Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

VÀI NÉT VỀ HÔI GIÁO Ở ĐÔNG NAM Á



MỞ ĐẦU
Ở Đông Nam Á, bức tranh về tôn giáo rất đa dạng nhiều vẻ, bởi trong quá trình phát triển của lịch sử, ở đây đã hội tụ đầy đủ các hệ ý thức tư tưởng từ cả Phương Đông( Trung Quốc, Ấn Độ, Arập) và Phương Tây. Trong bức tranh văn hoá Đông Nam Á, Hồi giáo là một tôn giáo trong cái đa dạng, nhiều vẻ ấy và là nhân tố quan trọng trong bản sắc văn hoá Đông Nam Á. Trong quá trình xâm nhập và phát triển của mình tại đây, Hồi giáo đã có một địa vị chắc chắn ở nhiều nước của khu vực. Cùng với sự sụp đổ của các quốc gia cổ đại, nhiều tiểu quốc Hồi giáo ra đời, Hồi giáo đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế hàng hoá của các nước Đông Nam Á. Còn với sự xuất hiện của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á, Hồi giáo trở thành ngọn cờ "chiến tranh thần thánh" của các cư dân Hồi giáo chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân cơ đốc giáo để bảo vệ đất nước, bảo vệ đạo. Từ đây, Hồi giáo bắt đầu đi sâu vào đời sống chính trị của nhiều nước Đông Nam Á và để lại nhiều dấu ấn. Tuy sau này, vào thời kì các nước Đông Nam Á giành độc lập, xây dựng và phát triển đất nước, vai trò của Hồi giáo ở mỗi quốc gia có khác nhau trong nền chính trị của mỗi nước, nhưng có thể nói, sự phát triển và lớn mạnh của  Hồi giáo ở Đông Nam Á hiện nay là không thể phủ nhận được.
Hơn nữa, ngoài tư cách là một yếu tố cấu thành của nền văn hoá khu vực, Hồi giáo còn  là một trong những tôn giáo can thiệp sâu vào đời sống chính trị nhất. Cho nên tìm hiểu Hồi giáo là một việc cần thiết. Đó chính là lý do vì sao tác giả tiểu luận  chọn vấn đề tìm hiểu đạo Hồi- một tôn giáo vượt ra ngoài khuôn khổ thường thấy ở một tôn giáo, có khả năng chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến hoà bình, ổn định ở khu vực.
Mục đích chính của chuyên luận là tìm hiểu quá trình xâm nhập của đạo Hồi vào Đông Nam Á, cũng như tình hình hiện tại của Hồi giáo ở một số nước trong khu vực, lý giải tại sao Hồi giáo lại dễ dàng xâm nhập và có một vị trí quan trọng ở  Đông Nam Á. Nhằm giải quyết mục đích trên, chuyên luận làm sáng tỏ:
1. Những nét đặc trưng văn hoá chung của khu vực Đông Nam Á.
2. Sự xâm nhập của đạo Hồi vào Đông Nam Á.
3. Nguyên  nhân của sự xâm nhập thuận lợi của đạo Hồi vào Đông Nam Á.
4. Tình hình Hồi giáo hiện nay ở một số nước trong khu vực
Những vấn đề nêu trên cũng tương ứng với cấu trúc của chuyên luận.
NỘI DUNG
I. Vài nét về Đông Nam Á
Đông Nam Á là một khu vực khá rộng, diện tích khoảng trên 4 triệu km2. Về mặt địa lý- hành chính, Đông Nam Á hiện nay có 10 nước: Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Thái lan, Mianma, Malaixia, Xingapo, Inđônêxia, Philippin và Brunây với dân số khoảng trên 478 triệu người, với nhiều sự khác biệt về diện tích, dân số, mức sống.
Đông Nam Á từ lâu vẫn được coi là khu vực có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ lịch sử khu vực và thế giới, từ những bước đi đầu tiên của loài người cũng như trong từng chặng đường lịch sử. Là khu vực " ngã tư đường", là cầu nối giữa thế giới Trung Quốc, Nhật Bản với khu vực Tây Á và Địa Trung Hải, nên không phải ngẫu nhiên mà mối liên hệ của khu vực này với thế giới đã được xác lập ngay từ thời cổ đại.
Ở Đông Nam Á, từ trước khi tiếp xúc với các nên văn minh từ bên ngoài, các cư dân của nó đã có một đời sống văn hoá khá cao. Cho đến trước thế kỉ XVI, Đông Nam Á đã nổi lên như một trong những trung tâm văn minh, một khu vực địa lý- lịch sử- văn hoá. Đương nhiên, trong quá trình phát triển, Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của các nền văn minh bên ngoài, song sự tác động này không vì thế biến khu vực này thành khu vực " Ấn Độ hoá" hay " Hán hoá", mà nó đã lựa chọn những gì thích hợp nhất trong những thế giới ấy, đồng thời hoà nhập với các đặc điểm của mình, chứ không phải tiếp thu tất cả những gì xa lạ với nó.
Cùng sinh tụ trên một khu vực địa lý, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo nên một nền văn hoá bản địa có cội nguồn chung từ thời tiền sử và sơ sử trước khi tiếp xúc với văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ. Trong tính thống nhất của khu vực, nền văn hoá đó có nguồn gốc và bản sắc riêng của mỗi dân tộc, được phát triển liên tục suốt chiều dài lịch sử.
