Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH HỆ THỐNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA


Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
1-Mười ngày rung chuyển thế giới
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sự chuyển biến của chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa đế quốc khiến cho các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản trở nên hết sức gay gắt. Về kinh tế, các ông chủ tư bản tăng cường bóc lột các tầng lớp nhân dân khiến đời sống các tầng lớp này đã khốn khó lại càng cùng cực thêm. Sự cách biệt giữa tầng lớp thượng lưu với nhân dân lao động ngày càng lớn dần lên. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp, thúc đẩy cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và công nhân, giữa nông dân và địa chủ ở các nước tư bản diễn ra quyết liệt.
Đầu thế kỷ XX, trung tâm cách mạng thế giới từ nước Đức đã chuyển sang nước Nga. Lúc này, chủ nghĩa tư bản ở Nga với tính chất độc quyền và lũng đoạn cộng lực với tàn tích nông nô và chế độ quân chủ chuyên chế điển hình của Nga hoàng trở thành tác nhân quan trọng khiến các mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản, giữa địa chủ và nông dân trở nên hết sức sâu sắc. Nước Nga đế quốc phong kiến trở thành mắt khâu yếu nhất trong hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa.

    Chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914-1918 có những tác động to lớn và trực tiếp đến Nga lạc hậu. Giai cấp thống trị nước Nga Sa hoàng tỏ ra bất lực trước những mâu thuẫn cơ bản đang từng ngày gay gắt trong lòng nước Nga. Hưởng ứng lời kêu gọi của V.I. Lênin “biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”, giai cấp công nhân Nga tham gia cuộc Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai năm 1917. Mặc dù cuộc cách mạng chưa mang lại kết quả triệt để, song đó là tiền đề quan trọng cho một cuộc tấn công mới. Sau cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1917, tình hình nước Nga diễn biến nhanh chóng và có phần thuận lợi cho phong trào cách mạng. Đầu tháng 10-1917, những dấu hiệu của tình thế cách mạng đã bộc lộ rõ và khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay Xô viết” là lời hiệu triệu cho một cuộc tổng tiến công quyết liệt. Dưới sự lãnh đạo của  V.I. Lênin và Đảng Bônsevích, cách mạng vô sản nổ ra, giành thắng lợi hoàn toàn. "Hòa bình cho các dân tộc", "Ruộng đất cho nông dân", "Bánh mì cho người đói", "Tự do cho người nô lệ"... Những khẩu hiệu tự thân nó không chỉ phản ánh nhu cầu của đại đa số quần chúng, mà sự đáp ứng nó còn cho thấy tính nhân văn của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới. Những khẩu hiệu đó đồng thời cũng chỉ báo rằng, Cách mạng tháng Mười không tước bỏ của con người quyền chiếm hữu sản phẩm xã hội, nó chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác. Qua những khẩu hiệu thiết thực ấy, Cách mạng tháng Mười đích thực là một cuộc cách mạng giải phóng những người nghèo khổ và vì những người nghèo khổ - những con người đã dũng cảm vùng dậy với một niềm tin vững chắc ở một tương lai tươi sáng – nơi không có roi da và khói súng. Vượt qua tính hạn chế, nửa vời của các cuộc cách mạng trước đó, Cách mạng tháng Mười xóa đi sự cách biệt giữa tầng lớp thượng lưu Nga với nhân dân lao động Nga, xóa đi sự tồn tại của "hai dân tộc trong một dân tộc" - hai dân tộc này từ lâu đã nói hai ngôn ngữ khác nhau: Người ở trên - tiếng Pháp, người ở dưới - tiếng Nga dung dị.
Không chỉ lãnh đạo thành công cuộc cách mạng đổi đời xóa đi quá khứ đen tối với áp bức bất công, sáng tạo có tính đột phá của V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga là việc thiết lập Chính quyền Xô-viết. Vừa ra đời, trong đêm thắng lợi đầu tiên của cách mạng, Chính quyền Xô viết đã ban hành Sắc lệnh hòa bìnhSắc lệnh ruộng đất, thể hiện ở mức độ cao nhất tinh thần vì nền hòa bình chung của nhân loại, phấn đấu loại bỏ ách áp bức giai cấp đối với người nông dân, trả cho họ quyền dân chủ thiết thực – quyền sở hữu ruộng đất, giải phóng họ khỏi kiếp làm thuê trên ngay chính mảnh đất của mình. V.I. Lê-nin và những người đồng chí hướng đã xây một Nhà nước của số đông, của quảng đại quần chúng lao động, có cơ chế hoạt động, điều hành, quản lý tương thích với lợi ích của dân chúng số nhiều đã đổ máu làm cách mạng. Với trí tuệ mẫn tiệp, với kinh nghiệm cách mạng phong phú, V.I. Lê-nin hiểu rằng: “Nếu quyền lực chính trị trong nước nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số, thì mới có thể thực hiện việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số. Nhưng nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác với quyền lợi của đa số, thì việc điều khiển công việc quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy”[1].
