Nguyễn Thị Mai
Hoa
Là những nước có chung
đường biên giới, có vị trí địa lý kề cận, có những nét lịch sử - văn hóa tương
đồng, Việt Nam, Lào, Campuchia sớm có mối quan hệ mật thiết gắn bó máu thịt.
Tình đoàn kết hữu nghị giữa ba nước anh em trên bán đảo Đông Dương không chỉ có
từ rất sớm, mà còn khá bền chặt. Quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc
Việt – Lào-Campuchia luôn được ĐLĐVN coi trọng, coi đó là quan hệ chiến lược,
có ý nghĩa sống còn với vận mệnh ba nước. Được hình thành trong những năm
tháng gian khó chung lưng đấu cật kháng chiến chống thực dân Pháp, trong kháng
chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc
tiếp tục được bồi đắp, củng cố và phát triển. Trước những tính toán và hành
động xâm lược Đông Dương của Mỹ, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia một
lần nữa cùng chung chiến hào đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc.
Trong quan hệ đoàn kết chiến đấu keo sơn đó, Việt Nam luôn
gánh vác trách nhiệm đầu tàu, nêu cao tinh thần đoàn kết, cố gắng làm hết sức
mình cho việc củng cố, phát triển tình hữu nghị giữa ba dân tộc trên bán đảo
Đông Dương.
Sự hấp dẫn, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của vấn đề nghiên cứu khiến cho
số lượng công trình nghiên cứu hoặc về, hoặc có liên quan đến đề tài khá đồ sộ,
đa dạng về chủng loại, phong phú ở góc độ tiếp cận. Khảo cứu một cách kỹ càng,
cần trọng những công trình nghiên cứu của những nhà nghiên cứu đi trước là thao
tác khoa học cần thiết, quan trọng, là một trong những cơ sở để tác giả đề tài
hoàn thành mục đích nghiên cứu của mình.
Hệ
thống hóa, phân tích các công trình khoa học về, hoặc liên quan trực tiếp đến
vấn đề quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt
–Lào – Campuchia,
dựa vào đối
tượng, mục đích, phạm vi, nhiệm vụ nghiên cứu của các công trình đã khảo
cứu, tác
giả chọn cách tiếp cận theo nội dung vấn đề nghiên cứu để phân
loại công trình. Tư liệu về quan hệ đoàn kết
chiến đấu Việt –Lào – Campuchia có thể phân chia thành những nhóm sau:
1.
Nhóm công trình có liên quan đến đề tài nghiên cứu
- Nhóm công trình viết về quan hệ quốc tế và
quan hệ ngoại giao của Việt Nam
Châu Á trong các kế
hoạch của Bắc Kinh (Iurocov.X.G, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984); Tam giác Trung Quốc – Việt Nam- Campuchia (U.Bocset,
Nxb. Thông tin lý luận, 1985); Sự thật về
quan hệ Thái Lan –Campuchia, Thái Lan – Lào (Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985); Thắng
lợi có tính thời đại và cuộc đấu tranh trên mặt trận đối ngoại của nhân dân ta
(Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985); 50 năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995 (Lưu
Văn Lợi, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1996); Quan hệ quốc tế từ 1945-1995
(Hoàng Văn Hiển, Nguyễn Viết Thảo, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998); Ngoại
giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2000); Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do
1945-1975 (Nguyễn Phúc
Luân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001); Ngoại giao Việt Nam 1945-2000
(Nguyễn Đình Bin chủ biên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002); Mỹ – Xô -
Trung trong cuộc đối đâu lịch sử (Lý Kiện, Nxb Thanh niên, 2008)...
Trong những công trình
này, các tác giả đã tập trung trình bày những nét tổng quan về đường lối đối
ngoại, quan điểm quốc tế của ĐLĐVN trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và
chống Mỹ; trình bày chính sách đối ngoại và các quan hệ ngoại giao của Việt Nam
(từ năm 1945 trở đi)... Quan hệ giữa ba nước Đông Dương được các công trình đề
cập đến, nhưng với dung lượng, độ sâu nhất
định và chủ yếu trên chiều cạnh quan hệ chính trị - ngoại giao, nội dung đoàn
kết, phối hợp chiến đấu về quân sự mới được đề cập ở mức độ nhất định.