Xét về cội nguồn, Đông Nam Á có những đặc điểm văn hoá chung tạo nên tính thống nhất của cư dân toàn vùng. Theo các nhà nghiên cứu, thì sở dĩ cư dân Đông Nam Á có những nét chung thống nhất về mặt văn hoá vì cư dân ở đây có cùng một nền tảng văn hoá Nam Á (culture austroasiatique), lấy sản xuất lúa nước làm phương thức hoạt động kinh tế chính. Đông Nam Á là một trong những cái nôi trồng trọt cổ của loài người. Nông nghiệp lúa nước đã trở thành cội nguồn, thành mẫu số chung của nền văn minh khu vực. Đó là một nền văn minh có đủ sắc thái đồng bằng, biển, nửa rừng với đủ các dạng kết cấu đan xen, phức tạp...Nhưng mẫu số chung vẫn là văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, văn hoá xóm làng.
Vào những thế kỉ tiếp giáp công nguyên, trước sự xâm nhập của hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, nền văn hoá chung của Đông Nam Á có những thay đổi và các thành tố của nó trở thành cơ tầng Đông Nam Á của tất cả các nền văn hoá dân tộc, được bảo lưu như là kho vốn chung của các nước Đông Nam Á, tạo nên truyền thống liên kết với nhau.
Trong những điều kiện lịch sử cụ thể, với các ứng xử không giống nhau trong quá trình tiếp xúc với văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ và sau này của các nền văn hoá Âu, Mỹ, các cư dân trong vùng đã xây dựng nền văn hoá quốc gia-dân tộc độc đáo, đa dạng, phong phú nhưng vẫn có những nét tương đồng khu vực. Sau một thời gian tiếp thu và chọn lọc, các dân tộc Đông Nam Á đã xây dựng một nền văn hoá riêng của mình và đóng góp vào kho tàng văn hoá chung của loài người những giá trị tinh thần độc đáo.
II. Sự xâm nhập của  đạo Hồi vào Đông Nam Á
Đạo Hồi nguyên gốc từ chữ Arập có nghĩa là Ixlam (sự phục tùng, sự tuân lệnh), là một tôn giáo thế giới. Cũng như mọi tôn giáo thế giới khác, đạo Hồi ra đời gắn liền với những chuyển biến xã hội vĩ đại và có khả năng truyền bá rộng rãi, không chỉ bó hẹp trong một cộng đồng dân tộc hay một bộ tộc hoặc khu vực. Hiện nay, đạo Hồi là một tôn giáo có số lượng tín đồ và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn thứ hai sau Ki-tô giáo (với 1.162.000.000 tín đồ) có mặt ở hơn 50 nước của tất cả các châu lục, trải dài thành một vòng cung lớn từ Bắc Phi tới Indonesia và Philipines, với trung tâm tinh thần ở Saudi- Arabia  (Medina, La meca). Còn về mặt dân số thì trọng điểm ngả về phương Đông: châu Á có 812 triệu người Hồi giáo, châu Phi 315 triệu, châu Âu 31 triệu, Nam Mỹ 2 triệu. Đáng chú ý là nước Pháp có gần 5 triệu tín đồ Hồi giáo, Mỹ có khoảng 4 triệu. Indonesia là nước đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới: hơn 174 triệu người, Pakistan xếp thứ hai với hơn 142 triệu, Bangladesh xếp thứ ba với 11 triệu. Trong các nước của thế giới Hồi giáo, có nước coi Hồi giáo là quốc đạo và dùng giáo luật để cai trị đất nước.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu về Hồi giáo ở Đông Nam Á vẫn chưa đưa ra một kết luận thống nhất về quá trình du nhập của tôn giáo này vào khu vực Đông Nam Á. Điều còn đang gây tranh cãi nhiều nhất là thời điểm, hoàn cảnh, người truyền bá Hồi giáo tới đây (người Arập, Ấn Độ hay Trung Quốc..). Ý kiến được đa số ủng hộ là Hồi giáo du nhập vào đây thông qua các thương gia Arập và Ấn Độ vào khoảng thế kỉ VII-XIII.
Tuy là một tôn giáo lớn trên thế giới, nhưng Hồi giáo đến Đông Nam Á tương đối muộn, vào lúc mà "lưỡi gươm tàn bạo của Hồi giáo" không còn thoả sức hoành hành để mở rộng lãnh thổ và áp đặt tôn giáo cho các cư dân các vùng đất bị người Arập Hồi giáo chiếm đóng nữa.  Hồi giáo xuất hiện ở Đông Nam Á trước đạo Thiên chúa, nhưng thực sự có ảnh hưởng sau đó vài thế kỉ. Thực vậy, một trong những mục đích biện minh cho sự bành trướng của châu Âu vào vùng này là để ngăn chặn đạo Hồi trên cấp độ toàn cầu. Từ lâu, trước khi người Âu đến vùng Đông Nam Á, đạo Hồi đã lan rộng một cách vững chắc dọc theo các con đường buôn bán đường thuỷ nối Tây Ấn Độ và Đông Á. Hồi giáo đến Malaisia, Inđônêxia sau đó qua con đường Malaisia lan ra các đảo miền nam Philippines. Lãnh thổ đầu tiên mà Hồi giáo xâm nhập là vùng bắc Sumatơ. Người Ache là cư dân đầu tiên theo đạo Hồi. Khi Malăcca trở nên cường thịnh, thì nó trở thành trung tâm truyền bá đạo Hồi. Cho đến thế kỉ thứ  XV, bản thân vùng Đông Nam Á hải đảo được gắn với nhau bằng một chuỗi các quốc gia buôn bán theo đạo Hồi. Tiến trình" Hồi giáo hoá" lúc bấy giờ được hoàn tất thông qua việc cải đạo và chinh phục các đảo,  mở rộng vùng giáp ranh Hồi giáo dọc theo các con đường buôn bán hiện có. Trong quá trình Hồi giáo du nhập, thì các thành phố ven biển như: Malăcca, Aleh, Pasai đóng vai trò quan trọng vì chúng là những thành phố và những trung tâm buôn bán lớn, nơi giao lưu buôn bán ở khu vực. Do vậy, điều dễ hiểu những  thành phố đó trở thành trung tâm Hồi giáo đầu tiên, là nơi Hồi giáo đầu tiên xâm nhập tới.