Nếu như các cuộc cách mạng trước đây chỉ dẫn đến sự thay đổi hình thức người bóc lột người, còn chế độ tư hữu cùng với hình thức áp bức, bóc lột không bị xoá bỏ, thì Cách mạng Tháng Mười thủ tiêu mọi hình thức tư hữu, mọi bất bình đẳng dân tộc và xã hội. Chính biến tháng Mười "là đỉnh cao của việc giải quyết các vấn đề xã hội - chính trị mà vào giai đoạn đó, chính quyền đương thời không giải quyết được. Cuộc cách mạng này đã đưa nhân dân đến với sự bình đẳng giữa các công dân trong xã hội, sự thống nhất và đoàn kết giữa các dân tộc"[2]. Với mục tiêu xây dựng một nước Nga mới, V.I.Lênin chủ trương thông qua chủ nghĩa tư bản, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng sự can thiệp vũ trang của các nước đế quốc và cuộc phiến loạn loạn phản cách mạng trong nước buộc Nhà nước Xôviết phải thực hiện chính sách “Cộng sản thời chiến” (1918-1920). Đó là mô hình chủ nghĩa xã hội lấy quốc hữu hoá tư liệu sản xuất làm cơ sở cùng với thể chế kế hoạch và phân phối nhà nước cao độ, tập trung mọi quyền lực vào tay Trung ương; Nhà nước trưng thu không bồi thường lương thực của nông dân, xoá bỏ thị trường, cấm trao đổi hàng hoá và hoạt động buôn bán, thực hiện chế độ tem phiếu cung cấp… Dù có nhiều khuyết tật, song mô hình này có ý nghĩa quan trọng cho sự tồn tại, phát triển của Liên Xô trong giai đoạn nội chiến.
Mùa xuân năm 1921, khi chiến tranh và nội chiến kết thúc, tỉnh táo đánh giá tình hình, nhận thức về sự cản trở sự phát triển sản xuất của mô hình “Cộng sản thời chiến”, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích từ bỏ chính sách này, chuyển sang chính sách Kinh tế mới (NEP) - từ bỏ tiến thẳng, lựa chọn biện pháp đi vòng lên chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ hiện trạng kinh tế nước Nga lạc hậu, V.I.Lênin chủ trương cho phép bộ phận kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển, thu hút vốn nước ngoài, thực hiện chế độ tô nhượng và cho thuê. Mục tiêu của toàn bộ thay đổi đó là tuân theo quy luật cạnh tranh thị trường hàng hoá, Nhà nước công nông phải nhanh chóng đuổi kịp làn sóng cách mạng kỹ thuật mới của thế giới; đồng thời, tích lũy kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm quản lý kinh tế, quản lý nhà nước. Về bộ máy nhà nước, loại trừ tập quyền, bệnh quan liêu, phát huy dân chủ… là nhiệm vụ sống còn.