- Nhóm công trình viết
về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Sức mạnh Việt Nam (Nxb Quân đội nhân
dân, Hà Nội, 1976); Mười tám năm chống Mỹ
cứu nước thắng lợi (Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974); Mặt trận ngoại
giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước (Nguyễn Duy Trinh, Nxb. Sự thật, Hà Nội,
1979); Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân
mới của Mỹ ở Việt Nam (Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự, Hà Nội, 1991);
Giải phẫu một cuộc chiến tranh (Gaibriel
Kolko, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991); Đại thắng mùa xuân 1975 - Nguyên nhân và bài học (Nxb. Quân
đội nhân dân, Hà Nội, 1995); Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
- thắng lợi và bài học (Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996); Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam
(Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997); Chiến
tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng
lợi và bài học (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000); Việt Nam những chặng đường lịch sử (1954-1975), (1975-2005) (Nxb
Giáo dục, thành phố Chí Minh, 2005) …
Những công trình này đi
sâu nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước một cách tổng thể, tập
trung vào những nội dung căn bản nhất của cuộc kháng chiến (xây dựng hậu phương
miền Bắc; diễn biến đấu tranh quân sự trên chiến trường miền Nam; đấu tranh
ngoại giao; nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến…). Liên minh chiến đấu
Việt – Lào, Việt – Miên, liên minh chiến đấu Việt – Lào – Campuchia được đề cập
đến trong hầu hết các công trình, song chủ yếu trên phương diện nguyên nhân
thắng lợi của cuộc kháng chiến, hoặc các diễn biến chiến dịch quân sự có sự
tham gia của quân đội, nhân dân ba nước Đông Dương. Quan hệ đoàn kết chiến đấu
Việt- Lào- Campuchia chưa được nghiên cứu một cách toàn diện.
2.
Nhóm công trình liên quan trực tiếp đến đề tài nghiên cứu
- Nhóm công trình viết về quan hệ Việt – Lào
Thắng lợi to lớn của tình đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương (Nxb Ngoại văn, Bắc Kinh, 1970); Những chặng đường thắng lợi của cách mạng
Lào (1954-1975) (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1977); Quan hệ Việt – Lào; Lào –Việt (Kỷ yếu
hội thảo khoa học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993); Lịch sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia tại Lào (1945-1975) (Viện
Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999); Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam tại Lào
trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) (Viện Lịch sử
quân sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999); Quân khu 4 với nhiệm
vụ quốc tế ở Lào (Trần Văn Thìn, Tạp chí
Lịch sử quân sự, số 1-2005); Hồ Chí Minh người đặt nền móng cho quan hệ
Việt – Lào (Ngô Quốc Tuấn, Tạp chí
Lịch sử quân sự, số 12-2005);...
Những năm gần đây, Viện Lịch sử quân
sự Việt Nam được các Ban liên lạc cùng nhiều
cộng tác viên nguyên là cán bộ, chiến
sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào cộng tác,
giúp đỡ đã thu thập tư liệu, tổ chức biên soạn xuất bản các cuốn: "Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Hạ Lào - Đông Bắc Cam-pu-chia
(1948-1954)" năm 1998; "Lịch sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào
(1945-1975)" (Đoàn 100 cố vấn quân sự và Đoàn 959 chuyên gia quân sự),
năm 1999; "Lịch sử quân tình nguyện
Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp tại Lào (1945-1954)",
năm 2002; "Lịch sử các đoàn
81, 82, 83, 280 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (1945-1954)", năm
2004….Trên cơ sở những công trình như “Lịch sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại
Lào 1945-1975” (Đoàn 100, Đoàn 959), “Lịch sử Sư đoàn 968”, “Lịch
sử Sư đoàn 316”, “Lịch sử Sư đoàn 31”
đã xuất bản và bản thảo lịch sử một số sư đoàn khác đang được hoàn chỉnh, cùng
một số tài liệu liên quan khác, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức biên soạn
cuốn: "Lịch sử quân tình nguyện và
chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)".
Cuốn sách tiếp cận, khai thác những hoạt động chủ yếu của quân tình nguyện và
chuyên gia quân sự Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào, giúp
quân đội cách mạng Lào tổ chức, xây dựng, phát triển lực lượng quân sự, chính
trị, xây dựng căn cứ kháng chiến; cùng các đơn vị quân đội và nhân dân các bộ
tộc Lào phối hợp với các đơn vị quân chủ lực Việt Nam chiến đấu, giành thắng
lợi từng bước, tiến tới đưa cuộc KCCM ở Lào đến thắng lợi hoàn toàn. Trong
chuỗi các công trình được các Ban liên lạc,
cùng nhiều cộng tác viên nguyên là cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào
cộng tác, giúp đỡ, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức biên soạn lịch sử một
số đoàn quân tình nguyện thực hiện nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Lào trong
cuộc kháng chiến chống Pháp, lấy tên chung Lịch
sử các đoàn 81, 82, 83, 280 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (1945-1954). Trên
nền tư liệu phong phú, cuốn sách phản ánh khá khách quan, trung thực, sinh động
những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế của cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện trên
các chiến trường Xiêng Khoảng (Đoàn 81), Bắc Lào (Đoàn 82), Viêng Chăn (Đoàn
83), Trung Lào (Đoàn 280).