Các thương nhân Ba Tư, Ấn Độ Trung Quốc, Arập có mặt tại khu vực Đông Nam Á khá sớm (thế kỉ VII- VIII) và cùng tham gia vào quá trình Hồi giáo hoá Đông Nam Á. Nhiều khu dân cư buôn bán của họ vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Các khu dân cư này đã từng là những trung tâm hoạt động tôn giáo, truyền bá kiến thức cho về thế giới đạo Hồi cho cư dân địa phương. Điều này góp phần tạo nên một trong những đặc trưng của Hồi giáo ở khu vực này. Đó là  sự pha trộn những yếu tố tín ngưỡng tiền Hồi giáo ở địa phương với những nét văn hoá Ấn Độ Ba Tư  và Hồi giáo chính thống.
Việc Hồi giáo đến Đông Nam Á không có chiến tranh tôn giáo xảy ra, trừ một vài cuộc đụng độ nhỏ ở Philippines là điều không còn phải nghi ngờ gì nữa. Mặc dù đạo Hồi đến Trung Cận Đông và Ấn Độ bằng những cuộc chiến tranh thần thánh, nhưng nó đến Đông Nam Á bằng con đường hoà bình, không phải qua những nhà truyền đạo chuyên nghiệp mà thông qua thương mại và các thương gia Hồi giáo, nên dễ dàng được tiếp nhận và càng ngày càng có những ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, đặc biệt ở các quốc gia hải đảo. Ở một số tiểu quốc, vua đồng thời là giáo chủ, tiểu quốc biến thành Hồi quốc. Ví dụ ở Philipines, tiểu quốc Hồi giáo đầu tiên là Sulu (thế kỉ X -XV), tiểu quốc thứ hai ở Minđanao (thế kỉ thứ XVI). Các hoạt động kinh tế sau khi Hồi giáo truyền vào tấp nập khởi sắc, như ở đảo Malăcca. Cũng từ đây, văn hoá Arập, Ba Tư ảnh hưởng đến Đông Nam Á. So với Ấn Độ giáo, trên một phương diện nào đó, Hồi giáo có tính dân chủ hơn hẳn, vì không bị gò bó bở tính chất giai cấp nặng nề, đáp ứng được khát vọng của nhân dân về sự công bằng, bình đẳng trong cuộc sống, trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, ở mức độ nhất định. Ngoài ra, Hồi giáo ở Đông Nam Á còn có tác dụng đoàn kết các dân tộc trong cuộc chiến chống ngoại xâm.
Ở Đông Nam Á lục địa, các cộng đồng Hồi giáo đã được thiết lập ở Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên các cộng đồng Hồi giáo ở khu vực này chỉ là những cộng đồng dân cư thiểu số, không phát triển mạnh mẽ như ở các nước Đông Nam Á hải đảo, bởi vì khi tới đây, Hồi giáo vấp phải một lực cản lớn là Phật giáo và nền văn hoá Phật giáo- Ấn Độ giáo ở đây. Tuy vậy, Hồi giáo ở khu vực này vẫn có những đặc trưng tôn giáo và văn hoá riêng.
III. Những thuận lợi của Hồi giáo khi đến Đông Nam Á
Khoảng thời gian từ lúc Hồi giáo xâm nhập cho đến khi nó trở thành tôn giáo thống trị ở một số nước Đông Nam Á không phải là dài, bởi vì Hồi giáo đến Đông Nam Á với rất nhiều thuận lợi.
Thứ nhất, thời kì Hồi giáo hoá Đông Nam Á trùng hợp với thời kì khủng hoảng của các vương quốc cổ đại như ở Chămpa lục địa. Vào cuối thế kỉ XV, quốc gia Ấn Độ- Phật giáo Majapahit hùng mạnh trước kia đang bị suy thoái và tan rã. Các tiểu quốc thuộc đế quốc này tách ra khỏi chính quyền trung ương, giành độc lập về kinh tế, chính trị, kéo theo sự sụp đổ của hệ tư tưởng- tôn giáo cũ. Lúc này, hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ giáo đã trở nên lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của chế độ xã hội với sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá. Sự khủng hoảng của hệ tư tưởng Ấn Độ giáo tạo sự trống rỗng trong niềm tin và một lỗ hổng để tôn giáo mới len vào, đó là Hồi giáo- tôn giáo của các thương gia. Nếu như trước đây Hồi giáo ra đời góp phần thống nhất các bộ lạc trên bán đảo Arập thành một đế quốc Hồi giáo vững mạnh, thì lúc này Hồi giáo lại trở thành ngọn cờ của các tiểu quốc trên quần đảo Inđônêxia đấu tranh giành độc lập, phát triển kinh tế, chính trị và quân sự. Tấm gương tiêu biểu là Hồi giáo Malăcca. Malăcca trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất từ một làng đánh cá nghèo khó sau khi giành độc lập. Sau đó, Malăcca không chỉ là trung tâm buôn bán quốc tế  quan trọng, mà còn là một trung tâm truyền giáo lớn nhất thời bấy giờ. Các tiểu quốc khác coi Malăcca là tấm gương, chỗ dựa về kinh tế và tinh thần của họ. Các tiểu quốc miền duyên hải sau khi đi vào quĩ đạo buôn bán với Malăcca dần bị lệ thuộc về tinh thần và cuối cùng trở thành những quốc gia Hồi giáo. Các tiểu quốc thấy rõ Hồi giáo là một vũ khí chính trị sắc bén, giúp tạo dựng một cộng đồng Hồi giáo lớn để thực hiện ý đồ bành trướng lãnh thổ và truyền bá văn hoá của mình,
Thứ hai, quá trình Hồi giáo hoá các vương quốc hải đảo phù hợp với quá trình chuyển hướng kinh tế  của khu vực. Từ một nền kinh tế tự cung, tự cấp các tiểu quốc đã trở thành nơi cung cấp hàng hoá quan trọng, nhất là hương liệu cho châu Âu, do vậy đã sẵn sàng mở cửa cho các thương gia Hồi giáo ngoại quốc vào buôn bán và truyền giáo. Trong khi đó, nguyên tắc bình đẳng, tính phóng khoáng, đơn giản trong lễ nghi của Hồi giáo vốn phù hợp với tầng lớp thương nhân đã được giới quí tộc Inđônêxia và Malaisia tiếp đón. Hơn nữa, khác với khu vực Trung Đông, Hồi giáo đến Đông Nam Á bằng con đường hoà bình, thông qua các cuộc tiếp xúc cá nhân, các cuộc hôn phối của thương nhân Hồi giáo đến định cư, với con gái các tầng lớp quí tộc địa phương. Con đường cải giáo hoà bình và tự nhiên đó rất phù hợp với tâm lý của các cư dân địa phương, giúp họ dễ dàng hoà nhập, tiếp thu Hồi giáo.
