quốc, các đồng chí giữ lấy, trong đó có những thứ phù hợp
với chiến tranh Việt Nam, các đồng chí có thể chở một số sang Việt Nam”[52]. I.V. Stalin hứa rằng, những gì Trung Quốc
chuyển cho Việt Nam sẽ được Liên Xô hoàn trả.
Chuyến đi bí mật của Hồ Chí Minh
đến Liên Xô năm 1950
Khoảng cuối tháng 2-1950, Hồ Chí
Minh rời Moscow về Bắc Kinh. Trung ương
Đảng Cộng sản Liên Xô cử N.Timofeev – một lãnh đạo cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương Cộng sản Liên Xô cùng đi với Hồ Chí Minh.
Ngày 2-4-1950, N.Timofeev gửi thư
cho I.Mosetov1 báo cáo về tình
hình chuyến tháp tùng Hồ Chí Minh, trong thư có đoạn: “Trong thời gian
ở Moscow, Din rất hài lòng và trở về với tâm trạng thoải
mái. Trước khi rời Bắc Kinh, Din nhờ tôi chuyển tới đồng chí lòng biết ơn
chân thành về tất cả sự quan tâm, chăm sóc mà các đồng chí đã dành cho Din
trong thời gian ở Moscow”2. Bức thư của N.Timofeev xác nhận thông tin và là chứng cứ thuyết phục khẳng định
sự biến mất của cuốn Tạp chí "Liên Xô trên công trường xây dựng"
có thủ bút của I.V. Stalin và những nhà lãnh đạo Xô viết có mặt trong cuộc
hội đàm: "Din nhờ
tôi viết thư hỏi và làm sáng tỏ một vấn đề luôn cánh cánh bên lòng, liên quan
tới sự biến mất đầy bí ẩn của tờ tạp chí “Liên Xô trên công trường xây
dựng” ở khu biệt thự – tờ tạp chí có chữ ký của đồng chí Stalin, Molotov và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Xô
viết khác; đề nghị thông báo kết quả qua đồng chí Phương (Фын), đại diện Đảng Lao động Việt Nam ở Bắc Kinh”3.
Theo như mô tả của N.Timofeev, trên đường quay về, không chỉ một lần, Hồ Chí
Minh luôn trăn trở không hiểu tại sao chuyện đó có thể xảy ra, vì “ở khu nghỉ
dưỡng, nơi có điều kiện vật chất tương ứng với điều kiện của xã hội cộng sản,
mọi cái đều tốt đẹp, chỉ có tờ tạp chí với bút tích là biến mất”4.
N.Timofeev viết thêm: “Din hồi tưởng về những
người phục vụ tại nhà nghỉ và kết luận rằng, tất cả những người phục vụ đều
hết sức trung thực, không một ai có thể lấy tờ tạp chí, có lẽ tờ tạp chí “vô
tình” bị đồng chí Mosetov hoặc đồng chí Kazlov cầm lẫn với những tài liệu
khác mà họ đem đến cho Din rồi sau đó mang đi”5. N.Timofeev tỏ ra
hết sức áy náy vì thắc mắc của Hồ Chí Minh, “không thể nói gì ngoài việc
an ủi Din, thuyết phục rằng, cùng với thời gian, tờ tạp chí có thể sẽ được
tìm thấy”6 và khẩn thiết đề nghị I. Mosetov “nếu
không quá khó khăn, hãy hỏi ý kiến lãnh đạo và thông báo cho tôi biết phải
trả lời câu hỏi đó thế nào”7.
-------------------------
2,3,4,5,6,7. “Письмо от Н. Тимофеева из советского посольства в
Пекине, 2 апреля 1950г”, Указ. Соч, c.17.
1.I I.Mosetov và N.Timofeev cùng với Kazlov là
những lãnh đạo cấp cao của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô được
phân công tiếp đón, giúp đỡ Hồ Chí Minh trong thời gian ở Moscow.
Nguồn: Nguyễn
Thị Mai Hoa, Hai chuyến đi bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liên
Xô (1950-1952), Tạp chí Lịch
sử Đảng, số 4-2013, tr.71-78.
|
Theo quy tắc ngoại giao và với mục tiêu tạo điều
kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô
đối với Việt Nam, tháng 4-1952, Việt Nam chính thức đặt Đại sứ quán tại
Moscow, Nguyễn Lương Bằng là Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Xô. Toàn bộ hoạt
động cho Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô do Chính phủ Liên Xô tài trợ, sẽ tính
vào khoản công trái sau này cho Chính phủ Việt Nam. Do Việt Nam lúc này đang
bận kháng chiến chống Pháp, nên Liên Xô chưa thể cử ngay Đại sứ đến Việt Nam.
Ngày 4-11-1954, Đại sứ Liên Xô đầu tiên tại Việt Nam A.A.Lavrishev trình quốc
thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua Đại sứ quán hai nước, quan hệ giữa các
cấp bộ, ngành được thiết lập.
Sau khi công nhận, đặt
quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Liên Xô triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ
cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Tháng 5-1950, tại Đại hội toàn quốc của Hội chiến sĩ hoà bình và
tự do họp tại Paris, Đoàn đại
biểu Liên Xô (và Ba Lan) cùng một số đoàn đại biểu khác nhất trí thông qua
quyết nghị đòi giới cầm quyền Pháp chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Tháng 2-1951, tại phiên
họp của Uỷ ban kỹ nghệ và thương mại, Hội đồng kinh tế Châu Á-Viễn Đông, một
lần nữa Liên Xô đấu tranh để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tham gia
Uỷ ban và đề nghị trục xuất đại diện của Chính phủ Bảo Đại ra khỏi tổ chức kinh
tế quốc tế này. Tháng 2-1952, Liên Xô phủ định đề nghị của
Chính phủ Bảo Đại xin gia nhập tổ chức này. Tháng 9-1952, tại phiên họp thường
kỳ của Hội đồng Bảo an, đại diện Chính phủ Liên Xô kiến nghị xét đơn và kết nạp
Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Khi Anh, Pháp, Mỹ phản đối vì Việt Nam không phải
là một quốc gia, Liên Xô khẳng định: Ở Việt Nam hiện nay chỉ có Chính phủ Hồ
Chí Minh là chính phủ hợp pháp, Chính phủ đó là do Quốc hội - kết quả của tổng
tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín ngày 6-1-1946 lập nên, được Chính phủ Pháp công
nhận theo Hiệp định sơ bộ mùng 6-3-1946, khác
Chính phủ Bảo Đại là do Pháp, Mỹ dựng lên.