Nhìn chung, đây là nhóm
công trình tương đối phong phú, tập trung làm sáng tỏ các nội dung về lịch sử
cách mạng Lào, về quan hệ Việt – Lào, về sự giúp đỡ của chuyên gia Việt Nam đối
với cách mạng Lào trên lĩnh vực quân sự. Có thể nhận thấy rằng, một mặt, đây
là những cơ sở tư liệu tốt để trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi soi chiếu,
bổ sung nội dung nghiên cứu của đề tài cho phù hợp; mặt khác, trục quan hệ chính ở đây là
quan hệ Việt – Lào; Lào- Việt, còn quan hệ giữa Việt Nam – Lào- Campuchia còn
chưa đặt làm nội dung nghiên cứu, có chăng, thì dừng lại ở mức độ đưa ra cái
nhìn tổng quát, làm phông nền cho việc tập trung nghiên cứu quan hệ Việt – Lào;
Lào – Việt.
- Nhóm công trình viết về quan hệ Việt Nam – Campuchia
Campuchia – Thắng lợi của một cuộc cách mạng chân chính (Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979); Cách mạng Campuchia và nghĩa vụ quốc tế của
quân đội ta (Hà Giao, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1982); Tổng kết về Campuchia (1945-1979) (Viện
Lịch sử quân sự Việt Nam, tập I, tập II, Hà Nội, 1985); Lịch sử quân đội các nước Đông Nam Á
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006); Lịch sử Campuchia (Phạm Đức Thành, Nxb.
Thông tin, Hà Nội, 1995); Từ cuộc chiến
chống C.I.A đến người tù của Khowmer đỏ (Norodom Xihanuc, Nxb Công an nhân
dân, Hà Nôi, 2003); Bộ Quốc phòng
1945-2000 (Biên niên sự kiện) (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội
nhân dân, Hà Nội, 2003); Hun sen – Nhân
vật xuất chúng của Campuchia (Barish C. Mehta.
Julie B. Mehta,
Nxb Văn học, Hà Nội, 2009)….
Trong nhóm công trình
này, công trình Cộng hòa nhân dân Campuchia mười năm
bảo vệ và xây dựng đất nước (Nxb Sự thật,
Hà Nội, 1989) của tác giả Phạm Thành đã mô tả tương đối toàn diện quá trình
nhân dân Campuchia hồi sinh, xây dựng đất nước với sự giúp đỡ của Việt Nam và
của cộng đồng quốc tế. Quan hệ chiến đấu, liên minh chiến đấu Việt Nam –
Campuchia trong những năm KCCM được tác giả mô tả khái lược.
Năm 2010, Viện Lịch sử
quân sự Việt Nam biên soạn và cho xuất bản cuốn: "Lịch sử Quân tình nguyện và
chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1978-1989)", nhằm khẳng định sự giúp đỡ to lớn với tinh thần quốc tế vô
sản trong sáng, vô tư của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt
Nam đối với cách mạng Campuchia; đồng thời, góp phần phát triển tình đoàn kết
hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Nội dung
chính của cuốn sách tập trung trình bày hoạt động của Quân tình nguyện và
chuyên gia quân sự Việt Nam, trong đó tập trung làm rõ quá trình giúp cách mạng
và nhân dân Campuchia (1978), đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giành chính
quyền về tay nhân dân (1979), truy quét tàn quân địch, xây dựng lực lượng chính
trị, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, đến khi thực hiện thắng lợi ba
mục tiêu chiến lược do Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng
Campuchia đề ra, rút hết Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam về
nước (1989). Để có cái nhìn liền mạch, xuyên suốt, trong phần Mở đầu (dài hơn 20 trang), tập thể tác
giả khái lược về yêu cầu khách quan hình thành quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt
Nam – Campuchia, tiến trình lịch sử của quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt – Miên
thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tuy mới chỉ khái lược, song những
sự kiện chủ yếu được nhắc đến có giá trị định hình cho những người bắt đầu
nghiên cứu quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt – Miên.
Tác giả Nguyễn Đệ trong
công trình Bộ
đội tình nguyện Quân khu 9 qua hơn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia (Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995) đã mô tả, phân tích
quá trình bộ đội Quân khu 9 giúp đỡ nhân dân Campuchia đứng lên sau họa diệt
chủng. Quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Campuchia trong KCCM cũng được tác
giả mô tả khái lược.