Thứ ba, chính tính bao dung, mềm dẻo và thích nghi của Hồi giáo đối với các tín ngưỡng truyền thống địa phương đã khiến cho Hồi giáo mau chóng chiếm được ưu thế ở các nước Đông Nam Á. Trong quá trình Hồi giáo hoá, một số tập tục, truyền thống địa phương lại góp phần đắc lực đẩy nhanh quá trình Hồi giáo hoá. Ví dụ như ở Inđônêsia, chế độ vương quyền và lòng trung thành với nhà vua trên quần đảo Malay đã khiến cho khi nhà vua cải đạo theo Hồi giáo thì nhất loạt dân chúng cũng mau chóng cải đạo theo.
Thứ tư, khi Hồi giáo đến Ấn độ đã tiếp thu chủ nghĩa thần bí của phương Đông. Chính yếu tố thần bí này đã trở thành điểm riêng biệt của Hồi giáo Đông Nam Á và làm cho Hồi giáo mau chóng có vị trí vững chắc ở nơi đây và dễ dàng xâm nhập vào các cư dân từ lâu đã sống trong ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ. Các cư dân Đông Nam Á bản địa dễ dàng tiếp thu Hồi giáo và đây cũng là xứ sở hiếm hoi mà Hồi giáo không phải dùng bạo lực để loại trừ những tôn giáo đã được thiết lập từ trước. Ngược lại, với kinh nghiệm song song tồn tại với các tôn giáo khác ở Ấn Độ, Hồi giáo tiếp tục biến đổi, uốn mình theo các phong tục truyền thống của địa phương. Thực ra, không phải khi đến Ấn Độ, Hồi giáo mới tiếp thu các yếu tố thần bí của phương Đông, mà các yếu tố này đã có sẵn trong truyền thống văn hoá của các cư dân vùng bán đảo Arập - nơi phát sinh của Hồi giáo và chúng đi vào Hồi giáo một cách tự nhiên. Có thể nói, chính những yếu tố thần bí trong Hồi giáo và khả năng kết hợp với các tín ngưỡng địa phương đã đẩy nhanh quá trình cải giáo ở khu vực này.
Thứ năm, việc sử dụng ngôn ngữ Malai để truyền giáo cũng góp phần làm cho Hồi giáo phát triển nhanh trên quần đảo Malay- Inđônêxia, sau đó là khu vực Đông Nam Á. Người Hồi giáo đã chọn tiếng Malai mà không chọn những ngôn ngữ khác trong khu vực, bởi vì từ thời tiền Hồi giáo, tiếng Malai đã được sử dụng rộng rãi và trở thành ngôn ngữ trung gian để giao tiếp, đặc biệt là trong giao lưu buôn bán của khu vực. Khi Hồi giáo đến, tiếng Malai đã đạt trình độ ngôn ngữ văn hoá tinh tế. Tiếng Malai được sử dụng hầu như trên khắp các cộng đồng Hồi giáo cho tới tận Campuchia và Việt Nam.
IV. Tình hình Hồi giáo ở Đông Nam Á hiện nay
Hiện nay, Đông Nam Á là một trong những khu vực chính của Hồi giáo với hơn 3/5 dân số là tín đồ Hồi giáo, tức là khoảng gần 200 triệu người. Đông nhất là ở Inđônêxia, khoảng trên 130 triệu, rồi đến Malasia khoảng 5-6 triệu, Nam Philippines, người Moros khoảng 3 triệu. Hồi giáo là quốc giáo ở Brunei, là tôn giáo chính ở Malaisia và Inđônêxia, là tôn giáo của các nhóm thiểu số lớn ở Philippines, Sinhgapore, Thái Lan…và có mặt ở Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Hồi giáo là một lực lượng chính trị, xã hội lớn ở Đông Nam Á. Có thể nói Đông Nam Á là nơi tập trung Đạo Hồi lớn nhất của thế giới, ngoài vành đai Hồi giáo truyền thống trải từ Tây Bắc Châu Phi đến Nam. Tuy Hồi giáo ở Đông Nam Á nằm ngoài phạm vi của trung tâm Hồi giáo là Trung Đông nhưng sự gắn bó về tâm lý, tinh thần đối với Đạo Hồi lại rất sâu sắc và mạnh mẽ, không khác biệt nhiều so với Hồi giáo chính thống ở những nơi khác. Bản thân Đông Nam Á là nơi không thuần nhất. Vấn đề chủng tộc ở Đông Nam Á rất phức tạp, thậm chí ở cả trong những người Hồi giáo. Đạo Hồi ở các nước khác nhau về nhiều mặt: ngôn ngữ, chủng tộc, đặc biệt là vấn đề dân tộc.