Tiếp tục tranh thủ sự
ủng hộ của Liên Xô, tăng cường sự hiểu biết giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng
Cộng sản Liên Xô, nhân dịp Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô chuẩn bị khai mạc,
Hồ Chí Minh hoạch định chuyến thăm bí mật lần thứ hai đến Liên Xô. Ngày
30-9-1952, từ Bắc Kinh, Hồ Chí Minh gửi thư cho I.V. Stalin, trình bày dự định về
chuyến đi bí mật tới Liên Xô: “Tôi rất mong muốn được tới Mátxcơva dự Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô (b) (…) Nếu tôi không thể tham dự Đại hội, tôi vẫn
muốn đến Moscow để thông báo và thảo
luận với các đồng chí một số vấn đề của cuộc đấu tranh ở Việt Nam và của Đảng
Lao động Việt Nam”[53]. Ngày 1-10-1952, I.V. Stalin gửi điện trả lời, nhất
trí để Hồ Chí Minh đến Moscow không chính thức[54]. Song chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã không thành công như mong đợi, thái độ của Liên Xô đối với Việt Nam còn khá thận
trọng. Là người không mấy ưa, luôn dè
chừng với những gương mặt lãnh tụ tự tin, có chủ kiến, việc Hồ Chí Minh dựa vào thực lực, lãnh đạo thành công cuộc cách mạng ở
Việt Nam - đối với I.V. Stalin, đó là điều cần phải đối phó, phán quyết, hơn là
ủng hộ. Quan hệ không mấy mặn
mà của Liên Xô đối với Việt Nam tại thời điểm đó, một phần có lẽ do "các nhà lãnh đạo
Liên Xô cần thêm bằng chứng về lòng trung thành của cá nhân Hồ Chí Minh"[55].
Chuyến
đi bí mật của Hồ Chí Minh đến Liên Xô năm 1952
Đến Mátxcơva theo hình thức bí mật, có
mặt tại Đại hội
XIX Đảng Cộng sản Liên Xô, Hồ Chí Minh không có trong khách mời phát biểu,
Đoàn đại biểu chính thức của Đảng Lao động Việt Nam không có tên trong danh
sách. Lời chào mừng của Đảng Lao động Việt Nam gửi đến Đại
hội được giao cho Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nước
Cộng hòa Agiecbaigiăng (Azerbaijanese) M.E. Baghirốp (M. E. Bagirov) đọc thay.
Sau
Đại hội, ngày 17-10-1952, Hồ Chí Minh viết thư gửi I.V. Stalin. Nội dung bức thư cho thấy Hồ Chí
Minh chưa có cuộc gặp riêng với I.V. Stalin: "Tôi vẫn đợi ý kiến của
đồng chí để có thể đến gặp, ôm hôn và chuyển tới đồng chí bản báo cáo về tình
hình Việt Nam"1.
Ngày 15-11-1952, Chủ tịch Ủy ban
đối ngoại Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô V. Grigôrrian (V. Grigoryal) chuyển đến I.V. Stalin yêu cầu của Hồ Chí
Minh: "Đồng chí Hồ Chí Minh dự định trở về Việt Nam trong thời gian gần
đây và trước khi về nước mong muốn được gặp đồng chí I.V. Stalin một vài
phút. Đồng chí Hồ Chí Minh nói thêm rằng, nếu đồng chí I.V. Stalin không có
thời gian gặp gỡ, đồng chí Hồ Chí Minh hoàn toàn hiểu và thông cảm với sự bận
bịu của đồng chí I.V. Stalin, sẽ không làm tốn thời gian của đồng chí và gửi
lại thư sau. Đồng chí Hồ Chí Minh sẽ về nước trên chuyến bay đặc biệt sau hai
ngày nữa"2. Hồ Chí Minh không rời Mátxcơva ngày 17-11 như V.
Grigôrrian đã thông báo với I.V. Stalin, mà bay vào ngày
19-11-1952. Trước chuyến bay đến Bắc Kinh để trở về Việt Nam, Hồ Chí Minh gửi
thư chào I.V. Stalin: "Hôm nay tôi về nước. Nhiệt thành cám ơn về
tất cả những gì đồng chí đã làm cho tôi. Xin hứa với đồng chí sẽ thực hiện
tốt cải cách ruộng đất và tiến hành tốt cuộc chiến tranh giữ nước. Hy vọng
rằng, sau hai hoặc ba năm nữa tôi có thể trở lại và báo cáo về kết quả công
việc"3.
Kiểm
tra kỹ Nhật ký các cuộc gặp gỡ, tiếp đón của I.V. Stalin tại Điện
Creminl từ năm 1924 đến năm 1953, đặc biệt là tháng 10, tháng 11,
đọc các hồi ký đã xuất bản của những nhân vật liên quan; đồng
thời, căn cứ vào
nội dung các lá thư Hồ Chí Minh gửi cho I.V. Stalin, nhất là lá thư ngày
19-11, có lẽ đến lúc rời Mátxcơva, Hồ Chí Minh vẫn chưa kịp diện kiến
vị lãnh tụ người Gruzia lạnh lùng, cứng rắn, đầy hoài nghi, cũng không ngờ
rằng, sau này và mãi mãi không còn dịp gặp lại.
1,2,3. “РГАСПИ,
ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 13-1; л.16; л. 17-18
Nguồn: Nguyễn
Thị Mai Hoa, Hai chuyến đi bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liên
Xô (1950-1952), Tạp chí Lịch
sử Đảng, số 4-2013, tr.71-78.