Sau khi V.I.Lênin mất, NEP không còn được chú trọng. Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Stalin, Liên Xô chủ trương đẩy nhanh quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy nhanh quá trình tập thể hoá nông nghiệp. Trong điều kiện đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới, mục tiêu nhanh chóng biến nước Nga lạc hậu thành nước công nghiệp đi đôi với xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, xoá bỏ nghèo nàn lạc hậu, chuẩn bị đối phó với nguy cơ chiến tranh là những mục tiêu ưu tiên. Giải quyết vấn đề cấp bách đặt ra, Nhà nước Xôviết lựa chọn áp dụng cơ chế kế hoạch hoá tập trung. Quả thật, như một điều thần kỳ, với khả năng tập trung phần lớn nhân lực, vật lực, cơ chế đó đã mang lại những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô: Trong một thời gian ngắn, với ba kế hoạch 5 năm, Liên Xô đã tiến hành công nghiệp hoá, điện khí hoá, tập thể hoá và cơ giới hoá nông nghiệp, biến Liên Xô từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành nước công nghiệp tiên tiến, đưa Liên Xô từ vị trí thứ 5 trong nền kinh tế thế giới trước năm 1917 (sau Mỹ, Anh, Pháp, Đức) nhảy vọt lên đứng thứ 2 (sau Mỹ), đời sống của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc được cải thiện và nâng cao, bộ mặt xã hội đã có những thay đổi to lớn, thực tiễn xã hội tỏ rõ tính ưu việt. Trong khi đó, sau khủng hoảng kinh tế 1929-1933, thế giới tư bản phục hồi đôi chút, nhưng năm 1937 lại rơi vào khủng hoảng kinh tế mới, khiến cho những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản bộc lộ gay gắt và bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai.
2-Từ một nước đến nhiều nước
Cách mạng Tháng Mười và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã có sức cuốn hút to lớn đối với hàng triệu con người bị áp bức trên khắp năm châu vào cuộc đấu tranh vứt bỏ hình thức nô lệ cuối cùng: Nô lệ tư bản chủ nghĩa hay nô lệ làm thuê; trở thành xung lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển. V.I.Lê-nin từng khẳng định: “Không thể có bức tường ngăn cách giữa những chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười và những chiến thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế”[3]
Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phụ thuộc - nơi tập trung hơn 70% dân số thế giới. Cách mạng Tháng Mười lên án chế độ thuộc địa dựa trên một thiểu số nhỏ, đại biểu cho giới tư sản lũng đoạn nô dịch đa số nhân dân. Với việc giải quyết thành công vấn đề dân tộc ở nước Nga trên cơ sở dân chủ, bình đẳng, vì lợi ích của nhân dân lao động, với chính sách dân tộc được ban hành, với việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết, Cách mạng Tháng Mười thức tỉnh ý thức dân tộc của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh viết: “Cuộc Cách mạng Tháng Mười đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, làm cho nó trở thành một làn sóng mãnh liệt trong tất cả các nước phương Đông”[4]. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã phá vỡ một mảng quan trọng của thế giới tư bản chủ nghĩa, những ngọn lửa của cao trào cách mạng vô sản bùng lên mạnh mẽ, hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc bị thủ tiêu. Một loạt nước giành lại được nền độc lập dân tộc của mình, thu hẹp căn bản sự thống trị của chủ nghĩa thực dân ở thuộc địa. Sự ra đời của các Nhà nước dân chủ nhân dân và việc thành lập các chính quyền quốc gia dân tộc làm bộ mặt của thế giới bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, bóc lột được đặt vào một thế so sánh lực lượng mới, ngày càng có lợi hơn.
Truớc cách mạng Tháng Mười Nga, thế giới chỉ tồn tại một hệ thống xã hội duy nhất - hệ thống xã hội tư bản chủ nghĩa (bao gồm cả những nước thuộc địa hoặc phụ thuộc). Năm 1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Nhà nước công nông non trẻ đầu tiên trên thế giới phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng thấy của chiến tranh, song điều đó không làm giảm quyết tâm của nhân dân Xô viết kiên quyết bảo vệ đất nước đến cùng, chiến trường Xô – Đức là chiến trường chính chống chiến tranh phát xít ở châu Âu. Tại đây, quân và dân Liên Xô đã kiềm chế gần 70% tổng binh lực của quân Đức[5]. Trong toàn bộ cuộc chiến tranh, quân đội Liên Xô đã tiêu diệt trên ¾ tổng binh lực của quân Đức[6] và có cống hiến to lớn đối với việc đánh bại hoàn toàn quân Đức, cứu cả nhân loại khỏi họa phát xít.