Hồi giáo ra đời tại Arập vào đầu thế kỉ VII, có giáo luật vào loại khắt khe nhất trong số các giáo luật tôn giáo. Các điểm đáng chú ý của Hồi giáo là tuân theo nguyên tắc năm trụ cột:
- Đóng góp cho Đạo Hồi 10% thu nhập của mình.
- Không ăn thịt lợn dưới bất kì hình thức nào.
- Trong đời ít nhất một lần hành hương đến thánh địa Mecca.
- Người đàn ông Hồi giáo có thể lấy bốn vợ, nhưng phải tôn trọng nguyên tắc: Khi lấy vợ sau phải được người vợ trước đồng ý và của cải tiền bạc do người chồng kiếm được phải phân phát công bằng cho tất cả các người vợ, không thiên vị bất cứ ai.
- Nữ giới  phải đội khăn khi ra khỏi nhà để che tóc vì theo quan niệm Hồi giáo, tóc sexy  nhất, chỉ người chồng mới được chiêm ngưỡng….
Giáo luật trên đây khi vào Đông Nam Á bị thay đổi chút ít cho phù hợp với văn hoá bản địa. Vào Đông Nam Á, Hồi giáo không còn cuồng tín  bởi vì phải qua “máy lọc” đầy tính nhập thế của Ấn Độ- nơi Hồi giáo  nhập cư trước khi du nhập vào Đông Nam Á và chịu ảnh hưởng tính nhân bản của văn hoá bản địa. Mặc dù giáo luật nghiêm khắc, nhưng trên thực tế, Hồi giáo không phải hoàn toàn cực đoan, nghĩa là bắt các tín đồ của mình từ bỏ hoàn toàn cuộc sống hiện tại, coi cuộc sống hiện tại chỉ là tạm bợ, chỉ đặt niềm tin vào kiếp sau, vào thế giới bên kia.
Tình hình cụ thể của Hồi giáo ở một số nước Đông Nam Á
Inđônêxia, 90% dân số của đất nước 180 triệu người này theo Hồi giáo. Inđônêxia không chỉ là một đất nước có dân số theo Hồi giáo lớn nhất khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Trong Đạo Hồi của Inđônêxia, ngoài sự đa dạng về khu vực, ngôn ngữ và chủng tộc, cũng bị chia ra thành nhiều trường phái như Hồi giáo Abangan, Hồi giáo Santri. Ngay trong trường phái Santri còn chia ra thành trường phái cải cách, truyền thống, thần bí…
 Cộng đồng Hồi giáo còn bị phân chia theo cách giáo dục như  người theo hệ thống giáo dục thế tục hoặc tôn giáo…Người Hồi giáo ở Inđônêxia còn chia thành nhóm người có quyền lực và nhóm đại diện cho quần chúng. Đại bộ phận người theo Đạo Hồi sống ở nông thôn và là nông dân. Tầng lớp theo Đạo Hồi sống ở thành phố chủ yếu là tiểu thương và dân lao động.
Malaisia, người theo Đạo Hồi chiếm hơn 55% dân số. Tuy không phải toàn bộ những người theo Đạo Hồi là người gốc Malaisia, nhưng đã là người gốc Malaisai phải là người theo Hồi giáo. Ở Malaisia chia ra người bản xứ và không phải bản xứ. Nhìn chung, người không phải bản xứ thường là người Hoa, có khả năng về kinh tế và sống ở thành thị. Đại đa số người bản xứ sống ở nông thôn và thế lực kinh tế yếu hơn so với người Hoa.
Sinhgapore là một nước có khoảng 2,5 triệu dân, nhưng là một nước đa chủng tộc, đa ngôn ngữ và đa tôn giáo. 77% dân số là người Hoa người Mã Lai  chiếm 15%, người Ấn 6%. Giống như ở các nước Đông Nam Á khác, Hồi giáo ở Sinhgapore không đồng nhất. Đại bộ phận người theo đạo Hồi là người Malaisia. Số người Hoa theo Hồi giáo là rất nhỏ. Cộng đồng Hồi giáo Malaisia nói chung yếu về kinh tế và xã hội so với người theo Đạo Hồi không phải gốc Malaisia, thậm chí thấp hơn cả về học vấn.
Hồi giáo ở Philippines có lịch sử lâu đời. Hồi giáo bắt đầu tiến vào các đảo ở miền Nam Philippines vào cuối thế kỉ XIV. Vào những năm 80 của thế kỉ này trên các đảo Tavitavi, Simunul bắt đầu xuất hiện những cộng đồng Hồi giáo đầu tiên. Bắt đầu từ thời thực dân nước ngoài xâm chiếm đất nước này, những người Hồi giáo ở miền nam Philippines đã chống lại sự xâm chiếm thuộc địa của Tây Ban Nha. Tuy nhiên cuộc xâm lược ồ ạt của Tây Ban Nha đã làm giảm và loại bỏ hầu như hoàn toàn các tiểu quốc Hồi giáo ở đây và đẩy lùi quá trình bành trướng của Hồi giáo ở miền Bắc Philippines. Do vậy, ngày nay ảnh hưởng của Hồi giáo chỉ còn thấy ở địa điểm ban đầu, khi nó mới đến là Mêndanao và Sulu.