|
Dù chưa gần gũi như Việt Nam vẫn kỳ vọng, song từ năm 1950, Liên Xô viện
trợ Việt Nam một số mặt hàng có ý nghĩa chiến lược về quân sự, kinh tế. Viện
trợ của Liên Xô dành cho Việt Nam là viện trợ không hoàn lại và thường giúp
thêm ngoài mức Việt Nam đề nghị. Số lượng hàng đầu tiên gồm “pháo cao xạ 37 ly,
một số xe vận tải môtôrôla và thuốc quân y”[56] quá cảnh qua Trung Quốc đã đến Việt Nam. Theo số liệu thống kê
của Việt Nam, từ tháng 5-1950 đến tháng 6-1954, Việt Nam đã nhận được
21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế với tổng trị giá 54 triệu rúp[57] từ Liên Xô, Trung Quốc
và các nước dân chủ nhân dân khác; trong đó, toàn bộ pháo cao xạ 37 ly- 76 khẩu,
toàn bộ hỏa tiễn (cachiusa), toàn bộ số tiểu liên K50, phần lớn số ôtô vận tải
685 chiếc trên tổng số 745 chiếc[58] là của Liên Xô. 12 dàn
đại pháo nhiều nòng cachiusa do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam đã phát huy tác
dụng to lớn trong thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử[59]. Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị I.V. Stalin cấp cho Việt
Nam “10 tấn thuốc ký ninh (thuốc sốt rét) cho quân đội và dân thường, có nghĩa
rằng 5 tấn trong nửa năm”[60], lập tức “I.V.Stalin đích thân ra
lệnh cấp tốc gửi sang Việt Nam 5 tấn thuốc[61]. Cũng trong năm 1952, Hồ Chí Minh đề
nghị được cử sang Liên Xô 50-100 du học sinh và yêu cầu các loại vũ khí với số
lượng cụ thể như sau: “(a). Pháo cao xạ 37 ly cho 4 trung đoàn, tất cả là 144
khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu pháo; (b) Pháo trận địa 76,2 ly cho 2 trung
đoàn, tất cả là 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu; (c) 200 khẩu súng phòng
không 12,7 ly và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu”[62]. Nhìn chung, các yêu cầu của Việt Nam,
Liên Xô đều đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Trong tình hình khó khăn lúc đó, số viện
trợ này có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, viện trợ về quân sự của Liên Xô
tạo khả năng tiến công mạnh, cơ động nhanh cho bộ đội Việt Nam, có vai trò quan
trọng trong một số chiến dịch lớn.
Ngày 28-9-1953, Liên Xô
kêu gọi các nước có liên quan tổ chức một hội nghị quốc tế, nhằm xem xét, tìm kiếm các biện pháp giảm thiểu căng thẳng trong tình hình
quốc tế, đề xuất biện pháp giải quyết những vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình các nước Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương[63]. Cuối năm 1953, Hội nghị cấp Bộ trưởng
Ngoại giao giữa Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc (Hội nghị Berlin) ra thông
báo sẽ triệu tập Hội nghị Giơnevơ, bàn giải pháp cho vấn đề Triều Tiên và
lập lại hoà bình ở Đông Dương. Ngày 27-4-1954, Anh, Mỹ uỷ nhiệm Pháp gặp Liên
Xô thỏa thuận về thành phần Hội nghị. Trong cơ cấu Hội nghị, Anh, Pháp, Mỹ loại
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nêu công thức năm nước lớn cộng với Lào, Campuchia
và Chính phủ Bảo Đại. Liên Xô đưa ra công thức năm nước lớn và bốn bên hữu quan
(Lào, Campuchia, Chính phủ Bảo Đại, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Trong cuộc hội
đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Georges Bidault, Bộ trưởng Ngoại giao
Liên Xô V.M.Molotov đặt vấn đề: “Không thể bàn bạc về khôi phục hòa bình ở Đông
Dương nếu các bên liên quan không có mặt”[64]. Liên Xô khẳng định,
không chấp nhận sự hiện diện của các phái đoàn quốc gia liên kết, nếu như Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa không tham dự, bởi theo cách hiểu của Liên Xô, thì “các nước có liên quan ở Đông Dương gồm Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa, chính phủ bù nhìn Bảo Đại, Lào, Campuchia”[65] – như Liên Xô giải thức
trong trao đổi điện tín với Trung Quốc ngày 26-2-1954. Ngày 2-5-1954, trước lập
trường kiên định của Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ buộc chấp nhận đề nghị nói trên.
Với sự ủng hộ tích cực, hiệu quả của Liên Xô, lần đầu tiên Việt Nam tham dự một
hội nghị quốc tế lớn mặc dù chưa được các nước Anh, Mỹ, Pháp công nhận về mặt
ngoại giao. Quan điểm của Liên Xô đối với Việt Nam khi đến Hội nghị, về chính thống, thể hiện qua bức điện
tín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô gửi cho Ban Chấp hành
Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (26-2-1954): “Trong
bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng phải làm cho Hội nghị trở nên có lợi nhất
cho nhân dân Việt Nam”[66].
3- Đằng sau quan hệ đồng minh
Sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô cho Việt Nam
đơn độc trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc đang gom đắp nhân tài và vật lực
chống thực dân Pháp là vô cùng quan trọng, hết sức to lớn và quý báu. Nhân dân
Việt Nam sử dụng sự giúp đỡ ấy một cách hiệu quả, từng ngày, từng giờ tạo ra
sức mạnh cần và đủ để chiến đấu. Song chịu sự chi phối tương đối và không thể
hoàn toàn thoát ra khỏi cái vỏ của lợi ích phe phái, ý thức hệ, nên ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, mỗi nước
đều theo đuổi những lợi ích quốc gia riêng, những mục tiêu chiến lược khác nhau; vì thế,
khó tránh khỏi để lại hệ lụy.
Sự giúp đỡ Trung Quốc đối với Việt Nam, từ chỉnh
huấn, chỉnh quân, cải cách ruộng đất với quan điểm, cách thức tiến hành…để lại
những ảnh hưởng nhất định trong tư tưởng, xã hội và không khí chính trị tại
Việt Nam. Năm 1950, giúp Việt Nam huấn luyện bộ đội trên đất Trung Quốc, ngoài
chương trình huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, bộ đội Việt Nam còn được các
chuyên gia Trung Quốc hướng dẫn “nghiên cứu tác phong chiến đấu, tư tưởng quân
sự của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc”[67], “công tác giáo dục chính trị, công tác
xây dựng Đảng được đẩy mạnh”[68], nhằm nâng cao “trình độ giác ngộ giai
cấp”. Những thông tin này trùng với những mô tả của nhà nghiên cứu William Duiker về hoạt động của cố vấn
quân sự Trung Quốc tại Việt Nam: “Các cố vấn quân sự của
Trung Quốc làm việc chặt chẽ với các sĩ quan Việt Minh và một chiến dịch được
xúc tiến trong quân đội Việt Minh vào năm 1950 để nghiên cứu kinh nghiệm của
Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc chiến tranh chống Nhật Bản và chống Quốc
Dân Đảng được Mỹ hậu thuẫn”[69]. Cùng với sự hiện diện của các cố vấn
quân sự Trung Quốc, tư tưởng Mao Trạch Đông dần dần thâm nhập vào hàng ngũ cán
bộ quân sự, dân chính Việt Nam qua các tác phẩm: Đánh lâu dài, Chính phủ liên hiệp, Mâu thuẫn luận, Thực tiễn luận,
Báo cáo quân sự của Chu Đức...