Khái lược lại, đây là nhóm công trình nghiên cứu trọng tâm về cách mạng
Campuchia, lịch sử Campuchia và quan hệ Việt Nam – Campuchia. Nói chung, trong
so sánh với các công trình nghiên cứu về quan hệ Việt – Lào, nhóm công trình
này ít hơn về số lượng, nội dung cũng chưa sâu, chủ yếu chú trọng nghiên cứu
giai đoạn từ khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia và giúp Campuchia hồi sinh đất
nước. Ở nhóm công trình này, quan hệ Việt Nam – Campuchia, liên minh, quan hệ
đoàn kết chiến đấu Việt – Lào – Campuchia trong KCCM được nghiên cứu ở mức độ nhất định và chủ yếu là sự phối
hợp tác chiến quân sự. Còn rất nhiều vấn đề về quan hệ hợp tác cùng chung chiến
hào chống Mỹ Việt Nam – Campuchia vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đặc biệt,
các con số, số liệu cụ thể về sự có mặt của các chuyên gia quân sự Việt Nam tại
Campuchia; viện trợ vật chất của Việt Nam cho lực lượng cách mạng Campuchia;
quá trình giúp Campuchia xây dựng lực lượng cách mạng; bố trí cán bộ giúp
Campuchia … trong KCCM vẫn cần tiếp tục được
bổ sung, làm rõ
- Nhóm công trình viết về quan hệ Việt – Lào- Campuchia
Liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào- Campuchia trong kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước (Vũ Quang Hiển, trong
sách “Việt Nam trong tiến trình thống nhất, đổi mới và hội nhập, Nxb Đại học
Quốc gia, Hà Nội, 2005); Liên minh đoàn
kết chiến đấu Việt Nam-Lào-Campuchia (Hoàng Văn Thái, 1983, Nxb. Sự thật); Chiến
công chung của ba nước Đông Dương (Lê Văn Phong, nhandan.vn, ngày 3-5-2009); Ngời sáng tình đoàn kết Việt Nam – Lào – Campuchia (Trần Hữu Huy,
nhandan.vn, ngày 9-5-2009); Liên minh
chiến đấu Việt Nam – Lào- Campuchia trong kháng chiến chống Mỹ (Dương Đình
Lập, Báo Quân đội nhân dân, số ngày 4-5-2010); ….
Trong cuốn Liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam-Lào-Campuchia (Nxb. Sự thật, 1983), tác giả
Hoàng Văn Thái bước đầu mô tả quan hệ liên minh chặt chẽ về mặt quân sự của
Việt Nam và Campuchia trong các giai đoạn lịch sử quan trọng và cả trong giai
đoạn ngắn CHND Campuchia hồi sinh đất nước sau họa diệt chủng (sau năm 1979).
Cuốn sách khẳng định: Trong mọi thời kỳ, những chiến sĩ quân tình nguyện Việt
Nam không quản ngại hy sinh, gian khổ đã cùng kề vai, sát cánh cùng quân dân
Campuchia đánh đuổi kẻ thù chung, giành lấy những thắng lợi cho cách mạng mỗi
nước.
Nhìn chung, đây
là nhóm công trình có số lượng tương đối khiêm tốn và chủ yếu là các bài nghiên
cứu ngắn đăng trên tạp chí, báo hoặc trong tuyển tập sách. Các tác giả thường
đi vào miêu tả một cách khái quát về liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương, ý
nghĩa của liên minh đối với thắng lợi của cuộc KCCM trên bán đảo Đông Dương.
Như
vậy, tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài, có thể nhận
thấy rằng, cho tới nay đã có khá nhiều
công trình nghiên cứu được công bố có liên quan hoặc liên quan trực tiếp tới
quan hệ đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương những năm chống Mỹ, cứu nước.
Điều đó cho thấy sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đối với vấn đề này là tương
đối lớn; đồng thời, các công trình tổng
thuật trên đây đều là những công trình có giá trị tham khảo tốt đối với đề tài.
Tổng quan tình hình
nghiên cứu có liên quan đến đề tài có thể đi đến kết luận:
- Các nhà nghiên cứu đi trước nghiên cứu
về quan hệ Việt Nam – Lào – Campuchia có ba xu hướng chính: 1- Nghiên cứu về
quan hệ giữa ba nước Đông Dương với tư cách là một một nội dung liên quan, nhằm
làm bổ trợ, làm sáng tỏ những vấn đề chủ yếu thuộc đối tượng nghiên cứu là cuộc
KCCM; 2- Các nhà nghiên cứu
đặt trọng tâm chủ yếu vào nghiên cứu sự phối hợp quân sự trên chiến trường ba
nước Đông Dương; 3- Các nghiên cứu chủ yếu nghiêng về quan hệ Việt – Lào; Việt
Nam – Campuchia, còn quan hệ đoàn kết chiến đấu Việt Nam -Lào- Campuchia
chưa được đề cập sâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!