Còn khu vực Hồi giáo phía Nam, mãi đến đầu thế kỷ XX thì mới bắt đầu hoà nhập chung vào đất nước một cách có hệ thống và về mặt hành chính. Người theo đạo Hồi ở Philippines được gọi là người Moros. Số người Moros có khoảng 4,5 triệu, tức là khoảng 9% dân số. Đại bộ phận họ làm nghề đánh cá, nghề nông. Một số nhỏ làm là công chức nhà nước hoặc giáo viên, quân nhân hoặc ngành tư pháp…
Tình hình Hồi giáo ở Brunei khác hẳn với các nước Đông Nam Á khác. Brunei có khoảng 250.000 người, mà phần lớn theo Đạo Hồi. Đạo Hồi là quốc đạo của Brunei. Cộng đồng Hồi giáo ở đây cũng được hình thành trong quá trình chung của các nước hải đảo Inđônêxia và Malaisia.
Đối với Thái Lan, Hồi giáo là tôn giáo đứng thứ hai sau Phật giáo về số người theo đạo. Hồi giáo ở Thái Lan chiếm khoảng 4% dân số của đất nước 50 triệu người. Về phương diện dân tộc học, có thể chia các tín đồi Hồi giáo Thái Lan thành nhóm người Mã Lai Hồi giáo  và người Hồi giáo không phải Mã Lai. Người Hồi giáo Mã Lai chiếm khoảng 70-80% tổng số các tín đồ Hồi giáo cả nước. Hiện nay, tuy đã trở thành công dân của Thái Lan, các tín đồ Hồi giáo Mã Lai vẫn giữ gìn bản sắc văn hoá Mã Lai và gắn bó chặt chẽ với thế giới Mã Lai về nhiều phương diện, đặc biệt là về ngôn ngữ, văn hoá, kinh tế- xã hội. Còn những người Hồi giáo phi Mã Lai gồm có các tín đồ Ấn Độ, Pakistan, Iran, Trung Quốc, Inđônêxia.... Điều đáng lưu ý là những người Hồi giáo phi Mã Lai này chính thức được xem là người Thái Hồi giáo, bởi vì họ nói tiếng Thái, hoà nhập với khung cảnh văn hoá Thái.
Về cơ bản, những người Hồi giáo ở Thái Lan sống ở vùng nông thôn, làm nông nghiệp, đánh bắt cá. Còn ở đô thị, đại đa số người theo Hồi giáo là tiểu thương, lao động và viên chức nhà nước, một số ít khác cũng khá thành đạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Về mặt kinh tế, người theo Hồi giáo không khác nhiều lắm so với những tín đồ đạo Phật. Hồi giáo ở Thái Lan rải rác trên toàn quốc. Tuy vậy, cũng có 4 nơi đông nhất là ở các tỉnh ở cực nam của Thái Lan (nơi mà người Mã Lai chiếm đa số).
Hồi giáo bắt đầu xâm nhập vào Myanmar khoảng thế kỉ thứ XIII-XIV và có nguồn gốc từ Benlgan. Belgan đã theo Hồi giáo vào khoảng đầu thế kỉ thứ XIII và là giới hạn Cận Đông của con đường bành trướng theo đường bộ của Hồi giáo. Vào thế kỉ XVI, phần lớn cư dân của Bắc Myanmar đã theo Hồi giáo, trong khi vùng trung tâm vẫn theo Phật giáo. Sau đó, vào thời kì thuộc địa của Anh, hàng loạt các cư dân Hồi giáo Ấn Độ di cư tới đây, khiến cộng đồng Hồi giáo ở đây mạnh lên cả về số lượng và biến đổi về nội dung tôn giáo. Hiện nay, ngoài những khu vực đã kể trên thì ở một số thành phố lớn thuộc miền Trung và Nam Myanmar, vùng biên giới Thái Lan-Myanmar, Hồi giáo cũng rất phát triển.
Việt Nam, theo thống kê gần đây nhất thì hiện nay có khoảng trên, dưới 70.000 tín đồ Hồi giáo, 257 chức sắc và 70 thánh đường. Ở  Việt Nam có ba cộng đồng Hồi giáo chính.  Đó là cộng đồng Hồi giáo người Chăm, cộng đồng Hồi giáo người Malaisia, cộng đồng Hồi giáo người Ấn Độ. Những cộng đồng Hồi giáo này tập trung chủ yếu ở miền Trung và Nam Bộ.
Người Malai ở Việt Nam di cư sang từ cuối thế kỉ XIX, chỉ bằng 8% người Chăm và hiện nay cũng không tăng thêm là mấy. Cộng đồng Hồi giáo này được hình thành từ trước năm 1882, bởi đại bộ phận tín đồ là người lao động nghèo từ Malasia đi theo chủ tư bản người Anh- Pháp đến các vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Châu Đốc, Tây Ninh, để sinh sống bằng các nghề. Đối với các giáo luật và các điều khác liên quan đến Đạo Hồi, họ chỉ hoàn toàn lặp lại những điều họ còn nhớ được từ những người anh em của họ ở bán đảo Malăcca, mà họ vẫn có mối liên hệ thường xuyên. Người Malaisia Hồi giáo ở Việt Nam thuộc phái Hồi giáo “shiites”, nói chung có nắm được những giáo luật của Đạo Hồi, đọc được kinh Koran và các lời bình giảng. Người nào thờ cúng một ngẫu tượng lạ sẽ bị trục xuất ra khỏi cộng đồng. Một vài người có đi hành hương ở Meca, hoặc họ góp tiền để một người đi thay.
Cộng đồng Hồi giáo người Ấn Độ chủ yếu tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây nguyên là nhóm Ấn kiều di nhập vào đây khoảng từ năm 1880-1900 gồm các nhà kinh doanh mà chủ yếu là kinh doanh vải sợi.