Năm 1952, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, tư tưởng Mao Trạch Đông
chính thức được ghi vào Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam.
Về cải cách ruộng đất, nhà sử học Yinghong Cheng[70] trong chuyên khảo “Not only Moscow: The Impact of the Chinese in Eastern Europe and North Vietnamese post-Stalin era” khẳng định rằng, Trung Quốc bắt đầu hối thúc Việt Nam tiến hành đấu tranh giai cấp, loại bỏ địa chủ, thực thi cải cách ruộng đất từ mùa Hè năm 1949[71], song Hồ Chí Minh bảo vệ quan điểm: “Bắc Việt đang trong giai đoạn
cách mạng dân tộc (tức là chống Pháp); vì vậy, tầng lớp tinh hoa nông thôn cần
được đưa vào mặt trận dân tộc”[72]. Yinghong Cheng cho biết: Lưu Thiếu Kỳ đem thái độ của Hồ Chí Minh
phản ánh với I.V. Stalin, “vì chuyện này, các lãnh đạo Trung Quốc,
Liên Xô đã quy cho ông Hồ là “kẻ cơ hội cánh hữu lạc hậu”[73].
Hồi ký “Những kỷ niệm về Bác Hồ” của
Hoàng Tùng cung cấp những thông tin tương tự: Trung Quốc luôn thúc giục Việt
Nam tiến hành cải cách ruộng đất, trong khi Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương
đưa ra lý luận “cách mạng ba giai đoạn”[74] chưa vội làm cải cách
ruộng đất, trước mắt thực hiện giảm tô, giảm tức. Mùa Hè năm 1952, sau khi đi
Trung Quốc và Liên Xô về, Chủ tịch Hồ Chí Minh “chuẩn bị cho Hội nghị cán bộ
đầu năm 1953, quyết định cải cách ruộng đất. Trung Quốc cử Đoàn cố vấn sang bao
gồm cố vấn công an, cố vấn tổ chức, cố vấn tuyên truyền”[75]. Đoàn cố vấn cải cách ruộng đất do Kiều
Hiểu Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây làm Trưởng đoàn, đem các nề nếp từ
Trung Quốc sang, đem kinh nghiệm chỉnh đảng, chỉnh phong từ Diên An áp đặt vào
Việt Nam.
Vương Nghiên Tuyền – một trong những cán bộ của
Đoàn cố vấn Trung Quốc thừa nhận rằng, trước Hội nghị Trung ương 4 (1-1953) –
Hội nghị thông qua Dự thảo Cương lĩnh của
Đảng Lao động Việt Nam về chính sách ruộng đất, “Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nhiều lần nêu kiến
nghị với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo khác của Trung ương Đảng Lao
động Việt Nam về việc thực hành giảm tô, giảm tức, giảm nhẹ gánh nặng của nông
dân, cải thiện đời sống nông dân ở vùng giải phóng Việt Nam”[76]. Vương Nghiên Tuyền cho biết thêm về
quan điểm của Đoàn cố vấn: “Các cố vấn Trung Quốc trong Quân đội nhân dân Việt
Nam sớm cảm thấy nếu không thực hành giảm tô, giảm tức, phát động hơn nữa nhiệt
tình của nông dân tham gia chiến đấu thì muốn kiên trì cuộc chiến tranh chống
Pháp lâu dài đến thắng lợi cuối cùng là có khó khăn”[77]; do vậy, khi Trung ương Đảng Lao động
Việt Nam quyết định tiến hành cải cách ruộng đất, “toàn thể cố vấn đều phấn
khởi vui mừng, cho rằng, một vấn đề cơ bản trong chiến tranh chống Pháp mong
đợi đã lâu bắt đầu được giải quyết”[78]. Cùng với sự giúp đỡ của các cố vấn Trung Quốc, Việt Nam áp mô hình
“thổ cải” của Trung Quốc vào cải cách ruộng đất, luận tội cả phú nông, địa chủ
yêu nước từng hiến ruộng, nuôi cách mạng; đánh tan lớp trung nông - người sản
xuất giỏi nhất. Bên cạnh đó, diễn ra dồn dập các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân,
nhằm “nâng
cao giác ngộ chính trị cho cán bộ và chiến sĩ về ý thức giai cấp, về nhiệm vụ
cách mạng của Quân đội nhân dân”[79], nhưng thực chất là bồi dưỡng tư tưởng Mao Trạch Đông. Cùng với “chỉnh
quân”, Đảng Lao động Việt Nam "chỉnh đốn tổ chức” – “chấn chỉnh tư tưởng, tác phong của
Đảng”, biến cuộc “chỉnh đảng” thành đánh "địch" khắp nơi trong Đảng, làm cơ sở Đảng nhiều vùng,
miền bị ảnh hưởng trầm trọng.
Một trong những tình huống "có vấn đề" trong sự ủng hộ của
các đồng minh đối với Việt Nam liên quan đến Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương
(8-5-1954). Tham gia Hội nghị, Trung Quốc, Liên Xô đều có những toan tính
riêng.