Tham gia chiến tranh, Hồng quân Liên Xô phối hợp với các Đảng Cộng sản ở nhiều nước châu Âu hình thành một mặt trận chống phát xít, chi viện cho nhau, tăng cường liên hệ quốc tế. Sự lớn mạnh của các Đảng Cộng sản trong thời kỳ chiến tranh là cơ sở để khi chủ nghĩa phát xít bị đánh bại, Đảng Cộng sản ở nhiều nước đã đứng lên lãnh đạo quần chúng nhân dân vũ trang giành chính quyền thành lập nhà nước dân chủ nhân dân. Bên cạnh đó, sau khi đánh thắng hoàn toàn phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, Liên Xô ngày càng có vị trí và vai trò quốc tế quan trọng. Kết quả đó tác động tích cực đến tình hình các nước ở châu Âu và châu Á, bức tranh chính trị ở những khu vực này đã hoàn toàn thay đổi. Từ năm 1944 đến năm 1949, ở châu Âu và châu Á đã có 11 nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã giành được chính quyền và sau đó đi lên chủ nghĩa xã hội bằng ba phương thức khác nhau.
Phương thức thứ nhất chủ yếu dựa vào lực lượng vũ trang của nhân dân nước mình, xây dựng các căn cứ địa cách mạng, khi thời cơ đến đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (9-1945); Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Nam Tư (1946); Cộng hoà Nhân dân Anbani (1946); Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (10- 1949).
Phương thức thứ hai chủ yếu dựa vào Hồng quân Liên Xô giải phóng, đồng thời phối hợp với lực lượng vũ trang của nhân dân nước mình: Cộng hoà Nhân dân Ba Lan (1945); Bungari (1946); Hunggari (1946); Tiệp Khắc (1946); Rummani (1948); Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (9-1948). Sau đó, một số nước tiến hành cuộc đấu tranh tranh trong nội bộ chính phủ, trục xuất các phần tử tư sản, trở thành nước cộng hoà dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo: Hunggari (7-1947); Tiệp Khắc (2-1948).
Phương thức thứ ba hoàn toàn do Hồng quân Liên Xô giải phóng và dưới sự giúp đỡ của Liên Xô để đi lên con đường chủ nghĩa xã hội như Cộng hòa Dân chủ Đức (10-1949).
Chủ nghĩa xã hội từ phạm vi một nước đã lan rộng ra nhiều nước và cùng với Liên Xô hình thành lên hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Chủ nghĩa xã hội có mặt ở châu Âu, châu Á với gần 1 tỷ dân, phía Đông bắt đầu từ dãy núi Trường Bạch, phía Tây đến bờ sông Elbe, phía Bắc từ quần đảo phía Bắc, phía Nam đến lưu vực sông Mê công. Năm 1959, dưới sự lãnh đạo của Phiden Castro, cách mạng Cu Ba thành công, chủ nghĩa xã hội mở rộng sang châu Mỹ Latinh. Sau khi ra đời, từ năm 1945 đến năm 1950, giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani, Hunggari, Bungari, Trung Quốc… đã ký kết nhiều hiệp ước hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau
Sau khi ra đời, dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản, phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa xây dựng đường lối phát triển kinh tế theo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin: Quyền tư hữu về tư liệu sản xuất cơ bản bị thủ tiêu, quyền sở hữu cộng cộng được thay thế. Về chính trị, các nước xã hội chủ nghĩa xác lập vai trò lãnh đạo của các đảng cộng sản và công nhân, thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản và thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội.
Như vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga và chiến thắng phát-xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai của nhân dân Xô-viết đồng thời khai sinh cho một hệ thống thế giới mới: Chủ nghĩa xã hội hiện thực, chuyển thế giới từ chỗ chỉ là một hệ thống duy nhất- chủ nghĩa tư bản, sang trạng thái có hai hệ thống đối lập: Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội không chỉ còn là lý tưởng, mà đã được từng bước hiện thực hoá. Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trở thành mâu thuẫn cơ bản, chi phối hầu như toàn bộ những quá trình vận động của lịch sử suốt thế kỷ XX.
 Có thể Dowload tại địa chỉ: Mục Chuyên luận, Trang Web TRI THUC

[1] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t. 34, tr. 52.
[2] Mạc Thủy: Giới chính khách và học giả Nga nghĩ gì về Cách mạng tháng Mười?  http://nhipcauthegioi.hu
[3] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t. 36, tr. 625.
[4] Hồ Chí Minh:Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp giải phóng dân tộc ở các nước Phương Đông”, báo Nhân dân, ngày 5-6-1957.
[5] Tiêu Phong: Hai chủ nghĩa một trăm năm, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 71.
[6] Tiêu Phong: Hai chủ nghĩa một trăm năm, Sđd, tr. 71.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!