Vấn đề Hồi giáo đối với dân tộc Chăm là một vấn đề không lớn lắm đối với lịch sử Việt Nam, nhưng là một vấn đề lịch sử- văn hoá lý thú và có ý nghĩa đối với đời sống người Chăm- một bộ phận (khoảng 1%) của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Người Chăm tập trung chủ yếu ở hai vùng: ở Trung Bộ và Nam Bộ.
Vào thế kỉ thứ XVII, Đạo Hồi bắt đầu có những dấu hiệu thịnh vượng ở hai tỉnh Bình thuận và Ninh Thuận. Những người Chăm Hồi giáo ở Ninh Thuận cư trú rải rác ở vùng ven biển, còn ở Bình Thuận cư trú thành ba nhóm: Phan Rí, Phan Thiết, Tánh Linh. Nói chung, những người Chăm theo Hồi giáo ở Ninh Bình và Ninh Thuận đều là những người “ Hồi sớm”, tức là đến sớm mà không sâu, căn bản vẫn là Chăm, lưu giữ, pha trộn nhiều tập tục tín ngưỡng Hin- đu với cấm kị Hồi giáo. Họ không theo đầy đủ, không đúng qui tắc và không liên hệ gì với thế giới Hồi giáo cũng như những người đồng đạo của mình ở Nam Bộ. Đạo Hồi của người Chăm ở đây có vẻ như thuộc phái Shiite bởi các vị thánh Hasan, Husain và Ali được đặc biệt sùng bái và cầu khẩn. Tuy vậy, Hồi giáo ở đây cũng đã bị biến dạng đi rất nhiều do chịu ảnh hưởng, tác động của tín ngưỡng hồn linh giáo và Hinđu giáo đã có mặt ở đây rất lâu và hiện nay vẫn tồn tại bên cạnh đạo Hồi. Vì cùng tồn tại hai thực thể khác nhau, sống bên cạnh nhau, nên người Chăm theo tôn giáo truyền thống (Hinđu) gọi mình là Chăm Bà La Môn, Hay Chăm Jat (Jati: nguồn, nguồn gốc). Còn Chăm theo Đạo Hồi tự gọi mình là Chăm Banis (tiếng Arab Beni- con, tức là con cháu của Thánh Ala). Tập tục của hai cộng đồng cũng khác nhau. Nếu người Chăm Jat theo mẫu hệ, thì người Chăm Banis theo phụ hệ, người đàn ông theo luật lệ Hồi giáo có thể lấy tới bốn vợ. Hiện tượng này ngay nay vẫn còn nhưng không phổ biến.
Còn ở Nam Bộ, người Chăm cư trú xen kẽ với người Việt. Trung tâm của người Chăm Hồi Nam Bộ là Châu Đốc (An giang). Nhìn chung, người Chăm Hồi cư trú xen kẽ, hoà thuận lâu năm với những người  theo tôn giáo khác. Phụ nữ  Chăm Hồi không trùm khăn che mặt như ở nhiều nước Hồi giáo chính thống. Người Chăm ở Nam Bộ là những người Hồi giáo nhiệt thành, tuân theo nhiều nghi lễ, qui tắc Hồi giáo như ăn kiêng, đặc biệt là kiêng thịt lợn, tháng nhịn ăn Ramađa. Các buổi lễ trong ngày và các ngày lễ trong tuần luôn được duy trì. Việc hành hương đến Thánh địa Mecca vẫn được coi trọng và cố gắng thực hiện. Người Chăm có tập quán theo mẫu hệ lâu đời. Đạo Hồi đã đem phụ hệ, phụ quyền vào đời sống người Chăm, nhưng dung hoà ít nhiều với phong tục truyền thống Chăm.
Nhìn chung, trong cộng đồng Chăm Hồi, văn hoá truyền thống và phong tục Chăm vẫn có sức sống  mạnh mẽ. Tuy nhiên, khó không thể không nhận thấy những ảnh hưởng sâu rộng của Malaisia Hồi giáo, như bên cạnh  chữ Chăm truyền thống (gọi là chữ Srrah), họ còn học chữ Arập, nhất là trẻ em đến tuổi đi học, để đọc kinh Koran, sử dụng cả chữ Malayu(Maláiia), thêm bớt kí hiệu để phiên âm sang mẫu tự latinh.
Như vậy, Hồi giáo đang dần bào mòn và làm biến dạng bản sắc văn hoá truyền thống và phong tục, từng bước kéo xích lại gần hơn với cộng đồng Hồi giáo cùng ngữ hệ Mãlai ở các nước ngoài.
Trong ba cộng đồng Hồi giáo này, cộng đồng Hồi giáo người Chăm có phần ổn định hơn những cộng đồng còn lại. Mặt khác, qua khảo sát và nghiên cứu về mối quan hệ giữa ba cộng đồng Hồi giáo này, có thể ghi nhận khá rõ nét là mỗi cộng đồng Hồi giáo ở đây thể hiện đậm nét sắc thái văn hoá của dân tộc mình, đồng thời cũng thể hiện tính thống nhất trong quan niệm của những người cùng tôn giáo.
Tóm lại, nếu đạo Hồi ở Campuchia còn khá trong sáng, thì nay đã bị phai nhạt nhiều trong cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam, bởi vô vàn sự pha trộn với các lễ tục Hồn linh giáo cũng như Hinđu giáo. Người Chăm ở đây cũng không có ý định trở thành những tín đồ Hồi giáo chân chính. Duy chỉ có người Malaisai là không bị ảnh hưởng của sự thờ cúng các vị thần linh ngoại đạo.