Sau chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc phải nỗ
lực chống lại sự phong tỏa toàn diện của các nước tư bản chủ nghĩa. Ngăn trở
việc thành lập các liên minh quân sự, chính trị của các đế quốc phương Tây song
song với mở rộng khu vực đệm - một vùng trung lập ở Nam Á và Đông Nam Á trở
thành một yêu cầu quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Lúc này, chấm dứt chiến tranh Đông Dương là yêu cầu cấp
bách của Trung Quốc. Sau đình chiến ở Triều
Tiên, ngày 24-8-1953, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố: “Các vấn đề khác có thể được thảo luận tiếp sau
việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên”[80]; "đình chiến Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực cho những xung
đột khác"[81]. Phân tích quan điểm, lập trường của Trung Quốc tại Hội nghị Giơnevơ, Giáo sư sử học Yang Kuisong (Đại
học Bắc Kinh) lập luận: “Mao Trạch Đông tin rằng những nhượng bộ được thực hiện tại Giơnevơ là tạm thời và chiến thuật, bởi vì vào thời điểm đó, sức mạnh mọi mặt của Trung Quốc cần tiếp tục
được củng cố và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa đủ sức để theo đuổi một thắng
lợi hoàn toàn”[82]. Xác định Mỹ là đối thủ nguy hiểm, Trung Quốc không hề muốn thấy sự
hiện diện của Mỹ tại Đông Dương; do vậy, tham gia đàm phán, Trung Quốc cố gắng
để nước Pháp vẫn có thể giữ một vị trí nào đó tại đây, không để Mỹ thế chân
Pháp. Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là “ngăn chặn Mỹ đưa lực lượng quân sự
vào Việt Nam, áp sát biên giới Trung Quốc”[83]. Ngoài lý do trên, nhận định về ý nghĩa của Hội nghị Giơnevơ đối với Trung Quốc, Giáo sư Dương
Bảo Quân[84] khẳng định: Trung Quốc
"coi Hội nghị Giơnevơ như là một phương tiện mở cửa sang thế giới phương
Tây (…), khiến Trung Quốc có thể hướng ra thế giới một cách đầy tự tin"[85]. Nhận xét này của Giáo sư Dương Bảo Quân
hoàn toàn có cơ sở, bởi là lần đầu tiên có mặt tại một
hội nghị quốc tế lớn với tư cách là một cường quốc của châu Á tham gia giải
quyết vấn đề khu vực[86], ngoài vấn đề Triều Tiên và Việt Nam,
Trung Quốc còn quan tâm đến các vấn đề an ninh, hòa bình tại Viễn Đông, châu Á,
các vấn đề phát triển kinh tế, giao thương mậu dịch với nước ngoài, từng bước
phá vỡ cấm vận phong tỏa của Mỹ một cách hiệu quả. Giáo sư Dương Bảo Quân phân tích lợi ích mà
Trung Quốc có được từ Hội nghị Geneve như sau: "Việc ký kết Hiệp định
Giơnevơ và giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương đã làm rối loạn việc triển
khai chiến lược của Mỹ nhằm uy hiếp Trung Quốc từ ba chiến tuyến Nam Triều
Tiên, Đài Loan, Đông Dương, đảm bảo an ninh cho Trung Quốc ở biên thùy phía
Nam, khiến Trung Quốc có thể tập trung sức người, sức của vào phát triển kinh
tế"[87]. Trung Quốc muốn thông qua Hội nghị Giơnevơ cố gắng nới lỏng gọng
kìm, thúc đẩy quan hệ với một số nước phương Tây. Do vậy, ngay khi được thông báo về việc tham dự
Hội nghị, Trung Quốc có sự chuẩn bị chu đáo và đến Geneve với Đoàn đại biểu hùng hậu[88].
Đối với Liên Xô, do Mỹ,
Anh và Pháp chủ trương thành lập Khối phòng thủ châu Âu (EDC) bao vây Liên Xô,
nên đưa ra sáng kiến triệu tập Hội nghị Giơnevơ, Liên Xô không chỉ đơn thuần quan tâm
giải quyết vấn đề Đông Dương (nơi các lợi ích của Liên Xô vào thời điểm đó là
không đáng kể), mà nhằm mục tiêu xa hơn -
Hội nghị Giơnevơ trở thành nơi dàn xếp
một số vấn đề về châu Âu, liên quan, chi phối trực
tiếp đến lợi ích chiến lược của Liên Xô; trong đó, vấn đề trọng tâm là lôi kéo Pháp bác bỏ EDC,
giữ nguyên hiện trạng châu Âu[89]. Ngoài ra, Liên Xô còn có mục tiêu không
để Hội nghị thất bại, vì Mỹ có thể lợi dụng điều đó để mở rộng chiến tranh.
Cuộc chiến tranh Đông Dương cần phải được giải quyết và giải quyết bằng thương
lượng, đi đến đình chiến như một đảm bảo đối với chiến lược ổn định vùng Viễn
Đông của Liên Xô, tạo điều kiện để Liên Xô dồn lực cho phát triển kinh tế, rảnh
tay tập trung cho khu vực Đông Âu - nơi sống còn của chế độ Xô viết.
Với những mục tiêu và dự liệu, trong Hội nghị, Liên Xô,
Trung Quốc duy trì chặt chẽ quan hệ làm đối trọng với Mỹ,Anh, thúc đẩy đàm phán
theo những tính toán được sắp đặt trước. Hoạt động phối hợp của Liên Xô, Trung
Quốc khá ăn ý trong tiến trình Hội nghị. Trung Quốc hầu như đồng ý hoàn toàn
với Liên Xô trong nội dung các vấn đề thương lượng. Đến Moscow vào đêm trước của Hội nghị Giơnevơ, “phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu đã không được thảo luận về phương thức, con
đường giải quyết vấn đề Đông Dương, mà chỉ còn cách đồng ý
với phía Liên Xô, Trung Quốc và phối hợp thực hiện những vấn đề về chiến thuật”[90]. Việc Trung Quốc và Liên Xô sắp đặt sẵn
với Anh, Pháp một giải pháp về Việt Nam đã làm mất hiệu lực của chiến thắng
Điện Biên Phủ, tiêu tan khả năng có thể dẫn tới sự thất bại hoàn toàn của Pháp.
Để đảm bảo lợi ích quốc gia, tại Hội nghị
Giơnevơ, với vị trí là một nước viện trợ quân sự chủ yếu
và nắm con đường vận chuyển duy nhất chi viện cho Việt Nam, trong điều kiện
Pháp không muốn nói chuyện với Việt Nam ở thế yếu, trong xu thế hòa hoãn chung,
“lãnh đạo đoàn đại biểu Trung Quốc Chu Ân Lai đã không hỗ trợ Việt Nam, đẩy
Việt Nam đến chỗ phải chấp nhận những điều khoản mà rõ ràng là chưa muốn chấp
nhận”[91]. Đoàn đại biểu Trung Quốc có những nhượng bộ nhất định, đưa ra thỏa
thuận giải quyết vấn đề Đông Dương với phía Pháp không phản ánh được so sánh
lực lượng trên chiến trường Việt Nam, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương theo
"mẫu mực" Triều Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải
pháp chính trị. Còn Liên Xô, để đạt được những mục tiêu chiến lược[92], cùng với các quốc gia khác, Liên Xô đưa
ra giải pháp chia cắt Việt Nam. Từ góc độ tiếp cận của mình, Liên Xô không cho
đó là một kết cục “gây tử vong”, cũng không phải là một kết cục hiếm thấy (trên
thế giới đã có trường hợp nước Đức và Triều Tiên), mà coi đó là một phương thức
giải quyết các xung đột quốc tế cho phép đảm bảo hòa bình trong một “giai đoạn
quá độ” nhất định – một sự thỏa hiệp có thể chấp nhận được, bởi nó không loại
trừ sự thống nhất quốc gia vào thời điểm thích hợp sau này.
Quả thực, với cách giải quyết ấy, Hội Giơnevơ mang lại cho Trung Quốc
những lợi ích to lớn: Về chính trị, Hội nghị chứng tỏ rằng, trên phương diện giải
quyết những vấn đề quốc tế cấp bách, sự tham gia của nước Cộng hòa nhân dân
Trung Hoa có vai trò quan trọng; về kinh tế,
hai năm sau Hội nghị, khối lượng buôn bán giữa Trung Quốc với các nước châu Âu
tăng rõ rệt, “kim ngạch giữa Trung Quốc với châu Âu tăng gấp đôi, nếu như tổng
khối lượng đó năm 1954 là 173,4 triệu đô la, thì đến năm 1955 đạt 226,2 triệu
và đến năm 1956 là 326 triệu”[93]; về đối ngoại, "việc ký kết Hiệp
định Giơnevơ đánh dấu sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong các công việc
quốc tế, địa vị quốc tế của Trung Quốc được nâng cao"[94]. “Người chiến thắng thực sự là Chu Ân Lai. Ông rời Geneva gần như với tất cả mọi thứ đã được tiên liệu và
dự đoán trước”[95].
Các giải pháp do Liên
Xô, Trung Quốc phối hợp với Anh, Pháp đề xuất và đi đến ký kết tại Hội nghị Giơnevơ phản ánh xu thế chung,
quan hệ giữa các nước lớn trong tình hình quốc tế vào thời điểm đó. Việt Nam
tuy thắng lợi lớn trên chiến trường, song do thiếu kinh nghiệm đàm phán, do
không đoán định chính xác những tính toán của các nước lớn, nên đành chịu thiệt
thòi, “chỉ giành được một nửa nước Việt Nam trên bản đồ thế giới”[96]. Là kết quả của một cuộc hoà giải không
vững chắc, có mục tiêu chấm dứt
chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, nhưng Hiệp định Giơnevơ đã không bịt được kẽ hở
tạo khả năng cho Mỹ vào Đông Dương – đó chính là điều mà Moscow cảm thấy bất an và không
hài lòng nhất. Đông Dương đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh mới.
* *
*
Dù có đôi ba vấn đề nổi cộm, song công bằng mà
nói, sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô đối
với Việt Nam thời kỳ này là hết sức quan trọng. Đối với Việt Nam, nhờ thiết lập, củng cố
quan hệ với Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam phá được thế bị cô lập và bao vây,
nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa, được cộng đồng quốc tế công nhận, tạo
điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đối ngoại và tranh thủ được sự giúp đỡ to
lớn của Trung Quốc và Liên Xô. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân
dân Việt Nam thắng lợi có sự hậu thuẫn về mặt chính trị, sự giúp đỡ về mặt vật
chất của hai nước đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh quốc tế sau Chiến tranh thế giới
thứ hai, khi mà không khí Chiến tranh Lạnh và đối đầu phe phái, ý thức hệ đang
bao trùm, các nước đế quốc, đứng đầu là Mỹ đang tìm mọi cách chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, thì việc các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chính là nhằm củng cố vị thế,
sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam thắng lợi góp phần nâng
cao vị trí và uy tín của hệ thống xã hội chủ nghĩa nói chung, của Liên Xô và
Trung Quốc nói riêng trên trường quốc tế, mở rộng hành lang địa chính trị của phe xã
hội chủ nghĩa, tạo sự phát triển vững chắc cho hệ thống xã hội chủ nghĩa mà
Liên Xô làm trụ cột.
-----------------------------------
[1] Dẫn theo Trần Trọng
Trung: “Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp” (phần
I), Báo Quân đội nhân dân, ngày 2-5-2009.
[3] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự
Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Nxb. Lịch sử Đảng Cộng
sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 2002 (Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch; Dương
Danh Dy hiệu đính), tr.2.
[4]Tư liệu nghiên cứu về quan
hệ của Trung Quốc với Việt Nam 1949-1979, Cục Nghiên cứu Bộ Quốc
phòng, bản đánh máy, t.1, tr. 29.
[9] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt
Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb.
Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, t.4, tr.53.
[10] Yang Kuisong: Changes in Mao
Zedong's Attitude toward the Indochina War, 1949-1973, Cold
War International History Project, Wilson Center, p.5.
[13] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt
Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd,
t.4, tr.54.
[14] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt
Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd,
t.4, tr.56.
[15] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt
Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd,
t.4, tr.55-56.
[16] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt
Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd,
t.4, tr.56.
[19] Năm 1922, Trần Canh gia nhập Đảng Cộng sản
Trung Quốc, sau trở thành Phó chỉ huy quân đội Trung Quốc ở Triều Tiên. Từ năm
1959 là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Mất năm 1961 tại Thưọng Hải.
[20]Đầu năm 1950, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc gồm
79 người, do Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàn
làm Phó đoàn được cử sang Việt Nam, làm nhiệm vụ cố vấn cho lãnh đạo Quân đội
nhân dân Việt Nam; giúp đỡ một bộ phận bộ đội chủ lực của Quân đội Việt Nam
tiến hành chỉnh huấn, thay đổi trang bị. Để giữ bí mật, Đoàn cố vấn quân
sự lấy tên là Đoàn công tác Hoa Nam.
[21] Cuốn Lịch sử hậu cần Quân đội nhân
dân Việt Nam (1944-1954), Tập 1 (Tổng cục Hậu cần, 1985, tr.146) cung cấp
một thông tin như sau về chủng loại viện trợ: “Sau thắng lợi của chiến dịch
Biên giới, tuyến biên giới Việt - Trung được khai thông. Nhờ đó ta có điều kiện
nhận được viện trợ của các nước anh em. Hàng viện trợ chủ yếu là vũ khí, trang
bị kỹ thuật. Vũ khí viện trợ gồm súng ĐKZ 75mm, súng Badôca 90mm, súng tiểu
liên K50, súng trường 7,9mm, trọng liên 12,8mm, cối 60mm, 81mm và 82mm. Về pháo
có các loại sơn pháo 75mm, lựu pháo 105mm và pháo phòng không 37mm. Về vật
liệu, trang thiết bị, máy móc, các nước bạn đã cung cấp cho ta thuốc phóng,
thuốc nổ, ống nổ, gang, thép, đồng, thiếc, máy tiện, máy phay, máy bào, máy
phát điện và một số trang thiết bị thông tin...”.