KẾT LUẬN
Sau khi nghiên cứu những nét đặc trưng văn hoá chung của Đông Nam Á, sự xâm nhập của đạo Hồi vào đây cũng như tình hình Hồi giáo hiện tại ở một số nước cụ thể của khu vực Đông Nam Á, tác giả tiểu luận rút ra một số kết luận như sau:
1. Đông Nam Á là một khu vực địa lý - lịch sử - văn hoá quan trọng trong lịch sử toàn thế giới. Trước khi có sự hội nhập với các nền văn minh bên ngoài, các cư dân bản địa Đông Nam Á đã có một nền văn hoá khá cao. Mặc dù trong quá trình phát triển, văn hoá Đông Nam Á có chịu sự tác động, ảnh hưởng của các nền văn minh  láng giềng, nhưng nó không bị đồng hoá, mà lựa chọn những gì thích hợp và hoà nhập với các đặc điểm của mình, chứ không hoàn toàn tiếp thu tất cả những gì xa lạ với nó.
2. Có chung một khu vực địa lý, có chung một nền văn minh nông nghiệp sản xuất lúa nước, cho nên văn hoá Đông Nam Á có tính  thống nhất của khu vực. Nhưng trong những điều kiện lịch sử cụ thể, do những ứng xử khác nhau trong quá trình tiếp xúc với văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, cộng với nguồn gốc riêng của mình, mà mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, đất nước có nền văn hoá với bản sắc riêng của mình, được phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Có thể gọi đây là sự thống nhất trong đa dạng. Các dân tộc Đông Nam Á đã đóng góp vào kho tàng văn hoá chung của loài người những giá trị tinh thần độc đáo.
3. Trong kho tàng văn hoá đặc sắc ấy, đạo Hồi là một nét riêng, đặc biệt, sau khi xâm nhập và hoà nhập đã thể hiện bản sắc văn hoá Đông Nam Á một cách rõ nét. Đạo Hồi ở Đông Nam Á có những đặc trưng riêng. Chỉ riêng việc Hồi giáo đến Đông Nam Á bằng con đường hoà bìnhthông qua thương mại và các thương nhân, không có chiến tranh  tôn giáo cũng đã thấy sự hoà nhập dễ dàng của Hồi giáo vào đây do những điều kiện  lịch sử thuận lợi.
4. Hồi giáo ở những nước khác nhau của Đông Nam Á có vai trò chính trị và địa vị khác nhau. Nhưng Hồi giáo đến Đông Nam Á đã có nhiều điểm khác biệt với Hồi giáo chính thống. Điều này có thể dễ dàng giải thích bằng sự pha trộn tín ngưỡng và "máy lọc" đầy tính nhân bản của nền văn minh bản địa khi tiếp nhận Hồi giáo.
5. Có thể thấy, Hồi giáo ngày càng gia tăng ảnh hưởng của mình trong đời sống chính trị của nhiều nước khu vực Đông Nam Á. Ở nhiều nước, Hồi giáo là quốc đạo và thực sự đóng vai trò hệ tư tưởng điều hành đất nước. Tuy vậy, khác với những quốc gia Hồi giáo ở Trung cận Đông, Hồi giáo mặc dù có khả năng chi phối, ảnh hưởng tực tiếp đến hoà bình và ồn định của khu vực nhưng sự chi phối của Hồi giáo ở Đông Nam á vẫn mềm mại và ít căng thẳng hơn. Điều đó lại một lần nữa lí giải sức cải biến, sự linh hoạt tác động ngược trở lại để hoà nhập văn minh bên ngoài vào mình của nền văn hoá bản địa Đông Nam Á.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. TÀI LIỆU BẰNG TIẾNG VIỆT
1. Lịch sử Đông Nam Á, D.G.E. Hall, NXB CTQG. 1997
2. Đạo Hồi và chủ nghĩa dân tộc ở Malaixia, Phạm Thị Vinh, T/C " Nghiên cứu Đông Nam Á", 4/1997.
3. Từ góc độ xã hội xem xét sự phát triển của tôn giáo, Gaoshining, T/C "Nghiên cứu tôn giáo", Số1/2000.
4. Lược sử Đông Nam Á, Phan Ngọc Liên (chủ biên), NXB Giáo dục 1999.
5. Đạo Hồi: Một số đặc điểm và ảnh hưởng quốc tế, Hải Đông,  T/C " Nghiên cứu quốc tế", Số 11
6. Thử tìm hiểu vài nét về đạo Hồi , Lương Thị Thoa, T/C  "Nghiên cứu tôn giáo", Số 5/2001
II. TÀI LIỆU BẰNG TIẾNG NGA
7. Đạo Hồi ở Đông Nam Á, Petrov. A.L, T/C "Các dân tộc châu Á và châu Phi", 12/2001.
8. Hồi giáo ở Đông Dương, Miliukov P.H, Báo "Luận chứng và sự kiện", Số 2-7/2001.
9. Đạo Hồi, sắc tộc và chủ nghĩa li khai ở Đông Nam Á, Porsnev P.G. M.1979.
10. Lịch sử cận đại các nước  Á Phi,  A.A Gube, G.F Kim, A.N Hâyphết, NXB Khoa học. M.1982.

Có thể Dowload ở địa chỉ: Trang Web TRI THỨC

1 nhận xét:

  1. Ở Đông Nam Á, bức tranh về tôn giáo rất đa dạng nhiều vẻ, bởi trong quá trình phát triển của lịch sử, ở đây đã hội tụ đầy đủ các hệ ý thức tư tưởng từ cả Phương Đông( Trung Quốc, Ấn Độ, Arập) và Phương Tây.

    Phong thuy 2017

    Phong thuỷ 2017

    Xem tuoi lam nha 2017

    phong thủy phòng thờ

    Trả lờiXóa

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!