[22] Hồ sơ viện trợ quốc tế, lưu trữ tại
Tổng cục hậu cần, cặp số 20,21 (xem thêm Viện Lịch sử quân sự: Lịch sử
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Nxb. Quân đội nhân
dân, Hà Nội, 1994, t.1, tr.542).
[23] Trong cuốn Tổng tập hồi ký của
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp (Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.680), số lượng hàng viện trợ
được ghi lại có hơi chênh với số liệu trên: “Từ khi đường lên biên giới phía Bắc được khai thông đến hết năm
1950, ta đã tiếp nhận được của Trung Quốc 1.020 tấn vũ khí đạn dược, 180 tấn
quân trang, quân dụng, 2.634 tấn gạo, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 800 tấn
hàng quân giới, 30 xe ô tô, 120 tấn xăng dầu và phụ tùng ô tô…”.
[24] Francois Joyaux: Trung Quốc và
việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Nxb. Thông tin lý
luận, Hà Nội, 1981, tr. 82-83.
[25] Francois Joyaux: Trung Quốc và
việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Sđd, tr.83.
[27]Viện Lịch sử quân sự: Lịch sử cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội,
1994, t.1, tr.451.
[29] Trị giá hàng viện trợ và hàng nhận mậu
dịch Trung Quốc từ năm 1951-1954 của Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Cục lưu trữ
Trung ương III, Hồ sơ số 743.
[30] Đó là các chiến dịch
Biên giới, Trung du, Đường 18, Hà – Nam – Ninh, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên
Phủ (riêng chiến dịch Hòa Bình, các cố vấn Trung Quốc không tham gia mà tập
trung ở vùng Ba Bể, Bắc Cạn để chỉnh huấn chính trị).
[31] Trần Trọng Trung:
“Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp” (phần II), Báo
Quân đội nhân dân, ngày 3-5-2009.
[33] Trần Trọng
Trung: “Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp” (phần
II), Tlđd.
[36] Trần Trọng Trung:
“Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp” (phần II),
Tlđd.
[37] Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc
và quan hệ Việt – Trung, Nxb. Đà Nẵng, 1996, tr.39.
[38] Võ Nguyên Giáp: Điện
Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.
348.
[39] Tổng cục Hậu cần: Công tác đảm bảo
hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà
Nội, 2004, tr. 309.
[41] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự: Lịch
sử hậu cần kỹ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp,
Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.298.
[42] Lưu Thiếu Kỳ là Bí thư Ban Chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị Mao Trạch Đông (lúc này đang ở Mátxcơva thương thuyết về
việc ký kết Hiệp ước liên minh tương trợ Trung – Xô) chuyển yêu cầu của Hồ Chí
Minh đến I.V. Stalin.
[43]Pоссийский государственный архив
социально-политической истории (РГАСПИ), ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 1.
[46] Khảo sát kỹ toàn bộ danh sách các vị khách I.V. Stalin đã gặp gỡ, tiếp đón tại Điện Cremlin
năm 1950, đặc biệt trong ba tháng 1, tháng 2, tháng 3 (Nhật ký các cuộc gặp
gỡ, tiếp đón của I.V. Stalin tại Điện Creminl từ năm 1924 đến năm 1953, dự
án “Tư liệu lịch sử”), song không tìm thấy bất kỳ một ghi chép nào về cuộc đón
tiếp vị khách có tên là Hồ Chí Minh hoặc Din (bí danh Hồ
Chí Minh sử dụng trong thời gian thăm Mátxcơva năm 1950. Trong các tài liệu liên
quan, bí danh này được viết bằng tiếng Nga là “Дин”, dịch ra tiếng Việt có
thể là Din, Đin, Dinh, Định. Tác giả lựa chọn từ “Din” theo cách phát âm tiếng
Nga).
[47] I.V. Stalin có tất cả 4 biệt thự ngoại ô: Kulsevo, Semonovski, Lipki, Zubalovo. Sau cái chết của vợ vào năm 1932, Stalin hầu
như không đến Lipki và Zubalovo. Nơi đó chủ yếu dành cho các nhà lãnh đạo các Đảng Cộng sản như Mao Trạch Đông, Hồ
Chí Minh, Chu Ân Lai, Tito… (Nguồn: И.
Бенедиктов, А. Рыбин, Рядом со Сталиным, Изд.
Алгоритм, M. 2010, c.143).
[50]Lý Kiện (biên soạn): Trung
– Xô – Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr.
527.
[51]Lý Kiện (biên soạn): Trung
– Xô – Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr.
527.
[55] И.А.Конорева: Тайные поездки дядюшки Хо, Указ. Соч, c.
123 (I.A.Koroneva:
Những chuyến đi bí mật của Bác Hồ”, Tlđd, tr.123).
[57] Trong cuốn Lịch sử kháng chiến
chống thực dân Pháp 1945 – 1954 9 (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb
Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994 (tr. 308 - 309), con số quy đổi ra tiền rúp
khối lượng hàng viện trợ có độ chênh lệch: “Theo thống kê của ngành Hậu cần
quân đội Việt Nam, viện trợ quốc tế cho nhân dân Việt Nam về: vũ khí, nguyên
liệu quân giới, vận tải xăng dầu, gạo, lương thực, quân trang, quân y, phương
tiện thông tin, công binh từ năm 1950 đến năm 1954 lên tới tổng số 21.517 tấn,
trị giá khoảng 136 triệu nhân dân tệ (tương đương 30 triệu rúp)” [tr.308]. Tiếp
đó, cuốn sách cụ thể hóa thêm: “trong đó: năm 1950 là 3,983 tấn, năm 1951 là
6.086 tấn, năm 1952 là 2.156 tấn, năm 1953 là 4.400 tấn, năm 1954 (từ tháng 1
đến tháng 6) là 4.892 tấn. Về chủng loại bao gồm: 4.253 tấn vũ khí đạn dược, 73
tấn hàng quân giới, 5.069 tấn hàng vận tải, 9.590 tấn gạo, 1.505 tấn hàng quân
trang, 157 tấn hàng quân y, 200 tấn hàng thông tin, 40 tấn hàng công binh. Một
số loại trang bị chính: 715 xe ô tô vận tải; 24 khẩu pháo 105 mm với 1.100 viên
đạn; 48 khẩu sơn pháo 75 mm với 32.484 viên đạn; 76 khẩu cao xạ 37 mm với
51.620 viên đạn.([57]) Trong số vũ khí trang bị kể trên, ngoài
ô tô vận tải, pháo cao xạ, hỏa tiễn 6 nòng, tiểu liên K50 là của Liên Xô và các
nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, còn các loại vũ khí bộ binh, pháo 105 mm, 75 mm,
lương thực là do Chính phủ và nhân dân Trung Quốc viện trợ.
[58]Tập tài liệu về nhu cầu
giao nhận và phân phối hàng viện trợ năm 1952, 1953, 1954, Trung tâm Lưu trữ
Quốc gia 1, Phông Phủ thủ tướng, đơn vị bảo quản 2167.
[59]Những chi tiết đáng
chú ý trong chuyến đi của Chủ tịch Việt Nam đến Matxcơva năm 1950,
vietnamese.ruvr.ru
[61]Những chi tiết đáng chú ý
trong chuyến đi của Chủ tịch Việt Nam đến Matxcơva năm 1950, Указ. Соч.
[65]Telegram, Communist
Party of the Soviet Union Central Committee to Chinese Communist Party, 26
February 1954, Department
of Archives, Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China
(PRCFMA), 109-00396-01, p.26.
[66]Telegram, Communist
Party of the Soviet Union Central Committee to Chinese Communist Party, 26
February 1954, Ibid, p.26.
[67] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt
Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd,
t.4, tr.54, tr.55-56.
[68] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt
Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Sđd,
t.4, tr.56.
[70]Sử gia người Mỹ gốc Hoa, Phó giáo sư thuộc Đại
học Delaware State, Hoa Kỳ và nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu
Châu Á, Đại học Quốc gia Singapore.
[71]Yinghong Cheng: “Not only Moscow: The Impact of the Chinese in Eastern Europe and North
Vietnamese post-Stalin era”, Modern China Studies, USA,
2007, p.48.
[72]Yinghong Cheng: “Not only Moscow: The Impact of the Chinese in Eastern Europe and North
Vietnamese post-Stalin era”, Ibid, p. 48.
[73]Yinghong Cheng: “Not only Moscow: The Impact of the Chinese in Eastern Europe and North
Vietnamese post-Stalin era”, Ibid, p. 49.
[74]Đại hội lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam xác
định tính
chất của cách mạng Việt Nam là
cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và nhất định sẽ tiến lên cách mạng xã
hội chủ nghĩa.
Đây là một quá trình lâu dài và đại thể trải qua ba giai đoạn: 1-Nhiệm vụ chủ
yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc; 2- nhiệm vụ chủ yếu là xóa bỏ những di
tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người cày có ruộng, phát
triển kỹ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; 3- Nhiệm vụ chủ yếu là xây
dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện xã hội chủ nghĩa. Ba giai
đoạn ấy không tách rời nhau mà có mối liên hệ chặt chẽ, nhiệm vụ xen lẫn nhau,
nhưng mỗi giai đoạn có nhiệm vụ trung tâm.
[80] Nguyễn Anh Thái: “Âm mưu của Trung Quốc từ
Điện Biên Phủ đến Giơnevơ”, Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử
Điện Biên Phủ, Viện Sử học, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tr. 237.
[81] Bộ Ngoại giao: Sự thật về quan hệ
Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, sách trắng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, tr.29.
[83]Allen Kempton: The People’s Republic of China and Vietnam: A Complex Relationship, Essay Prize in History,
2012, p.5.
[85] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và
quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc
làm ví dụ, Hội thảo nội bộ ngành "Hiệp định Giơnevơ: 50 năm nhìn
lại", ngày 27-7-2004, tài liệu không phổ biến, lưu tại Bộ Ngoại giao.
[86] Hội nghị Giơnevơ giải quyết vấn
đề đình chiến ở Triều Tiên, Trung Quốc tham gia với tư cách nước tham chiến.
[87] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và
quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc
làm ví dụ, Tlđd, tr.3.
[88] Đoàn đại biểu của Trung Quốc có 214 người,
với 6 tổ: Tổ về vấn đề Triều Tiên, tổ về vấn đề Việt Nam, tổ về vấn đề tổng
hợp, tổ tin tức tuyên truyền, tổ thư ký và tổ giao tiếp hành chính, đầu bếp,
lái xe là 185 người, cộng với 29 nhà báo.
[89]А.О.Чубарьян, Н.И.Егорова: Холодная
война. 1945—1963 гг. Историческая ретроспектива, Сб. Ст, ОЛМА-ПРЕСС, М.
2003, C.278.
[90]А.О.Чубарьян, Н.И.Егорова: Холодная
война. 1945—1963 гг. Историческая ретроспектива, Указ. Соч, C.285.
[91] An analysis of Vietnam's relations with
China from the beginning of the Cold War to the Present, Wilson Quarterly 19 (1), p.35.
[92]Theo nhà nghiên cứu I.V. Gaiduk, với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, Liên Xô đã đạt được những mục tiêu sau: 1- Loại
bỏ nguy cơ leo thang xung đột dẫn đến mở rộng phạm vi xung đột toàn cầu ít nhất là trong một thời gian; 2- Giúp đồng minh Trung Quốc tháo gỡ sự bao vây của các nước đế quốc, có một vị trí xứng đáng giữa các cường quốc lớn; 3- Thể hiện rõ sự hỗ trợ tích cực đối với Chính phủ Hồ Chí Minh – nhờ đó, Chính phủ Hồ Chí Minh đã có một khoảng lãnh thổ nhất định, để có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội, liên minh chặt chẽ với Liên Xô (Nguồn: А.О.Чубарьян, Н.И.Егорова: Холодная
война. 1945—1963 гг. Историческая ретроспектива, Указ. Соч, C.296).
[93] Francois Joyaux: Trung Quốc và
việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Sđd, tr.255.
[94] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Giơnevơ và
quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc
làm ví dụ, Tlđd, tr.4.
[95] Chen Jian: China and the First Indo-China War, 1950-54, The China Quarterly, No. 133 (Mar, 1993), P.110.
[96]Christopher E. Goscha: “Courting
Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the
Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Ibid.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!